Thanh Hải
Trong thế giới hiện đại, mọi nhà nước đều khẳng định quyền tự do tôn giáo trong xã hội, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc: Mọi hoạt động tôn giáo phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Điều đó cho thấy, tự do tôn giáo là có giới hạn. Vì thế, một số người đang lấy tư cách tín đồ thay thế tư cách công dân trong hoạt động xã hội, cần nhận thức nghiêm túc về vấn đề này…
Thời gian qua, CH Pháp phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực vì một bộ phận cực đoan trong cộng đồng Hồi giáo đã lợi dụng tự do tôn giáo để có hành động vi hiến. Trước thực tế đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp của nước này đưa ra một số biện pháp cứng rắn. Ngày 16-2-2016 trang mạng Đài Phát thanh Đức (Deutschlandfunk) đăng bài Sợ khủng bố - Một người Pháp theo đạo Hồi giáo phản đối sự quản thúc. Bài báo cho biết, kể từ sau các cuộc tiến công khủng bố vào tháng 11-2015, chính quyền Pháp đã khám xét hơn 3.000 ngôi nhà và đã quản thúc khoảng 400 người. Những biện pháp này được tiến hành mà không có lệnh của tòa án. Yumes (Y-u-mét) 29 tuổi, không được rời khỏi căn hộ của mình vào ban đêm; vì cảnh sát cho rằng, anh này đã đến thăm một thánh đường Hồi giáo và liên hệ với một số người Hồi giáo cực đoan. Yumes coi đây là việc làm sai trái và mình vô tội, cho nên đã kiện ra tòa song không được tòa chấp nhận. Vì vậy, Yumes không được ra khỏi địa phận thành phố vào ban ngày.
Không chỉ các hành động liên quan bạo lực hay khủng bố, mà trong cư xử hằng ngày, ngay cả việc ăn mặc, có biểu hiện lợi dụng tự do tôn giáo cũng bị cấm. Thí dụ ở Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và bang Tessin (Tét-sin, Thụy Sĩ) cấm phụ nữ Hồi giáo mặc Burka (buốc-ca - kiểu áo dài che toàn thân). Tòa án Nhân quyền châu Âu đã phán quyết coi điều luật nghiêm cấm như vậy là chuẩn xác. Ngày 11-4-2016, trang mạng của Đài Phát thanh Đức đăng bài Pháp 5 năm cấm mặc Burka. Bài báo cho biết, thời gian qua ở Pháp có 1.500 người phụ nữ mặc Burka ở nơi công cộng đã bị phạt tiền, mỗi lần phạt 150 ơ-rô. Cả khi đang làm việc mà phụ nữ theo Hồi giáo trùm khăn che đầu cũng có thể bị cấm. Như ngày 31-5-2016, Báo miền nam Đức (Süddeutsche Zeitung) đăng bài Cấm khăn trùm đầu lệnh ở nơi làm việc là hợp pháp về trường hợp một phụ nữ Hồi giáo làm việc tại bộ phận lễ tân của một công ty thuộc Vương quốc Bỉ. Sau ba năm làm việc, phụ nữ này yêu cầu được phép trùm khăn che đầu của phụ nữ theo Hồi giáo, nhưng đã không được chấp nhận và bị buộc thôi việc. Công ty này bị kiện ra tòa, vì nguyên đơn cho rằng, đã vi phạm tự do tôn giáo. Nhưng các thủ tục xét xử ở Bỉ lại đều xác nhận sự chuẩn xác của việc nghiêm cấm. Cuối cùng, tòa phúc thẩm của Vương quốc Bỉ chuyển hồ sơ tới Tòa án Nhân quyền châu Âu. Công tố viên Tòa án Nhân quyền châu Âu tuyên bố việc cấm là đúng luật và cho biết tòa sắp ra phán quyết cuối cùng trên tinh thần đó.
Tương tự, ngày 25-5-2016, trang mạng Đài Phát thanh và Truyền hình Thụy Sĩ (SRF) đăng bài Những giới hạn của tự do tôn giáo, theo đó, một sự việc xảy ra ở Trường tiểu học Therwil (The-vi-lơ) được bàn luận vượt ra khỏi ranh giới đất nước. Hai học sinh nam, con của một gia đình di cư đến từ Syria (Xy-ri) từ chối bắt tay cô giáo của mình, vì cho rằng, đàn ông theo đạo Hồi không được phép làm điều đó. Cơ quan giáo dục không chấp nhận hành động này và trưng cầu giám định của chuyên gia pháp lý. Theo bản giám định được công bố, thì từ chối bắt tay phụ nữ ở Thụy Sĩ là một hành động vượt quá khuôn khổ tự do tôn giáo. Nếu hai học sinh tiếp tục lạm dụng tự do tôn giáo sẽ bị phạt.
Liên quan đến tự do tôn giáo của học sinh trong hoạt động nhà trường, ở CHLB Đức cũng có một thủ tục xét xử theo luật hành chính tại tòa án chuyên trách cao nhất Liên bang. Như bài Tự do tôn giáo: Phụ nữ Hồi giáo phải tham gia học bơi đăng trên Thời gian trực tuyến(Zeit Online) ngày 11-9-2013 cho biết, một nữ sinh 11 tuổi ở Frankfurt (Phơ-ranh-phuốc) xin nhà trường cho miễn học môn bơi lội, vì theo quy định của đạo Hồi, phụ nữ không được mặc hở hang trước nam giới. Và nhà trường đã từ chối yêu cầu. Tiếp đó, đơn kiện của nữ sinh đã bị tòa án các cấp từ địa phương đến trung ương bác bỏ. Tòa án hành chính tối cao cũng phán quyết, tự do tôn giáo không thể vượt qua giới hạn; để tôn trọng các quy định khác, nếu thấy cần thiết nữ sinh này có thể mặc áo bơi che toàn thân.
Ở CHLB Đức, luật pháp không cấm phụ nữ theo Hồi giáo mặc Burka tại nơi công cộng, nhưng cấm nữ sinh dùng Niqab (tấm màn che mặt, thường được dùng cùng áo choàng mầu đen) khi đến trường. Tạp chí Tấm gương trực tuyến (Spiegel Online) đăng bài Phán quyết ở Bavaria: Học sinh không được đến lớp học với bức màn che mặt ngày 25-4-2014, cho biết, một nữ sinh trường học nghề ở bang Bavaria (Ba-va-ri-a) đã kiện ra tòa vì bị cấm dùng Niqab khi đến trường. Tòa án hành chính tối cao của bang này phán quyết rằng, giới hạn tự do tôn giáo như vậy là không trái luật.
Mới đây, một sự kiện được nhắc tới để chỉ ra giới hạn của tự do tôn giáo. Như theo bài Người phụ nữ mặc Burka cũng muốn mình như tất cả phụ nữ Đức khác đăng trên tờ Thế giới (Die Welt) ngày 20-4-2016 thì một phụ nữ theo đạo Hồi với tư cách vừa là nhân chứng, vừa là người bị hại vì bị xúc phạm, khi ra trước tòa án của tiểu bang Munich (Mu-ních) trong phiên xử phúc thẩm đã mặc Burka và che kín mặt. Trong thủ tục sơ thẩm, phụ nữ này từ chối cho quan tòa xem mặt vì lý do tôn giáo. Nhưng tòa án đã làm tất cả, kể cả trưng cầu giám định về luật Hồi giáo để chứng minh tự do tôn giáo không thể vô giới hạn, đồng thời buộc phụ nữ này phải chấp nhận yêu cầu của tòa.
Những gì xảy ra vừa qua ở CHLB Đức đối với giáo phái “Mười hai bộ lạc” được coi là thí dụ sinh động về giới hạn của tự do tôn giáo. Ra đời từ những năm 70 thế kỷ trước ở Mỹ, giáo phái “Mười hai bộ lạc” coi mình là dòng Kitô giáo ban đầu và chính thống, mọi thành viên giáo phái sinh sống, thực hành đức tin theo đường hướng trung thành Kinh thánh. Cuối thế kỷ 20, giáo phái này mở rộng ảnh hưởng tới các nước châu Âu như Pháp, Đức, CH Séc… Do phương cách sống, quan niệm sống có đặc điểm riêng cho nên ở Đức họ đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giáo dục thành viên trẻ. Không chấp nhận giáo dục công cộng, họ tự lo tổ chức dạy học. Theo giáo phái “Mười hai bộ lạc”, giáo dục giới tính là cấm kỵ, roi vọt và hành vi đánh đập được thực hiện phổ biến đối với trẻ em. Cơ quan công quyền CHLB Đức đã có biện pháp cứng rắn, như phạt tiền, truất quyền nuôi dưỡng con cái. Ngày 15-1-2014, trang mạng Đài Phát thanh Đức đăng bài Cô giáo hay đánh đập của cộng đồng tôn giáo “Mười hai bộ lạc” phải ngồi tù cho biết: Một cô giáo 56 tuổi thường đánh đập học sinh theo truyền thống tôn giáo của mình và đã bị kết án hai năm tù sau phiên tòa phúc thẩm. Sau khi chủ tọa đọc xong bản án, bị cáo bị bắt giam ngay tại phòng xét xử.
Ngày 15-6-2004, trang mạng bpb.de thuộc Trung tâm giáo dục chính trị Liên bang - cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ CHLB Đức, đăng bài Những giới hạn của tự do tôn giáo, có đoạn viết: “… Tự do thực hành tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người, được xác định trong tất cả các hiến pháp và trong Tuyên bố Nhân quyền của Liên hợp quốc. Nhưng tự do này không phải là tuyệt đối. Tự do tôn giáo bị hạn chế trong những quyền cơ bản và quyền của con người khi có sự cạnh tranh, vi phạm tự do của người khác. Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ các quyền cơ bản khi có cạnh tranh và mang lại một cân bằng xác đáng... Với các giới hạn của các quyền cơ bản - đặc biệt là quyền tự do thực thi tôn giáo - thì trách nhiệm thuộc về trật tự nhà nước và tòa án. Cần nhận biết sự tách biệt giữa nhà thờ với nhà nước và cần chỉ rõ các giới hạn. Giới hạn ở đây là phải nhận thức rằng, giới luật tôn giáo không phải là xác định trật tự chính trị, cần phải được ràng buộc qua việc tôn trọng các quyền con người. Cứu rỗi tôn giáo không thể là nỗ lực phấn đấu về chính trị…”.
Dẫn chứng và quan điểm nêu trên cho thấy, chính quyền các nước phương Tây không làm ngơ trước bất kỳ hành động nào đi ngược quy định chung của xã hội, dù người vi phạm là thành viên một cộng đồng tôn giáo. Họ thường xuyên nhắc nhở, kêu gọi mọi người suy nghĩ, hành động trên cơ sở nguyên tắc: Tự do tôn giáo là có giới hạn. Rất nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì có hành vi nhân danh tôn giáo mà vượt qua những giới hạn luật pháp cho phép.
Vậy nên thiết nghĩ, dù ở Việt Nam hay phương Tây thì việc đề nghị Nhà nước giải quyết yêu cầu nào đó là quyền của người dân, tuy nhiên, Nhà nước lại đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm thực hiện các quyền này trong tư cách công dân, trong khuôn khổ luật pháp, không nhân danh tư cách nào khác.
Ngày nay, nhân loại đã phát triển tới thời kỳ mọi xã hội đều được tổ chức, quản lý trên cơ sở pháp luật, yêu cầu trước hết mỗi người phải là một công dân sống, làm việc theo pháp luật. Nhân loại đã đi qua thời tôn giáo nào đó tự cho mình quyền đứng trên pháp luật. Chính vì thế không ai có thể tự cho mình có quyền nhân danh tôn giáo để đưa ra đòi hỏi phi lý, rồi khi không được đáp ứng thì lu loa chính quyền xâm phạm tự do tôn giáo!
Từ ngày thành lập đến nay, Nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn có đường lối, chính sách nhất quán trong khi khẳng định quyền tự do tôn giáo của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để công dân theo bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể vừa thực hiện trách nhiệm công dân, vừa thực hành đức tin tôn giáo của mình.
Không ai có thể phủ nhận sự thật là mọi tôn giáo ở Việt Nam luôn được Nhà nước tôn trọng, tạo điều kiện để phát triển. Do vậy, việc một số quốc gia, tổ chức quốc tế bằng thái độ phiến diện, thiếu khách quan, sử dụng cái gọi “tiêu chuẩn kép” để đưa ra những đánh giá sai trái về tự do tôn giáo ở Việt Nam, xét đến cùng là nhằm làm tổn hại uy tín của Nhà nước Việt Nam và phải chăng qua đó, họ muốn hậu thuẫn, tiếp tay cho một số người đã và đang nhân danh tự do tôn giáo để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối?
No comments:
Post a Comment