2017/04/04

“Kim bài miễn tử” mang tên nhà báo

vô danh


Phải nói rằng sau Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp có thể coi báo chí là cơ quan quyền lực thứ 4. Sứ mạng của báo chí trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thông tin của xã hội. Qua báo chí độc giả có thể nắm bắt thông tin nhanh nhất, nêu ra ước muốn nguyện vọng của mình, phản ánh những việc tốt hoặc tiêu cực của đời sống xã hội từ đó các cơ quan chủ quản sẽ tiếp thu và điều chỉnh thiếu sót, sai phạm. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”.

Tuy nhiên trong thời buổi hiện nay, khi nhiều nhà báo đang đánh mất dần phẩm chất đạo đức nghề nghiệp chỉ chạy theo lợi ích vật chất tầm thường, đưa tin kiểu giật tít giật gân và nguy hiểm hơn họ ảo tưởng về cái gọi là quyền lực thứ tư ấy. Ví dụ đơn cử như sự việc lều báo giật tít “siêu xe” biển xanh trong gầm giường đã làm cho dư luận một phen chao đảo, bàn tán xôn xao không ngớt về những “siêu xe” hạng cực sang ấy…

Thực trạng này xuất phát từ việc nhà báo không ý thức được đúng đắn nhiệm vụ và chức năng của mình, cộng với việc Mỹ và phương Tây tích cực cổ vũ cái gọi là tự do ngôn luận không giới hạn, thổi phồng cái thứ quyền lực thứ 4 ấy. Đồng thời việc trau dồi đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo không được chú trọng dẫn đến đăng tin không rõ lập trường chính trị thậm chí tiếp tay cho việc tiến hành diễn biến hòa bình của các thế lực xấu. Hay lợi dụng việc chống tham nhũng, chống tiêu cực là những chủ đề nóng để tiến hành giật tít câu like, tràn ngập trên các báo chí là cướp, giết, hiếp ... gây một ám ảnh tâm lí cho độc giả khiến độc giả bị ngộ độc về thông tin và có cái nhìn tiêu cực hơn về đời sống xã hội.

Tuy một bộ phận đã thoái hóa và biến chất về nghề nghiệp thế nhưng không chỉ dừng lại ở đó, những con người đó còn thoái hóa cả về đạo đức, thậm chí có những con người tự cho nghề nhà báo, thẻ nhà báo là “kim bài miễn tử”, sẵn sàng lôi nó ra để lấp liếm, bao che và xin xỏ cho những sai lầm của mình trước cơ quan chức năng và nhân dân.
 “Kim bài miễn tử” mang tên nhà báo
Sự ảo tưởng quyền lực nhà báo đang trở thành một căn bệnh
Một câu chuyện có thật ví dụ minh họa vô cùng đặc sắc cho thấy sự huênh hoang tự đắc của nhà báo như sau:

Một chiến sỹ cảnh sát giao thông trên phố Trung Hòa bắt lỗi chị Tâm của Chi hội Luật gia Báo Đời sống và Pháp luật, chị xuất trình ra một cái thẻ phóng viên báo Người Hà Nội (bút danh: không) với cái thẻ Hội viên Hội Luật gia để xin nhưng bất thành. Lại quay sang cãi: “Quy định là được dừng bao nhiêu phút hả em? Lái xe của chị vẫn ngồi trên xe và vẫn nổ máy, sao em lập lỗi đỗ? Được rồi để chị gọi điện cho anh Tuấn bên báo Đời sống và Pháp luật xem”.

- “Chị ơi đường này có biển Cấm dừng xe và đỗ xe là cấm tuyệt đối, với xe dừng thả khách thì còn có thể tạo điều kiện, còn xe chị dừng đây đợi chị gội đầu xong mới ra, em xử lý xong xe của anh Tổng biên tập TodayTV ở trên kia rồi xe chị vẫn ở đây. Mà em lập lỗi dừng chứ không phải đỗ chị nhé chị xem lại đi.”

Thế là lập tức chị ý gọi cho anh “Tuấn báo hay anh Tuấn báo đời sống pháp luật” đưa mình nghe.

Cuộc gọi 1:

- Anh là anh Tuấn báo đời sống pháp luật mà. Em ở phường Trung Hoà à? Thế anh nói thế này nhé. Xe của chị ý mới dừng xe, lái xe còn trong ghế lái đúng không? Thế sao em lập lỗi đỗ xe?

- Không anh ơi em lập lỗi dừng xe mà anh, đường này có biển cấm dừng xe và đỗ xe anh ạ. Em xử lý 1 xe xong rồi xe chị ý vẫn ở đây nên em phải xử lý thôi anh.

- Ừ được rồi thế để anh hỏi xem quy định dừng xe ở đấy thế nào nhé. Mà anh sẽ xem xem các em đi làm có chuyên đề kế hoạch gì không.

- Vâng cả thành phố đang ra quân mà anh, anh cứ liên hệ với Chỉ huy phường em hỏi.

- Anh cần gì làm việc với phường, anh làm việc với quận ý chứ! Rồi anh tắt máy. 

Lát sau:

- Anh Tuấn mà, đấy em cứ làm đi nhé. Cứ lập hết lỗi đi mấy triệu cũng được không vẫn đề gì nhé. Em bên phường Trung Hoà đúng không, chỗ ông Tuyển đúng không. Thế em về nhắn với sếp em, từ nay về sau đừng bao giờ đến xin bên anh cái gì nữa nhé. Báo bọn anh là rất hay tạo điều kiện giúp đỡ phường đấy, sau hôm nay đừng bao giờ đến xin anh cái gì nhé!

- Vâng vâng em biết rồi ạ. 

Rồi lại cúp máy. Một lát nữa:

- Em cứ làm đi, cứ lập thẳng tay hết lỗi đi nhé mấy triệu không quan trọng, nhưng em phải làm đúng nhé! Còn phường em là bên chỗ ông Tuyển chứ gì, em cứ về nhắn với chỉ huy là từ sau đừng có đến chỗ anh xin gì nhé. Mà anh sẽ cho phóng viên xuống ngay phường em xem phường em làm như thế nào. Em cứ làm đi, anh cũng cho phóng viên xuống phường em làm luôn đây!

Một câu chuyện có thật để chúng ta có thể thấy rằng hiện nay báo chí đang tự cho mình một quyền uy gì đó rất là to lớn, thậm chí tôi tự hỏi người đàn ông tên Tuấn kia không biết là người thế nào mà có quyền uy ghê gớm như vậy?

Ở đất nước này, quyền lực gì cũng do Nhân dân trao tặng, báo chí là đại diện cho Nhân dân nhưng anh không phục vụ cho Nhân dân chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân, đăng tin sai sự thật, giật gân giật tít, ... chỉ được một thời gian nhưng sau đó sẽ là mất tất. Nên nhớ rằng trình độ nhận thức của công chúng không phải là “nhất thành bất biến” mà ngày một nâng cao. Báo chí phục vụ công chúng phải góp phần nâng trình độ của họ ngày một cao hơn, các tác phẩm báo chí phải ngày một tăng về hàm lượng trí tuệ. Nếu không thì chính Nhân dân sẽ tước đoạt mọi thứ, cho nên bớt ảo tưởng về cái quyền lực thứ 4 đi, nhấc chân ra khỏi gầm bàn đi sát thực tế thẩm tra rõ ràng, hãy đăng tin chân thật trả lại một nền báo chí phục vụ lợi ích của Nhân dân!

No comments: