2015/12/29

Khi tướng Chung làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội

http://molang0205.blogspot.com/2015/12/khi-tuong-chung-lam-chu-tich-ubnd-tp-ha.html


Chiềng Chạ
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội (Nguồn: Internet). 

Vốn có thời gian sống ở Thủ đô Hà Nội nên điều tôi không hài lòng ở mảnh đất này là không gian sống; và dường như đây là nguyên nhân hàng đầu khiến thủ đô không níu giữ được nhiều người an tâm gắn bó lâu dài dù biết nơi đó có nhiều thứ thuận lợi cho công việc cũng như cuộc sống của chính họ. Một Hà Nội quá tải dù đã thực hiện việc mở rộng và lấy hẳn một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ trước đây (Hà Tây) nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề đang thực sự là một bài toán mà không phải ai cũng có thể đưa ra một lời giải? Trong bối cảnh như thế phương án tiếp tục mở rộng thêm diện tích vì thế sẽ không được đề cập đến và có lẽ dù không nói ra nhưng đa phần cư dân Hà Nội trông chờ vào những quyết sách lớn của ông Nguyễn Đức Chung trên cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội để góp phần hóa giải tình trạng quá tải và chật hẹp về không gian sống của thủ đô trong thời điểm hiện tại. 

Ban đầu khi nghe tin Hội đồng nhân dân TP Hà Nội bầu ông Chung làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội với số phiếu tương đối cao; ông Chung lại là ứng viên duy nhất được giới thiệu ứng cử chức danh quan trọng của UBND TP Hà Nội này, tin chắc rằng rất nhiều người giống tôi không có nhiều thiện cảm với điều này. Lí do cũng xuất phát từ suy nghĩ một người xuất thân từ lực lượng vũ trang như ông Chung thì khi sang làm công tác quản lý, điều hành ở một lĩnh vực rộng hơn, bao quát hơn sẽ khó tránh khỏi những khó khăn. Thậm chí, nếu không linh hoạt, có thể ông Chung sẽ mang theo cả những gì ông đã điều hành lực lượng Công an TP để sang điều hành UBND TP, nơi ông giữ cương vị đứng đầu và khi đấy thì không hiểu thủ đô Hà Nội sẽ đi về đâu dưới thời của vị tướng Công an này! 

Vậy nhưng, tôi có lí do để tin vào tướng Chung, tin vào những gì ông sẽ làm trên cương vị mới và đương nhiên điều mà người ta cần, khuyến khích ông nên giữ lại là sự quyết liệt, khẩn trương và không khoan nhượng mà ông đã từng dùng để đấu tranh với tội phạm, chống tiêu cực trong thời gian công tác trong ngành Công an. Và sẽ chẳng có gì bằng nếu ông Chung kết hợp được điều này với một sự linh hoạt, dám đổi mới trong cách quản lý, điều hành của mình với một chủ thể hoàn toàn khác? 

Trong một động thái mới đây nhất được báo chí đăng tải bên lề Hội nghị của Chính phủ với các địa phương đang diễn ra hôm 28/12 vừa qua, Tân Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung "kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét theo hướng giảm các phương tiện cá nhân vào Hà Nội". Lí do được ông Chung đưa ra để bảo vệ đề xuất của mình chính là nếu không thực hiện việc giảm tải các phương tiện cá nhân vào Hà Nội trong 4, 5 năm tới tình hình giao thông sẽ "khó đảm bảo". 

Khi tiếp cận thông tin này sẽ có người cho rằng, trong cái quyết sách đầu tiên (có thể xem là đầu tiên) của ông Chung trên cương vị Chủ tịch có nét gì đó phảng phất chất "Công an" trong ông! Nghĩa là trên cương vị Giám đốc Công an TP Hà Nội, ông Chung được biết đến là người quyết liệt trong việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và cũng tại nhiều diễn đàn (Quốc hội, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội) chính ông Chung đã không ít lần đề xuất phương án này nhưng tiếc rằng dù một số lí do khách quan và do đề xuất được nói ra trong bối cảnh được cho là chưa thuận lợi nên nó đã không được hiện thực hóa. Cho nên, việc tiếp tục nhắc lại đề xuất này trên một cương vị khác khiến người ta liên tưởng tới chất "Công an" của vị tướng Chủ tịch này. Và câu hỏi đặt ra ở đây nên nhìn nhận đề xuất nói trên của ông Chung đơn thuần là việc ông này kiên trì theo đuổi ý kiến của mình hay đã đến lúc Hà Nội nên áp dụng đề xuất của ông Chung nếu không muốn tình trạng ách tắc, thu hẹp không gian sống trở nên khó giải quyết hơn? Thì xin thưa rằng, vấn đề được tướng Chung nêu lên đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết và đề xuất của tướng Chung là vấn đề mang tính thời sự của thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hiện tại. 
Một cảnh tắc đường tại TP Hà Nội (Nguồn: Internet). 

Trong đề xuất của mình tướng Chung đã thể hiện được sự quyết liệt thường thấy. Theo đó, ông Chung không đề xuất một cách chung chung mà đã không ngần ngại chỉ ra lộ trình cụ thể để thực hiện: "Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện mỗi năm Hà Nội gia tăng 16.000 – 22.000 xe máy, 6.000 – 8.000 ô tô. Nếu cứ tiếp tục đà phát triển như hiện nay, chưa kể thời điểm 2018 thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0%, lượng xe sẽ còn tăng mạnh. Dự kiến đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể xe của khối lực lượng vũ trang và xe các tỉnh vào Hà Nội; 7 triệu xe máy". 

Với một sự tính toán và tham khảo từ trước với các chuyên gia sẽ không quá khó để Chính phủ đồng tình với phương án của Tân chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu lên; cùng với một sự quyết liệt đến cùng thường thấy tin tưởng rằng ông Chung sẽ tạo được dấu ấn đầu tiên của mình trên cương vị người đứng đầu Hà Nội. Và cũng xin nói thêm với những ai đã hoài nghi về vai trò của tướng Chung trên cương vị Chủ tịch Hà Nội rằng "kịch hay còn ở hồi sau", hãy xem họ làm được gì, như thế nào trước khi đánh giá và quy kết họ.

No comments: