2015/12/27

Vài dòng về Dân Trí

http://molang0205.blogspot.com/2015/12/vai-dong-ve-dan-tri.html


 Hoàng Mạnh Hải 
Đọc vài ý kiến trên mạng về dân trí, tôi có cảm giác là khái niệm này đang được hiểu không giống nhau và hình như ai cũng hơi dè dặt với hai chữ nhạy cảm đó.
Nguyên nhân của sự nhạy cảm chính là vì người ta chỉ thích nghe khen chứ không muốn bị chê, sự thật thì dân trí một nước cao hay thấp là chuyện bình thường.
Dân trí là khái niệm về chất lượng, không phải số lượng. Nó không được đo bằng số giáo sư, tiến sĩ, số người tốt nghiệp đại học tính trên 10 ngàn dân, hay tỉ lệ phổ cập tiểu học, hay những con số thống kê tương tự như thế. Dân trí là mức độ hiểu biết của người dân.
Mức độ hiểu biết của người dân là mặt bằng văn hoá chung, nó tùy thuộc hơn 90% vào giáo dục và tuyên truyền. Vậy nhìn vào các trường học, viện nghiên cứu, các ấn phẩm văn chương, báo chí và năng lực truyền thông là ta có thể biết được dân trí một nước đang ở mức nào. Chẳng hạn, nếu chất lượng các trường đại học, nội dung báo chí so với khu vực và thế giới được xếp hạng cao thì ta có thể tự tin dân trí cũng đang ở mức cao - và ngược lại.
"Đầu vào" là như thế, còn "đầu ra"? Bằng cách quan sát hiện tượng ta cũng có thể biết được trình độ dân trí của một cộng đồng. Tôi xin đưa vài ví dụ dưới đây.
- Vốn từ vựng: Bao nhiêu phần trăm người dân hiểu được những từ vựng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như VAT, GDP, lạm phát, bản quyền, mầu nhiệm, mặc khải, niết bàn, di căn, thừa phát lại, tinh thể lỏng, tế bào gốc, ký sinh trùng..; hiểu được nội dung các cụm từ như quân chủ lập hiến, con đường tơ lụa, chiến tranh vùng Vịnh, kinh tế thị trường...? Số người hiểu được nhiều từ vựng cũng là một thước đo về mức độ dân trí.
- Các mối quan tâm: Trên Google bao nhiêu từ khóa tìm kiếm thông tin về Shakespeare, Pushkin, Voltaire, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử…? Bao nhiêu từ khóa tìm kiếm thông tin về biến đổi khí hậu, về liên hiệp quốc, về thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội, những kiến thức hữu ích khác hay chỉ toàn những từ khoá tìm kiếm mấy trò giải trí, nữ sinh đánh nhau, những nội dung nói chung là vô bổ?
Nước nào người dân quan tâm nhiều đến thời sự, chính trị, khoa học, văn chương thì mức độ dân trí cao hơn nước trong đó người dân chỉ quan tâm những chuyện trần tục, trò chơi giải trí hay chỉ về vấn đề tiền bạc.
- Phản ứng của cộng đồng: Chuyện này phân tích hơi mệt hơn một chút. Khi một thanh niên tung clip sex lên mạng để trả thù người yêu đi lấy chồng, bao nhiêu comment tỏ ra bất bình vì đó là hành vi phạm pháp, bao nhiêu người chỉ biết thích thú share & like đoạn phim đó? Bên nào đông hơn? Khi có scandal của một ngôi sao điện ảnh nổ ra, bao nhiêu người comment một cách chừng mực, bao nhiêu người chỉ nhắm mắt ném đá thậm chí còn mong sự việc ngày càng tệ hơn để cho đoạn kết thêm phần hấp dẫn? Hay khi một bài hát có giai điệu tầm thường, nội dung nhảm nhí được đưa ra, bao nhiêu người biết thở dài ngao ngán, bao nhiêu người cảm thấy vậy là hay?...
Tất cả những điều kể trên: khả năng phân biệt đúng sai, trình độ thưởng thức âm nhạc, mức độ hiểu biết và tuân thủ pháp luật biểu hiện qua phản ứng của dân chúng trước các hiện tượng xã hội đều nói lên trình độ dân trí của một quốc gia.
Các bạn có thể đưa thêm vài ví dụ khác. Nhưng nhìn chung ở tiêu chí nào tôi cũng thấy chúng ta còn ở mức khiêm tốn.
Tóm lại, dân trí là mặt bằng văn hóa của xã hội, là chuyện chất lượng chứ không phải số lượng và có thể đo được bằng các cách gián tiếp. Muốn mở mang dân trí thì chỉ có một con đường là cải thiện chất lượng giáo dục và tăng cường sức mạnh truyền thông.
Đó là quan điểm của tôi về dân trí. Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.

No comments: