Viễn
Trong cao trào lợi dụng sự cố môi trường do Fomosa gây ra tại các tỉnh miền Trung để chống phá Nhà nước Việt Nam, mới đây hai tổ chức “có thâm niên” trong hoạt động chống phá là Khối 8406 và Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam vừa soạn thảo và tán phát lên mạng cái gọi là “Bản lên tiếng về cách hành xử của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với thảm họa Fomosa và đối với thái độ nhân dân trước thảm họa này”. Vốn đã quen với các thể loại bản lên tiếng này của các nhà “dân chủ” cho nên có thể khẳng định luôn đây là một bản tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước với nhiều luận điểm sai trái.
Trước hết với một thủ đoạn cũ rích, bản lên tiếng đánh đồng công ty Fomosa, một doanh nghiệp của Đài Loan với doanh nghiệp Trung Quốc từ đó lớn tiếng qui kết Việt Nam bắt tay Tàu Cộng để bán nước, bán rẻ lợi ích quốc gia. Đây là điều hoàn toàn phi lý và không đánh lừa được dư luận.
Điểm phi lý thứ hai là bản lên tiếng phủ nhận sạch trơn mọi nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo và tham gia khắc phục hậu quả của sự cố môi trường. Từ đó quy kết, chính quyền không làm tròn trách nhiệm, mà còn muốn nhấn chìm tội ác. Cần nhắc lại rằng, sau khi vụ việc xảy ra, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân và kết luận Fomosa là thủ phạm. Chính phủ cũng đã bắt Fomosa phải đền bù thiệt hại và cam kết chấp hành các quy định có liên quan. Đồng thời các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đã sát cánh cùng người dân miền Trung, cố gắng khắc phục hậu quả của sự cố và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Do đó, với bản lên tiếng này có thể thấy các nhà “dân chủ” đang cố tình đổi trắng thay đen, xổ toẹt mọi nỗ lực của các cấp chính quyền.
Điểm thứ ba không phải phi lý mà cực kì phi lý đó là, để cố tình vu cáo Nhà nước đồng lõa với Fomosa, bản lên tiếng cho rằng chính quyền đã cố tình bắt giam và đàn áp các tiếng nói phản đối Fomosa.
Bản lên tiếng viết:
“Nhưng phản ứng tàn bạo nhất của nhà cầm quyền CSVN trong ý đồ làm chìm xuồng “vụ cá chết”, dẹp yên làn sóng phản đối tội ác Formosa, đó là đã tiến hành bắt bớ nhiều công dân từng phát ngôn hay hành động mạnh mẽ về thảm họa môi trường biển, dù gán cho họ nhiều tội danh vu vơ khác nhau theo Bộ luật Hình sự.
- Ngày 10-10-2016, công an tỉnh Khánh Hòa bắt blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), vì các bài đăng trên mạng và cáo buộc bà tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự.
- Ngày 02-11-2016, công an thành phố Sài Gòn bắt bác sĩ blogger Hồ Văn Hải (bút danh Hồ Hải) vì phê phán nhà cầm quyền qua trang blog độc lập, cũng theo điều 88 bộ luật hình sự.
- Ngày 07-11-2016, hai nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ cũng bị bắt ở Sài Gòn vì vận động thành lập nhóm dân chủ mang tên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết và bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự.
- Ngày 18-12-2016, công an tỉnh Thanh Hóa bắt sinh viên Nguyễn Danh Dũng vì cho là đã tham gia Thiên An TV, một kênh trên YouTube có nội dung phê phán chính phủ, và buộc anh tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” theo điều 258 bộ luật hình sự.
- Ngày 11-01-2017, công an tỉnh Hà Tĩnh bắt nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Hóa, người đã loan tin tức về vụ cá chết lẫn hỗ trợ cuộc khởi kiện Formosa, cáo buộc anh cũng theo điều 258 bộ luật hình sự.
- Ngày 19-01-2017, công an tỉnh Nghệ An bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, vì cho rằng anh vi phạm lệnh quản chế và chống lại người thi hành công vụ, trong khi thực chất anh đã và đang hỗ trợ các cuộc xuống đường lẫn việc lôi Formosa ra tòa án.
- Ngày 21-01-2017, công an tỉnh Hà Nam đã bắt giữ blogger Trần Thị Nga, một dân oan tranh đấu cho nhân quyền từ nhiều năm qua, và khởi tố bà về tội “tuyên truyền chống chế độ” theo điều 88 bộ luật hình sự.”
Rõ thật buồn cười. Họ đã cố tình lợi dụng câu chuyện Fomosa để định chạy tội cho các đối tượng chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật. Cần khẳng định rằng những đối tượng trên bị bắt và khởi tố không phải vì phản đối Fomosa mà vì các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điển hình như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Hồ Văn Hải… bị bắt vì hành vi tuyên truyền chống Nhà nước. Hay như đối tượng Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, bị bắt đâu phải vì Fomosa mà vì định lập ra tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Do đó, việc qui kết những đối tượng trên là do chính quyền cố tình đàn áp các tiếng nói phản đối Fomosa là điều hoàn toàn sai trái.
Tóm lại cái gọi là bản lên tiếng chỉ là một trò hề mới của các nhà “dân chủ”.
No comments:
Post a Comment