2017/04/02

FORMOSA- MỘT NĂM BÌNH TĨNH NHÌN LẠI

Ảnh 1: Nhà Báo và Công Luận khai sáng công luận bằng ảnh Trung Quốc.
Trong khi cả nước ầm ầm lên vì “thảm họa môi trường”, khi thiệt hại mà “thảm họa” mang đến đã cực lớn, chỉ có rất ít tiếng nói chìm nghỉm về việc liệu đó có phải là “thảm họa” hay không. Cá có chết ở quy mô “thảm họa” hay không?
*********************************************

Cá có chết ở bốn khu vực: Vũng Áng, Sơn Dương, Nhân Trạch, và kéo từ Quảng Bình vào đến Phú Lộc thuộc Thừa Thiên Huế. Nhưng với những gì mà báo chí mô tả, ảnh chụp lại thì có thể khẳng định cá không chết ở quy mô thảm họa. Những bức ảnh trên báo chí chính thống thu hút nhiều người xem nhất về thảm họa cá chết miền Trung là những bức ảnh chụp cá chết ở Wuhan (Trung Quốc) và Tianjin (Trung Quốc). Trên mạng xã hội thì lại càng nhiều ảnh nước ngoài, kể cả Xakhalin (Nga), Jambeli (Ecuador) được ghi chú rõ ràng là ảnh cá chết ở miền Trung tháng 4, cứ như thể là tác giả đã ở tận nơi để chụp ảnh cá chết. Sự nhầm lẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến mức sau này các FB nghìn like cứ điềm nhiên share ảnh nước ngoài và bình luận thảm thiết về thảm họa nước nhà qua những bức ảnh ngoại bang.

Tại sao hàng triệu người sống dọc bờ biển, hàng triệu đôi mắt với ý chí nung nấu chộp bằng được bức ảnh lạ, có smart phone và máy ảnh trong tay lại không chụp được một ảnh cá chết nào cho ra hồn nên cứ phải lấy ảnh ngoại để mô tả? Trong nhiếp ảnh có một luật chơi: bạn không thể chụp được hành động nếu nó không xảy ra.

Ảnh 2: Thông Luận, khá uy tín vì thái độ ôn hòa và thảo luận trí thức, cũng lấy ảnh cá chết ở Trung Quốc để mô tả miền Trung

Sau ảnh là con số. Có bao nhiêu tấn cá chết? Không ai rõ. Cá nuôi chết ở Vũng Áng, một ít cá nuôi chết ở Sơn Dương. Cá tầng đáy chết ở Nhân Trạch kéo dài đến bờ biển Huế nhưng đến Phú Lộc thì lại là cá nuôi chết chứ không phải cá tầng đáy. Chỉ có một bài báo của nhà khoa học người Đức Schroeder nêu con số cao nhất là 277 tấn bao gồm cả cá chết trong các lồng và hồ nuôi cá. Các nguồn khác chỉ đưa ra được con số dưới 100 tấn. Cứ cho con số cao nhất là 277 tấn, sau khi trừ cá trong lồng và cá trong hồ còn lại khoảng một nửa, 138 tấn. Một dải bờ biển dài 250km trung bình 0,5kg cá/mét chiều dài chết dạt vào bờ. Con số đó lại trải dài gần một tháng, có nghĩa là trong một ngày phải hơn 60m bờ biển mới có một 1kg cá dạt vào. Một số nhà báo của những tờ báo hàng đầu đã tin lời ngư dân hồi đầu tháng 5/2016 là cá chết “xếp lớp dưới đáy biển” và bỏ tiền ra sắm GoPro, thuê thợ lặn xuống chỉ để phát hiện là chả có cá xếp lớp ở đâu cả. Chỉ có bãi san hô tan hoang từ đời nào (video của VTV từ 2015 đã chứng kiến đáy biển tương tự). Đó không thể gọi là thảm họa, càng không thể tạo ra những bức ảnh cá chết ấn tượng như ở Chile, Xakhalin, Wuhan, Tianjin, Ecuado. Đã lóe lên lý do tại sao không có ảnh.


Ảnh 3: Ảnh thật ở Nhân Trạch, Quảng Bình cho thấy khoảng cách giữa các con cá chết

Sở dĩ không có con số rõ ràng vì không có biên bản cá chết. Ngay cả các nhà khoa học lớn tiếng phán xét về cá chết, hay được mời để thẩm định báo cáo của Chính phủ, hay các quan chức tỉnh và nghị sĩ Đài Loan đều không nhìn thấy biên bản khám nghiệm tử thi cá. Báo chí nói có một thông báo cá chết không vì bệnh của Thủy sản Hà Tĩnh và thông báo của Viện Thủy sản I. Không ai đưa chi tiết. Trong khi cá chết gồm nhiều loại khác nhau, tập trung ở những khu vực chia cắt về dòng chảy thì chỉ có một dòng thông báo chung. Đúng ra nếu cá chết thật thì phải có biên bản khám nghiệm tử thi cá của Thủy sản Hà Tĩnh đối với cá chết trong vịnh Vũng Áng, biên bản của Quảng Bình về cá chết ven bờ Quảng Bình, biên bản Quảng Trị, biên bản Thừa Thiên Huế. Thậm chí cá chết ở Nhân Trạch khác với cá chết trong cửa sông Nhật Lệ. Án mạng mà không có biên bản khám nghiệm tử thi thì án mạng đó không thể có hồ sơ để khởi tố.

Đó là các sự kiện riêng rẽ. Nếu chất độc giết cá ở Nhân Trạch thì vào ngày 6-7 tháng 4/2016 khi dòng chảy ven bờ vẫn chủ yếu là hướng Bắc Nam nên không có cách gì đám chất độc (còn gọi là cái chăn) bơi ngược dòng nước ra Vũng Áng, vào tận trong cửa sông được. Hơn nữa, chất độc giết cá ở Nhân Trạch là giết cá tầng đáy, nằm chìm dưới đáy biển sâu 20-30m một cách rất bền vững gần một tháng thì không thể ngoi lên để giết cá nuôi sát bờ tại Vũng Áng phía Bắc hay Phú Lộc phía Nam chỉ trong một hai ngày rồi lại lặn xuống tiếp tục giết cá tầng đáy ngoài biển.

Ai đó, chính phủ, các nhà khoa học, hoặc tất cả đám đông Dư luận đã cố tình nhập nhằng để gộp các sự kiện riêng rẽ thành một sự kiên liên hoàn. Gộp ba, bốn con trâu thành con khủng long gây ấn tượng truyền thông mạnh hơn nhiều. Không ai chú ý đến ba con trâu hay ba mươi con trâu. Nhưng ai cũng chú ý đến con khủng long mà chả cần biết con khủng long ấy to hay nhỏ, có thật hay không.
Xem thêm:


Tờ Doanh nhân cũng hồn nhiên dùng ảnh cá chết ở Trung Quốc để minh họa miền Trung VN
Tờ Thời đại cũng  đặt chú thích cho cá chết ở Trung Quốc là ở miền Trung
Kêu gọi nhân dân ký đơn kiện FHS nhưng lại dùng ảnh ở Trung Quốc để mô tả cá chết ở miền Trung

Nhat Dinh

No comments: