2015/12/11

Richard Dawkins - Huyễn Tưởng Gót

 ●   Bản rời    

Lê Dọn Bàn
LTS: Về tác phẩm này của Richard Dawkins, từng đoạn văn bạo dạn soi thủng sự thật trần truồng, làm sửng sốt bạn đọc, đã có nhiều người rất muốn dịch sang tiếng Việt. Nhưng việc này đòi hỏi thời gian và công trình không nhỏ. Trang nhà đã đăng hai Chương đầu của quyển này dotác giả Huỳnh Văn Hoàng dịch Việt khá kỹ lưỡng. Hôm nay chúng tôi cũng lại hân hạnh gửi đến bạn đọc bản dịch "nháp" đã có từ gần 3 năm nay của tác giả Lê Dọn Bàn, một tác giả đã có rất nhiều công trình dịch thuật các tác phẩm triết học tôn giáo Tây Phương. Tuy chúng ta chưa bao giờ nghe ông Lê Dọn Bàn giới thiệu bản dịch nào là hoàn chỉnh của ông, nhưng bù lại bằng nhiều ghi chú rất sâu rộng của ông, uyên bác về mỗi chi tiết trong bài. Thiết nghĩ, với mặc định như thế, nếu có đọc lần thứ hai, chúng tôi tin rằng bạn đọc cũng vẫn không thể chán. (SH)
God Delusion
Huyễn Tưởng Gót
(hay Sự lừa đảo mang tên Gót)
[THE GOD DELUSION]
Richard Dawkins
Để tưởng nhớ
Douglas Adams (1952-2001)
“Nhìn một vườn hoa thấy xinh đẹp là không đủ hay sao, cần gì đến phải tin có những thần tiên ẩn tàng dưới đáy nó?”[1]

Lời người dịch bản tiếng Việt
The God Delusion đã tạo một chấn động khi xuất bản lần đầu năm 2006. Trong vòng vài tuần nó đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng. Tác phẩm đứng trong danh sách những sách bán chạy nhất gần hai năm, cho đến năm 2010, đã bán được hơn 2 triệu bản tiếng Anh. Tác giả Richard Dawkins, dù trước đó ông đã rất nổi tiếng trong học giới, nay thêm nổi tiếng hơn, nhưng trong một lĩnh vực mới, và được gán ngay cho một trong hai nhãn hiệu, hoặc là một vị thánh, hoặc một kẻ tội lỗi, tương ứng với hiện tượng có nhiều người mua để đọc, nhưng cũng có người mua để đốt! từ hai phía tán thành hay phản đối ông. Tất cả vì Dawkins đã trình bày sự phủ nhận tôn giáo của ông, hết sức mạnh mẽ, với chân thành say mê và vững vàng, khó lòng chống trả, đặc biệt là với đạo Kitô.
Lập luận của ông khó có thể hợp thời hơn. Trong khi châu Âu đang ngày càng trở nên thế tục, sự nổi lên của trào lưu tôn giáo thủ cựu, ở Trung Đông và ở nước Mỹ, trong vài thập niên cuối thể kỷ 20; trở nên trầm trọng và nguy hiểm. Đặc biệt, ở nước Mỹ, đã xuất hiện một tranh cãi dai dẳng căng thẳng giữa những người đứng về phía chủ trương thuyết “thiết kế thông minh”, dạng mới của một thuyết tôn giáo đã cũ, vẫn quen gọi là “thuyết sáng tạo”, chủ yếu là lập luận giải thích về nguồn gốc của vũ trụ và con người, nhưng hoàn toàn dựa trên niềm tin chung của ba tôn giáo lớn Abraham, như chương Sáng thế trong kinh Thánh đã kể: Gót sáng tạo tất cả trong sáu ngày liên tục. Hai thuyết “Sáng tạo” và “Thiết kế Thông Minh” trong nỗ lực vận động để lôi kéo, với ý định gìn giữ đám đông tín đồ ngày càng suy giảm vì tin tưởng tôn giáo của họ lung lay trước kiến thức khoa học ngày càng phổ thông, đặc biệt liên tục thách thức học thuyết Darwin. Thực ra, chống phá học thuyết Tiến hoá, tuy đến từ tôn giáo, nhưng gần đây chỉ từ thành phần tôn giáo thấp kém. Chúng ta không còn tìm thấy chống đối như thế trong những nhà Gót học sắc sảo, có học thức. Nó đến từ một phiên bản sơ khai, cực kỳ chậm tiến, và có thể gọi là thô thiển của đạo Kitô, và lan truyền như một bệnh dịch khó chữa, gây đầy tai tiếng ở nước Mỹ. Trong nỗ lực này, những vận động hậu trường trong chính trị, văn hoá, và trong cả học thuật, giáo dục, đã đe doạ có thể làm suy yếu và hạn chế sự giảng dạy khoa học ngay ở những cấp thấp (trung học, giáo dục tráng niên,...). Đây là lý do chính, đã đưa Dawkins, nhà sinh học tiến hoá nổi tiếng, người Anh, giáo sư Oxford, vào vòng tranh luận, quaThe God Delusion này (như vị trí của ông – ghế giáo sư Charles Simonyi từ năm 1995, về Hiểu biết của Công chúng về Khoa học tại Oxford - Charles Simonyi Professor of the Public Understanding of Science). Ông tấn công những tôn giáo độc thần, tin vào chỉ một Gót; trước hết và trực tiếp, vì chúng cho thấy nay đi quá xa, gây nguy hại cho cả xã hội: phá hoại phát triển khoa học qua sự tiếp tục duy trì và truyền bá trong công chúng những kiến thức hoàn toàn sai lầm về vũ trụ và con người.
Thêm nữa, sau biến cố 9/11/2001, những tín đồ cuồng tín đã xuất hiện như những kẻ khủng bố tự sát, lao máy bay vào những toà nhà cao ở NewYork, giết hại hàng nghìn người vô tội; trước chững kiến kinh hoàng của cả thế giới, như những con thiêu thân lao vào lửa, như vào cửa ngõ thẳng lối lên Thiên đàng vẫn kể trong sách thánh, rõ ràng cho thấy ảnh hưởng đầu độc của tôn giáo, khiến dư luận Âu Mỹ đã thay đổi cái nhìn rộng rãi, cởi mở vẫn có trước đây với những tôn giáo Abraham, dù từ lâu đã từ xa lánh đến lãnh đạm với chúng. Nhưng trong nhiều quốc gia trên thế giới, những giáo điều tôn giáo từ thời trung cổ vẫn còn áp dụng trong xã hội của thế kỷ 20, vẫn chà đạp những quyền cơ bản của con người, điển hình là của phụ nữ, trẻ em, và những người đồng tính luyến ái. Không kể chúng vẫn là mầm mống của hầu hết những chiến tranh và chia rẽ trong lịch sử con người, Tất cả đều từ một niềm tin vào một Gót mà sự hiện hữu thiếu bất kỳ một bằng chứng dù về bất cứ loại nào.
Như thế, Dawkins tấn công Gót trong hình thức cụ thể và phổ biến, quen thuộc nhất của nó. Gót là một khái niệm về “một siêu nhân, thông minh siêu nhiên là kẻ đã chủ tâm thiết kế và tạo ra vũ trụ và tất cả mọi thứ trong nó, gồm cả chúng ta”.(“There exists a superhuman, supernatural intelligence who deliberately designed and created the universe and everything in it, including us”). Khái niệm đó không phải chỉ là khái niệm siêu hình về một thế giới siêu nghiệm, khác hay trên thế giới này. Nhưng khi tôn giáo xem Gót là nguồn gốc của vũ trụ và sự sống; khái niệm Gót cũng là một khái niệm có thể và xứng đáng được xem xét như những khái niệm khoa học khác, như trong sinh học, vật lý. Tôn giáo như Kitô còn cho Gót là tác giả những “phép lạ” (những bí ẩn của thiên nhiên chúng ta chưa hiểu đến, những khoảng trốngchưa có kiến thức điền vào - gap), Gót vẫn “nghe” các lời nguyện cầu, vẫn xắp xếp và định đoạt thế sự trần gian, vẫn chờ ở tận cùng thế giới để định tội, thưởng phạt con người.Một Gót hữu ngã, tôi gọi một gót có hỉ nộ ái ố như thế, là một Gót có tính-người, và Dawkins nhấn mạnh, một Gót nếu có thể truyền thông với con người như thế, sự kiện đó sẽ không nằm ngoài những hiện tượng thiên nhiên là đối tượng nghiên cứu của vật lý, không nằm ngoài khoa học. Thế nên, sự hiện hữu của Gót, phải xem là một giả thuyết khoa học (the existence of God is a scientific hypothesis), và một phát biểu, loại như “Gót như thế hiện hữu”, cơ bản của niềm tin tôn giáo, là một giả thuyết về sự hiện hữu của một đối tượng giả định; Dawkins gọi là Giả thuyết Gót Hiện hữu (The God Hypothesis) và cho thấy cách xem xét nó thích hợp nhất là xem xét chính câu hỏi – một Gót như thế có thể có được không – để đi đến trả lời bằng tỉ lệ xác xuất thống kê, để suy luận về sự kiện thực hư của đối tượng này là có thể xảy ra hay không, đối tượng có là thực thể không – và dù có hay không, có/không đến mức độ nào – Thêm nữa, ông biện luận: bất kỳ một thông minh sáng tạo nào, của sự phức tạp đủ để thiết kế bất cứ một gì, đi đến thành hiện hữu chỉ như sản phẩm cuối cùng của một tiến trình kéo dài của sự tiến hóa dần dần từng bước. Những trí tuệ sáng tạo, sau tiến hóa phát triển, tất yếu phải đến trễ trong vũ trụ, và do đó không thể là có trách nhiệm với sự thiết kế nó. Gót, trong ý hướng vừa định nghĩa, là mộthuyễn tưởng; và như sẽ cho thấy, là một huyễn tưởng hủy hoại chết người.” Đây là lập luận mới của Dawkins, bổ túc cho lập luận xác xuất thống kê trước. Trong đó, chúng ta có tiền đề: (a) vũ trụ và thế giới con người cực kỳ phức tạp (b) hữu thể nếu sáng tạo ra được những gì phức tạp, phải phức tạp hơn những gì được hữu thể đó sáng tạo, thiết kế. (c) tiến hoá đi từ đơn giản, vụng về đến phức tạp, tinh tế hơn. Kết luận: Gót không thể sáng tạo ra vũ trụ, vì nếu thế phải phức tạp hơn vũ trụ, và phải có trước nó. Nhưng hai điều này mâu thuẫn, nên có vũ trụ, nhưng không có gót như tác giả của vũ trụ, nghĩa là Gót không hiện hữu (Trừ khi như chúng ta vẫn đã biết – Gót là sản phẩm của trí tưởng tượng con người). Đến đây, chắc có những người vội vàng nói, nhưng trường hợp Gót thì khác, Gót phức tạp hơn vũ trụ này, nhưng,...
Như thế, ông mổ xẻ những luận chứng tôn giáo quen thuộc, và chúng ta dễ dàng nhận thấy nền tảng của ông là thuyết Tiến hoá, ông đã không lập luận chỉ trên triết học, như những triết gia không-tin-Gót trước đây, nhưng chủ yếu trên khoa học của toán học xác xuất thống kê, cho thấy hiện hữu của Gót phức tạp, nếu như nói trên, phải có một xác xuất khó có thể xảy ra, xác xuất này lớn đến mức chúng ta có thể xem như không-thể-xảy-ra và vững chắc kết luận – Gót không thể có, không bao giờ có thực – trước sau chỉ là một huyễn tưởng. Những bằng chứng cũng cho thấy ông đã dẫn giải tôn giáo là nhiên liệu chiến tranh, dựng lập những cố chấp, thiên kiến, và lạm dụng trẻ em, đến từ bản chất phản lý trí khoa học, phi nhân, phi đạo đức, phản con người của tôn giáo. Richard Dawkins từ chối không đồng ý với quan điểm thông thường vẫn xem tôn giáo dẫu vô nghĩa, nhưng vô hại. Chân thành và sôi nổi, ông thuyết phục chúng ta, cho thấy tôn giáo quả thực là một trong trong những sáng tạo nguy hiểm nhất của con người, và câu chuyện về Gót là một gian dối – người kể lừa dối người nghe - dai dẳng nhất trong lịch sử của nó.
Ông cũng hướng tới sức mạnh của khoa học, đặc biệt là thuyết Tiến hoá, và vật lý hiện đại để nâng cao ý thức chúng ta – giúp chúng ta có một cái nhìn tiến bộ về thực tại, ông nhắc nhở một tương lai, trong đó kiến thức con người về sự sống và vũ trụ sẽ mở rộng, đẩy lùi những giới hạn, khi đó tôn giáo dưới ánh sáng khoa học chiếu sáng thực tại sẽ mất hết bóng tối huyền bí, hiện nguyên hình chỉ là những huyền thoại trong lịch sử, và văn học nhân loại. Gót là một huyễn tưởng, thôi không còn đóng vai trò sai lạc giải thích về nguồn gốc thế giới, đạo đức, con người. và cũng thôi không thể còn mang đến an ủi giả tạo, gây hứng khởi lầm lạc cho tinh thần con người.
The God Delusion là một luận chiến đầy những lập luận xuất sắc, lôi cuốn hấp dẫn, với những dẫn hứng thời sự,... nay đã thành một yêu cầu phải đọc, cho bất cứ ai quan tâm đến chủ đề xúc động và quan trọng nhất này.
Tôi dịch tập sách này, như một dẫn nhập trực tiếp, đơn giản, và ngoài-triết-học cho thuyết Vô thần, mà tôi muốn gọi lại cho đúng hơn là thuyết Không-tin-Gót (Atheism).
Vì Gót là một huyễn tưởng
Lê Dọn Bàn
(tạm dịch từ 7/2013 - 4/2014)
huyễn tưởng Got
Nội Dung
● Lời nói đầu
● Chương 1
- Một người không-tin-gót nhưng có tín ngưỡng sâu xa 9
- Đáng kính trọng 11
- Không đáng kính trọng 20
● Chương 2
Giả thuyết Gót 29
Tin-Nhiều-Gót – (Polytheism) 32
Tin-Chỉ-Một-Gót – (Monotheism) 37
Chủ nghĩa thế tục, những quốc phụ và tôn giáo của nước Mỹ 38
Sự nghèo nàn của thuyết không thể biết 46
NOMA 54
Thí nghiệm Lớn về sự Cầu Nguyện chung 61
Trường phái Neville Chamberlain của những nhà theo thuyết tiến hóa 66
Những người tí hon màu xanh 69
● Chương 3
Những luận chứng cho hiện hữu của Gót 75
Những “bằng chứng” của Thomas Aquinas 77
Luận chứng bản thể và những Luận chứng tiên nghiệm khác 80
Luận chứng từ cái Đẹp 86
Luận chứng từ kinh nghiệm cá nhân 87
Luận chứng từ kinh Thánh 92
Luận chứng từ những nhà khoa học sùng đạo Kitô được ngưỡng mộ 97
Đánh Cuộc của Pascal 103
Những Luận chứng dùng định lý xác xuất của Bayes 105
● Chương 4
Tại sao hầu như chắc chắn là không có Gót 111
Chiếc máy bay Boeing 747 sau cùng 113
Sự chọn lọc trong tự nhiênnhư một tác nhân nâng cao ý thức 114
Phức tạp không thể giản lược 119
Thờ phụng những khe hở thiếu sót 125
Nguyên lý loài người: phiên bản hành tinh 134
Nguyên lý loài người: phiên bản vũ trụ 141
Một tạm nghỉ xen giữa tại trường Cambridge 151
● Chương 5
Những gốc rễ của tôn giáo 161
Cấp thiết nghiêm trọng theo Darwin 163
Những Lợi thế Trực tiếp của Tôn giáo 166
Sự Chọn lọc Nhóm 169
Tôn giáo như một phó sản của một-gì-đó khác 172
Đã chín mùi tâm lý sẵn cho tôn giáo 179
Hãy bước nhẹ, vì bạn dẫm trên những meme của tôi 191
Những Giáo phái thờ Hàng hóa 202
● Chương 6
Những Gốc rễ của Đạo đức: Tại sao chúng ta tốt? 209
Có phải ý thức đạo đức của chúng ta có một nguồn gốc theo Darwin? 214
Một trường hợp Nghiên cứu về những Gốc rễ của Đạo đức 222
Nếu không có Gót, Tại sao lại Tốt? 226
● Chương 7
Quyển Sách “Tốt” và Tinh thần Thời đại Đạo đức Thay đổi
Cựu Ước 237
Tân Ước có tốt gì hơn không? 250
Hãy Yêu Láng Giềng nhà Ngươi 254
Tinh thần Thời đại (Zeitgeist) về Đạo đức 262
Thế còn Hitler và Stalin? Không phải họ đã là những người không-tin-có-gót hay sao? 272
● Chương 8
Tôn giáo có gì sai trái? Sao quá chống đối như thế ?
Tại sao lại ác cảm thù địch như thế? 279
Cuồng tín Thủ cựu Tôn giáo và sự Phá đổ Khoa học 282
Mặt Trái đen tối của Tin tưởng Tôn giáo Tuyệt đối 286
Lòng tin Tôn giáo và đồng tính luyến ái 289
Lòng tin tôn giáo và nguyên tắc cơ bản không thể xâm phạm của đời sống con người 291
Ngụy biện về Beethoveen tuyệt vời 298
“Sự ôn hòa” trong Lòng tin Tôn giáo nuôi dưỡng Sự Cuồng tín như thế nào 301
● Chương 9
Tuổi thơ, Bạo hành Ngược đãi và Đào thoát khỏi tôn giáo 309
Nhũng lạm Ngược đãi Thể xác và Tâm trí 315
Trong sự bảo vệ trẻ em 325
Một Xìcăngđan về Giáo Dục 331
Lại Nâng cao Ýthức 337
Giáo dục Tôn giáo như là một phần của Văn chương Văn hóa 340
● Chương 10
Một khoảng trống rất cần thiết? 345
Binker 347
An ủi 352
Gây hứng khởi 360
Mẹ của tất cả những áo burkas 362
● Phụ đính:
Một danh sách (thiếu xót) những địa chỉ thân hữu, cơ quan tương trợ, cho những ai cần giúp đỡ trong việc đào thoát khỏi những hội nhà thờ, giáo phái, tôn giáo (Âu, bắc Mỹ, và Úc) 375
● Sách trích dẫn và đề nghị đọc thêm 380
Ghi chú 388
Index 400
God Delusion



Huyễn Tưởng Gót
Richard Dawkins



Lời nói đầu
Khi còn là một đứa bé, vợ tôi ghét trường nàng đương theo học, và đã ước giá có thể bỏ nhà trường đó. Nhiều năm sau, khi đã ở những tuổi hai mươi, nàng thổ lộ sự kiện không vui này với bố mẹ, và mẹ nàng đã kinh ngạc: “Nhưng cưng ơi, tại sao thuở ấy con đã không đến bảo chúng ta?” Câu trả lời của Lalla là câu tôi viết hôm nay: “Nhưng con đã đâu biết mình có thể làm thế.”
Tôi đâu biết mình đã có thể.
Tôi ngờ – vâng, tôi chắc chắn – rằng có nhiều người ngoài kia, những người đã được nuôi dạy lớn lên trong một tôn giáo này hay khác, không thấy an vui trong nó, không tin tưởng vào nó, hoặc có lo âu về những xấu ác đã làm nhân danh nó, những người cảm thấy những khao khát mơ hồ muốn từ bỏ tôn giáo của cha mẹ họ, và ước ao họ đã có thể làm thế, nhưng chỉ không nhận ra rằng rời bỏ hay không đó là một chọn lựa tùy mình. Nếu bạn là một trong số những người đó, quyển sách này dành cho bạn. Nó có ý định nâng cao ý thức – nâng ý thức lên đến sự kiện rằng là một người vô thần là một nguyện vọng thực tiễn, và là một nguyện vọng dũng cảm và lộng lẫy hiển hách. Bạn có thể là một người vô thần, là người sung sướng, quân bằng, có đạo đức, và trí tuệ sung mãn. Đó là thông điệp đầu tiên trong những thông điệp nâng cao ý thức của tôi. Tôi cũng muốn nâng ý thức lên cao trong ba cách khác nữa, vốn tôi sẽ nói tiếp tục đến chúng.
Tháng Jan/2006, tôi đã trình bày một phim tài liệu truyền hình gồm hai phần trên Đài Truyền hình nước Anh (Băng tầng Bốn), gọi là Root of All Evils? (Gốc của tất cả Tà Ác?)[2] Từ đầu, tôi đã không thích tựa đề này. Tôn giáo không phải là gốc của tất cả cái ác, vì không một điều gì là gốc của tất cả bất kỳ điều gì hết cả. Nhưng tôi đã rất thích thú với quảng cáo do Kênh Số Bốn đặt đăng trên những báo chí toàn quốc. Đó là một ảnh chụp đường chân trời của Manhattan với những tòa nhà chọc trời, với chú thích “Hãy tưởng tượng một thế giới không có tôn giáo”. Sự nối kết là gì? Hai tòa nhà cao sừng sững của Trung tâm Thương mại Thế giới vẫn còn hiện diện rõ ràng như đập vào mắt [3].
Hãy tưởng tượng, cùng John Lennon, một thế giới không tôn giáo. Hãy tưởng tượng không có những người ôm bom tự sát, không có ngày 9 / 11 [4], không có ngày 7 / 7 [5], không có những cuộc viễn chinh xâm lăng tàn khốc đẫm máu muôn người chỉ vì một cái giá gỗ chữ thập nhuốm máu một người [6], không có săn lùng giết những “phù thủy”, không có Âm mưu Thuốc súng của dòng chăn chiên Jesuits định giết vua, và toan phá nổ nghị viện Anh [7], không có chia cắt India, không có chiến tranh Israel / Palestine, không có thảm sát Serbia / Croat / Muslim, không có đàn áp người Dothái như những kẻ “giết-Christ”, không có những “rối loạn” ở Bắc Ireland, không có những “giết người vì danh dự”, không có những thày chăn chiên tivi áo bóng, tóc uốn, lừa đảo người nhẹ dạ cả tin, vét túi tiền của họ (“Gót muốn bạn đem của cải ra cho, cho sạch đến khi phải thấy đau!”). Hãy tưởng tượng không có Taliban nổ tung những pho tượng Phật cổ [8], không có hành hình giữa công chúng bằng lối chặt đầu những kẻ báng bổ phê bình tôn giáo, không lấy gậy đánh phụ nữ vì phơi hở một vài phân da thịt. Ngẫu nhiên, vị đồng nghiệp Desmond Morris của tôi thông báo cho tôi rằng bài hát tuyệt vời của John Lennon đôi khi trình bày ở Mỹ với cụm từ “và cũng không tôn giáo” bị cắt bỏ. Một phiên bản thậm chí vô liêm sỉ đổi nó thành “và cũng có một tôn giáo nữa”.[9]
Có lẽ bạn cảm thấy rằng thuyết không thể biết [10] là một lập trường hữu lý, nhưng chủ nghĩa vô thần thì cũng chỉ có tính giáo điều giống như lòng tin tôn giáo? Nếu bạn nghĩ vậy, tôi hy vọng Chương 2 sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn, bằng cách thuyết phục bạn rằng “Giả thuyết Gót” là một giả thuyết mang tính khoa học về vũ trụ, nó nên được phân tích với tinh thần hoài nghi như bất kỳ giả thuyết nào khác. Có lẽ bạn đã được dạy rằng những triết gia và gót học đã đưa ra những lý lẽ vững chắc để tin vào Gót. Nếu bạn nghĩ thế, bạn có thể thích thú Chương 3 về “Những luận chứng về sự hiện hữu của Gót” – lần lượt những luận chứng này quay ra thành yếu ớt một cách ngoạn mục. Có lẽ bạn nghĩ rằng hiển nhiên là Gót phải hiện hữu, vì không thế, còn cách nào khác khiến thế giới đi đến thành hữu hình? Làm thế nào khác để có thể có sự sống, trong tất cả sự đa dạng phong phú của nó, với tất cả những loài sinh vật xem thấy quá nhiệm màu như thể chúng đã được “thiết kế”? Nếu suy nghĩ của bạn chạy theo những tuyến đường này, tôi hy vọng bạn sẽ đạt được sự tỉnh ngộ từ Chương 4 về “Tại sao hầu như chắc chắn là không có Gót!”. Còn xa mới trỏ về một nhà thiết kế, huyễn tưởng về sự thiết kế trong thế giới sinh vật được giải thích với sự quản lý chặt chẽ khéo léo những nguồn tài nguyên lớn lao hơn nhiều và với chính xác chặt chẽ tuyệt đẹp đến kinh ngạc của Darwin về sự đãi lọc trong thế giới tự nhiên. Và, trong khi tự thân sự chọn lọc tự nhiên thì giới hạn vào sự giải thích thế giới sinh vật, nó nâng ý thức của chúng ta đến khả năng có thể có của giải thích “cần trục” tương đương, có thể trợ giúp sự hiểu biết của chúng ta về chính vũ trụ. Sức mạnh của những cần trục giống như của sự chọn lọc tự nhiên là điều thứ nhì trong bốn điều nâng cao ý thức của tôi.
Có lẽ bạn nghĩ rằng có phải có một gót hay nhiều gót, vì những nhà nhân loại học và sử gia tường trình rằng những tín đồ chiếm ưu thắng trong mọi văn hóa con người. Nếu bạn thấy điều ấy thuyết phục, xin vui lòng tham khảo Chương 5, về “Nguồn gốc của tôn giáo”, nó giải thích tại sao tin tưởng thì ở đâu cũng có. Hay bạn tin rằng tin tưởng tôn giáo là cần thiết để chúng ta có những nền luân lý có thể biện chính được? Không phải là chúng ta cần Gót, ngõ hầu để thành là tốt hay sao? Xin vui lòng đọc những chương 6 và 7, để xem tại sao điều này không phải vậy. Có phải bạn vẫn còn có một gượng nhẹ với tôn giáo, xem nó như là một điều tốt cho thế giới, ngay cả khi chính bạn đã mất tín ngưỡng của bạn? Chương 8 sẽ mời bạn suy nghĩ về những đường lối trong đó tôn giáo không phải là một điều tốt như đã tưởng thế cho thế giới.
Nếu bạn cảm thấy bị giam buộc trong tôn giáo có từ dưỡng dục gia đình của bạn, đáng để tự hỏi chính bạn điều này đã xảy đến như thế nào. Câu trả lời thường là một vài hình thức nhồi sọ tôn giáo trong tuổi thơ dại. Nếu bạn là có tôn giáo đi nữa, nó hẳn hoàn toàn rằng tôn giáo của bạn là của cha mẹ bạn. Nếu bạn được sinh ra tại tiểu bang Arkansas và bạn sẽ nghĩ đạo Kitô là đúng và Islam là sai, và biết tận tường rằng bạn sẽ nghĩ ngược lại, nếu như bạn đã được sinh ra ở Afghanistan, bạn là nạn nhân của sự nhồi sọ tôn giáo từ thời thơ ấu. Nội dung vẫn tương tự, sau vài sửa đổi tên tuổi, nơi chốn cần thiết (Mutatis mutandis) nếu bạn đã được sinh ra ở Afghanistan.
Toàn bộ vấn đề tôn giáo và tuổi thơ là chủ đề của chương 9, nó cũng bao gồm điều thứ ba của sự nâng cao ý thức của tôi. Cũng giống như những người chủ trương bình đẳng nam nữ nhíu mày khi họ nghe ai nói “ông” thay vì “ông hay bà”, hay ‘đàn ông” thay vì “con người”, tôi muốn mọi người rụt lại bất cứ khi nào chúng ta nghe thấy cụm từ “đứa trẻ Catô”, hoặc “đứa trẻ Muslim”. Nói về một đứa trẻ có “cha mẹ theo đạo Catô”, nếu bạn thích, nhưng nếu bạn nghe thấy bất cứ ai nói về một “đứa trẻ Catô”, ngăn họ lại và nhã nhặn chỉ ra rằng trẻ em còn quá nhỏ để biết được chỗ đứng của chúng về những vấn đề như vậy, cũng giống hệt như chúng còn quá nhỏ để biết được quan điểm về kinh tế hoặc chính trị. Chính vì mục đích của tôi là nâng cao ý thức, tôi sẽ không xin lỗi vì đề cập đến nó ở đây trong Lời nói đầu, cũng như trong Chương 9. Nói nhiều cho đến mấy, bạn cũng không thể lập lại điều ấy cho đến đủ. Tôi sẽ nói lần nữa. Đó không phải là một đứa trẻ Muslim, nhưng một đứa trẻ có cha mẹ Muslim. Đứa trẻ đó còn quá nhỏ để biết nó có là một Muslim hay không. Không làm gì có thứ gọi là một đứa trẻ Muslim. Không làm gì có thứ gọi là một đứa trẻ Kitô.
Chương 1 và 10, mở đầu và đóng lại cuối quyển sách bằng cách giải thích, trong những các khác nhau của chúng, một sự hiểu biết đúng đắn về sự tráng lệ lộng lẫy của thế giới thực tại, trong khi không bao giờ trở thành một tôn giáo, có thể làm trọn đầy vai trò gây cảm hứng như thế nào, mà tôn giáo – trong lịch sử, và bất xứng, không thỏa đáng – đã chiếm đoạt.
Điều nâng cao ý thức thứ tư của tôi, là sự tự hào của người vô thần. Là một người vô thần thì không có gì phải xin lỗi hay áy náy gì cả. Ngược lại, nó là một điều gì đó đáng tự hào, đứng cao ngửng mặt nhìn tới chân trời xa, vì chủ nghĩa vô thần gần như luôn luôn biểu thị một sự độc lập lành mạnh của não thức, đúng vậy, một tâm hồn lành mạnh. Có rất nhiều người, trong đáy lòng biết rằng họ là những người vô thần, nhưng không dám thú nhận nó với gia đình, hoặc thậm chí, trong một vài trường hợp, với chính bản thân họ[11]. Một phần là vì chính từ “vô thần” đã được đắp dựng lên, một cách cần mẫn, không ngừng như là một nhãn hiệu khủng khiếp và đe dọa đáng sợ. Chương 9 trích dẫn câu chuyện dở cười dở mếu của nhà khôi hài Julia Sweeney, khi cha mẹ cô khám phá ra điều này, nhờ đọc một tờ báo, biết rằng cô đã trở thành một người vô thần. Không tin vào Gót: họ may ra có thể chấp nhận, nhưng một người vô thần! Một ngườiVÔ THẦN. (Giọng người mẹ tăng lên đến thành một tiếng gào). [12]
Tôi cần phải nói một vài điều tại điểm này, đặc biệt với những độc giả Mỹ, vì sự quá đáng tôn giáo của nước Mỹ ngày nay là một điều gì đó thực đáng chú ý. Luật sư Wendy Kaminer đã chỉ hơi phóng đại khi bà nhận xét rằng đem tôn giáo ra diễu cợt là cũng liều lĩnh như đem đốt một lá cờ trong văn phòng của hội những cựu chiến binh Mỹ. Tình trạng của những người vô thần ở nước Mỹ hiện nay là ngang bằng với tình trạng của những của người đồng tính luyến ái năm mươi năm trước. Giờ đây, sau khi có phong trào Tự hào là Đồng tính luyến ái (Gay Pride), mặc dù vẫn còn không rất dễ dàng, có thể có khả năng để một người đồng tính luyến ái được bầu vào văn phòng công quyền. Trong một thăm dò dư luận của Gallup thực hiện năm 1999, hỏi người Mỹ liệu họ sẽ có bỏ phiếu cho một người có trình độ xứng đáng, nhưng nếu là một phụ nữ (95 phần trăm sẽ bầu), là Catô Lamã (94 phần trăm), là gốc Dothái (92 phần trăm), là da đen (92 phần trăm), là theo đạo Mormon (79 phần trăm), là đồng tính luyến ái (79 phần trăm), hoặc vô thần (49 phần trăm). Rõ ràng chúng ta có một con đường dài để đi hết cho đến cuối. Nhưng những người vô thần thì đông đảo hơn nhiều, đặc biệt trong giới trí thức ưu tú, nhiều hơn là người ta nhận biết được. Điều này đã như thế ngay từ thế kỷ XIX, khi John Stuart Mill đã có thể nói: “Thế giới sẽ kinh ngạc nếu nó biết lớn rộng đến chừng nào một phần của những người đáng hãnh diện, sáng chói nhất của nó, của những người lỗi lạc nhất, ngay cả trong đánh giá bình dân về khôn ngoan và đức hạnh, là những người hoàn toàn hoài nghi về tôn giáo”.
Điều này ngày nay còn phải đúng hơn nhiều, và thực vậy, tôi trình bày bằng chứng của nó trong Chương 3. Lý do có đông người ta như thế nhưng họ đã không để ý nhận biết những người vô thần là vì nhiều người vô thần trong chúng ta ngần ngại không “ra công khai”. Ước mơ của tôi là quyển sách này có thể giúp người ta đi ra công khai. Cũng giống đúng như trong trường hợp của phong trào những người đồng tính luyến ái, càng nhiều người ra công khai, sẽ càng dễ dàng hơn cho những người khác gia nhập với họ. Có thể là có một khối lượng quần chúng quan trọng đóng vai quyết định cho sự khởi đầu của một chuỗi phản ứng.
Những thăm dò dư luận ở Mỹ nêu lên rằng số những người vô thần và những người theo thuyết không thể biết đông hơn nhiều so với số tín đồ đạo Dothái, và thậm chí đông hơn hầu hết những những nhóm tôn giáo đặc biệt khác. Tuy nhiên không giống người Dothái, những người có tiếng là một trong những nhóm vận động chính trị hành lang hiệu quả nhất nước Mỹ, và không giống như người Kitô Thệphản Phúc Âm [13], những người lại còn nắm giữ và xử dụng quyền lực chính trị lớn hơn nữa, những người vô thần và những người theo thuyết không thể biết thì không có tổ chức và do đó gần như không tạo được ảnh hưởng nào. Thật vậy, những người vô thần có tổ chức đã được so sánh với bầy mèo, vì họ có khuynh hướng suy nghĩ độc lập và sẽ không hợp với tùng phục uy quyền. Nhưng một bước tốt đẹp trước tiên sẽ lập nên một đám đông quan trọng quyết định gồm những người sẵn sàng “ra công khai”, qua đó khuyến khích những người khác làm như vậy. Ngay cả khi chúng không thể gộp thành đàn được, nhưng loài mèo khi có đủ số đông, có thể tạo được rất nhiều tiếng ồn và không thể bỏ qua, làm ngơ chúng được.
Từ “huyễn tưởng” – “delusion” – trong Tựa đề của tôi đã làm một vài y sĩ ngành tâm thần lo lắng, những người này xem nó như một thuật ngữ chuyên môn, không nên đem làm đầu đề bàn tán. Ba trong số họ đã viết cho tôi, đề nghị một thuật ngữ đặc biệt kỹ thuật để chỉ sự huyễn tưởng tôn giáo: “relusion” [14]. Có lẽ nó sẽ nhập vào những từ phổ thông. Nhưng giờ đây, tôi sẽ bám với từ “huyễn tưởng”, và tôi cần phải biện minh việc tôi dùng nó. Từ điển tiếng Anh Penguin (Penguin English Dictionary) định nghĩa một huyễn tưởng là “một tin tưởng hoặc ấn tượng sai lầm”. Đáng ngạc nhiên, để minh họa cho từ này, từ điển đã cho một trích dẫn lấy của Phillip E. Johnson: “học thuyết Darwin là câu chuyện về sự giải phóng của nhân loại khỏi huyễn tưởng rằng một sức mạnh cao hơn chính nó kiểm soát vận mệnh của nó”. Có thể nào đó cũng là chính Phillip E. Johnson, người dẫn đầu những người chủ trương thuyết sáng tạo chống đối với học thuyết Darwin tại nước Mỹ ngày nay? Quả thực là đúng vậy, như chúng ta có thể đoán, trích dẫn đã bị lấy lạc khỏi ý của nội dung. Tôi hy vọng sự kiện mà tôi vừa nêu dài dòng đến thế, sẽ được ghi nhận, vì cùng một thứ lịch sự như vậy đã không được mở rộng ra đến với tôi, trong vô số trích dẫn về thuyết sáng tạo lấy từ những tác phẩm của tôi, nhưng đã chủ tâm và lừa dối cố tách ra nghịch với ý của nội dung. Dẫu gì là ý nghĩa riêng của Johnson, nhưng câu nói của ông hiểu như nó khi đứng một mình, tôi sẽ vui vẻ ủng hộ. Từ điển trong Microsoft Word cung cấp định nghĩa một huyễn tưởng là “một tin tưởng sai lầm được chủ trương dai dẳng, đứng đối mặt với bằng chứng mâu thuẫn mạnh mẽ, đặc biệt như là một triệu chứng của rối loạn tâm thần”. Phần đầu bắt chụp toàn hảo về lòng tin tôn giáo. Về phần không biết nó có là triệu chứng của một bệnh nhiễu loạn tâm thần hay không, tôi nghiêng theo Robert M. Pirsig, tác giả của Thiền và nghệ thuật bảo trì xe môtô [15], khi ông nói, “Khi một cá nhân con người bị đau khổ vì một huyễn tưởng, nó được gọi là chứng điên rồ. Khi đông đảo nhiều người bị đau khổ vì một huyễn tưởng, nó được gọi là Tôn giáo”.
Nếu quyển sách này làm được việc như tôi dự định, những độc giả lúc mở nó ra đọc là người có tôn giáo sẽ là người vô thần sau khi đọc xong, lúc đặt nó xuống. Thật là một lạc quan quá đỗi tự tin biết chừng nào! Dĩ nhiên, những trí não đặc lòng tin tôn giáo như len-đã-nhuộm-màu-khi-mới-xe-sợi đều miễn nhiễm với những luận bàn lý trí, sự đối kháng của họ được chất chứa qua những tháng năm nhồi sọ thời thơ ấu, bị tẩy não bằng những phương pháp vốn đã tốn hàng thế kỷ để hoàn thiện (dù không biết qua tiến hóa hay bằng thiết kế). Trong số những mưu chước miễn nhiễm hiệu quả hơn cả là một cảnh cáo nghiêm trọng để tránh ngay cả mở một quyển sách loại thế này, vì chắc chắn đó là một “quyển sách của Satan”. Nhưng tôi tin rằng ngoài kia có rất nhiều người có đầu óc cởi mở: những người tuy tuổi thơ bị nhồi sọ nhưng không quá thâm nhiễm, hoặc vì những lý do khác nào đó đã không “ngấm”, hoặc có thông minh bẩm sinh đủ mạnh để vượt qua nó. Những tinh thần tự do như vậy chỉ cần một khích lệ nhỏ là đủ phá vỡ ràng buộc, hoàn toàn thoát khỏi tất cả tật hư thói xấu đồi bại của tôn giáo. Còn như ít nhất, tôi hy vọng rằng không ai là người đọc quyển sách này sẽ có khả năng để còn nói, “Tôi đâu biết mình đã có thể”.
Đối với những giúp đỡ trong việc sửa soạn cho quyển sách này, tôi biết ơn nhiều bạn bè và đồng nghiệp. Tôi không thể nhắc tất cả tên họ, nhưng họ gồm nhà đại lý văn học John Brockman của tôi, và những nhà biên tập của tôi, Sally Gaminara (với Transworld) và Eamon Dolan (với Houghton Mifflin), cả hai đọc quyển sách với hiểu biết tinh tế và thông minh, và cho tôi một hỗn hợp hữu ích của phê bình và lời khuyên. Tin tưởng hết lòng và đầy nhiệt tình của họ với quyển sách đã là rất khích lệ với tôi. Gillian Somerscales đã là một biên tập gương mẫu về sao chép, vừa thật xây dựng với những đề nghị, vừa thật tỉ mỉ với những sửa chữa của cô. Những người khác đã phê bình những bản thảo khác nhau, và họ là những người tôi rất biết ơn, là Jerry Coyne, J. Anderson Thomson, R. Elisabeth Cornwell, Ursula Goodenough, Latha Menon và đặc biệt là Karen Owens, nhà phê bình kiệt xuất, người quen thuộc với những khâu vá và tháo gỡ của tất cả mỗi bản thảo của quyển sách đã cũng tường tận chi tiết như của riêng tôi.
Quyển sách còn nợ một vài điều gì đó (và ngược lại) với phim tài liệu truyền hình hai phần – Root of All Evil?, mà tôi đã trình bày trên đài Truyền hình Anh (Kênh số Bốn) trong Jan/2006. Tôi biết ơn tất cả những người đã tham gia vào việc sản xuất, bao gồm Deborah Kidd, Russell Barnes, Tim Cragg, Adam Prescod, Clements Alan và Hamish Mykura. Với sự cho phép dùng trích dẫn từ phim tài liệu, tôi cảm ơn IWC Media và Kênh TV số Bốn.Root of All Evil? được xếp vào hàng xuất sắc tại Anh, và nó cũng đã được Tổng công ty phát thanh truyền hình Úc (ABC) nhận phát hình. Vẫn còn chờ xem không biết có kênh truyền hình Mỹ nào sẽ dám đem nó trình chiếu hay không [16].
Quyển sách này đã được khai triển trong não thức của tôi đã một vài năm. Trong thời gian đó, một vài ý tưởng chắc chắn tìm thấy lối của chúng vào những bài giảng, thí dụ những bài giảng Tanner của tôi tại Harvard, và vào những bài viết trên nhật báo và tạp chí. Độc giả của cột báo thường xuyên của tôi trongFree Inquiry, đặc biệt, có thể tìm thấy một số đoạn nào đó quen thuộc. Tôi biết ơn Tom Flynn, chủ bút của tờ tạp chí đáng khâm phục đó, vì sự kích thích ông đã cho tôi, khi ông giao cho tôi làm một người viết chuyên mục thường xuyên. Sau một thời gian gián đoạn tạm thời trong quá trình hoàn thiện quyển sách, bây giờ tôi hy vọng tiếp tục cột báo của tôi, và sẽ chắc chắn dùng nó để đối đáp với những gì nếu xảy ra sau khi xuất bản quyển sách.
Với nhiều lý do, tôi biết ơn Dan Dennett, Marc Hauser, Michael Stirrat, Sam Harris, Helen Fisher, Margaret Downey, Ibn Warraq, Hermione Lee, Sweeney Julia, Dan Barker, Josephine Wales, Ian Baird và đặc biệt là George Scales. Ngày nay, một quyển sách như thế này không là hoàn thành cho đến khi nó trở thành hạt nhân của một trang web sống, một diễn đàn cho những tài liệu bổ sung, những phản ứng, những thảo luận, những câu hỏi và câu trả lời – ai là người có thể biết tương lai có thể mang lại những gì? Tôi hy vọng rằng www.richarddawkins.net/, trang web của Tổ chức Richard Dawkins cho Lý trí và Khoa học, sẽ đi đến làm trọn vai trò đó, và tôi hết sức biết ơn Josh Timonen với tài năng nghệ thuật, sự chuyên nghiệp và nỗ lực lớn lao hoàn toàn khó khăn ông dành vào đó.
Trên tất cả, tôi cảm ơn Lalla Ward, vợ tôi, người đã khuyến dụ tôi qua tất cả những do dự của tôi và tự-ngờ vực, không chỉ với hỗ trợ tinh thần và những đề nghị khôn ngoan để cải thiện, nhưng bằng cách đọc lớn tiếng toàn bộ quyển sách cho tôi, ở hai giai đoạn khác nhau trong phát triển của nó, nhờ vậy tôi có thể thấu hiểu rất trực tiếp quyển sách có thể xem ra như thế nào với một người đọc, khác hơn với bản thân tôi. Tôi đề nghị kỹ thuật này với những tác giả khác, nhưng tôi phải báo trước rằng để có kết quả tốt nhất, người đọc sách phải là một diễn viên chuyên nghiệp, với giọng nói và tai nghe nhạy cảm điều chỉnh được tiếng đọc với âm nhạc của ngôn ngữ.

Richard Dawkins
Richard Dawkins (1941 -)
Chương 1
Một người không-tin-gót nhưng có tín ngưỡng sâu xa
Tôi không cố để tưởng tượng một Gót có tính-người; là đủ để đứng trong kinh ngạc trước cấu trúc của thế giới, cho đến chừng nào nó để cho những giác quan bất cập của chúng ta thấu hiểu nó.
- Albert Einstein
Đáng được kính trọng
Cậu bé nằm xấp trên cỏ, cằm đè trên hai bàn tay mình. Cậu đột nhiên thấy chính mình bị choáng ngợp vì một nhận thức tăng cao về những thân và rễ cây rối chằng chịt, một khu rừng trong thế giới thu nhỏ, một thế giới đã hóa dạng của loài kiến và loài bọ cánh cứng, và thậm chí – mặc dù thời ấy cậu vốn đã không có được hiểu biết chi tiết – của đến hàng tỉ nhữngbacteria trong đất, âm thầm và vô hình đương chống giữ cho tài nguyên phong phú của thế giới vi mô. Đột nhiên, khu rừng cực nhỏ của đám cỏ dường như phồng lớn và thành một với vũ trụ, và với não thức mê đắm của đứa bé đương suy nghiệm nó. Cậu đã diễn dịch kinh nghiệm theo những thuật ngữ tôn giáo, và cuối đường nó đã dẫn cậu đến đời một người chăn chiên. Sau đã được phong chức của một thày tu Anh giáo, và chuyên trách nhiệm vụ đó ở trường tôi học, Ông là một thày dạy mà tôi ưa mến. Đó là nhờ những thày chăn chiên tử tế như ông mà không ai có thể tuyên bố rằng tôi đã bị tọng tôn giáo xuống cổ họng. [17]
Trong một thời gian và địa điểm khác, cậu bé đó đã có thể là chính tôi, dưới những chùm sao, ngây ngất bởi những Orion, Cassiopeia và Ursa Major, mắt đẫm lệ cùng âm nhạc vô thanh của dải Ngân hà, với hương đêm xông lên của hoa Frangipani [18] và hoa Loa kèn trong một khu vườn ở châu Phi. Tại sao cùng một cảm xúc đã dẫn người thày dạy giáo lý của tôi theo một hướng và tôi theo một hướng khác, không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Một phản ứng giống như thần bí đối với thiên nhiên và vũ trụ là thông thường giữa những nhà khoa học và những người theo thuyết duy lý. Nó không có liên hệ với tin tưởng siêu nhiên. Ít nhất, trong thời niên thiếu của mình, người thày khoác áo chăn chiên của tôi có lẽ không biết (và tôi cũng chưa biết) đến những dòng kết luận cuối cùng của The Origin of Species – đoạn văn “rối nghĩa” nổi tiếng, “với chim hót trong bụi cây, với muôn loại côn trùng bay lượn, và với những con sâu bò qua đất ẩm ướt”. Nếu như đã đọc những giòng đó, ông chắc chắn sẽ đồng cảm với nó, và thay vì đời chăn chiên, có thể đã được dẫn đến quan điểm của Darwin, xem tất cả đã được “sản xuất bởi những luật tác động quanh chúng ta”:
Như vậy, từ chiến tranh của thiên nhiên, từ nạn đói và cái chết, đối tượng cao vời nhất mà chúng ta có khả năng để mường tượng, cụ thể là, sự sản xuất thành những loài động vật cao cấp hơn, trực tiếp đến theo sau chúng. Có sự hùng vĩ trong cái nhìn này về sự sống, với nhiều những quyền năng của nó, sau khi đã được phà hơi thở khởi đầu vào trong một ít thể dạng, hoặc vào trong một thể dạng; và như thế, đương khi hành tinh này đã quay vòng, theo như luật không đổi của trọng lực, từ đơn giản như thế là một khởi đầu bất tận của những thể dạng đẹp nhất và tuyệt vời nhất đã từng, và đang hình thành, tiến hóa. [19]
Carl Sagan, trong Pale Blue Dot [20], đã viết:
Không biết tại sao mà hiếm có được bất kỳ một tôn giáo lớn nào đã nhìn vào khoa học và kết luận, “Thế này thật hay hơn chúng ta đã nghĩ! Vũ trụ thì lớn lao hơn rất nhiều so với những nhà tiên tri của chúng ta đã nói, vĩ đại hơn, tinh tế hơn, tao nhã hơn? Thay vào đó họ nói, “Không, không, không! gót của tôi là một vị gót nhỏ bé, và tôi muốn ông ta cứ yên theo lối như thế”. Một tôn giáo, cũ hay mới, nếu như đã nhấn mạnh vào sự nguy nga lộng lẫy của Vũ trụ như khoa học hiện đại hé lộ cho thấy, có thể có khả năng kéo ra những dự trữ của sự tôn kính và thán phục, vốn hiếm đã được những tín ngưỡng truyền thống khai thác.
Tất cả những sách của Sagan chạm đến những đầu dây thần kinh của sự ngạc nhiên siêu nghiệm mà tôn giáo giữ độc quyền trong nhiều thế kỷ qua. Những quyển sách của tôi có cùng nguyện vọng. Kết quả là tôi nghe chính tôi thường được mô tả như một con người có tín ngưỡng sâu xa. Một sinh viên người Mỹ đã viết cho tôi rằng cô đã hỏi giáo sư của cô, không biết nếu ông này có một quan điểm về tôi hay không. “Có chứ,” ông giáo sư đáp. “Khoa học tích cực của ông ấy thì không thuận hợp với tôn giáo, nhưng ông ấy đã phết lớp sáp của ngây ngất về thiên nhiên và vũ trụ. Với tôi, đó là tôn giáo!”. Nhưng “tôn giáo” có là từ ngữ đúng hay không? Tôi không nghĩ vậy. Nhà vật lý đoạt giải Nobel (và một người vô thần) Steven Weinberg nêu lên điểm này rõ ràng như bất kỳ một ai, trong Những Giấc mơ về một Lý thuyết Cuối cùng[21]:
Một số người có những cái nhìn quá rộng rãi và uyển chuyển về Gót, khiến không thể tránh khỏi họ sẽ thấy Gót bất cứ nơi nào họ lùng kiếm ông. Người ta nghe có nói rằng “Gót là nguyên lý tối hậu”, hay “Gót là bản chất tốt hơn của chúng ta” hoặc “Gót là vũ trụ”. Dĩ nhiên, giống như bất kỳ từ ngữ nào, từ “Gót” có thể được đem gán cho bất kỳ ý nghĩa nào chúng ta thích. Nếu bạn muốn nói rằng “Gót là năng lượng”, vậy sau đó bạn có thể tìm thấy Gót trong một đống than.
Weinberg chắc chắn là đúng, nếu như từ “Gót” rồi không phải để trở thành hoàn toàn vô dụng, nó nên được dùng trong cách mọi người theo như thông thường đã hiểu nó: để trỏ một đấng siêu nhiên sáng tạo thế giới, và vị đó thì “xứng hợp cho chúng ta thờ phụng”.
Nhiều nhầm lẫn đáng tiếc là do thất bại không phân biệt được những gì có thể được gọi là tôn giáo kiểu Einstein khác với kiểu tôn giáo tin tưởng vào siêu nhiên. Đôi khi Einstein gọi tên Gót (và ông không phải là nhà khoa học vô thần duy nhất đã làm như vậy), như mời người ta đi đến hiểu lầm, vì những người tin vào siêu nhiên [22] rất muốn hiểu sai và tuyên xưng một nhà tư tưởng nổi tiếng như thế như một người của riêng phe họ. Kết thúc đột ngột đầy kịch tính (hay là nghịch ngợm?) của Một Lịch sử vắn tắt về Thời gian[23] của Stephen Hawking, “Vì đến lúc đó, chúng ta sẽ biết được não thức của Gót”, là nổi tiếng bị hiểu sai. Nó đã dẫn mọi người, dĩ nhiên là nhầm lẫn, đến tin rằng Hawking là một con người tôn giáo. Nhà sinh vật học tế bào Ursula Goodenough, trong Những Sâu thẳm Linh thiêng của thế giới Tự nhiên[24], nghe còn nhiều tôn giáo hơn so với Hawking hoặc Einstein. Bà yêu những nhà thờ Kitô, nhà thờ Islam và những đền thờ thần linh, và nhiều đoạn trong sách của bà rõ ràng là như xin được trích ra ngoài mạch văn, và để được những tôn giáo siêu nhiên đem xử dụng như đạn bắn. Bà còn đi xa đến tự gọi mình là một nhà “khoa học tự nhiên có tín ngưỡng”. Thế nhưng, cẩn thận đọc sách của bà cho kỹ, cho thấy rằng bà thực sự là một người vô thần, cũng một lòng một dạ vững chắc như tôi.
“Nhà khoa học tự nhiên” là một từ không rõ ràng. Với tôi nó gợi nhắc nhà anh hùng tuổi thơ của tôi, Bác sĩ Dolittle của Hugh Lofting [25] (nhân tiện đây nói thêm, là người đã có hơn một chút dáng vẻ của nhà “triết gia”, nhà khoa học tự nhiên của con tàu HMS Beagle). Trong thế kỷ thứ mười tám và mười chín, nhà khoa học tự nhiên có nghĩa là những gì nó vẫn có nghĩa như với hầu hết chúng ta ngày nay: một sinh viên của thế giới tự nhiên. Những nhà khoa học tự nhiên trong ý nghĩa này, từ Gilbert White trở đi, đã thường là những thày chăn chiên. Chính Darwin, lúc còn trẻ tuổi, đã dự định phụng sự hội Nhà thờ, với hy vọng rằng cuộc sống nhàn nhã của một thày chăn chiên Thệphản ở vùng quê sẽ cho phép theo đuổi đam mê của ông với loài bọ cánh cứng. Nhưng những triết gia dùng “nhà tự nhiên” trong một ý nghĩa rất khác nhau, như đối nghịch với “nhà siêu nhiên”. Julian Baggini trong Thuyết vô thần: một dẫn nhập rất ngắn[26] giải thích ý nghĩa của sự gắn bó của một người vô thần với chủ nghĩa tự nhiên: “Điều mà hầu hết những người vô thần tin chắc, là chỉ có một thứ chất liệu trong vũ trụ, và nó là vật chất, mặc dù từ thứ chất liệu này đi ra là não thức, vẻ đẹp, những cảm xúc, những giá trị đạo đức – nói vắn tắt, là đầy đủ toàn bộ những hiện tượng vốn đem lại sự giàu có phong phú cho đời sống con người”.
Suy nghĩ và cảm xúc con người nổi lêntừ những liên kết lẫn nhau hết sức phức tạp của những thực thể vật lý bên trong bộ óc. Một người vô thần trong ý nghĩa này của người theo chủ nghĩa tự nhiên triết học là một ai đó tin rằng không có gì cả ở sau Tự nhiên, hay ngoài thế giới vật lý; không có trí tuệ thông minh sáng tạosiêu nhiên ẩn núp bí mật đằng sau vũ trụ quan sát được, không có linh hồn sống lâu hơn sự sống của cơ thể, và không có những phép lạ – ngoại trừ trong ý nghĩa của những hiện tượng tự nhiên mà chúng ta vẫn chưa hiểu. Nếu có một sự việc gì đó xem ra có vẻ nằm ngoài vòng thế giới tự nhiên, như bây giờ nó được hiểu nhưng còn không đầy đủ, chúng ta hy vọng cuối cùng sẽ hiểu nó và ôm lấy nó vào trong vòng tự nhiên. Cũng như khi chúng ta tháo gỡ một cầu vồng, sẽ không vì thế mà nó trở nên kém tuyệt vời.
Những nhà khoa học lớn của thời đại chúng ta, những người thoạt nghe như có tín ngưỡng tôn giáo, thường thường quay ra thành không là như vậy, khi bạn xem xét những tin tưởng của họ sâu xa hơn. Điều này chắc chắn đúng với Einstein và Hawking. Nhà thiên văn Hoàng gia và Chủ tịch hiện nay của Học Hội Hoàng gia [27], Martin Rees, nói với tôi rằng ông đi đến nhà thờ như là một người “Anh giáo không tin gót ... (đi đến nhà thờ chỉ) do sự trung thành với “bộ lạc” của mình”. Ông không có những tin tưởng tin-có-gót, nhưng chia xẻ chủ nghĩa tự nhiên nên thơ mà vũ trụ kích động trong những nhà khoa học khác mà tôi đã đề cập đến. Trong buổi trò chuyện mới đây trên truyền hình, tôi thách thức người bạn tôi là bác sĩ sản khoa Robert Winston, một trụ cột đáng kính của dân Anh gốc Dothái, có dám thú nhận rằng đạo Dothái của ông là đích xác có cá tính này, và rằng ông đã không thực sự tin vào bất cứ điều gì siêu nhiên. Ông đi đến gần với thú nhận nó, nhưng tránh né ở hàng rào phòng thủ cuối cùng (cho công bằng, đáng lẽ là ông phỏng vấn tôi, không phải ngược lại) [28]. Khi tôi ép, ông nói tìm thấy đạo Dothái đã đem cho một kỷ luật tốt, giúp ông cấu trúc và dẫn đến một đời sống tốt lành. Có lẽ nó có là thế, nhưng điều đó, dĩ nhiên, đã không mang theo một chút nào, dù nhỏ nhất, giá trị chân lý của bất kỳ những tuyên bố siêu nhiên nào của nó. Có rất nhiều những nhà trí thức vô thần đã tự hào gọi mình là người Dothái, và tuân hành những nghi lễ đạo Dothái, có lẽ trong sự trung thành với một truyền thống cổ xưa, hay với những người thân đã bị sát hại, nhưng cũng còn vì một sự sẵn sàng đã lẫn lộn, và vẫn đương lẫn lộn gắn nhãn “tôn giáo” với sự tôn kính tin-Gót-là-khắp-cả [29] mà nhiều người trong chúng ta chia xẻ với người phát biểu lỗi lạc nhất, Albert Einstein. Họ có thể không tin, nhưng, để vay một cụm từ của Dan Dennett, họ “tin vào tin tưởng” [30].
Một trong những nhận xét của Einstein được trích dẫn háo hức nhất là “Khoa học mà không có tôn giáo là khập khiễng, tôn giáo mà không có khoa học là mù lòa”. Nhưng Einstein cũng nói:
Dĩ nhiên, đó là một nói láo trong những gì bạn đọc về những nhận thức tôn giáo của tôi, một dối trá vốn được lập đi lập lại có hệ thống. Tôi không tin vào một Gót có tính người [31], tôi đã chưa từng bao giờ phủ nhận điều này, nhưng đã phát biểu nó rõ ràng. Nếu một gì đó trong tôi có thể được gọi là có tính tôn giáo thì đó là sự ngưỡng mộ không bờ bến với cấu trúc của thế giới cho đến mức như khoa học của chúng ta có thể hé lộ cho thấy nó.
Liệu có vẻ rằng Einstein đã mâu thuẫn với chính mình? Rằng lời của ông có thể được trích dẫn chọn lựa để hỗ trợ cho cả hai mặt của một cuộc tranh cãi? Không. Khi nói “tôn giáo”, Einstein hàm ý nghĩa là một gì đó hoàn toàn khác biệt với những gì thông thường vẫn hiểu. Khi tôi tiếp tục để làm rõ sự phân biệt giữa tôn giáo siêu nhiên về một mặt, và tôn giáo theo lối Einstein về một mặt khác, xin giữ trong não thức, rằng tôi gọi chỉ những gót siêu nhiên là giả tạo, lừa dối – là huyễn tưởng.
Đây là một vài trích dẫn nữa từ Einstein, để cho một mùi vị của tôn giáo lối Einstein.
Tôi là một người tín ngưỡng sâu xa không tin gót [32]. Đây có thể ít nhiều nào đó, gọi là một loại mới trong tôn giáo.
Tôi chưa bao giờ quy gán cho Thiên nhiên một cứu cánh hay một mục đích, hoặc bất cứ điều gì có thể được hiểu là mang-tính-dạng-con-người [33]. Những gì tôi nhìn thấy trong Thiên nhiên là một cấu trúc tráng lệ mà chúng ta có thể hiểu chỉ rất không toàn vẹn, và điều đó phải rót đầy một tình cảm của khiêm nhường vào một người có suy nghĩ. Đây là một tình cảm tôn giáo chân thực vốn nó không có dính líu gì với chủ nghĩa thần bí [34].
Ý tưởng về một Gót có tính người là hoàn toàn xa lạ với tôi, và thậm chí xem dường ngớ ngẩn.
Vì ông đã chết, có thể hiểu được một số lượng lớn những nhà chống trả cho tôn giáo [35] cố gắng để tuyên nhận Einstein như một người thuộc phe riêng của họ. Nhưng một vài nhân vật tôn giáo đương thời khi ông còn sống, đã nhìn ông rất khác biệt. Năm 1940, Einstein đã viết một bài báo nổi tiếng biện minh cho tuyên bố của ông “Tôi không tin vào một Gót có tính người”. Điều này và những phát biểu tương tự đã gây nên một cơn bão thư tín từ giới tôn giáo chính thống, nhiều người trong số họ ám chỉ nguồn gốc Dothái của Einstein. Những trích dẫn sau đây lấy từ quyển Einstein và Tôn giáo của Max Jammer (cũng nguồn chính của tôi khi trích dẫn Einstein về những vấn đề tôn giáo). Người chăn chiên cấp tỉnh thuộc nhà thờ Catô Lamã của thành phố Kansas cho biết: “Đáng buồn để thấy một người, là người xuất thân từ dòng giống và giảng dạy của Cựu Ước, phủ nhận truyền thống vĩ đại của dòng giống đó”. Những thày chăn chiên Catô khác hòa điệu theo: “Không có Gót nào khác, nhưng chỉ một Gót-có-tính-người.. . Einstein chẳng biết ông đang nói đến những gì. Ông sai bét, lầm hết tất cả. Dăm ba người nghĩ rằng vì họ đã đạt đến một mức độ cao của học giới trong một vài lĩnh vực, là tất cả chỗ nào họ cũng có đủ tư cách để bày tỏ ý kiến!”. Khái niệm rằng tôn giáo là mộtlĩnh vực thích hợp, trong đó người ta có thể xưng là chuyên môn thành thạo, là một khái niệm không nên để bỏ mặc mà không tra hỏi. Nhà chăn chiên đó có thể đoán chừng là sẽ không giữ lại mà không giao cho chuyên môn của một người tự xưng là “nhà chuyên môn về thần tiên” [36] về hình dạng và màu sắc chính xác của những cánh tiên. Cả ông và nhà chăn chiên cấp tỉnh đều nghĩ rằng Einstein, không được huấn luyện về gót học, đã hiểu sai bản chất của Gót. Ngược lại, Einstein hiểu rất rõ ràng chính xác những gì ông đã phủ nhận.
Một luật sư người Mỹ Catô Lamã, làm việc thay mặt cho một liên minh các hội nhà thờ, đã viết cho Einstein:
Chúng tôi rất tiếc rằng ông đã phát biểu lời tuyên bố của ông ... trong đó ông chế giễu ý niệm về một Gót có tính người. Trong mười năm vừa qua, không có gì đã được tính toán khéo như tuyên bố của ông, để làm dân chúng nghĩ rằng Hitler đã có vài lý do khi trục xuất những người Dothái khỏi nước Đức. Thừa nhận quyền tự do ngôn luận của ông, tôi vẫn nói rằng tuyên bố của ông làm ông thành một trong những nguồn bất hòa lớn nhất ở nước Mỹ.
Một rabbi (thày chăn chiên đạo Dothái) ở NewYork nói: “không nghi ngờ gì Einstein là một nhà khoa học lớn, nhưng quan điểm tôn giáo của ông là đối ngược với đạo Dothái.”
“Nhưng”? “Nhưng”? Tại sao không “và”?
Chủ tịch của một hội lịch sử ở New Jersey đã viết một lá thư để lộ điểm yếu tai hại của não thức tôn giáo, nó đáng được đọc hai lần:
Chúng tôi tôn trọng học thức của ông, Tiến sĩ Einstein, nhưng có một điều ông xem dường không có học: Gót là một tinh thần và không thể được tìm thấy qua kính viễn vọng hoặc kính hiển vi, không khác gì nhiều hơn với suy nghĩ hoặc cảm xúc con người, không thể được tìm thấy bằng phân tích trong bộ óc. Như mọi người đều biết, tôn giáo là dựa trên lòng tin, không phải kiến thức. Tất cả mọi người có suy nghĩ, có lẽ, là bị những hoài nghi về tôn giáo tấn công vào những thời điểm khác nhau. Lòng tin của tôi đã bị lung lay nhiều lần. Nhưng tôi không bao giờ nói với ai những dao động tinh thần của tôi, vì hai lý do: (1) Tôi sợ rằng tôi có thể, chỉ đơn thuần bằng cách gợi ý, làm xáo trộn và thiệt hại đời sống và hy vọng của một vài đồng loại; (2) vì tôi đồng ý với một nhà văn nói, “Có một tia ác ý trong bất cứ ai là người sẽ tiêu diệt lòng tin của người khác”... Tôi hy vọng, Tiến sĩ Einstein, ông đã bị người ta đã trích dẫn sai, và ông sẽ còn chưa nói điều gì đó dễ nghe hài lòng hơn với số lượng lớn dân chúng Mỹ; những người rất vui sướng tôn vinh ông.
Thật là một bức thư tiết lộ tai hại! Tất cả, mỗi câu đều ứa rỉ ra sự hèn nhát của trí tuệ và đạo đức.
Ít đê tiện, nhưng chấn động hơn là lá thư từ người sáng lập Hội Nhà thờ Liên hiệp Calvary Tabernacle ở Oklahoma:
Giáo sư Einstein, tôi tin rằng mỗi Người Kitô trong nước Mỹ sẽ trả lời ông, “Chúng tôi sẽ không từ bỏ tin tưởng chúng tôi vào Gót của chúng tôi, và vào Jesus Kitô con trai Gót, nhưng chúng tôi mời ông, nếu không tin vào Gót của dân chúng trong quốc gia này, hãy trở về lại nơi ông từ đó đã đến”. Tôi đã làm tất cả mọi điều trong khả năng của tôi để là một phước lành cho Israel, và sau đó ông xuất hiện, và với một tuyên bố từ miệng lưỡi báng bổ của ông, gây nhiều tổn thương hơn cho chính nghĩa của dân tộc ông, hơn tất cả những nỗ lực của những người Kitô, những người yêu Israel có thể làm được để dập tắt ngấm chủ nghĩa bài-Dothái trên đất nước chúng tôi. Giáo sư Einstein, tất cả mọi người Kitô ở Mỹ sẽ trả lời ông ngay lập tức, “Đi đi, hãy đem cái học thuyết tiến hóa điên rồ, giả dối của ông, và về lại nước Đức, nơi ông đã từ đó, hay ngưng cố gắng muốn bẻ gãy lòng tin của một dân tộc là những người đã chào đón ông, khi ông bị buộc trốn chạy khỏi đất sinh quán của ông”.
Một điều mà tất cả những phê bình phe tin-có-gót với Einstein đã đều đúng, đó là Einstein không phải là một người trong số họ. Ông đã nhiều lần bất bình trước gợi ý rằng ông là một người thê-ít, hay người theo thuyết Tin-gót-có-nhúng-tay.Như thế, có phải ông là một người đê-ít – người theo thuyết tin-gót-không-nhúng-tay [37], như Voltaire và Diderot? Hoặc một người pan-thê-ít – theo thuyết Tin-gót-là-khắp-cả, như Spinoza, người có triết lý ông ngưỡng mộ: “Tôi tin vào Gót của Spinoza, là người tự hiển lộ trong trật tự hài hòa của những gì hiện hữu, không phải trong một Gót (cá nhân) có quan tâm với số phận và hành động của loài người”?
