2017/02/13

Về khả năng được phục chức của nguyên TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt

Mẹ Đốp


Nhận định về cơ hội được phục chức của Giám mục Ngô Quang Kiệt sau bức thỉnh nguyện thư đề nghị Giáo hoàng Francis minh xét cho nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế của 1.500 người. Lm. Lê Ngọc Thanh, nguyên Trưởng ban Truyền thông Dòng chúa cứu thế Việt Nam đã viết như sau: "Việc Đức Giáo hoàng Benedicto 16 để cho Đức tổng Kiệt về là do chính Đức tổng Kiệt xin nghỉ hưu do vấn đề sức khỏe chứ không phải do kỷ luật mà Tòa thánh quyết định cho Đức tổng Kiệt về. Giáo hội Việt Nam trước đây sau năm 75 thì đã có một trường hợp đó là trường hợp của Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể lúc đó cũng có một chút vấn đề nên Ngài nghỉ. Tới năm 1993 thì Đức Giáo hoàng John Phao Lô II thì Ngài làm việc lại, về làm Tổng Giám mục Huế. Đây là tiền lệ rồi nên không có vấn đề gì. Điều cần lưu ý khi Đức Giáo hoàng Benedicto 16 quyết định cho Đức tổng Kiệt nghỉ thì đó chỉ theo đơn xin của Đức tổng Kiệt chứ không phải do Tòa thánh thấy Đức tổng Kiệt thiếu năng lực hay bị kỷ luật nào đó cần phải sa thải".

Trước đó, trả lời phỏng vấn BBC Việt ngữ hôm 08/2/2017, vị Linh mục Dòng chúa cứu thế này đã phát biểu: "Thỉnh nguyện thư cho thấy tiếng nói của giáo dân có thể khiến Vatican nhìn lại vấn đề liên quan đến Đức cha Kiệt một cách toàn diện hơn."

"Giáo dân không đòi hỏi Vatican phải quyết định theo ý của họ mà mong nhận được những chỉ dẫn mang tính ơn Chúa chứ không phải dàn xếp chính trị. Lần này, nếu thỉnh nguyện thư đến được tay Giáo hoàng Francis, tôi tin là Ngài sẽ xem xét nghiêm túc, vì Ngài đang trong tiến trình cải tổ Roma và có những vấn đề mà Ngài quan tâm đến Việt Nam nhưng chỉ nhận được thông tin qua lăng kính ngoại giao hơn là từ giáo dân."

Linh mục Thanh cũng nói về 02 khả năng sẽ được Tòa thánh hướng đến trong thời gian tới: (1) Giám mục Kiệt có trở lại Hà Nội hoặc (2) "Tòa thánh sẽ đặt ngài vào một vị trí phù hợp hơn với ơn Chúa".

Câu chuyện về trường hợp Tổng Giám mục Giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể được phục chức được Linh mục Thanh nói ra ở trên vì thế được cho là cách củng cố nhận định của bản thân trước những điều mà ông ta cho là cơ hội còn lại của nguyên tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Tuy nhiên, phân tích sau đây của Fanpaghe Người Công giáo thì xem chừng trường hợp nghỉ hưu của Tổng Giám mục Nguyễn Như Thể không giống với trường hợp của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt: "Bởi trước khi được phục chức sau đơn từ nhiệm ngày 23 tháng 11 năm 1983, 10 năm sau (ngày 14 tháng 2 năm 1992), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Như Thể làm thành viên của Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn. Ngài cũng là là vị Giám mục gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm làm Thành viên ở một cơ quan Trung ương của Tòa Thánh. Tiếp đó, ngài lần lượt giữ các chức vụ Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Huế trong một tình trạng hết sức bất đắc dĩ bởi từ sau khi Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đột ngột qua đời tháng năm 1990, Tòa tổng Giáo phận Huế được giao lại cho ChaTổng đại diện Giacôbê Lê Văn Mẫn coi sóc. Việc thiếu người coi sóc buộc Tòa thánh phải yêu cầu Đức Cha Nguyễn Như Thể quay trở lại coi sóc vào ngày 23 tháng 4 năm 1994. Sau 4 năm giữ cương vị Giám quản Tông Tòa, ngày 9 tháng 3 năm 1998, Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân tộc công bố Tông sắc do Giáo hoàng Gioan Phaolô II ấn ký ngày 1 tháng 3 năm 1998 bổ nhiệm Tổng giám mục Giám quản Tông Toà Stêphanô Nguyễn Như Thể làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế sau 10 năm bị trống Tòa.

Thông tin này cho thấy để được phục chức (Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế), Đức Tổng Nguyễn Như Thể đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau. Mặt khác, không giống với Đức Tổng Kiệt, Đức Tổng Nguyễn Như Thể đệ đơn xin nghỉ hưu lần thứ nhất vào năm 1983 chỉ vì lí do sức khỏe (nghĩa đen). Trong khi đó, mặc dù dưới danh nghĩa nghỉ hưu vì lí do sức khỏe và có đơn đề trình Tòa thánh để xin nghỉ, tuy nhiên ai cũng biết đó là hệ lụy mà Đức tổng Kiệt phải lãnh nhận sau phát biểu gây tranh cãi: "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ ! Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên."

Hay nói cách khác, việc buộc phải nghỉ hưu sớm khi mới 57 tuổi (1957 - 2009, theo luật Tòa thánh thì nếu không có vấn đề gì Đức Tổng Kiệt sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi 80) là một án phạt mà Tòa thánh dưới thời Đức Thánh Cha Benedicto 16 dành cho Đức tổng Kiệt. Cho nên, về bản chất mà nói thì việc Đức Tổng Kiệt nghỉ hưu hoàn toàn khác với việc Đức Tổng Nguyễn Như Thể nghỉ hưu trước đó. Việc phục chức vì thế không thể nói là có tiền lệ được".

Đó là chưa nói tới việc, mối quan hệ giữa Tòa thánh với nhà nước Việt Nam; tình bạn, mối quan hệ giữa Đức Thánh Cha Benedicto 16 và Đức Thánh Cha đương nhiệm Francis cũng sẽ là lực cản khiến việc phục chức cho nguyên Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt không được đặt ra.

No comments: