Mới
đây, trên BBC tiếng Việt, một nữ nhà văn khoe là đang xin “cư trú chính
trị tại Đức”. Sự kiện này gợi nhớ năm 2013, một người Việt khác sau khi
hết nhiệm vụ tại Thụy Sĩ cũng đã “nộp đơn xin tị nạn” và “đang được
xét”! Thông tin loại này được trang tiếng Việt của BBC, RFA… phát đi
phát lại như một sự kiện ghê gớm, nhưng người Việt ở châu Âu lại rất thờ
ơ với các tin này.
Người
châu Âu thờ ơ với các thông tin xin tị nạn của người Việt Nam vì họ
biết hiện nay cuộc khủng hoảng người nhập cư bất hợp pháp và xin cư trú
chính trị tại châu Âu đã tới mức độ báo động. Ở CHLB Đức, năm 2015, số
người nộp đơn có thể trên dưới một triệu. Phần lớn người bản xứ rất
thông cảm với hoàn cảnh của người lánh nạn đã chạy khỏi Xy-ri,
Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, Xô-ma-li… vì đói khát, chết chóc do chiến tranh,
nhưng họ rất bức xúc trước thực tế một số người lạm dụng quy định nhân
đạo để mưu cầu cuộc sống vật chất tốt hơn. Đó cũng là một trong những
nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành chống người nước ngoài. Từ một số vấn
đề khó có thể giải quyết trong chính trị, kinh tế, xã hội mà một số tổ
chức, cá nhân coi đó là tình trạng “người nước ngoài ăn bám”, “nhà nước
bất lực”, “người nước ngoài mang tệ nạn xã hội, nguy cơ khủng bố và bệnh
truyền nhiễm nan giải vào châu Âu”, “chi phí công tăng đột biến đến
hàng chục tỷ euro làm phá vỡ các kế hoạch về an sinh xã hội”… Phần lớn
người dân Đức yêu cầu cơ quan nhà nước phải cứng rắn, mạnh tay chống lạm
dụng tị nạn, vì theo luật pháp, quy chế bảo vệ, nuôi dưỡng tị nạn chính
trị chỉ dành cho người thật sự là nạn nhân bị đàn áp ở mức độ nghiêm
trọng.
Để
được hưởng quy chế tị nạn chính trị hoặc ở lại vì lý do nhân đạo, người
nộp đơn phải trình bày thỏa đáng hoàn cảnh đặc biệt, đưa ra các bằng
chứng chính đáng. Về cơ bản, quy định pháp lý của việc xét đơn xin tị
nạn ở các nước phương Tây là khá giống nhau, thí dụ: ở Thụy Sĩ là Ðiều
25, 121 Hiến pháp liên bang, Luật về thủ tục xét đơn xin tị nạn sửa đổi
lần cuối có hiệu lực từ 1-2-2014; ở CHLB Ðức là Ðiều 16A Ðạo luật cơ bản
(tức Hiến pháp) và các quy định trong các Khoản từ 1 đến 7 của Điều 60
Luật Cư trú; Quy chế được hưởng chế độ tị nạn cao nhất (ở Đức gọi nôm na
là “chế độ tị nạn cao” - grosses Asyl). Sau khi đủ cơ sở kết luận bị
đàn áp, khủng bố nghiêm trọng, đe dọa đời sống tinh thần, cơ thể vì hoạt
động chính trị kiệt xuất, vì lý do tôn giáo hoặc sắc tộc,… người nộp
đơn mới được hưởng chế độ này. Không công nhận chế độ, căm thù chế độ,
vì lý do gì cũng không thể là lý do được hưởng quy chế. Nếu ai đó bị bắt
giam vài lần và giam giữ trong thời gian ngắn cũng như bị ngược đãi thì
cũng không được xem là bị đàn áp khủng bố nghiêm trọng. Nếu sử dụng hộ
chiếu chính thức và rời nước mình bằng con đường công khai như qua cảng
hàng không, cảng biển, thì không thể được coi là chạy nạn, chạy trốn
(Flucht). Trong trường hợp đã bác đơn xin tị nạn chính trị, nhưng vì lý
do nhân đạo như nội chiến rộng khắp, bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa ở
quê nhà, thảm họa nhân đạo (nạn đói trong phạm vi lớn, thiên tai), nguy
cơ bị thi hành án tử hình,… thì cơ quan chuyên trách thuộc cấp Liên
bang sẽ xét khả năng cho ở lại có thời hạn. Các tình tiết phải được cân
nhắc về phương diện pháp lý, thực tế ở nước mà người xin tị nạn đã ra
đi. Một số trường hợp, do phải thẩm tra, sau bảy năm mới có quyết định
cuối cùng. Có người bị trục xuất sau 10 năm nộp đơn. Cho dù bác đơn
trước hết các cơ quan vận động người bị bác đơn tự nguyện ra khỏi nước
Đức. Bởi vậy trong thời gian chờ đợi, một số người tìm cách xuất hiện
trên mạng hay phương tiện truyền thông nhằm gây chú ý, tăng khả năng
được ở lại. Như có người tham gia biểu tình chống Việt Nam chỉ với mục
đích chụp ảnh gửi cơ quan xét duyệt và tòa án trong thủ tục khiếu nại.
Và một số trang tiếng Việt được lập ra trên mạng để ủng hộ, kỳ quặc là
tổng biên tập mấy trang này thay đổi liên tục, có khi mỗi quý tới vài
người. Có vị tổng biên tập không vững ngữ pháp, chính tả tiếng Việt. Bài
đăng thường có nội dung, có lối hành văn y như nhau, chỉ khác tên, ảnh
tác giả… Nhưng làm gì thì họ cũng không vượt qua được quy định luật
pháp, vì thế có thể tìm đọc trên mạng nhiều quyết định của Tòa hành
chính do Cơ quan liên bang thuộc Bộ Nội vụ CHLB Đức công bố, theo đó:
“Trong năm 1995, Việt Nam và CHLB Đức ký kết Hiệp định về việc Việt Nam
tiếp nhận người không được hưởng quy chế tị nạn. Đến năm 2011, có khoảng
15.000 người đã được trả về. Không có trường hợp nào bị gây khó dễ.
Ngay cả với những người trong thời gian ở nước ngoài có hoạt động chống
đối bằng các bài viết tải lên internet, cũng không có nguy cơ bị đàn áp
khi hồi hương. Việt Nam thực hiện đúng các thỏa thuận như đã ký kết trên
cơ sở luật quốc tế…”.
Trong
thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tị nạn, ngày 12-9-2015, ông V.
Ô-rơ-ban (V.Orban) - Thủ tướng Hung-ga-ri, đưa ra một phát biểu ngắn gọn
về việc này: “Không có một quyền cơ bản để đòi hỏi một cuộc sống tốt
hơn”. Tuyên bố trở thành tên các bài báo đăng trên hầu hết báo chí từ
trung ương tới địa phương, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình ở CHLB
Đức (như Đài truyền hình công cộng số 1 ARD, tờ Thế giới - Die Welt,
Frankfurt Khái quát - Frankfurter Allgemeine, tạp chí Focus…) gây nên
một cuộc tranh cãi gay gắt. Những người am hiểu vấn đề nhận ra, ông
không chỉ từ chối tiếp nhận người xin tị nạn mà hơn nữa, đặt câu hỏi về
tính chất nhân đạo của đường lối tị nạn của các nước phương Tây. Đây
không phải là lần đầu câu hỏi được đưa ra, song là lần đầu từ một vị thủ
tướng. Trước đây nhiều người đã bàn luận về thực tế ở phương Tây đang
có một số thế lực chính trị lợi dụng vấn đề tị nạn để thực hiện ý đồ
chính trị, đặc biệt trong việc khơi mào một cuộc chiến, được định danh
là “chiến dịch cho chảy máu” ở một nước hay khu vực. Từ sự ra đi của
nhiều người dân, họ gây áp lực với chính quyền không được họ ưa chuộng.
Trong hoàn cảnh một số người ra đi, sự bất ổn bùng phát sẽ là tiền đề
cho sự can thiệp từ nước ngoài dưới chiêu bài và “dân chủ, nhân quyền”.
Cuộc
chiến ở Kô-sô-vô (Kosovo) được coi là dẫn chứng đau lòng về việc lợi
dụng vấn đề người tị nạn. Tư liệu khách quan, cụ thể là bộ phim tài liệu
Cuộc chiến bắt đầu bằng một sự dối trá (Es begann mit einer Lüge) do
Đài truyền hình công cộng số 1 ARD phát sóng, phim do WDR, một đài
truyền hình công cộng sản xuất, phát ngày 8-2-2001. Bộ phim cho biết, sự
dối trá “vụ thảm sát Račak” giữ một vai trò then chốt trong việc bắt
đầu cuộc chiến của NATO chống lại Nam Tư. Ngày 15 và 16-1-1999, người ta
tìm thấy 40 thi thể tại làng Račak. Chính phủ Nam Tư khi đó cho biết số
người bị bắn chết này thuộc lực lượng UCK bị tiêu diệt khi giao tranh
với lực lượng vũ trang Nam Tư. Khi chưa có điều tra chính thức, phương
Tây lập tức tố cáo lực lượng vũ trang Nam Tư thảm sát dân thường, và như
vậy, đây là một tội ác chiến tranh chống lại loài người. Dù không có
nghị quyết của LHQ, NATO vẫn tiến hành chiến tranh. Lực lượng UCK (tên
viết tắt Quân đội giải phóng Kosovo) cũng được coi là một thí dụ rõ nét
cho việc lợi dụng vấn đề tị nạn. Họ là công dân Nam Tư, dân tộc
An-ba-ni, xuất thân từ tỉnh Kosovo chạy sang Tây Âu, đông nhất là ở CHLB
Đức. Từ đây họ tổ chức các trận đánh nhỏ lẻ ở quê nhà. Thời gian đầu,
các nước phương Tây gọi họ là khủng bố như Chính phủ Nam Tư vẫn gọi và
trừng trị. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, họ lại lập tức trở thành các
“chiến sĩ giải phóng”. Trong chiến tranh chống quân đội Nam Tư, UCK được
coi là đồng đội của NATO. Ngày 4-3-1999, đề cập sự việc này, tờ Báo
Béc-lin (Die Berliner Zeitung) đăng bài Theo các cơ quan tình báo: Số
tiền triệu cao đến ba số UCK chi phí bằng tiền bán ma túy. Bài cho biết
phần lớn chi tiêu của UCK là tiền buôn lậu ma túy từ Áp-ga-ni-xtan vào
EU. Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol biết rõ việc buôn bán ma túy ở EU
chủ yếu trong tay người Kosovo. Họ có khoản tiền 900 triệu Mác Đức (tiền
sử dụng ở CHLB Đức lúc đó) và ít nhất một nửa số tiền có được qua buôn
bán ma túy. Một phần khác là tiền của người Kosovo ở phương Tây “tự
nguyện đóng góp” gây quỹ chiến tranh. Số tiền này được dùng mua vũ khí,
bí mật đưa về nước. Ngày 28-6-1999, tạp chí Tấm gương (Spiegel) đăng bài
với nội dung tương tự: “UCK chi phí bằng tiền bán ma túy. Để thuyết
phục thế giới, phương Tây đã phát đi những phim ảnh cho thấy dân “thường
bị xua đuổi vì làng mạc bị quân đội Nam Tư tàn phá”, thật ra họ chỉ sơ
tán khi có giao tranh, nhưng lại quay về khi im tiếng súng. Cảnh dân
thường chạy nạn phải sống cảnh màn trời chiếu đất ở khu vực biên giới
đều cố tạo dựng theo kịch bản”. Gần 20 năm đã trôi qua, phương Tây vẫn
chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng để chứng minh “vụ thảm sát Račak” có
thật. Phải chăng vì vậy mà nhà nghiên cứu Đi-tơ Lút-xờ (Dieter Lutz)
phải gọi “vụ thảm sát Račak” là “một trong nhiều bí mật bẩn thỉu” trong
cuộc chiến ở Kosovo?
Ở
Việt Nam mọi người đều biết hai nhân vật được đề cập chẳng ai đàn áp,
khủng bố họ. Cuộc sống của họ không đến nỗi thiếu thốn về vật chất, tinh
thần. Với hàng triệu người Việt Nam, một chuyến ra nước ngoài, đặc biệt
đi Tây Âu là không đơn giản, chí ít là về kinh tế, nhưng với họ đó là
chuyện bình thường. Bản thân bà nhà văn vẫn thụ hưởng các quyền dân chủ
như tự do ngôn luận, báo chí. Bà vẫn xuất hiện trên các phương tiện
truyền thông, sách của bà vẫn xuất bản trong nước. Mấy năm gần đây bà đã
đưa ra nhiều phát ngôn tùy tiện xuyên tạc sự thật phê phán Đảng, Nhà
nước, cán bộ lãnh đạo,… Vậy mà họ “xin tị nạn chính trị” thì quá khôi
hài! Không rõ sau đây, hai người này có kiếm thêm được cơ hội xuất hiện
trên trang tiếng Việt của BBC, RFA,... nữa không. Nhưng chắc chắn các
thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí vẫn tranh thủ
họ để tung ra những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, vu khống Việt Nam. Và
liệu họ có lại phải đối mặt với câu chuyện như của hàng chục nghìn người
nước ngoài tìm đến châu Âu và hiểu thêm tại sao châu Âu đang quặn mình
vì bị “nhồi máu”!?
NGỌC DUNG
Nguồn: Nhân Dân
No comments:
Post a Comment