Chúng ta hãy cùng nhắc lại những thuật ngữ. Một người thê–ít tin rằng có một trí tuệ thông minh siêu nhiên, ngoài việc chính đầu tiên là đã tạo lập vũ trụ, ông vẫn còn loanh quanh ở khắp nơi để giám sát và tác động vào số phận sau đó của sự sáng tạo ban đầu của mình. Trong nhiều hệ thống tin tưởng tin-có-gót nhúng tay, vị gót liên hệ mật thiết với những vấn đề nhân sự. Ông nghe và đáp ứng những cầu nguyện, tha thứ hay trừng phạt những gì trái ý ông, gọi là “tội lỗi”; can thiệp vào thế giới bằng cách thực hiện những phép lạ; luôn luôn bực dọc và bận tâm về những hành động tốt và xấu, và biết khi nào chúng ta làm chúng (hoặc thậm chí chúng ta chỉ mới nghĩ đến định làm chúng). Một người đê-ít, cũng thế, tin vào một trí tuệ thông minh siêu nhiên, nhưng có hoạt động giới hạn chỉ trong việc thiết lập những định luật đã đầu tiên chi phối vũ trụ. Gót của những người đê-ít, sau đó trở đi không bao giờ can thiệp nữa, và chắc chắn không có quan tâm đặc biệt nào với nhân sự, với những công việc của con người. Những người pan-thê-íthoàn toàn không tin vào một gót siêu nhiên nào hết tất cả, nhưng dùng từ “Gót” như là một từ đồng nghĩa với không-siêu-nhiên để chỉ Thiên nhiên, hay chỉ Vũ trụ, hay chỉ tính-có-qui-luật vẫn xem như điều hành những hoạt động của Tự nhiên. Người đê-ít khác với người thê-ít ở điểm Gót của họ không trả lời những cầu nguyện, không quan tâm đến những tội lỗi hay những thú tội, không đọc những suy nghĩ của chúng ta và không can thiệp với những phép lạ thất thường. Người đê-ít khác với người pan-thê-íttrong điểm Gót đê-ít là một loại thông minh trùm vũ trụ, chứ không phải như của người pan-thê-ít, Gót pan-thê-ít đúng hơn là từ đồng nghĩa mang ẩn dụ hoặc thi ảnh của luật của vũ trụ. Thuyết Tin-gót-là-khắp-cả là làm tăng-ngất-ngây-lên [38]của thuyết không-tin-gót. Thuyết Tin-gót-không-nhúng-tay là chắt bớt nước đi của thuyết Tin-gót-có-nhúng-taycho yếu đi.
Có tất cả mọi lý do để nghĩ rằng những câu nổi tiếng về quan điểm của Einstein[39] như – “Gót thì tinh tế, nhưng ông ta thì không ranh ác”, hoặc “Gót không chơi trò ném súc sắc”, hoặc “Có phải Gót đã có một lựa chọn nào trong việc tạo ra vũ trụ?” – là Tin-gót-là-khắp-cả, không phải Tin-gót-không-nhúng-tay, và chắc chắn không phải là Tin-gót-có-nhúng-tay. “Gót không chơi trò ném súc sắc” phải được dịch là “Tính ngẫu nhiên không nằm ở trung tâm của tất cả mọi sự vật việc”. Còn “Có phải Gót đã có một lựa chọn nào trong việc tạo ra vũ trụ hay không” có nghĩa là “Có thể nào vũ trụ đã bắt đầu trong bất kỳ một cách nào khác không?” [40]. Einstein dùng từ “Gót” trong một ý hướng hoàn toàn ẩn dụ, (gợi ý bóng bẩy) thi ca. Cũng thế là Stephen Hawking, và cũng thế với hầu hết những nhà vật lý, là những người đôi khi trượt sang ngôn ngữ của ẩn dụ tôn giáo. Não thức của Gót của Paul Davies dường như lơ lửng một chỗ nào đó giữa thuyết Tin-gót-là-khắp-cả theo lối Einstein và một hình thức mờ tối không rõ của Tin-gót-không-nhúng-tay – do đó ông đã được tưởng thưởng Giải thưởng Templeton (một món tiền rất lớn, Quỹ Templeton trao giải hàng năm, thường thường cho một nhà khoa học nào đó, là người đã sẵn sàng để nói một gì đó tử tế về tôn giáo).
Hãy để tôi tóm thu tôn giáo theo lối Einstein từ một câu trích dẫn nữa của chính Einstein: “Để cảm nhận rằng đằng sau bất cứ gì có thể kinh nghiệm được, có một gì đó mà não thức của chúng ta không thể nắm bắt, và vẻ đẹp và tính siêu thoát của nó thấu đến chúng ta chỉ một cách gián tiếp, và như là một phản ánh yếu mỏng không rõ, đây là tính-tôn-giáo. Trong ý hướng này, tôi là người có tôn giáo”. Trong ý hướng này, tôi cũng là người có tôn giáo, với sự “không thể nắm bắt” đặt riêng ra – rằng không có nghĩa là “mãi mãi không thể nắm bắt”. Nhưng tôi thích không tự gọi mình là có tôn giáo, vì nó thì gây hiểu nhầm. Nó là sự sai lầm tai hại, vì đối với phần lớn mọi người, “tôn giáo” có hàm nghĩa “siêu nhiên”. Carl Sagan viết khéo về điều đó: “.. . nếu qua từ “Gót” người ta có ý chỉ tập hợp của những định luật vật lý chi phối vũ trụ, nếu vậy sau đó rõ ràng có là một Gót như thế. Gót này thì không có sự đòi hỏi, thỏa mãn về tình cảm ... chẳng có được ý nghĩa gì cho nhiều đến đâu (nếu như) đi cầu nguyện với luật trọng lực”.
Thật buồn cười, điểm cuối vừa nhắc của Sagan đã được nhà chăn chiên Tiến sĩ Fulton J. Sheen, một giáo sư tại Đại học Catô nước Mỹ, báo trước, như một phần của cuộc tấn công ác liệt với sự phản bác về một Gót có tính người của Einstein năm 1940. Sheen mỉa mai hỏi – không biết liệu có người nào sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho “giải Ngân hà” hay không. Ông dường như nghĩ rằng ông đã đưa ra được một điểm yếu để chống lại Einstein, thay vì chống lại chính ông ta, vì ông thêm: “Chỉ có một lỗi duy nhất với tôn giáo vũ trụ của Einstein: ông đặt thêm một chữ cái vào từ gữ – chữ ‘s’.” Chẳng có gì là khôi hài trong tin tưởng của Einstein. Tuy nhiên, tôi ước rằng những nhà vật lý sẽ tự chế, đừng dùng từ Gót của họ trong ý nghĩa đặc biệt mang tính tượng trưng ẩn dụ. Gót của những nhà vật lý, hiểu như gót-là-khắp-cảhay hiểu như gót-hình-ảnh-ẩn-dụ, là xa biệt hàng năm-ánh-sáng với thứ gót của kinh Thánh, thứ gót đóng vai kẻ can thiệp, gieo tai họa giáng phép lạ, đọc được suy nghĩ, trừng phạt tội lỗi, đáp ứng cầu nguyện; Gót của những thày chăn chiên Kitô, những mullahs Islam, và những ráp-bai Dothái, và của ngôn ngữ thông thường. Cố ý gây lẫn lộn giữa cả hai, theo ý kiến của tôi, là một hành động phản bội rất lớn đối với trí tuệ.
Không đáng được kính trọng
Tựa đề sách của tôi, Huyễn tưởng Gót, không trỏ về gót thuộc loại của Einstein, và của những nhà khoa học sáng suốt khác đã nói trong phần trước. Đó là lý do tại sao ngay từ đầu, tôi đã cần đem tôn giáo theo lối Einstein tránh ra khỏi lối đi: nó có một khả năng đã chứng tỏ là gây lẫn lộn. Trong phần còn lại của quyển sách này, tôi chỉ nói về những gótsiêu nhiên, trong đó quen thuộc nhất với phần lớn những người đọc của tôi, sẽ là Gia-vê [41], vị Gót của Cựu Ước. Chút nữa, tôi sẽ bàn đến với ông ta. Nhưng trước khi rời chương mở đầu này, tôi cần phải giải quyết thêm một vấn đề nữa, nếu không sẽ quấy phá đến có thể làm hỏng toàn bộ quyển sách. Lần này là một vấn đề thông tục của phép lịch sự. Điều có thể xảy ra là những độc giả giàu tín ngưỡng sẽ cảm thấy bị xúc phạm vì những gì tôi phải nói, và sẽ tìm thấy trong những trang sách này sự thiếu kính trọng với những tin tưởng đặc thù của riêng họ (nếu không, là những tin tưởng mà những người khác trân quí). Sẽ là điều đáng tiếc nếu một xúc phạm loại như thế ngăn những người này, khiến họ không đọc tiếp, vì vậy tôi muốn giải quyết nó ở đây, ngay từ đầu.
Một giả định phổ biến rộng rãi, hầu như mọi người trong xã hội chúng ta đều chấp nhận – Kể cả những người không-tôn giáo – là lòng-tin tôn giáo thì đặc biệt rất dễ bị xúc phạm, và nó nên được bảo vệ bằng một bức tường dày đến bất thường của sự tôn trọng, trong một hạng khác biệt với sự tôn trọng mà bất kỳ người nào nên đối xử với bất kỳ gì khác. Douglas Adams viết về nó quá khéo, trong một phát biểu ứng khẩu ở Cambridge, không lâu trước khi ông mất [42], mà tôi đem chia xẻ những lời của ông không bao giờ biết mệt:
Tôn giáo.. . có những ý tưởng nhất định nào đó nằm trong lòng nó, vốn chúng ta gọi là thiêng liêng, hay thần thánh, hay bất cứ gì-gì đi nữa. Những gì nó có nghĩa là, “Đây là một ý tưởng, hay một khái niệm mà bạn không được phép nói bất kỳ gì xấu về nó, bạn chỉ không được. Tại sao không được? – Vì bạn … không được!” Nếu một người nào đó bỏ phiếu cho một đảng chính trị bạn không đồng ý, bạn có tự do để tranh luận về nó đến hết mức đến tùy thích, tất cả mỗi người sẽ có một luận chứng nhưng không một ai cảm thấy bị bất công đến phải lòng nặng buồn bực vì nó. Nếu ai đó nghĩ tiền thuế nên tăng hay nên giảm, bạn có tự do có biện luậnvề nó. Nhưng về mặt khác, nếu một ai đó nói “Tôi phải không được bật công tắc đèn trong ngày Thứ bảy” bạn nói, “Tôi tôn trọng điều đó”. [43]
Tại sao sẽ là hoàn toàn hợp pháp để ủng hộ đảng Lao động, hay đảng Bảo thủ, đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, mô hình kinh tế này đối lại với mô hình kia, computơ Macintosh thay vì computơ hệ Windows – nhưng để có một ý kiến về vũ trụ đã bắt đầu thế nào, về ai đã tạo ra Vũ trụ. .. không, không được, đó là linh thiêng?. .. Chúng ta đã quen với không thách thức những ý tưởng tôn giáo, nhưng rất lý thú thấy một Richard nhiệt liệt đã tạo náo động như thế nào khi ông làm điều đó! Mọi người thành hoàn toàn cuồng lên về nó vì bạn không được phép nói về những điều này. Tuy nhiên, khi bạn nhìn chúng với lý trí, không có lý do tại sao những ý tưởng này lại không nên đem tranh luận công khai như bất kỳ ý tưởng nào khác, trừ khi chúng ta bằng cách nào đó đã đồng ý giữa chúng ta rằng chúng là không nên.
Đây là một thí dụ cụ thể về sự tôn trọng hết sức quá đáng của xã hội chúng ta cho tôn giáo, một điều thực sự quan trọng. Cho đến nay, nền tảng dễ dàng nhất để lấy được tư cách pháp lý phản đối chiến tranh trong thời chiến là tôn giáo. Bạn có thể là một triết gia đạo đức lỗi lạc, với một luận án tiến sĩ đoạt giải thường, đã giảng giải tường tận những tàn ác của chiến tranh, và vẫn bị một hội đồng trưng binh nhập ngũ làm khó khăn với tuyên bố bạn là người phản đối chiến tranh vì lương tâm. Tuy nhiên, nếu bạn có thể nói rằng một hoặc cả hai, cha hay mẹ của bạn, là một tín đồ giáo phái Quaker, bạn xuôi qua cửa ải nhẹ như một làn gió thoảng, bất kể bạn có lúng túng hay mù mờ về chủ thuyết hòa bình, hay thật vậy, ngay cả về lý thuyết của chính giáo phái Quaker.
Ở đầu đối nghịch với hòa bình trên một trường phân bối rộng, chúng ta có một rụt rè khiếp nhược khi dùng những tên tôn giáo cho những phe phái chiến tranh. Ở Bắc Ireland, người Catô và Thệphản được nói trại đi là phe những người “Quốc gia” và những người “Trung thành (với Vua nước Anh)” tương ứng. Đích thực những từ “tôn giáo” thì bị cắt xén để thành những “cộng đồng”, như trong “chiến tranh giữa những cộng đồng”. Iraq, như một hậu quả của cuộc xâm lăng Anh-Mỹ năm 2003, đã suy thoái thành nội chiến sắc tộc giữa những người Muslim Sunni và Shia. Rõ ràng là một cuộc xung đột tôn giáo – thế nhưng trên những tiêu đề dẫn đầu của tờIndependence , ngày 20 Tháng Năm/2006 và bài báo đầu tiên, cả hai đều mô tả nó như sự “tẩy rửa sắc tộc”. “Sắc tộc” trong nội dung này lại là một cách nói-gượng nhẹ khác nữa. Những gì chúng ta đang nhìn thấy tại Iraq là sự tẩy rửa, loại trừ tôn giáo. Cách dùng ban đầu của “tẩy rửa sắc tộc” ở Yugoslavia trước đây cũng là một cách nói tránh cho những loại trừ tôn giáo, liên quan đến dân Serbia Kitô chính thống, dân Croatia Catô, và dân Bosnia Muslim [44].
Trước đây, tôi đã từng kêu gọi chú ý đến sự ưu đãi của tôn giáo trong những thảo luận công khai về đạo đức trong giới truyền thông và trong chính quyền [45]. Bất cứ khi nào nổi lên một tranh cãi về đạo đức trong tình dục hay sinh sản, bạn có thể đánh cuộc mà không sợ thua rằng sẽ có những nhà lãnh đạo tôn giáo từ nhiều những nhóm tôn giáo khác biệt sẽ được mời làm đại diện nổi bật trong những ủy ban có ảnh hưởng, hoặc trên bàn điều khiển những cuộc thảo luận, trên đài phát thanh hoặc truyền hình. Tôi không đề nghị rằng chúng ta nên tìm hết cách để kiểm duyệt những quan điểm của những người này. Nhưng tại sao xã hội chúng ta cứ mãi dẫm mòn một con đường dẫn đến cửa những người này, như họ đã có một vài chuyên môn có thể so sánh được, nói thí dụ, với của một triết gia ngành đạo đức, một luật sư về luật gia đình, hay một y sĩ ?
Dưới đây là một thí dụ quái lạ về ưu đãi tôn giáo. Ngày 21 tháng 2/ 2006 Tòa án tối cao Nước Mỹ phán quyết rằng một nhà thờ ở tiểu bang New Mexico nên được miễn luật cấm không được dùng thuốc gây ảo giác, vốn tất cả những người khác đều phải tuân theo luật cấm [46]. Những tín đồ thuần thành của Centro Espirita Beneficiente União tin rằng họ có thể hiểu được Gót chỉ bằng cách uống tràhoasca, trong đó có chất thuốc bất hợp pháp dimethyltryptamine gây ảo giác. Lưu ý rằng ở đây là đủ khi họ tinrằng loại thuốc này làm tăng hiểu biết của họ. Họ không phải đưa ra chứng minh nào. Ngược lại, có rất nhiều bằng chứng cho thấy thuốc cần sa giúp giảm bớt ói mửa và khó chịu của người bị ung thư được trị liệu bằng thuốc giết tế bào (Chemo[47]. Tuy nhiên, tòa án tối cao qui định, trong năm 2005, rằng tất cả những bệnh nhân dùng cần sa cho mục đích y tế sẽ bị tòa án liên bang kết án (ngay cả trong một số ít tiểu bang đã cho phép nhà chuyên môn y tế nếu có dùng là hợp pháp). Tôn giáo, như bao giờ, là con bài chủ thắng tất cả. Hãy tưởng tượng những thành viên của một hội thưởng ngoạn mỹ thuật xin tòa án rằng họ “tin” họ cần một loại thuốc gây ảo giác để làm tăng hiểu biết của họ về những bức tranh của các họa sĩ trường phái ấn tượng hay siêu thực. Tuy nhiên, khi một hội nhà thờ tuyên bố có một nhu cầu tương đương, nó được Tòa án Tối Cao trên toàn quốc ủng hộ. Đó là sức mạnh của tôn giáo như một lá bùa hộ mệnh.
Mười bảy năm trước, tôi là một trong ba mươi sáu những người cầm bút và nghệ sĩ, được tạp chí New Statesman ủy nhiệm để viết bài ủng hộ nhà văn nổi tiếng Salman Rushdie [48], lúc đó đang mang án lệnh tử hình của một tôn giáo chỉ vì viết một quyển tiểu thuyết. Tức giận do “thông cảm” với Islam, những nhà lãnh đạo đạo Kitô và ngay cả một vài người gây dư luận, quan điểm thế tục đã tuyên bố là bị “tổn thương” và “xúc phạm”. Tôi đã vẽ sự tương đồng sau:
Những người ủng hộ kỳ thị chủng tộc nếu như đã biết khôn ngoan với (những người nói trên), những người này sẽ tuyên đòi – vì tất cả tôi biết một cách đúng thực – rằng nếu cho phép những sắc tộc hỗn hợp là chống lại tôn giáo của họ. Một phần đông không nhỏ của phe đối lập sẽ dón dén kính trọng tránh xa vấn đề. Và điều là không đi đến đâu nếu tuyên bố rằng đây là một một so sánh bất công vì kỳ thị chủng tộc không có biện minh hợp lý nào cả. Toàn bộ trọng điểm của lòng tin tôn giáo, sức mạnh và hào quang chính yếu của nó, là nó không tùy thuộc trên sự biện chính hợp lý. Còn lại chúng ta phải chống đỡ những thành kiến của chúng ta như vẫn thường mong đợi. Nhưng đòi một tín đồ phải biện minh cho lòng tin của họ, là bạn vi phạm vào “tự do tôn giáo”.
Tôi đã biết rất ít về những gì rất tương tự như thế đã đi đến xảy ra trong thế kỷ XXI. Tờ Los Angeles Times(10 tháng 4/ 2006) tường trình rằng nhiều nhóm Kitô trong những khu trường sở đại học quanh nước Mỹ đã kiện những trường đại học của họ, vì những trường này đã thực thi mạnh những luật lệ chống đối xử kỳ thị, gồm những điều cấm không cho quấy rối hoặc ngược đãi những người đồng tính luyến ái. Lấy một thí dụ điển hình, năm 2004, James Nixon, một cậu bé mười hai tuổi ở Ohio, đã thắng kiện tòa án được quyền mặc đến trường một áo thung-kiểu-chữ-T, trên có khẩu hiệu “đồng tính luyến ái là một tội lỗi, Islam là một dối trá, phá thai là giết người. Một số vấn đề chỉ (đơn giản là hiển nhiên như) trắng và đen” [49]. Nhà trường đã bảo em đừng mặc áo thung này – và sau đó cha mẹ em đã kiện nhà trường. Cha mẹ của em có thể đã có một trường hợp thuận thói thường nếu họ đã dựa trên Điều Bổ Sung Thứ nhất (của Hiến pháp Mỹ) [50] đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Nhưng họ đã không: quả thực vậy, họ đã không thể, vì tự do ngôn luận được coi là không bao gồm “ngôn ngữ gây thù ghét”. Nhưng thù ghét chỉ phải chứng minh nó là thuộc tôn giáo, và nó thôi không còn được kể là thù ghét. Vì vậy, thay vì viện đến tự do ngôn luận, những luật sư của gia đình Nixon kêu gọi đến quyền trong hiến pháp bảo đảm tự do về tôn giáo. Vụ kiện thành công của họ đã được sự hỗ trợ của Quỹ Bảo Vệ Liên minh của tiểu bang Arizona, công việc của quĩ này là “đẩy mạnh trận chiến pháp lý cho tự do tôn giáo”.
Nhà chăn chiên Rick Scarborough, hỗ trợ làn sóng của những vụ kiện của giới Kitô tương tự, đã dẫn đến sự thiết lập tôn giáo như một chính đáng về pháp lý để đối xử kỳ thị chống lại những người đồng tính luyến ái và những nhóm khác, đã đặt tên nó là cuộc đấu tranh cho dân quyền[51] của thế kỷ hai mươi mốt: “Người Kitô sẽ phải mạnh mẽ đứng lên cho quyền để là người Kitô”. [52] Một lần nữa, nếu những người như thế đã phải đứng lên cho quyền tự do ngôn luận, người ta có thể ngần ngừ thông cảm. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra. Kiện cáo trước pháp luật để nghiêng sang phía kỳ thị với những người đồng tính luyến ái được dương lên như là một kháng cáo, phản kiện, đưa ra luận điệu – bảo vệ những người đồng tính luyến ái – là kỳ thị tôn giáo! Và pháp luật có vẻ tôn trọng điểm này. Bạn có thể không chạy thoát được khi nói, “Nếu ông cố gắng ngăn tôi đừng xỉ nhục phẩm giá của những người đồng tính luyến ái, đó là vi phạm quyền tự do về thành kiến của tôi”. Nhưng bạn có thể thoát được nếu nói, “Nó vi phạm quyền tự do về tôn giáo của tôi”. Quái thật, khi bạn nghĩ về nó, có khác biệt gì đâu? Ấy thế, một lần nữa, tôn giáo là con bài chủ thắng, đè tất cả những con bài khác.
Tôi sẽ kết thúc chương này với một trường hợp nghiên cứu cụ thể, nó sáng chiếu trong thuật kể, cho thấy sự tôn trọng quá đáng của xã hội đối với tôn giáo, quá xa và quá cao vượt trên sự tôn trọng con người bình thường. Trường hợp bùng lên vào tháng Hai 2006 – Một màn kịch lố bịch, tình tiết nghiêng ngả giữa những thái cực của hài kịch và bi kịch. Trước đó, vào tháng Chín, tờ báo DenmarkJyllands-Posten đã đăng 12 tranh hí họa mô tả nhà tiên tri Muhammad (giáo chủ đạo Islam). Suốt trong ba tháng tiếp sau, sự phẫn nộ được nuôi dưỡng hết sức cẩn thận và có hệ thống trên khắp thế giới Islam bởi một nhóm Muslim nhỏ sống ở Denmark, dẫn đầu là hai imams, vốn là những người đã được cho tị nạn ở đó [53]. Cuối năm 2005, những người lưu vong ác độc này đã từ Denmark sang Egypt, mang theo một hồ sơ, từ đó nó đã được sao chép và lưu hành khắp thế giới Islam, và quan trọng là bao gồm cả Indonesia. Hồ sơ chứa đựng cáo buộc sai lạc về sự ngược đãi những người Muslim ở Denmark, và nói láo có chủ đích rằngJyllands-Posten là một tờ báo do chính phủ điều hành. Nó cũng gồm 12 tranh hí họa đó, điều quan trọng chủ yếu, là những imams đã thêm vào ba hình hí họa có nguồn gốc bí mật, không biết từ đâu, nhưng chắc chắn không dính dáng gì với Denmark. Không giống như mười hai bản gốc, ba hình thêm vào này thực sự chướng tai gai mắt – hoặc sẽ gây xúc phạm nếu như chúng thực đã mô tả Muhammad, như những kẻ tuyên truyền cuồng nhiệt này cáo buộc, Một hình đặc biệt tai hại trong ba hình thêm vào này không phải là một tranh hí họa gì hết tất cả, nhưng một bản ảnh fax, chụp một người có râu quai nón, đeo một cái mõm lợn giả, buộc bằng dây plastic. Sau đó quay ra rằng đây là một bức ảnh của Associated Press chụp một người Pháp dự cuộc thi giả tiếng lợn kêu – tại một cuộc thi ở một chợ phiên ở nước Pháp[54]. Ảnh này đã không có dình dáng dẫu là gì đi nữa với tiên tri Muhammad, không có kết nối nào với đạo Islam, và cũng không có kết nối nào với nước Denmark. Nhưng những tên hoạt động gây rối Islam, trong trò khuấy động tai ác cho căng thẳng ở thủ đô Cairo, đã tạo ý rằng cả ba kết nối là có thực ... với những kết quả có thể dự đoán được.
Những cấy trồng khéo léo để tạo “bị đau” và bị “xúc phạm” đã được đưa đến một nổ bùng nóng bỏng suốt năm tháng sau khi mười hai tranh hí họa đầu tiên được xuất bản. Những người biểu tình ở Pakistan và Indonesia đốt cờ Denmark (họ đã có cờ này từ đâu?) và những đòi kích động cuồng loạn yêu cầu chính phủ Denmark phải xin lỗi. (Xin lỗi về điều gì? Chính phủ Denmark đã không vẽ những tranh hí họa, hoặc xuất bản chúng. Những người Denmark chỉ sống trong một đất nước có tự do báo chí, một điều mà người dân ở nhiều nước Islam có thể gặp khó khăn một thời gian dài mới có thể hiểu biết.) Những tờ báo ở Norway, Đức, Pháp và thậm chí cả nước Mỹ (nhưng, có gì đó đáng nghi, không ở nước Anh) đã in lại những những tranh hí họa trong cử chỉ bày tỏ đoàn kết với Jyllands-Posten, vốn đổ thêm dầu vào lửa. Đại sứ quán và lãnh sự bị đập vụn phá đổ, hàng hoá Denmark bị tẩy chay, công dân Denmark, và thực sự, nhưng người phương Tây nói chung, đã bị đe dọa làm hại; nhà thờ Kitô ở Pakistan, không có kết nối với Denmark, hay châu Âu gì tất cả, đã bị đốt cháy. Chín người đã thiệt mạng khi dân Libya nổi loạn tấn công và đốt cháy lãnh sự quán Ý tại Benghazi. Như Germaine Greer đã viết, những gì mà những người này thực sự thích nhất và làm hay nhất là hỗn loạn huyên náo tột độ [55].
Một món tiền thưởng khuyến khích giá 1 triệu tiền Mỹ, đã được đặt trên đầu “người Denmark vẽ tranh hí họa” của một imamIslam ở Pakistan – người rõ ràng không ngờ biết rằng có mười hai người Denmark vẽ tranh hí họa khác nhau, và hầu như chắc chắn không biết rằng ba tấm tranh xúc phạm nhất trong tất cả vốn đã không từng bao giờ xuất hiện ở Denmark (và, nhân đây, món tiền bạc triệu đó từ đâu đến?). Tại Nigeria, những người Muslim biểu tình phản đối những tranh hí họa Denmark, đốt cháy nhiều nhà thờ Kitô, và dùng dao phay tấn công và giết chết tín đồ (da đen Nigeria) Kitô trên đường phố. Một người Kitô đã bị đặt trong ruột lốp xe cao su, dội xăng lên và phóng lửa đốt sống. Những người biểu tình chụp ảnh được ở Anh cho thấy họ mang những biểu ngữ nói rằng “Giết tươi những người xúc phạm Islam”, “Băm xác những người nhạo báng Islam” , “Châu Âu ngươi sẽ phải trả giá: hủy diệt đang sắp đến”, và dường như không phải là không mỉa mai, “Hãy chặt đầu những người nói rằng đạo Hồi là một tôn giáo bạo động”.
Trong hậu quả tại hại của tất cả chuyện này, nhà báo Andrew Mueller đã phỏng vấn Sir Iqbal Sacranie, người “ôn hòa” Islam hàng đầu của nước Anh [56]. Ông có thể là “ôn hòa” theo tiêu chuẩn Islam ngày nay, nhưng trong những gì Andrew Muellerthuật lại, ông vẫn giữ vững nhận xét ông đã nói khi Salman Rushdie bị lên án tử hình vì viết một cuốn tiểu thuyết: “Chết có lẽ là quá dễ dàng cho ông ta” – một nhận xét đặt ông trong sự đê tiện đáng khinh, trái ngược với người tiền nhiệm can đảm của ông, như một người Islam có ảnh hưởng nhất của nước Anh, tiến sĩ Zaki Badawi đã quá cố, người đã cho Salman Rushdie ẩn trốn trong chính nhà riêng của mình. Sacranie kể cho Mueller nghe ông đã quan tâm ra sao về những hí họa Denmark. Mueller cũng quan tâm, nhưng vì một lý do khác: “Tôi lo ngại rằng phản ứng vô lý, không cân xứng đối với dăm ba bản vẽ sơ sài không có gì buồn cười, trong một tờ báo không ai biết ở Scandinavia có thể xác nhận rằng ... Islam và phương Tây là cơ bản không thể hòa giải”. Mặt khác, Sacranie biểu dương báo chí Anh đã không in lại những tranh hí họa, điều mà Mueller bày tỏ nghi ngờ trong toàn quốc rằng “hạn chế của những tờ báo Anh bắt nguồn từ nhạy cảm với bất mãn Muslim thì ít, so với nó đã có từ một mong ước để đừng có những cửa sổ của họ bị đập vỡ”.
Sacranie giải thích rằng “Con người của nhà Tiên tri, trên ông là sự hòa bình, thì được tôn kính hết sức sâu xa trong thế giới Islam, với một tình yêu và tình cảm mà không thể giải thích được bằng lời. Nó vượt quá của cha mẹ, những người thân yêu, con cái của bạn. Đó là một phần của lòng tin. Cũng có một giảng dạy Islam rằng người ta không vẽ tranh mô tả nhà tiên tri. “ Điều này có phần đã thừa nhận, như Mueller quan sát, rằng những giá trị của Islam vượt thắng bất cứ của ai khác – đó là những gì bất kỳ ai là người theo Islam thực đã giả định, cũng giống như bất kỳ người theo tôn giáo nào, đều tin rằng những gì của họ là đường duy nhất, sự thật và ánh sáng. Nếu người ta muốn yêu một nhà giảng đạo thế kỷ thứ 7 nhiều hơn gia đình riêng của họ, đó là tùy vào họ, nhưng không ai khác phỉa bắt buộc xem đó là chuyện nghiêm trọng..
Ngoại trừ rằng nếu bạn nếu không xem nó là nghiêm trọng và không đồng ý dành cho nó một tôn trọng hợp lệ, thân thể bạn bị đe dọa hãm hại, với một thước đo mà không có tôn giáo nào khác đã mơ ước kể từ thời Trung Cổ. Người ta không thể không tự hỏi tại sao bạo lực là cần thiết, nếu cho rằng, như Mueller đã ghi chú: “Nếu bất kỳ một nào trong đám hề của bạn là đúng dẫu về bất cứ gì, những họa sĩ vẽ tranh hài ước sẽ đi vào địa ngục, dẫu gì đi chăng nữa – sẽ không phải thế sao? Trong khi đó, nếu bạn muốn có kích động về những xúc phạm với những người Muslim, hãy đọc những tường trình của Tổ chức Ân xá Quốc tế về Syria và Saudi Arabia. “
Nhiều người đã ghi nhận sự tương phản giữa sự “bị làm đau” cuồng loạn, tự xưng của những người Muslim, và sự sẵn sàng mà những phương tiện truyền thông Arab đem in những tranh hí họa chống Dothái. Trong một biểu tình ở Pakistan chống tranh hí họa Denmark, một phụ nữ trong một burka đen, được chụp ảnh, mang một biểu ngữ đọc: “Gót ban phước cho Hitler”.
Trong phản ứng với tất cả hỗn loạn huyên náo điên cuồng này, những tờ báo ôn hòa phải chăng đã lên án bạo lực và làm những dấu hiệu cho có ồn ào về tự do ngôn luận. Nhưng đồng thời họ đã bày tỏ “sự tôn trọng và “thông cảm” cho sự “xúc phạm” sâu xa, và bị “làm đau” mà những người Muslim đã “phải khổ đau”. những “bị tổn thương” và “khổ đau”, xin hãy nhớ, không xảy ra với bất kỳ một người nào phải chịu đựng bạo lực hoặc đau đớn thực sự của bất kỳ loại nào: không có gì là hơn một vài vết mực nhòe in trong một tờ báo mà không một ai ngoài Denmark sẽ từng bao giờ nghe nói đến, nhưng chỉ vì một chiến dịch có chủ ý để kích động tình trạng bạo động phá hoại lộn xộn.
Tôi không ủng hộ xúc phạm, hay tổn thương bất cứ ai, chỉ để làm tổn thương hay xúc phạm. Nhưng tôi ngạc nhiên và hoang mang không hiểu trước sự không cân xứng trong đặc quyền dành cho tôn giáo trong những xã hội chúng ta về mặt thế tục khác. Tất cả những chính trị gia phải làm quen khứng chịu những tranh hí họa thiếu tôn kính vẽ những khuôn mặt của họ, và không có ai gây bạo loạn để chống trả cho họ. Thế tôn giáo thì có gì là quá đặc biệt đến nỗi chúng ta phải cấp cho nó đặc quyền tôn trọng duy nhất như thế? Như H. L. Mencken đã nói: “Chúng ta phải tôn trọng tôn giáo của người khác, nhưng chỉ trong ý nghĩa và trong phạm vi rằng chúng ta tôn trọng lý thuyết của anh ta rằng vợ của anh ta thì đẹp và con cái của anh ta thì thông minh”. [57]
Đó là dưới ánh sáng của giả định về sự tôn trọng không có gì sánh bằng với tôn giáo đã sẵn có trước, mà tôi nói lời tuyên bố không nhận trách nhiệm (như thế) của riêng tôi cho quyển sách này. Tôi sẽ không cố đi quá ra ngoài lối mình đi để nhằm xúc phạm (ai hết), nhưng tôi cũng sẽ không chọn mang găng tay thứ mềm như da dê để đối xử với tôn giáo gượng nhẹ hơn là tôi sẽ đối xử với bất cứ gì nào khác.
Lê Dọn Bàn
tạm dịch – bản nháp thứ nhất (Jul/2013)

[1] 'Isn't it enough to see that a garden is beautiful without having to believe that there are fairies at the bottom of it too?'
Xìcăngđan tiên nữ làng Cottingley (Cottingley Fairy Scandal): Năm 1917, hai em bé gái mới 10 tuổi, đưa ra một loạt 5 tấm ảnh “chụp”, trong đó cho thấy hai bé này và những “tiên nữ tí hon” – như vẫn tưởng tượng – tung tăng trong một vườn hoa ở làng Cottingley, đã làm xôn xao dư luận nước Anh thời ấy. Đưa đến nghi vấn là những “tiên nữ tí hon (angel) có thể có thực như vẫn kể trong thần thoại. Đến những năm 1981, 1982; Hai người – Frances Way (tên khai sinh Griffiths) và Elsie Hill (tên khai sinh Wright) – những đứa trẻ năm xưa đã “chụp ảnh” tiên nữ tí hon với mình trong vườn, giờ là những bà lão, đã lên tiếng thú nhận những tấm ảnh đó là giả tạo. Những tiên nữ trong ảnh chụp, thực sự đã làm bằng giấy bồi.
[2] Có thể xem, nghe chính tác giả trình bày, hiện có trên YouTube:
Và Root of All Evils:
[3] Những chú thích của tác giả trong nguyên bản – sẽ ghi trong ngoặc vuông [ ... ]
Những chú thích khác còn lại là của tôi – hướng tới một độc giả phổ thông – người Việt.
Tôi dịch theo nguyên bản tiếng Anh: Richard Dawkins. The God Delusion.New York: Houghton Mifflin, 2006.
a.
Huyễn Tưởng (幻想): Chúng ta có từảo tưởng, tương đương với illusion, chỉ những gì lầm lẫn, biết là không thực nhưng vẫn tưởng là thực từ những nguồn kích thích giác quan (thính giác, thị giác,...). Một gì đó là ảo tưởng thì là một diễn dịch sai lầm từ những gì có cảm giác thực (nhìn thấy hai đường tàu ở xa giao nhau, phần đũa dưới nước cong gãy, ...) và có thể giải thích vì sao có sự sai lầm.
Ở đây, tác giả dùng từ delusion, có dịp trước đây tôi đã dịch là huyễn tưởng – chỉ một gì đó sai lầm, không đúng, không thực, những gì đã được não thức một cách nào đó, tiếp nhận như thực, như đúng, như có-thật, và thường đưa đếnhành động.
Theo tôi hiểu, huyễn tưởng thì hoàn toàn trong não thức chủ quan cá nhân, và thường không đến từ cảm giác, nhưng chỉ đưa đến ảo giác (hallucination), không thể trưng dẫn, không thể giải thích minh bạch, không thể biện minh trực tiếp bằng liên hệ với những gì ở ngoài thực tại. Thường là một niềm tin hay một ấn tượng có tính cá nhân riêng tư, được duy trì vững chắc mặc dù bị mâu thuẫn với những gì thông thường được chấp nhận như là thực tại hay biện luận hợp lý. Một khi người ta tin vào một gì đó, bất chấp sự thực, đó là mê tín và huyễn tưởng– Nên tôi tạm ghép: huyễn + tưởng, và dùng “huyễn tưởng” để dịch từdelusion, và nhấn mạnh vào tính chất lừa dối, cố ý giam hãm não thức trong sai lầm và gây tác động hướng về một chủ đích nào đó; đặc biệt là khi đối tượng, khái niệm (trong trí tưởng, não thức), luôn chuyển biến, khó nắm bắt, trốn lánh lý trí, khó tách bạch được rõ chân tướng, như chính khái niệmGót, nên phải gọi làhuyễn.
Huyễn (幻): có 3 ý:
1. Dối giả, làm giả mê hoặc người.
2. Giả mà làm hệt như thực gọi làhuyễn.
3. Sự vật biến thiên, khó tìm được rõ chân tướng gọi là huyễn.
Tưởng (想): Tưởng tượng. Lòng muốn cái gì nghĩ vào cái ấy gọi là tưởng.
(Theo Thiều Chửu).
b.
Gót: Một chỗ khác, tôi đã giải thích lý do tại sao phải dùng từ “gót” – cho từ “god”, tưởng cũng nên lập lại ở đây:
Tôi thử đề nghị giữ nguyên từ “God” – chỉ phiên âm và đọc là “gót” – thay vì vẫn dịch là Thượng Đế, Trời, Tạo Hóa, hay chúa Trời – vì tất cả những từ này – và tất cả các từ tương tự khác có trong Việt, hay Tàu – đều không diễn dịch được yếu tính nội dung của từ God, vì chúng đều không hề có mang khái niệm“Ex nihilo” (Latin, "out of nothing") – là khái niệm chủ yếu trong nội dung từ “God”. Trong tư tưởng phương Tây, Gót tạo ra vũ trụ từ hư không, “gót” ta, nếu có, thì ở ngoài vũ trụ này. Trong khi đó, ở phương Đông, Tàu, Ấn và Việt, các vị như Trời, Thượng đế, Brahma, Vishnu, Shiva… đều“thuộc”vào vũ trụ này, ở trong vũ trụ này cùng với con người, dù khác biệt gì gì đi nữa.
Gọi vũ trụ này là một tập hợp U (Universal set) – God không phải là một phần tử của U – theo định nghĩa của tôn giáo phương Tây. Còn những Trời, Thượng đế, Thiên đế, Brahma, … đều là phần tử – dù đặc biệt – của tập hợp vũ trụ U này (hay thuộc một subset S đặc biệt của tập hợp U này).
Học thuyết cho rằng Gót tạo ra thế giới từ không-gì, từ hư không, hơn là phát sinh ra nó từ gì-đó thuộc thực thể của ông, hay chỉ đơn thuần là tạo hình từ một hay vài vật chất nào đó đã có từ trước, hoàn toàn là một ý tưởng thuần túy không bao giờ xảy ra với bất cứ ai ngoài người Dothái và những người đã học nó từ họ. Tất cả mọi dân tộc khác trên thế giới đều hoặc nghĩ về các thần linh như là một phần của thế giới (paganism) hoặc thế giới như là một phần của thần linh sáng tạo (pantheism).
Khái niệm Ex nihilo như thế, không hề bao giờ có trong tư tưởng phương Đông về sự sáng tạo vũ trụ; như chúng ta quen thuộc. Dịch “God” là Thượng Đế, Thiên chủ – hay nôm na như “chúa Trời” (“chúa Blời”) có lẽ là thủ thuật của các nhà truyền đạo – God là một khái niệm sống, là một meme – khi đem mộtmeme hoàn toàn mới truyền vào một môi trường văn hóa khác lạ, đối nghịch và có ác cảm với nó; đã phải che phủ cho nó, quấn quanhmeme này, một cái áo địa phương, một dạng ngoài sao cho dễ thần thiện, có màu sắc gần gũi, bằng cách mượn một cái vỏ sẵn có quen thuộc (ở đây là một từ quen thuộc), rồi gài đặt nó vào trong, dấu nó vào giữa; có thế mới mong được chấp nhận dễ dàng và ít chống đối. Nhưng ở trong, dấu mặt, tiềm ẩn vẫn là một nội dung đặc biệt làm nên chính nó (đứng ngoài thời gian, không gian, từ alpha đến omega, độc tôn, duy nhất, ...) hoàn toàn khác biệt với nội dung mà vỏ bên ngoài hướng tới – giống như thủ thuật “ốc mượn hồn” – con còng trong vỏ ốc, đội lốt ốc, để trà trộn kiếm ăn, làm quen, gây thiện cảm, phát triển trong đám ốc. Chờ sau khi đám ốc trên địa bàn văn hóa bị lẫn lộn, hoặc đi đến quên mất gốc, hay bị suy hoại, hay đã có số đông đi theo nhập bọn, đám còn lại đã thành thân thiện quen thuộc, hay ít ỏi không thể chống đối với ốc mượn hồn; khi ấy còng trong vỏ ốc – Gót trong Thượng đế – sẽ ra mặt, bỏ vỏ mượn, hiện nguyên hình. Hoặc có cơ xảy ra nhiều hơn là khi ấy khái niệm Thượng đế như trước vẫn có sẽ mất, từ “Thượng đế” sẽ mang nội dung là một với từ “Gót”, và loài ốc sẽ không còn có thể “oán Thượng đế” hay “trách trời già” vì một Thượng đế, một Trời như thế đã không còn, đã bị thay thế. Trận chiến vô hình giữa những thần linh đã chấm dứt. Và chắc khi ấy, không con ốc nào còn biết, hay dám oán trách như thế nữa, chúng chỉ còn biết xưng tội, chỉ còn một chọn lựa là trách chính mình: “lỗi tại tôi mọi đàng – mea culpa!”.
Hãy tạm quay về, và chỉ nhìn trong lĩnh vực dịch thuật ngôn ngữ, gạt qua một bên các thủ thuật của tuyên truyền tôn giáo, khi nhập cảng ý niệm này – Chúng ta chi bằng hãy dùng từ nguyên gốc – cho thậtđúng nghĩa, nghĩa là nghĩa đích thực trong nội dung văn hóa gốc của nó. Chúng ta đã có một truyền thống dịch thuật – tivi thì gọi là tivi, radio » “ra dô”, “cuillère” » cùi dìa » thìa, rồi “mỏ lét”, “bù long”, sà phòng”, và hiện nay: “forum” » “phố rùm”, “teen age” » “tuổi teen”. Vậy, God nên phiên âm là “Gót”, vì các lý do kể trên, giữ nội dung ý nghĩa và theo thói quen dịch thuật đã sẵn có từ lâu.
c.
Nghìn năm trước, tương tự, trong ngôn ngữ chúng ta; chúng ta đã phiên âm một từ Sanskrit (mà ngày nay phương Tây phiên âm là “Buddha”) là “Bụt” – và từ “Phật” cũng là một từ phiên âm, không dịch nghĩa, theo phát âm của người Tàu. Dĩ nhiên Phật là con người thực, không phải là thần linh như Gót, nhưng phiên âm tên gọi, không giảm thiểu vì không liên hệ gì với sự tôn kính. (Tương tự, từ Brahmalà một thần linh, nhưng cũng chỉ nửa dịch nửa phiên âm là “Phạm thiên” = Trời Bà-la-môn). Ngày nay, khi người bình dân Việt nói “Trời Phật ơi” – họ muốn nói, trong nhiều ý hướng khác nhau, vắn tắt là về những gì “cao” nhất, hoặc cao quí, hay cao siêu, hay cùng cực; là tính chất của của hai đối tượng nhắc tên gọi: một không thực, không chắc là thực và một có thực trong lịch sử loài người.
Ở đây, khi người phương Tây, như tác giả, nói đến “God” – viết hoa, để chỉ riêng Gót trong đạo Kitô; Gót đặc biệt của những tôn giáo Abraham. Dawkins, cũng một lần nữa, nhắc lại những gì rất đông đảo những thế hệ triết gia, học giả đã nói trước đó – và ông nhấn mạnh:
“The God delusion” = Sự lừa đảo mang tên Gót không thực.
Gót = huyễn tưởng= không thực = tai họa cho loài người
là công thức kết luận tất yếu sẽ đến với những người đọc sau khi đọc tập sách này.
[4] Ngày 11/Sep/2001, 19 người cảm tử, kết hợp với nhóm Islam cực đoan al-Qaeda, ở trong nước Mỹ, đã đánh cướp bốn máy bay và thực hiện các cuộc tấn công tự sát vào các mục tiêu trên nước Mỹ. Hai trong những chiếc máy bay này đã lao vào, làm cháy đổ xụp cả hai tòa nhà tháp cao nhất New York của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, thành phố New York; chiếc máy bay thứ ba lao nổ vào tường của tòa nhà Pentagon, ngay bên ngoài thủ đô Washington, D.C, còn chiếc máy bay thứ tư bị nạn, đã rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania. Biến cố này thường được gọi là 9/11; làm hơn 3.000 người thiệt mạng ở New York và Washington, D. C, trong đó gồm hơn 400 nhân viên cảnh sát và nhân viên chữa lửa.
[5] Những người khủng bố đã tấn công London, vào ngày 7 /Jul/2005: Có 4 người tự tử bằng bom (những phần tử cực đoan Islam); họ đã giết chết 52 hành khách và làm bị thương gần 800 người thường dân lúc ấy đang di chuyển trong hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô nước Anh.
[6] Một cách hiểu những “Crusades” của tín đồ Kitô đánh chiếm vùng Trung Đông trong lịch sử, theo tôi.
[7] The Gunpowder Plot: (1605), cũng còn gọi là Gunpowder Treason Plot hay the Jesuit Treason: Âm mưu thuốc súng, hay Âm mưu phản loạn dùng thuốc súng, hay Phản loạn của bọn Jesuit: Tên gọi âm mưu phản loạn lớn đã thất bại ttong lịch sử của những người Jesuit đạo Catô Anh chống lại giới lãnh đạo nước Anh Thệphản. Âm mưu này gồm ám sát nhà vua, chôn thuốc súng phá nổ tòa thượng nghị viện ở London đúng ngày họp khai mạc.
[8] Tháng 3/2001, một biến cố khác như biểu hiện sống động trong thời hiện đại của cuồng tín tôn giáo, sáu tháng trước biến cố 9/11: những người Islam thuốc nhóm quá khích Taliban, sau khi lên nắm chính quyền Muslim ở Afghanistan đã dùng thuốc nổ và súng đai bác bắn phá vỡ, giật đổ những pho tượng Phât cổ vĩ đại tạc vào hốc núi – gọi là những tương Phật ở thung lũng Bamiyan, như một cố gắng xóa những thần tượng, và dấu tích văn hóa Phật giáo của chính xứ này, trước thế kỷ 9, khi Islam thay thế Phật giáo ở Tây và Bắc bán đảo India..
[9] Bài hát nổi tiếng Imagine của Lenon, ban nhạc the Beatles: “Imagine there's no heaven. It's easy if you try. No hell below us. Above us only sky. Imagine all the people living for today. Imagine there's no countries. It isn't hard to do. Nothing to kill or die for, And no religion too. Imagine all the people living life in peace”
[10] Agnosticism
[11] tác giả đương nói với những độc giả Âu Mỹ, trong truyền thống văn hóa trong đó Kitô là tôn giáo đã gắn bó dài lâu trong mọi khía cạnh của mọi lĩnh vực sinh hoạt của đời sống, và cho đến gần đây, vẫn hầu như một tôn giáo quen thuộc độc nhất với họ.
[12] vô thần, hiểu theo người bình dân, chỉ đơn giản là một người không tin vào Gót theo như trong giáo điều Kitô giải thích.
[13] Evangelical Christians: Kitô Thệphản Phúc Âm: chỉ những hệ phái Kitô Thệphản bảo thủ ở các tiểu bang nghèo vùng nam nước Mỹ ( – và cũng chất phác, ít học; gọi là vòng đai kinh Thánh), vẫn chủ trương những quan điểm tôn giáo và xã hội quá khích, có phần lỗi thời, phản khoa học và thiếu nhân bản – về chính trị, hầu hết là cực hữu, theo đảng Cộng Hòa.
[14] [Dr Zoe Hawkins, Dr Beata Adams và Dr Paul St John Smith, thư tín trao đổi cá nhân] – relusion: ảo tưởng của tôn giáo – giáo-ảo? – dĩ nhiên tôn giáo tin gót nào chẳng ảo, hay hư!]
[15] Zen and the Art of Motocycle Maintenance – Thiền và Nghệ thuật Giữ gìn xe Môtô.
[16] [Những bản in lậu đang được tải xuống từ nhiều trang web ở Mỹ. Những thương lượng đang được tiến hành cho ra mắt thị trường những DVD hợp pháp. Vào thời điểm đương sửa soạn in tập sách này, những thương lượng còn chưa hoàn tất – tin cập nhật sẽ được đăng tại www.richarddawkins.net.]
[17] [Trò chơi thể thao của chúng tôi trong giờ học là làm ông đi lạc khỏi lối của kinh thánh và hướng tới những câu chuyện khuấy động của những phi công chiến đấu của không lực hoàng gia Anh và đồng minh. Ông vốn đã phục vụ trong thời chiến với Không quân Hoàng gia và đó đã là sự quen thuộc và một điều gì đó của cảm mến mà tôi vẫn còn giữ lại với hội nhà thờ Anh giáo (ít nhất là bằng so sánh với đối thủ cạnh tranh), mà tôi sau đó đọc bài thơ của John Betjeman:
Cha của chúng ta là một phi công già trên bầu trời,
Bây giờ họ đã cứng rắn cắt bớt cánh của ông,
Thế nhưng như cột cờ trong vườn nhà thày chăn chiên
Trỏ thẳng, vẫn hướng lên những Cao cả.. .]
[18] Frangipani – loài hoa châu Phi, giống như hoa Đại của chúng ta.
[19] Đây là nguyên văn đoạn cuối cùng, như kết luận, của On The Origin of Species:
“It is interesting to contemplate an entangled bank, clothed with many plants of many kinds, with birds singing on the bushes, with various insects flitting about, and with worms crawling through the damp earth, and to reflect that these elaborately constructed forms, so different from each other, and dependent on each other in so complex a manner, have all been produced by laws acting around us. These laws, taken in the largest sense, being Growth with Reproduction; inheritance which is almost implied by reproduction; Variability from the indirect and direct action of the external conditions of life, and from use and disuse; a Ratio of Increase so high as to lead to a Struggle for Life, and as a consequence to Natural Selection, entailing Divergence of Character and the Extinction of less-improved forms. Thus, from the war of nature, from famine and death, the most exalted object which we are capable of conceiving, namely, the production of the higher animals, directly follows. There is grandeur in this view of life, with its several powers, having been originally breathed into a few forms or into one; and that, whilst this planet has gone cycling on according to the fixed law of gravity, from so simple a beginning endless forms most beautiful and most wonderful have been, and are being, evolved”. (Charles Darwin . On The Origin of Species by Means of Natural Selection, Or The Preservation of Favoured Races in the Struggle for Life)
“Thật thú vị để chiêm ngưỡng một bờ nước chằng chịt, khoác lớp áo gồm nhiều loài cây cỏ thuộc nhiều giống, với những loài chim hót trong những bụi cây, với những loài côn trùng khác nhau thoăn thoắt khắp nơi, và với những loài giun bò xuyên qua đất ẩm ướt, và để suy nghĩ lại thật sâu lắng rằng những dạng thức này đã được xây dựng công phu, rất khác nhau, và phụ thuộc vào nhau trong một cách thật quá phức tạp như vậy, tất cả đều được sản xuất bởi những luật đang vận hành quanh chúng ta.Những luật này, thừa nhận theo ý hướng rộng rãi nhất, là Tăng trưởng với Tái sinh sản; Thừa kế vốn hầu như hoàn toàn bao hàm trong sự tái sinh sản, Thay đổi đa dạng từ tác động gián tiếp và trực tiếp của những điều kiện bên ngoài của sự sống, và từ sự sử-dụng và sự không-sử-dụng; một Tỷ lệ của số lượng tăng thêm thật cao về phần như vậy để dẫn đến một cuộc Đấu tranh cho sự sống, và như một hệ quả, dẫn đến sự Chọn lọc Tự nhiên, theo đuôi là sự Phân kỳ của Cá tính và sự Tuyệt chủng của những thể dạng ít được cải thiện. Như vậy, từ chiến tranh của thiên nhiên, từ nạn đói và cái chết, đối tượng cao vời nhất mà chúng ta có khả năng để mường tượng, cụ thể là, sự sản xuất thành những loài động vật cao cấp hơn, trực tiếp đến theo sau chúng. Có sự hùng vĩ trong cái nhìn này về sự sống, với nhiều những quyền năng của nó, sau khi đã được phà hơi thở khởi đầu vào trong một ít thể dạng, hoặc vào trong một thể dạng; và như thế, đương khi hành tinh này đã quay vòng, theo như luật không đổi của trọng lực, từ đơn giản như thế là một khởi đầu bất tận của những thể dạng đẹp nhất và tuyệt vời nhất đã từng, và đang hình thành, tiến hóa”.
[20] Chấm Xanh Nhạt – chỉ hành tinh xanh của chúng ta nhìn từ ngoài vũ trụ bao la
[21] Dreams of a Final Theory.
[22] supernaturalists: những người tin tưởng vào lý thuyết về những siêu nhiên hay tác năng thần linh – chúng được biểu hiện trong vũ trụ, trong những biến cố của nhân loại (một giáo chủ ra đời), trong sự mặc khải tôn giáo (tin gót bằng một cách huyền bí “nói” trực tiếp với mình, hoặc vén lên hé lộ cho riêng mình thấy, hoặc làm cho riêng mình nhận hiểu được một điều gì đó) , etc.
[23] A Brief History of Time.
[24] The Sacred Depths of Nature.
[25] Bác sĩ John Dolittle là nhân vật chính trong những truyện trẻ em The Story of Doctor Dolittle (1920) của Hugh Lofting. Ông y sĩ này thành cả thú ý sĩ – đặc biệt là ông nói chuyện được với loài vật, trị bệnh cho chúng, du hành sang châu Phi
[26] Atheism: A Very Short Introduction
[27] Học Hội Hoàng Gia nước Anh – Vua Charles II thiết lập năm 1660 – danh xưng là The Royal Society of London for Improving Natural Knowledge – vai trò tương đương như một Hàn Lâm Viện quốc gia.
[28] [Phim tài liệu truyền hình, trong đó phỏng vấn là phần đi kèm với một quyển sách (Winston 2005).]
[29] pantheistic
[30] “believe in belief”: khái niệm của của Daniel Dennett về sự duy trì những niềm tin tôn giáo nói chung cho xã hội, dù ngày nay chúng không còn được đông đảo tin theo nữa. Những người vô thần, những người tôi gọi là người không tin có gót, nhưng ôn hòa; vì họ vẫn “tin tưởng vào tin tưởng” – họ vẫn tự giữ sự tin tưởng rằng những tin tưởng tôn giáo (có gót, có nhiều hay một, hay gót khắp nơi, ..) là cần thiết cho xã hội. (hay ít nhất không làm hại ai – cho đến khi có những biến cố như 9/11 mới ngã ngửa ra, hay cho đến khi có đám đông những người quanh chúng ta tiếp tay cho ngoại nhân làm chuyện đưa đến kết quả phản quốc, hay bôi nhọ lịch sử dân tộc; khinh miệt lý trí, phản đạo đức, phản khoa học, ... chúng ta mới chết điếng, nhưng đã muộn!).
[31] a personal God: một Gót có tính người (vẫn thường dịch là Gót hữu ngã) như các tôn giáo Abraham vẫn trình bày như một siêu nhân có thương yêu, lẫn giận dữ, nghe lời khẩn nguyện, van xin tha thứ, rồi ban ơn huệ, làm phép lạ, can thiệp vào thế giới con người. Cụ thế như trong Genesis 1:26-27 – Gót đã tạo thiên lập địa và dựng nên con người theo hình ảnh của chính ông – Gót cũng “nghĩ” (Psalm 139:17-18), “yêu” (John 3:16.), tương tự như con người.
Chúng ta có thể hiểu “a personal God là một Gót ứng xử như một con người, có tính tình và cả hình dạng như con người – là một gì-đó như con người, mang tính người, thể hiện qua những tình cảm, ý muốn và hành động như con người – chỉ khác là lớn hơn, cao hơn, mạnh hơn, trong đó có yêu thương nhiều hơn và cũng hung bạo, tàn ác hơn!
Con người tự soi mình trong gương và phóng lớn tất cả những tính-người thấy trong gương soi, lên đến một bình diện cao vời, những tầng cùng cực, tột bực nhất chạm đến những mức độ con người có thể nghĩ tưởng đến được. Hình ảnh đó, chân dung phóng thể tối cực đó – con người gọi là Gót – sau đó nó phụng thờ hình ảnh, hay lý tưởng của chính nó – nó tự hạ mình, tự cho mình không bao giờ có thể tiến hóa đến mức những lý tưởng đó được – con người bị vong thân! Nó tạo ra một chân dung từ những lý tưởng, mong ước của chính nó – rồi nó gọi đó là thần tượng, là Gót, và phụng thờ những thần tượng tự nó tạo ra thao hình ảnh của nó – một Gót như thế là một Gót như người, có tính người.
Khi nói về Gót có tính người này, như một con người phóng lớn, người ta đã viết hoa thành “Người” (He, Him,...) để chỉ Gót này.
[32] deeply religious nonbeliever.
[33] anthropomorphic: có tính chất hay/và hình thể con người – thí dụ:anthropomorphic gods, bears and monkeys. – loài gót, hay loài gấu, hay loài khỉ – có tính người (trả thù, nóng giận, thương, ghét, ...) hay/ và có hình dạng giống con người (có tay chân, mồm, mắt, biết nhìn, biết nói; lấy thị dụ – Gót trong Cựu ước, vốn của những dân du mục sống ở vùng sa mạc, hiếm nước Trung Đông, không phải là những dân đi biển, nên chúng ta hiếm gặp hình ảnh Gót bơi hay lội, nhưng Gót của CựuƯớc thường bay, chạy, đi, sống trong vườn cây, bên sông, suối., hiện ra trên cao, trên không, trên núi, nhưng không trên sóng nước, trai lại sông, hồ, nước là những hiếm quí, những ao ước, nên hình ảnh vườn Eden nơi gót ở, luôn có suối hồ lai láng nước ngọt,......).
[34] mysticism.
[35] religious apologist: bào chữa, biện hộ và cả chống trả
[36] Fairyologist – từ này chắc do tác giả ghép – someone who studys fairys and believes in fairies
[37] Theistdeist: Chúng ta đã dịchmarxist – là người mác-xít, vậy tôi dịch theist là người thê-ít, và deistngười đê-ít và pantheist là ngườipan-thê-ít. Gọn, giản dị, sát với gốc, và không phải vòng quanh qua lối Tàu – còn nội dung của chúng, dĩ nhiên chúng ta phải trở về với lý thuyết gốc của phương Tây:
Atheism: Thuyết Không-tin-có-gót
Deism: Thuyết Tin-gót-không-nhúng-tay;
Theism: Thuyết Tin-có-gót hay rõ hơnTin-gót-có-nhúng-tay.
Pantheism: Thuyết Tin-gót-là-khắp-cả
Panentheism: Thuyết Tin-gót-trong-khắp-cả
Animism: thuyết vật-linh
TheismDeismAtheism: Những thuyết tin-có-gót, như tên gọi cho rằng có một hữu thể siêu nhiên, một gót “cá nhân”, gót có tính người, đứng ngoài thế giới này – và tác động vào thế giới – hoặc chỉ là nguyên nhân đầu tiên: sáng tạo thế giới (Deism: tin-gót-không-nhúng-tay), hay là cả nguyên nhân thứ hai: thống trị vận hành thế giới (Theism: tin-gót-có-nhúng-tay). Phủ nhận Gót của cả hai – là thuyết Không-tin-có-gót (Atheism).
Tin-gót-không-nhúng-tay là một loại của Tin-gót-có-nhúng-tay. Cà hai gọi chung là những thuyết Tin-có-gót. Như tên gọi, cả hai lý thuyết đều có nội dung là tin có gót hay nhiều gót đã sáng tạo ra thế giới trong đó có loài người. Thuyết Tin-gót-không-nhúng-tay tin rằng sau khi tạo thế gian, gót khoanh tay đứng ngoài, không còn dính líu gì đến con người, thế gian. Còn Tin-gót-có-nhúng-tay đi xa hơn – và là tin tưởng cũ hơn – tin rằng tin sau khi sáng tạo thế giới, gót đã và vẫn là bàn tay đằng sau tất cả mọi chuyện của vũ trụ và con người. Christianity, Judaism, Islam là những tôn giáo tiêu biểu cho tin tưởng Tin-gót-có-nhúng-tay này. Những người thành lập nước Mỹ, soạn thảo hiến pháp, đặc biệt là những tên tuổi nổi tiếng như Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, James Madison, Alexander Hamilton, Ethan Allen,Thomas Paine đều là những ngườitin-có-gót nhưng Tin-gót-không-nhúng-tay.
Pantheism (Tin-gót-là-khắp-cả)phủ nhận loại gót như hữu thể cá nhân, không đứng ngoài và tách biệt với thế giới – trái lại tin rằng Vũ trụ và Tự nhiên là thiêng liêng, bí ẩn. Tính chất Siêu nhiên các tôn giáo gán cho hữu thể gót là khắp cả, là thế giới này, tất cả mỗi phần tử của thế giới là biểu hiện của Siêu Nhiên; toàn thể vũ trụ, tất cả tự nhiên là Siêu nhiên.
Hegel (1770–1831) và lý thuyết về lịch sử như sự biểu hiện của Tinh thần Tuyệt đối, và Benedict de Spinoza (1632–1677) và phát biểu nổi tiếng ‘Deus sive Natura’ (‘God hay Tự nhiên’), tóm thu quan điểm của của ông đồng nhất gót với tự nhiên.
Panentheism: Cũng tin Vũ trụ và Tự nhiên là thiêng liêng, bí ẩn. Siêu nhiên là khắp cả, là thế giới này, nhưng cũng còn lớn hơn thế giới này, bao trùm thế giới này.
Tôn giáo điển hình nhất với tin tưởng này là Brahmanism – với atman trong mỗi cá nhân và Brahmantrong tổng thể vũ trụ (the belief or doctrine that God is greater than the universe and includes and interpenetrates it.)
Polytheism:tin-nhiều-gót – và ngược lại là – monotheism:tin-chỉ-một-gót, là những quan điểm về thừa nhận gót, nhưng khác nhau về số lượng: tin có một, hay tin có nhiều.
Animism: thuyết vật-linh hay vạn vật hữu linh: là tin tưởng gần như tín ngưỡng rằng tât cả những sự vật trong thiên nhiên đều có một linh hồn, hay thần tinh hay thần linh trong nó ­– tin tưởng này không chỉ với sinh vật như cây cỏ, nhưng với cả những vật vô sinh, vô tri giác như ngọn đồi, hòn đá bên đường, hay những hiện tượng thiên nhiên như giòng sông con suối, ngọn gió, tia nắng, cơn mưa. Tin tưởng này mở rộng đi đến cho rằng có một năng lực siêu nhiên vốn điều hành thế giới vật chất và đem sinh khí cho nó.
[38] chữ của tác giả : sex-up
[39] Einsteinism: quan điểm của Einstein ảnh hưởng hay liên hệ với thuyết tương đối của ông.
[40] Tất cả những biến cố vật lý – khi có điều kiện tất yếu và đủ – sẽ xảy ra, và không thể xảy ra một cách nào khác.
Thí dụ, mỗi tai nạn xe cộ trên đường đi chúng ta vẫn thấy – là một biến cố độc nhất – nếu chúng ta thay các yếu tố liên quan như: xe, người lái, điều kiện đường trơn trượt hay thời tiết sương mù, hay mưa bão, hay vân vân – là có một tai nạn khác.
Biến cố xảy ra – như sự bùng nổ thành vũ trụ của chúng ta được biết – là độc nhất, không có cách nào khác – cách khác nếu có, sẽ thành một vũ trụ khác! Không có ý muốn siêu nhiên nào tạo nên nó – và dĩ nhiên không có ý muốn nào có thể thay đổi làm nó xảy ra hoặc sớm hơn, hoặc muộn hơn, hoặc khác đi dù trong bất cứ ý hướng nào đi nữa. Khái niệm “khác” đã là nghịch lý – vì ở đây, chỉ có một.
[41] Yahweh
[42] [The full speech is transcribed in Adams (2003) as 'Is there an artificial God?']
[43] Có những người Dothái tôn trọng ngày Sabbat (với họ là thứ bảy) – đến không làm những việc cần thiết, nhỏ nhoi như bấm công tắc đèn, nút thang máy.
[44] [Perica (2002). Cũng xem trong:
http://www.historycooperative.org/ journals/ahr/108.5/br_151.html.]
[45] ['Dolly and the cloth heads', trong Dawkins (2003).]
[46] [http://scotus.ap.org/scotus/04-1084p.zo.pdf.]
[47] Chemotherapy
[48] [R. Dawkins, 'The irrationality of faith', New Statesman (London), 31 March 1989.]
[49] [Columbus Dispatch, 19 Aug. 2005.]
[50] First Amendment to the United States Constitution – Bổ túc thứ nhất cho Hiến Pháp nước Mỹ
[51] Civil rights
[52] [Los Angeles Times, 10 April 2006.]
[55] [Independent, 5 Feb. 2006.]
[56] [Andrew Mueller, 'An argument with Sir Iqbal', Independent on Sunday, 2 April 2006, Sunday Review section, 12-16.]
[57] Henry Louis Mencken (1880 -1956), controversialist, humorous journalist, and pungent critic of American life who powerfully influenced U.S. fiction through the 1920s. Ông cũng giới thiệu triết lý Nietzsche và dịch The Antichrist rất sớm, từ những năm 1920’s.
Posted by Lê Dọn Bàn at 11:21 AM

No comments: