Kính Chiếu Yêu: Quan sát lễ khai ấn đền Trần năm nay, báo chí phản ánh: "Ấn đền Trần 'ế' chỉ sau 2 giờ". 5 giờ sáng nay (15 tháng Giêng), hàng nghìn người xếp hàng xin ấn đền Trần. Sau hơn 1 giờ đồng hồ chen chúc xin ấn, lượng người thưa dần, đến 7 giờ sáng chỉ còn lác đác vài người vào xin ấn.
6h30 sáng, các cửa phát ấn đền Trần đã thưa người đến xin
Trên tờ Tuổi Trẻ, trước đó đã có bài viết rất hay "Việc khai ấn ở đền Trần Tức Mặc là một xuyên tạc lịch sử".
Chuyện khai ấn - phát ấn ngày một tràn lan trên nhiều tỉnh thành. Nhiều tệ nạn cũng sinh ra từ đó...
Đầu tiên là Nam Định nâng cấp lễ hội làng Tức Mặc thành lễ hội cấp quốc gia. Sau đó "đẻ" ra chuyện khai/phát ấn ở đền Trần Thương (Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam), đền Trần Tam Đường (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình), ở khu văn hóa núi Bài Thơ (TP Hạ Long, Quảng Ninh), khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)...
Cá nhân tôi với tư cách một người làm khảo cổ học khẳng định: không có một cái ấn nào, không có một lễ khai ấn nào có được bất kỳ một căn cứ lịch sử và khoa học nào.
Xuyên tạc lịch sử?
1. Chuyện khai ấn và phát dưới 10 bản in ấn “Trần miếu tự điển” (Tôn miếu của nhà Trần từ xưa) vốn chỉ là chuyện nội bộ của làng Tức Mặc, dưới thời Nguyễn, để chống lại, giảm thiểu tác hại của việc đâu đâu cũng nhận là đền “chân truyền” thờ Đức Hưng Đạo đại vương.
Sau đó việc này bị nhập nhèm giữa chuyện phong ấn/khai ấn của chính quyền hằng năm với việc bịa tạc về chuyện vua Trần thưởng công, phong tước sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất năm 1258. Rồi chẳng biết từ khi nào “dân gian hiện đại” tin rằng có được lá ấn ấy sẽ được thăng quan tiến chức, mua may bán đắt...
Tại hội thảo khoa học về lễ hội đền Trần của Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nam Định tổ chức năm 2011, tôi đã có tham luận khẳng định việc khai ấn ở đền Trần Tức Mặc là một xuyên tạc lịch sử và không nhận được một phản biện khoa học nào.
2. “Tiểu sử” của “lễ phát lương” ở đền Trần Thương (Hà Nam) cũng hoàn toàn là hư cấu. Kể cả có tin theo truyền miệng dân gian rằng ở đây từng là kho trữ lương thời Trần thì chẳng có lý nào lại cho tờ in ấn vua Trần vào trong túi lương gồm ngô vàng, thóc nếp.
Có thể đặt ra hàng loạt nghi vấn: “Ấn vua Trần” mượn đâu về? Ngô - thóc ấy lấy ở đâu ra? Ai bật đèn xanh và đạo diễn cho việc phát lương này?
3. Lễ khai ấn ở đền Trần Tam Đường thậm chí còn không dựa trên một “tương truyền”, đồn thổi nào. Cái ấn đồng (do một chủ doanh nghiệp cúng vào đền) sau các phê phán của nhiều nhà nghiên cứu đã được chính Bộ VH-TT&DL thừa nhận là ấn rởm. Các cụ trong ban quản lý đền đã bị phê phán nghiêm khắc!
4. Lý do của lễ khai ấn ở khu văn hóa núi Bài Thơ cũng không rõ ràng. Ấn gỗ đẽo mới năm 2014, vừa được đúc lại bằng đồng đã được chỉ rõ là sai cả chữ khắc: tên ấn “Tao Đàn hội Hồng Đức hiệu” thì chữ Tao 騷 (phong nhã) khắc thành chữ Tao 遭 (gặp gỡ), chữ Hồng 洪 (lớn) lại khắc thành Hồng 紅 (màu đỏ); thậm chí năm làm ấn Giáp Ngọ 2014 lại khắc thành Nhâm Ngọ.
5. Lễ (thử nghiệm) khai ấn ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng không có nguồn cơn lịch sử nào. Nguyên gốc của cái ấn phục chế chỉ là 2 mảnh gỗ mỏng chưa đến 1cm, đã bị nhiều nhà nghiên cứu chỉ rõ không phải là ấn.
Làm sao để chấm dứt tệ khai/xin/mua/cướp ấn?
Có thể nhận thấy hầu hết các lễ khai ấn được tổ chức đều nhằm mục đích muốn “chia lửa”, vì ấn đền Trần Tức Mặc quá thành công về thương mại (chính bà phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định công bố với báo chí “hằng năm lễ hội khai ấn mang về cho Nam Định khoảng 10 tỉ đồng”).
Để xảy ra tệ nạn ngày một trầm trọng này, trách nhiệm trước tiên là từ những người tổ chức ra các lễ khai ấn.
Người ta đã không ngần ngại xuyên tạc lịch sử, dựng lên các huyền tích hoàn toàn mới, mạo danh việc phục hồi lễ hội truyền thống. Người ta thổi phồng các lễ hội của làng/cấp làng thành lễ hội quốc gia, trong đó có việc mời bằng được các lãnh đạo cấp cao của tỉnh, của trung ương về khai ấn.
“Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa...” nhờ báo chí, truyền thông. Các tờ giấy in ấn được nâng cấp thành lụa là cùng với đồn thổi về công năng huyền bí của các “cánh ấn”. Sự có mặt của các quan chức góp phần tăng trọng lượng, như một bảo chứng cho các đồn đãi.
Cho đến khi tiền bán ấn trở thành một nguồn thu không nhỏ thì người ta (dù đã thừa nhận mọi tiêu cực của tệ nạn này) không thể dừng lại nổi. Mọi phê phán, góp ý đều bị coi là thiếu xây dựng!
Cũng phải kể đến một nguyên nhân khiến tệ này không dứt được là vì được một số nhà nghiên cứu, một số cơ quan hữu quan chống chế, bênh vực...
Xin được nhắc lại điều đã phát biểu tại hội thảo nói trên của Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và UBND tỉnh Nam Định: “Để chấm dứt việc xuyên tạc lịch sử, xin hãy trả lại việc đóng ấn cho các nhà đền! Chính quyền các cấp không nên tham gia vào việc này nữa!”.
Tại Hội thảo quốc gia về vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại (tháng 8-2016), theo nhiều nhà nghiên cứu, qua những nghiên cứu tư liệu địa phương chí, quốc sử các triều đại, hội điển được biên soạn vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX cũng không tìm thấy chi tiết nào đề cập hoạt động phát ấn ở bất cứ di tích đền Trần nào trong lịch sử. (V.V.T)
TS NGUYỄN HỒNG KIÊN
No comments:
Post a Comment