2015/12/18

Trao đổi với với nhóm biên soạn thư ngõ gửi Đại hội XII của ĐCSVN

http://molang0205.blogspot.com/2015/12/trao-oi-voi-voi-nhom-bien-soan-thu-ngo.html

Tác giả: Nam Nguyễn

Kính gửi các "nhân sỹ" trong nhóm biên soạn thư ngõ kiến nghị và những người ký tên (đứng đầu là GS Tương Lai).
Tôi đã đọc kiến nghị của các vị đăng trên Bauxite, hy vọng tìm được những kiến giải hay, có sức thuyết phục để phổ biến nó. Song đáng tiếc là rất thất vọng và thấy rằng cần phải trao đổi với các vị mấy vấn đề cho phải đạo.
Trước hết xin có mấy nhận xét về nội dung kiến nghị.
Thứ nhất, những tưởng đây sẽ là tinh hoa trí tuệ có tính phản biện của giới trí thức, nhân sỹ đối lập nhưng buồn vì rằng nó chẳng có gì mới ngoài những ngôn từ miệt thị những thành quả có được bằng sự cố gắng của cả dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN. Các vị đã sai lầm khi trích dẫn dự thảo văn kiện của ĐCS làm tiên đề cho những kiến nghị tréo ngoe chẳng ăn nhập với nó. Chẳng hạn, ngay từ đoạn đầu tiên "Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển ở trình độ trung bình thấp với những tiến bộ về kinh tế và đời sống nhân dân, về thực hiện các “Mục tiêu thiên niên kỷ” do Liên Hiệp Quốc đề ra"...." đấy là đoạn "ăn cắp" nguyên văn trong trong dự thảo văn kiện của ĐCS (chỉ thêm một từ "thấp" trong "trung bình "thấp") để phủ định tất cả.
Đoạn trích dẫn ấy có ý tốt, khách quan đúng không các vị? nhưng nó được dùng làm luận cứ cho kiến nghị mang tính phủ định "nhân dân ngày càng mất lòng tin vào thể chế chính trị" và kêu gọi "đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa)"
Hay đoạn nói "Nhiều nước, kể cả những nước phát triển nhất, đã cam kết cùng Việt Nam trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Mới đây, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thu hút Việt Nam tham gia từ đầu đã được ký kết; khối ASEAN mà Việt Nam là thành viên đã nâng cấp sự liên kết thành Cộng đồng. Sự hội nhập quốc tế ở tầm cao hơn đặt ra thách thức mới, song chưa bao giờ Việt Nam có được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ cả tinh thần lẫn vật chất của nhân dân và các quốc gia trên thế giới như ngày nay"... đấy cũng là đánh giá thành công của văn kiện ĐCS về đường lối đối ngoại. Nó là một đánh giá tốt, khách quan (mà chính các vị cũng phải công nhận) Lại được dùng để làm luận điểm cho kiến nghị tréo ngoe, cực đoan khi đề xuất "thoát Trung", vu cáo Việt Nam đang là "chư hầu" của TQ. 
Thứ hai, những kiến nghị mà các vị đưa ra đều rất to tát, có tính "cách mạng" như: "Từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin, đổi tên Nước, đổi tên Đảng Cộng sản, xóa bỏ định hướng XHCN..." Nhưng không thấy các vị đưa ra căn cứ chứng minh vì sao phải thay đổi, chỉ nói một cách hàm hồ rằng vì nó "độc tài, bạo lực, dối trá...". Những cụm từ đó đã được nhai đi, nhai lại đến nhàm chán của những tư tưởng thù hận mà các vị nói mãi rồi. Cách dẫn nhập của các vị khác gì "treo đầu dê, bán thịt chó".
Để thức tỉnh tri thức cho các vị, tôi đành bớt chút thời gian trao đổi với các vị mấy vấn đề cốt lõi về tính tất yếu của sự lựa chọn vai trò lãnh đạo của ĐCS, của CNXH mà dân tộc ta đã xác quyết.
Theo tôi, xác quyết vị thế lãnh đạo của ĐCS với dân tộc VN là đúng với lẽ phải, hợp tình, hợp lí, là cần thiết, tất yếu, tất nhiên. Vì sao vậy.
Khi xã hội loài người chưa phát triển, lực lượng sản xuất còn rất thấp kém, con người sống thành bầy đàn, con người đã cần phải hiệp đồng với nhau để chống chọi với thiên nhiên, duy trì cuộc sống, từ đó hình thành nên các bộ tộc, bộ lạc. Thực tiễn đó đòi hỏi phải có những người thay mặt cộng đồng đứng ra duy trì, điều hành hoạt động của cả cộng động, và do đó, xuất hiện các tù trưởng, tộc trưởng, già làng, trưởng bản đứng ra thay mặt cộng đồng điều hành hoạt động chung của cả cộng đồng. Như vậy, khởi đầu trong đời sống, con người đã quan niệm sự hiện diện, hoạt động vị thế của người đứng đầu là sự cần thiết, tất yếu, tất nhiên, hợp lý.
