2017/04/24

Cho kẹo Mỹ cũng không thể tấn công Triều Tiên

Mõ Làng

Sau khi Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công bằng tên lửa vào Syria và Mỹ tăng cường gấp đôi các cuộc phô diễn sức mạnh quân sự hướng đến Triều Tiên, dư luận tỏ ra lo lắng. 

Phó Tổng thống Mỹ vừa có chuyến công du đến châu Á để trấn an đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc. Cách trấn an chẳng có gì mới ngoài "tuyên bố cứng rắn" và "diễu võ dương oai" bằng chiến hạm và tập trận. Trong chặng dừng chân ở Nhật, Phó Tổng thống Mỹ đã đe dọa Triều Tiên không nên thử thách quyết tâm của quân đội Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đáp trả "mạnh mẽ và hiệu quả" đối với bất kỳ cuộc tấn công nào sử dụng vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạt nhân. Tại Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố thời kỳ "kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên đã hết.

Dư luận thế giới đã xuất hiện những lời đồn đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ là mục tiêu tiếp theo của một hành động đơn phương của Mỹ.

Xem ra, Triều Tiên vẫn phớt lờ những đe dọa của Mỹ. Ngày 15/4, Triều Tiên đã tiến hành cuộc duyệt binh quy mô rất lớn với những vũ khí chiến lược hùng hậu, đồng thời họ vẫn tiến hành một vụ thử tên lửa mới. Lộ trình chỉ còn thiếu vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

              Cuộc duyệt binh hoành tráng tổ chức sáng 15/4 tại Bình Nhưỡng

Mặc dù vậy chính quyền Mỹ vẫn chưa động thủ gì và nói rằng, hành động quân sự chỉ là một trong những sự lựa chọn được đưa ra xem xét. Nhưng có nhiều yếu tố cho thấy Triều Tiên không phải là Syria và nếu như sử dụng đòn quân sự chống Triều Tiên sẽ đem lại những sự mạo hiểm lớn hơn nhiều. Những lý do sau đây khiến "cho kẹo" Mỹ cũng không thể tấn công Triều Tiên như đã làm với Syria?

Trước tiên, Triều tiên không phải là Syria.

Quốc gia Trung Đông ấy đang có chiến tranh, thêm một loạt tên lửa hay "bom mẹ" cũng chỉ có thêm tiếng nổ chết chóc. Syria chưa có vũ khí hạt nhân, còn năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã đạt độ chín trong thời gian gần đây. Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân (để có thể gắn vào tên lửa). 

Triều Tiên cũng đã có trong tay các tên lửa đạn đạo tầm trung và đang thử nghiệm, phát triển loại tên lửa xuyên lục địa. Dù chưa thành công hoàn toàn, nhưng các chuyên gia quân sự tin rằng Triều Tiên tin rằng họ sẽ có thể phát triển tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Giới lãnh đạo Triều Tiên chưa bao giờ sợ hãi và khuất phục Mỹ, càng không bao giờ sợ Hàn Quốc và Nhật Bản. Cộng với tính khí ương ngạnh chẳng còn gì để mất, nếu Mỹ phát động chiến tranh thì họ sẽ không dừng lại ở giới hạn đáp trả. Giới tuyến Nam- Bắc hiện tại chỉ là ranh giới đình chiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tràn xuống phía nam.

Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên chiến tranh sẽ lan đến biên giới Trung Quốc.

Trung Quốc lo ngại các tỉnh biên giới với Triều Tiên sẽ tràn ngập người tỵ nạn nếu chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong un sụp đổ. Dưới góc độ địa chính trị, Bắc Kinh coi Triều Tiên là vùng đệm ngăn đám cháy lan đến nhà mình. Họ sẽ hành động như năm xưa họ đã làm với Việt Nam khi Mỹ tấn công Bắc Việt.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là đồng minh của Triều Tiên. Từ năm 1961, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau, theo đó mỗi nước cam kết sẽ hỗ trợ ngay lập tức về mặt quân sự và các mặt khác cho nước bên kia trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài. Hiệp ước này đã được gia hạn hai lần và sẽ còn hiệu lực cho đến năm 2021.

Biên giới Bắc - Nam Triều Tiên chỉ là giới tuyến tạm thời của một cuộc đình chiến từ 1953 dưới sự bảo trợ của Trung Quốc và Mỹ. Về khía cạnh kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên hiện vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Nếu như Mỹ châm ngòi cho cuộc tấn công, điều đó có nghĩa là sẽ phá vỡ một thỏa thuận được Trung Quốc và Liên Hợp quốc bảo trợ. Trung Quốc có thể giúp Triều Tiên tràn qua giới tuyến mà không cần Liên Hợp Quốc cho phép.

Nga, cường quốc hàng xóm thứ 2 của Triều Tiên đã lên tiếng.

Triều Tiên cũng có biên giới chung với Nga nên nước Nga cũng đã lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 19/4 “Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều lần khi tình hình một khu vực nào đó trên thế giới chuyển thành xung đột quân sự mà không được cân nhắc kỹ lưỡng. Các bạn có thể chỉ cho tôi xem có kịch bản quân sự nào kết thúc tốt đẹp không. Không hề có”. “Nếu một điểm nóng nữa tiếp tục được tạo ra, hơn nữa lại có liên quan đến vũ khí hạt nhân, thì lẽ đương nhiên sẽ có hậu quả rất thảm khốc”.

Cũng như Trung Quốc, nước Nga sẽ không ngồi yên khi chiến tranh lan đến biên giới của mình. Động thái gần đây cho thấy họ đã điều chuyển nhiều đơn vị quân sự đến Viễn Đông. Trong lịch sử, Triều Tiên là thành viên của khối Vác xô vi, những tiến bộ kỹ thuật vũ khí của Triều Tiên ngày nay bắt nguồn từ sự giúp đỡ của khối mà chủ yếu là từ Liên Xô trước đây.

Đồng minh của Mỹ củng phản đối tấn công quân sự chống Bình Nhưỡng

Cả hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đều lựa chọn phương án không dùng quân sự. Thủ đô Hàn Quốc chỉ nằm cách biên giới Nam- Bắc Triều 40 km và Nhật Bản cũng nằm hoàn toàn trong tầm tên lửa mà Triều Tiên rất dồi dào. Hai quốc gia này rất dễ bị tổn thương nếu bị Triều Tiên tấn công. Dù Mỹ đã và đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở nam Hàn nhưng chắc chắn Mỹ không thể bảo vệ Seoul ít nhất là trong 24 giờ đầu tiên nếu chiến tranh nổ ra.

Trên thực tế, mặc dù phải oằn lưng chịu cảnh bao vây cấm vận của Mỹ và Hàn, Nhật nhưng chưa bao giờ Triều Tiên có ý định chủ động gây chiến cả. Họ chỉ đáp trả những khiêu khích của Mỹ - Hàn bởi những cuộc tập trận liên miên ngay sát biên giới với họ. Họ đã bắt tay làm ăn với Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong.

Với người Hàn, chẳng có gì là hào hứng và lo lắng cả

Giới phân tích chiến tranh nhận định, nếu Mỹ tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, số người thương vong sẽ đạt con số lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, có rất ít người dân Hàn Quốc quan tâm tới vấn đề này. 

Mặc dù giới truyền thông thì ầm ỹ: Mỹ điều động thêm hạm đội tàu chiến tới Hàn Quốc và Nhật Bản; Trung Quốc điều động 12.000 binh sĩ và thuốc men tới sát biên giới Triều Tiên; Bình Nhưỡng sơ tán một phần tư dân số sinh sống ở thủ đô; Nga động binh ở Viễn Đông... nhưng người Hàn vẫn "bình chân như vại"

Đối với người dân Hàn Quốc, sau nhiều thập niên thường xuyên đối mặt với những thổi phồng lời đe dọa và khiêu kích từ phía Triều Tiên, họ đã quá quen thuộc và bình thản. Với phần lớn người dân Hàn Quốc, động thái của Mỹ vẫn chưa thể khiến họ cảm thấy mối đe dọa từ Triều Tiên đang ở mức báo động.

Có hai lý do để phớt lờ mối đe dọa hiện thời từ Triều Tiên. Thứ nhất, người dân Hàn Quốc vẫn đang chung sống trong cảnh xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong hơn 50 năm qua. Thứ hai, người dân Hàn Quốc cũng đã chứng kiến một vài cuộc đối đầu quân sự giữa Hàn – Triều.

Thậm chí, người Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng chỉ đơn giản muốn sử dụng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để mở rộng tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia khác, chứ thực tế không muốn bùng nổ chiến tranh.

Ngược lại họ cho rằng, giới truyền thông đảng bảo thủ Hàn Quốc đã thổi phồng sự việc ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc để thu hút sự ủng hộ của dư luận cho ứng cử viên đảng này. Đây cũng chính là nguyên nhân giới truyền thông của Mỹ đang "khua chiêng gõ mõ" về nguy cơ xảy ra chiến sự ở bán đảo Triều Tiên.

Với những phân tích ở trên, cho kẹo Mỹ cũng không thể tấn công Triều Tiên.

No comments: