http://molang0205.blogspot.com/2015/12/kinh-o-hang-lau-hang-nhai-ninh-hiep.html
Mõ Làng
Chủ
trương nâng cấp, cải tạo chợ cho thuận tiện, văn minh hơn là đúng đắn
nhưng sao tư thương ở chợ Nành, Ninh Hiệp chống lại quyết liệt vậy? Có
nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng đấy là lợi ích
tế nhị đằng sau của tư thương.
Làng quê năng động
Ninh
Hiệp vốn là làng nghề truyền thống nổi tiếng của miền Bắc. Xưa, người
làng Ninh Hiệp có nghề chính là dệt vải và làm thuốc bắc. Khoảng 5 năm
trở lại đây, người dân chủ yếu buôn quần áo từ Trung Quốc về, trở thành
chợ đầu mối lớn nhất-nhì miền Bắc. Và kinh tế ở Ninh Hiệp phát triển đến
chóng mặt. Ngay từ đầu làng Ninh Hiệp đã thấy những tòa nhà cao tầng
mọc san sát, xe ôtô mới coong đậu đầy đường. Đi sâu vào làng, đâu đâu
cũng thấy biệt thự, siêu xe...
Năm
2011 khi Ninh Hiệp đang thịnh hành chuyển nghề buôn dược liệu, Cục Quản
lý Dược đã có buổi khảo sát hoạt động kinh doanh dược liệu tại làng
nghề Ninh Hiệp. Qua khảo sát cho thấy, chỉ có 18/200 hộ kinh doanh sơ
chế dược liệu có giấy phép hành nghề. Theo báo cáo của lãnh đạo xã Ninh
Hiệp, trung bình mỗi ngày có 30 tấn dược liệu được nhập về chợ Ninh
Hiệp. Là nơi cung cấp dược liệu cho nhiều cơ sở điều trị bằng thuốc y
học cổ truyền; cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền và hầu hết các địa
phương trên cả nước. Thế nhưng, các hộ kinh doanh, bào chế dược liệu tại
đây hầu như không được đào tạo về thuốc đông y.
Không
thể làm ngơ với sản phẩm có liên quan đến sức khỏe con người, các cơ
quan chức năng đã thít chặt quản lý. Vậy là, từ một chợ nông thôn nho
nhỏ với những sạp vải cỏn con ở mỗi gian, giờ đây chợ Ninh Hiệp phát
triển rộng khắp, trục chính đường làng bỗng chốc trở thành con phố nhộn
nhịp buôn bán, quy mô thậm chí còn hơn phố Hàng Ngang, Hàng Đào ở phố cổ
Hà Nội! Với người Ninh Hiệp bây giờ, có một kiốt trong chợ là một niềm
ước mơ, thèm muốn, bởi đó là một tài sản lớn, lên đến tiền tỉ.
Kiếm
tiền dễ như vậy nên bây giờ, từ con hẻm, cái cổng cho đến lối đi vào
nhà ở Ninh Hiệp đều trở thành... sạp hàng. Đồ ở Ninh Hiệp rất rẻ, vì
người dân qua tận nhà may ở Trung Quốc để nhập về. Áo ấm trên thị trường
có giá từ 1 - 2 triệu thì về Ninh Hiệp chỉ mua từ 80.000 - 500.000
đồng. Nhiều người Ninh Hiệp cho biết, mỗi ngày ngồi chợ nếu lãi nhiều
cũng được cả chục triệu, ít thì một vài triệu. Họ kiếm tiền dễ, chi tiêu
cũng thoáng. Có câu chuyện thật như đùa là mới đây, UBND xã Ninh Hiệp
phát động góp tiền cải tạo lại ao Rối của làng, dự trù kinh phí khoảng 1
tỉ. UBND xã vừa phát động hôm trước thì hôm sau có người tự nguyện góp
cả tỉ đồng, có người đòi góp 500 triệu, 300 triệu... Nhưng cho đến bây
giờ, chưa có ai góp được đồng nào, do dân làng Ninh Hiệp nhất định...
không đồng ý cho một người ủng hộ, ai cũng giành nhau đóng góp với hy
vọng được hưởng phúc của bề trên (!).
Hàng lậu, trốn thuế là nguồn lợi vô tận.
Theo
Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng một điểm tập kết vải ở Từ Sơn (Bắc
Ninh) đã ước lượng mỗi ngày có khoảng trên 6.000 kiện vải được đưa vào
Ninh Hiệp. Số hàng khủng này về Ninh Hiệp để từ đó hàng theo những
chuyến xe khách, xe tải tỏa đi khắp mọi miền đất nước!
Vải lậu phát hiện ở Ninh Hiệp
"Con
đường tơ lụa" ấy, khởi phát từ bến xe Việt Tú Nam (Quảng Châu, Trung
Quốc). Hàng được dân buôn Ninh Hiệp chọn, đóng gói tại các khu chợ sầm
uất của Quảng Châu - nơi được mệnh danh là "công xưởng dệt may của thế
giới". Khi đã thành mối quen, tại các chợ này đều có những dịch vụ đóng
gói, vận chuyển về Việt Nam qua các công ty chuyển phát nhanh có tiếng
tăm như Bồ Câu, Long Phổ... theo phương thức "tiền trao cháo múc", không
lo mất mát (!?).
Đừng
ngạc nhiên với danh xưng "đệ nhất vải" khi hàng ngày có vài chục xe tải
có trọng tải từ 7-10 tấn đeo biển kiểm soát Nghệ An, Huế, Quảng Bình,
Đồng Nai... vào "ăn" hàng. Một số người bán hàng ở những chợ lớn trong
nội thành Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ vải Phùng Khắc Khoan
cũng đều nhập hàng từ đây. Thậm chí, vài tiểu thương ở Lạng Sơn còn lấy
hàng từ đây vì nó rẻ hơn. Ninh Hiệp cung cấp vải không chỉ cho Hà Nội,
thị trường miền Bắc mà còn cung cấp cho thị trường cả nước.
Có
hay không có hóa đơn không quan trọng, ở đây có những “đường dây”
chuyên chuyển hàng đi về các tỉnh mà không có việc gì xảy ra. Sau khi
mua xong hàng, chỉ cần đưa bảng kê hàng hóa, địa chỉ, người vận chuyển
sẽ đi gom hàng về, đóng vào bao và vận chuyển sang Hà Nội. Từ Hà Nội sẽ
có xe tải chuyển hàng về tận nhà cho khách. Tiền vận chuyển thanh toán
sau khi nhận hàng. Không phải lo mất hàng, vì người ta “hàng” đã đi hàng
chục năm nay theo "luật" mà chẳng sao cả.
Chợ
Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được dân buôn coi là “kinh đô” của
vải vóc, quần áo may sẵn nhập lậu, trốn thuế. Sự nhộn nhịp ấy có thể
thấy ngay từ đầu con đường rẽ vào trung tâm xã Ninh Hiệp. Càng vào sâu
bên trong, người ta càng có cảm giác như đang lạc vào một "mê cung" được
dựng lên với hằng hà sa số quần áo, vải vóc đủ màu sắc, chủng loại
nhưng hầu hết có cùng một xuất xứ: Trung Quốc!
Theo
số liệu của Đội Quản lí thị trường số 8 (Chi cục Quản lí thị trường Hà
Nội) - đơn vị quản lí địa bàn toàn huyện Gia Lâm, trên địa bàn xã Ninh
Hiệp có 1.604 sạp, ki-ốt kinh doanh. Trong đó 1.093 sạp tại chợ Nành,
Ninh Hiệp, 80 sạp tại chợ Sơn Long, 40 sạp mới đi vào hoạt động tại
Trung tâm thương mại Phú Điền; 391 hộ kinh doanh tại các trục đường của
xã. Trong 1.093 sạp ở chợ Nành, có tới 95% kinh doanh vải, quần áo, phần
còn lại là kinh doanh các ngành hàng khác. Với tổng diện tích không lớn
nhưng Ninh Hiệp lại nằm cạnh 2 tuyến quốc lộ huyết mạch 1A và 1B và nằm
gần tuyến đường sắt Yên Viên nên hàng hóa từ các cửa khẩu Việt - Trung
về đây rất thuận tiện.
Cách
Ninh Hiệp chừng 1,5 km lại là một "tổng kho" vải lậu có quy mô "hoành
tráng", đó là chợ đầu mối Baza. Chợ này nằm trên địa phận phường Đình
Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây cũng là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán vải
với khối lượng lớn. Tiếng là thuộc địa phận Bắc Ninh, nhưng chợ đầu mối
Baza tọa lạc trên trục đường chính vào Ninh Hiệp. Chợ đầu mối Baza cũng
là điểm buôn bán vải lớn. Vài năm gần đây, làm ăn khó khăn khiến nhiều
ki-ốt trong chợ đã đóng cửa, nhưng hàng trăm gian hàng chạy dọc theo
trục đường chính với số lượng vải vóc rất lớn đủ khiến nhiều người hoa
mắt, chưa kể hàng trăm ki-ốt nằm sâu trong chợ đầu mối được tận dụng làm
nhà kho.
Từ
Baza các cung đường đưa hàng lậu vào Ninh Hiệp. Trên các trục đường
làng, phương tiện chở hàng chủ yếu của dân buôn vải chạy tấp nập. Điểm
tập kết là một bãi đất trống thuộc địa phận phường Đình Bảng, Từ Sơn,
Bắc Ninh. Trên những chiếc xe chất đầy vải vóc, những bóng người lố nhố,
hò hét nhau chuyển hàng xuống các xe ba bánh đang đợi sẵn để vào chợ.
Cả khoảng không gian trở nên huyên náo, rầm rập tiếng người, tiếng xe.
Đây
là điểm trung chuyển hàng được cho là lớn nhất vào Baza, Ninh Hiệp.
Theo quan sát, ước tính trung bình 1 ngày điểm trung chuyển hàng hóa này
đón nhận từ 15-20 xe hàng.. Mỗi xe hàng chở 60-100 bao hàng. Như vậy
một ngày có khoảng 1.000-2.000 bao hàng được chuyển vào khu vực Baza,
Ninh Hiệp, mỗi bao hàng gồm 5 kiện vải. Ước tính một ngày có khoảng trên
6.000 kiện vải được chở vào Ninh Hiệp.
“Thiên đường” quần áo nhái, nhãn mác giả
Chợ
Ninh Hiệp là 1 trong những chợ bán buôn giá rẻ được ưa chuộng nhất đối
với những người kinh doanh trong lĩnh vực quần áo, vải vóc hiện nay.
Song khu chợ này cũng rất tai tiếng về hàng giả, hàng nhái được dán mác
ngoại. Cuối năm 2014 kiểm tra ở chợ Ninh Hiệp bị phát hiện có rất nhiều
hàng giả. Chi trong hai ngày mùng 2 và 3/11/15, cơ quan chức năng
đã phát hiện và tịch thu hàng triệu nhãn mác quần áo giả, hàng
tấn vải lậu tại chợ Ninh Hiệp.
Chiều
ngày 3/11, Đội quản lý thị trường số 8 (Chi cục quản lý thị trường Hà
Nội) phối hợp cùng Cảnh sát kinh tế huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã phát hiện
3,5 tấn vải tại một điểm tập kết trên đường Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà
Nội. Số vải lậu được đóng trong 15 bao tải do Trung Quốc sản xuất được
tập kết ở khu vực đất trống đang chuẩn bị chuyển vào kho hàng. Tất cả
đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Số vải này,
nếu không bị kiểm tra thu giữ sẽ được vận chuyển đến tiêu thụ tại chợ
Ninh Hiệp và một số chợ vải lớn của Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, chủ
hàng không có mặt. Lực lượng chức năng đã lập biên bản có sự chứng kiến
của đại diện chính quyền xã Ninh Hiệp.
Theo
cán bộ quản lý thị trường, khu vực chợ Ninh Hiệp là nơi bán buôn lớn
của miền Bắc tập trung vào các mặt hàng: Vải, quần áo, thuốc đông y. Từ
đầu năm đến nay, Đội kiểm tra khu vực này được khoảng 70 vụ, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm buôn lậu, hàng giả nhãn mác, vệ sinh an toàn
thực phẩm. Hàng giả tại Ninh Hiêp ngày càng tinh vi về mẫu mã và
số lượng ngày càng lớn.
Ngày
2/11, kiểm tra tình trạng buôn bán hàng giả tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm,
Hà Nội), Đội quản lý thị trường 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội)
phát hiện ở hai cơ sở kinh doanh nhãn mác phụ kiện ngành may đã tịch thu
hàng triệu nhãn mác giả các thương hiệu lớn.
Nhãn mác giả thu được ở Ninh Hiệp
Tại
cơ sở sản xuất quần áo, phụ liệu ngành may ở xóm 9, xã Ninh Hiệp, lực
lượng chức năng phát hiện cơ sở này có hành vi sản xuất, buôn bán tem
nhãn, vật phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới. Đội quản lý thị
trường số 14 tạm giữ hàng triệu tem nhãn, vật phẩm và hàng nghìn sản
phẩm may mặc giả mạo như Lacoste, Tommy Hilfiger, Nike, Adidas, Zara,
D&G, Gucci, Burberry, Chanel…Ngoài ra, tại cơ sở này lực lượng chức
năng còn thu giữ 1.125 chiếc áo thành phẩm nhãn Burberry, 280 váy trẻ em
nhãn GAP.
Vậy
đấy, nếu làm ăn cho chính đáng, đúng luật, cơ quan quản lý làm cho chặt
chẽ, đúng trách nhiệm Ninh Hiệp chắc gì đã thịnh vượng như bây giờ.
No comments:
Post a Comment