Giai đoạn xuất hiện xã hội phong kiến vị thế của triều đình, đứng đầu là nhà Vua được xã hội thừa nhận. Vua không phải là người thay mặt cho đa số, nhưng vua là con trời, là người thay mặt thiên tử hành đạo. Vua có quyền nắm tất cả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để thực hiện cai trị thiên hạ, vua cha truyền ngôi cho vua con là đương nhiên, tất yếu. Sự tuân thủ đó là bổn phận tuyệt đối, không cần suy nghĩ của muôn dân. Người dân có bổn phận phải tuân thủ quyền lực của vua chúa chính là bổn phận tuân thủ quyền lực của thượng đế. 
Các nhà tư tưởng thời cận đại, như J. Locke, Mông-tec-xki-ơ, J.J. Rut-so đều cho rằng, con người từ khi sinh ra đã có những quyền bất khả xâm phạm - quyền tự do công dân - họ là những công dân chính trị. Bất cứ nhà nước nào cũng gắn với quyền lực, nhưng quyền lực nhà nước là quyền lực của dân, do dân ủy quyền, dân nuôi nhà nước và do đó, nhà nước phải phục vụ dân, nhân viên công lực phải là công bộc của dân. Nhà nước thực hiện được những nguyên tắc đó thì sự tồn tại nhà nước đó là chính đáng. Nếu nhà nước vi phạm hợp đồng, có thể dân sẽ thay nhà nước đó bằng một nhà nước khác thông qua một cuộc cách mạng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, sự xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp là kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế, khi xã hội có sản phẩm dư thừa và bộ phận người này chiếm đoạt sản phẩm lao động của bộ phận người khác. Giai cấp nắm quyền lực kinh tế tất yếu trở thành giai cấp nắm quyền lực thống trị và quyền lực của giai cấp thống trị bao giờ cũng được thiết lập bằng tổ chức nhà nước. Sự xuất hiện nhà nước vô sản và đảng vô sản nắm quyền trong thời đại ngày nay là hoàn toàn chính đáng, cần thiết, tất yếu.
Ở Việt Nam, trong lịch sử hiện đại đã có rất nhiều chính đảng chính trị (nhất là trong thời kỳ chống thực dân, phong kiến và cả trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước), tất cả họ đều ít nhiều có những tham vọng vươn lên nắm quyền lực. Tuy nhiên, rốt cuộc chỉ có ĐCS là chính đảng thành công. Bởi vì, ĐCS đã có đường lối đúng, hợp lòng dân nên đã huy động được sức mạnh toàn dân làm cách mạng xã hội thắng lợi. Ngày nay ĐCS cũng đang lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, phát triển kinh tế thắng lợi, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân nên được dân tin tưởng, được thế giới công nhận. Do vậy, vị thế lãnh đạo của ĐCS là cần thiết, tất yếu, tất nhiên, hợp tình, hợp lý chưa có một chính đảng chính trị nào thay thế được. Chưa có ai thay thế được hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh của họ. Và do đó, quyền lãnh đạo của ĐCS là uy quyền chính đáng. 
Sự thừa nhận xã hội đối với chủ thể chính trị nào đó là sự thừa nhận về danh vị (địa vị, chức danh trong các thang bậc của quyền lực) và quyền hạn được làm những gì và không được làm những gì (nhiệm vụ, bổn phận, quyền và lợi) trong hành vi của mỗi chủ thể chính trị, xã hội tạo dựng hiệu lực lãnh đạo và sức cuốn hút cho nó chứ không phải ý chí quyền lực của một nhóm hoặc một tổ chức chính đảng nào.
Nho giáo đặc biệt nhấn mạnh uy quyền chính đáng theo tiêu chí sự thừa nhận xã hội. Người cai trị được coi là chính đáng khi họ chính danh, nhân chính, vi chính. Để duy trì được quyền lực, điều quan trọng nhất là nhà vua phải giữ được đức tín, giữ được lòng tin của dân. Dân đã tin thì thế lực rất mạnh, làm việc gì cũng được. Vậy nên, suốt hàng trăm năm, thậm chí là nghìn năm nhà nước quân chủ không phải lúc nào cũng có vua anh minh, nước cường thịnh mà có lúc thịnh, lúc suy. Thế giới vẫn tòn tại không ít chế độ quân chủ lập hiến nhưng nước vẫn cường thịnh vì nhà vua vẫn giữ được niềm tin, sự thừa nhận của nhân dân.
Sự thừa nhận của xã hội về vị trí, vai trò, quyền lực chính trị đối với mỗi chủ thể chính trị bao giờ cũng thể hiện ở niềm tin chính trị, sự tín nhiệm xã hội đối với chủ thể đó. Chính niềm tin, sự tín nhiệm của dân chúng với đảng cầm quyền là cái tạo nên sức cuốn hút họ thực hiện quyền lực. Nhưng để có được niềm tin, để xã hội giao quyền cho một chủ thể nào đó và để có sự phục tùng nghiêm túc của khách thể quản lý đối với chủ thể quản lý trong quan hệ quyền lực, lại tuỳ thuộc chủ yếu ở việc thực hiện các quan hệ lợi ích có đáp ứng được các yêu cầu chính đáng của xã hội hay không. 
Sự thực ở Việt Nam, vị thế chính đáng của Đảng cộng sản VN với nhân dân đã được Cương lĩnh chính trị của Đảng xác định là: “Đảng công sản VN là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Lợi ích của đảng thống nhất với lợi ích của nhân dân, Đảng lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu hoạt động của mình. Xã hội mà VN đang xây dựng là xã hội XHCN có những đặc trưng cơ bản: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.
Những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa được nêu trên vừa phản ánh được bản chất của chủ nghĩa xã hội mà ĐCSVN hướng tới. Đồng thời nó cũng phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Vì vậy nó tạo niềm tin của nhân dân vào một xã hội tốt đẹp. Nó cuốn hút toàn dân hưởng ứng chủ trương của ĐCS. Và chính nó đã tạo nên vị thế chính đáng cho ĐCS. Không ai có thể phủ nhận thành quả phát triển mọi mặt nhanh chóng, mạnh mẽ mà chỉ trong 30 năm đổi mới ĐCSVN đã mang lại cho nhân dân (như trong đánh giá của văn kiện và xã hội) nên với người VN (trừ các vị) không ai muốn xóa bỏ nó.
Sự thật lịch sử cho thấy, một lực lượng nào đó muốn nắm được quyền lực, muốn giữ được quyền lực lâu dài thì chủ thể đó phải luôn ở vị trí tiên tiến, tiền phong. 
Trong các xã hội thực dân xâm lược, thống trị, vấn đề độc lập dân tộc trở thành vấn đề chính trị chủ yếu; và trong các thời đại mà chính trị đã tỏ ra lỗi thời, tầng lớp cai trị trở nên phản động, là lực lượng đối lập với lợi ích toàn xã hội, kìm hãm phát triển xã hội, thì có thể, một lực lượng chính trị mới, sẽ thông qua một cuộc cách mạng để giành quyền lực. Lực lượng chính trị nào thực hiện việc thông qua một cuộc cách mạng để giành vị trí quyền lực nhằm thay đổi xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng hợp lòng dân, hợp với xu thế thời đại, thì lực lượng cầm quyền đó sẽ được xã hội thừa nhận.
Xã hội tư bản dưới sự thống trị của giai cấp tư sản là xã hội đầy áp bức, bất công. Đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản tất yếu diễn ra, dẫn đến giai cấp công nhân, giai cấp tiêu biểu cho lực lượng sản xuất tiến tiến - dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản tiên phong ở nhiều nước châu Âu, châu Á - thực hiện cuộc cách mạng vô sản giành chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội là tất yếu, phù hợp với xu thế của thời đại, do đó được xã hội thừa nhận. Nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, nhiều đảng tư sản dân tộc, đảng công nhân đã đứng ở vị trí tiên phong trong lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thực dân, giành độc lập cho đất nước và nhiều đảng trong số đó đã cầm quyền cho đến ngày nay, bất kể đó ĐCS, XH hay DC nếu được dân tín nhiệm, thừa nhận.
Nhưng để mỗi một chính đảng, mỗi lực lượng chính trị - xã hội vươn lên nắm được quyền lực, cầm quyền một cách chính đáng thì phải tỏ rõ là vị trí tiên phong về đường lối, chiến lược, sách lược và về nghệ thuật tập hợp lực lượng cách mạng, đứng về lợi ích của dân tộc, của đa số để giành được ưu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với nhiều lực lượng chính trị, nhiều xu hướng chính trị khác nhau.
Ở Việt Nam, ĐCS đã đưa ra cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với đặc thù của Việt Nam hiện nay, sự lựa chọn đó là đúng đắn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cho dù đây đó có những tiếng nói chê bai CNXH, sùng bái, cổ vũ cho mô hình TB. Song đó cũng chỉ là những ý kiến mang tính áp đặt chủ quan hoặc công kích, bôi xấu. CNTB cũng không phải là mô hình lý tưởng, trong nó vẫn còn đầy rẫy những bất công mà các chính đảng chính trị cầm quyền cũng đang cố thoát ra để tranh thủ lòng dân. Họ không đứng yên, bất biến mà đang cải tổ, cải cách để thích ứng. Bằng chứng là mỗi kỳ bầu cử, mỗi chính đảng luôn đưa ra đường lối chính trị mới để tranh thủ lá phiếu. Những chính đảng chính trị cầm quyền nếu không chứng minh được đường lối của mình là tiên tiến, là tiến bộ thì tất yếu sẽ bị nhân dân phế bỏ, chẳng cần ai đó làm cách mạng thay họ. Vì vậy mỗi khi ĐCS vẫn đứng vững ở vị trí cầm quyền của mình thì có nghĩa họ có vị thế xứng đáng. Kêu gọi đổi tên đảng, thay thế CNXH bằng tên gọi gì khác mà không thay đổi đường lối thì chỉ là thay chiếc áo cho "thầy tu", có gì mà sống còn, mà ăn thua.
Khi xem xét đến quyền lực chính đáng trong các quá trình chính trị là phải xem xét đến trạng thái, mức độ bất tuân quyền lực. Quyền lực chính đáng là những yếu tố mà chủ thể quản lý thiết lập được để thuyết phục những người bị quản lý phải tuân thủ và ủng hộ các mệnh lệnh mà chủ thể cai trị đưa ra một cách tự nguyện nhằm đạt được hiệu lực và hiệu quả của quyền lực. Như vậy, uy quyền chính đáng gắn với nghĩa vụ, bổn phận của các khách thể chính trị trong việc tuân thủ các mệnh lệnh của chủ thể quyền lực là nhân dân. Nghĩa vụ tuân thủ như vậy có cơ sở không phải từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt hay thuần túy từ lợi ích cá nhân, mà là từ sự công nhận về chuẩn mực đạo đức, sự hợp lẽ, sự hợp lý, khách quan và tự nhiên của chủ thể quyền lực mà nhà nước là hiện thân. Những hành vi bất tuân quyền lực mà các vị đang làm nó không đại diện cho nhân dân VN vì vậy cái mà các vị gọi là "bạo lực" chỉ có các vị phản đối, còn chúng tôi thì đồng tình vì đó là lợi ích ổn định xã hội mà chúng tôi muốn.
Một chính đảng, một nhà nước mạnh thì ngoài những yếu tố chính trị nói trên còn phải là một tổ chức không có kẻ "hư hỏng" như lời chủ tịch Hồ Chí minh đã từng dạy. Đáng tiếc rằng hiện nay, như đánh giá công khai của ĐCS Việt Nam, bên cạnh những cán bộ, đảng viên tận tụy với công việc, gương mẫu, hết lòng vì dân, trong đội ngũ của đảng đang có bộ phận có những biểu hiện sa sút, thoái hóa về đạo đức, lối sống làm mất lòng dân, làm suy yếu vị thế chính đáng của đảng, thậm chí là "nguy cơ" phá hoại đảng. Tuy nhiên, bằng thái độ nghiêm khắc, chân thành, ĐCS đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của mình và coi đó là nguy cơ cần được loại trừ để củng cố vị thế của mình. Những vấn đề đó được ĐCSVN đánh giá, phân tích, chỉ ra còn cụ thể hơn nhiều trong văn kiện đại hội đảng lần này, không chỉ như các vị copy lại. Đấy là quyết tâm chính trị của họ và được nhân dân ủng hộ. Đành rằng, đấu tranh chống căn bệnh mặt trái quyền lực, căn bệnh nhà nước (không riêng gì nhà nước cọng sản) không phải ngày một, ngày hai là có thể gột rữa được nhưng những người cộng sản đã "tuyên chiến" với nó và quyết không buông bỏ. Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như các chính đảng cầm quyền khác, nếu không không ngừng hoàn thiện mình, làm mất lòng tin của dân chúng thì vị thế chính đáng cũng sẽ không còn.
Theo đánh giá của chúng tôi, ngày nay, vị thế chính đáng của ĐCS vẫn chiếm ưu thế trong lòng dân Việt Nam. Bởi vì đường lối chính trị của Đảng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, lợi ích mà nhân dân có được như ngày nay là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ bằng sự đồng thuận của nhân dân với đảng. Ở Việt Nam chính trị vẫn ổn định, xã hội vẫn an toàn. Mặc dầu đây đó cũng còn những ý kiến trái chiều nhưng nó là tất nhiên và cũng chỉ là những ý kiến của nhóm nhỏ, không đại diện cho tầng lớp nào. Điều quan trọng là, những ý kiến đó không thuyết phục được đông đảo nhân dân. 
Vậy nên, những ý kiến của quý vị làm chúng tôi có cảm giác các vị không có động cơ phản biện, góp ý trung thực mà chỉ là vu cáo cho một mục đích đen tối mà thôi.

No comments: