Cỏ úa
Trong dòng nhạc đương thời hiện nay thì "nhạc vàng" là dòng nhạc nằm trong dòng tân nhạc Việt Nam ra đời trong thập niên 1960 với lời ca được xem là trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu chậm buồn đều (bolero, rumba, ballade...), âm hưởng dân ca, hát bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc trầm, câu nhạc chất chứa nỗi niềm của con người trong xã hội. Nhiều ca khúc có âm từ bị lụy, cá nhân, yếu đuối và là một công cụ của chiến lược "tâm lý chiến" mà Mỹ, Ngụy áp dụng trong chiến lược chiến tranh Việt Nam.
Thực tế thì có nhiều bài nhạc vàng với ca từ ám chỉ cuộc sống, chiến đấu, "đau thương" của khung cảnh Miền Nam trước năm 1975. Ca từ thể hiện sự nhớ nhà da diết, các nhà "tâm lý chiến" đã sử dụng những ca từ này để tuyên truyền làm rệu rã tinh thần cách mạng trường kỳ của quân đội Việt Nam. Tuyên truyền những khung cảnh ấm êm và nhạc khúc da diết của Miền Nam từ đó làm cho các chiến sĩ của quân đội Việt Nam rệu rã ý chí chiến đấu dẫn đến đảo ngũ, quay trở về quê hương với vợ con và gia đình. Qua đó, chiến lược này đã làm sứt mẻ đi ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng của quân đội nhân dân trong chiến tranh.
Điều đặc biệt là hiện nay, nhạc vàng vẫn đang được sử dụng chủ yếu ở các sân khấu Hải ngoại nhằm mục đích giải trí thì ít mà mục đích "tâm lý chiến", khơi gợi lại những quá khứ được cộng đồng Việt kiều (phần nhiều là những người theo chế độ Mỹ, Ngụy trước kia) và những người có tư tưởng chống đối, thù địch với Việt Nam nghe và cảm nhận, ngộ nhận thành quá khứ hào quang chói lọi của họ. Họ cho rằng họ chỉ đơn giản tạm thời mất đi cái quá khứ đó và sẽ đòi lại trong tương lai. Nhiều ca khúc "nhạc vàng" còn có tác dụng cổ vũ, kích động các hoạt động chống đối trong nước của một số đối tượng. Mặt khác, một số nhạc sĩ sáng tác các tác phẩm "nhạc vàng" giờ đây đã bị các đối tượng, thế lực thù địch bên ngoài kích động chống đối. Thay vì sáng tác những tác phẩm có lời ca lành mạnh, trong sáng thì giờ đây họ đang được các trung tâm phá hoại tư tưởng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật như Thúy Nga, ASIA,... sử dụng làm công cụ sáng tác rất nhiều các bài hát có nội dung chống đối cực kỳ gay gắt. Điển hình như Trúc Phương, Anh Bằng, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Việt Dzũng....
Hay như trên thực tế có một số bài hát mà ca từ và tác giả có rất nhiều những dị bản khác nhau, thiếu thống nhất về tác giả như: Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ) và Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phong), việc tạm dừng lưu hành những tác phẩm này chỉ vì mục đích đính chính lại, đem lại quyền lợi cho tác giả mà thôi.
Thế mới thấy rằng, trong thời đại ngày hôm nay, khi mà những gì của quá khứ tại thời điểm trước năm 1975 mà các thế lực xấu tự vẽ ra, tự an ủi nhau đang được chúng tích cực truyền lại cho thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ ở đây bao gồm con cháu của chúng và những người khác sinh ra sau chiến tranh, không trực tiếp cảm nhận những đau thương, mất mát của cuộc chiến tranh thống nhất dân tộc. Đồng thời, một bộ phận không nhỏ chịu ảnh hưởng của các luồng thông tin độc hại và có cái nhìn sai lệch về lịch sử Việt Nam sẽ tham gia cùng chúng trong chiến dịch này. "Níu kéo những điều xa tầm với" nghe có vẻ xa xôi và ảo vọng nhưng nếu như chúng cứ tiến hành mưa dầm thấm lâu thì đó cũng là một trong những ngòi nổ âm ỉ rất nguy hiểm trong xã hội mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý. Hãy để nghệ thuật trở về với nguyên nghĩa xây dựng quê hương của nó chứ đừng dùng nó như một công cụ vào mục đích xấu xa, bẩn thỉu. Xin chia sẻ suy nghĩ và quan điểm để cùng mọi người luận giải./.
No comments:
Post a Comment