Ngày 9/2 vừa qua, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (gọi tắt là USCIRF) công bố cái gọi là bản báo cáo “Tự do tôn giáo ở Việt Nam: đánh giá quốc gia thuộc loại quan tâm đặc biệt sau 10 năm lấy tên khỏi danh sách”. Trong bản báo cáo này, một lần nữa USCIRF tiếp tục giữ thái độ định kiến, thiếu khách quan và cái nhìn sai lệch khi đánh giá về tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Chủ tịch USCIRF Thomas J. Reese nói trong bản báo cáo rằng: “…Mười năm sau khi Bộ Ngoại giao lấy tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, tình hình tự do tôn giáo ở nước này đang ở một thời điểm bước ngoặt. Trong khi tình hình đã cải tiến trong một số trường hợp, những vi phạm tôn giáo trầm trọng vẫn tiếp diễn và không phù hợp với chuẩn mực quốc tế…”.
Chưa dừng lại ở đó, ông Thomas J. Reese còn cho biết, “nếu Việt Nam không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thì USCIRF sẽ tiếp tục kêu gọi đưa tên nước này vào danh sách CPC”.
Với việc nói rằng, những vi phạm tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua “vẫn tiếp diễn” và “không phù hợp với chuẩn mực quốc tế”, cũng như việc đưa ra những kiến nghị “đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC - các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo”, có thể thấy USCIRF và vị Chủ tịch của tổ chức này vẫn luôn có cái nhìn định kiến, thiếu thiện chí và lối đánh giá chủ quan, phiến diện về tình hình tôn giáo ở Việt Nam (lưu ý thêm là vào các năm 2013, 2015 tổ chức USCIRF cũng đã kiến nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC).
Với việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuối năm 2016 là một sự khẳng định chắc chắn về việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lúc này không chỉ dừng ở việc quy định trong Hiến pháp mà đã được luật hóa ở một đạo luật cụ thể (trước đây là Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo). Điều đó cho thấy, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân.
Trên thực tế, theo số liệu của Ban tôn giáo Chính phủ, hiện nay nước ta có gần 30 triệu tín đồ (chiếm hơn1/4 dân số), trong đó Phật giáo khoảng trên 12 triệu tín đồ, Công giáo gần 6 triệu, Cao đài trên 2,5 triệu, Hòa Hảo gần 1,5 triệu, Tin lành gần 2 triệu và Hồi giáo khoảng 150.000 tín đồ. Còn nếu kể các hành vi thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, vua Hùng… thì hầu hết người Việt có tâm linh tôn giáo.
Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân của 14 tôn giáo với hơn 30 tổ chức tôn giáo và đang xem xét hồ sơ một số tôn giáo nữa. Tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam còn có khoảng hơn 65.000 chức sắc, nhà tu hành và 22.354 cơ sở thờ tự tôn giáo; các cơ sở đào tạo tôn giáo được mở rộng. Hiện nay, tại Việt Nam có 10 trường Đại học Tôn giáo, 3 Học viện Phật giáo, 01 Học viện Công giáo, 6 Đại Chủng viện Thiên chúa giáo, 1 Viện Thánh kinh thần học của Tổng liên hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, 40 trường đào tạo các giáo chức tôn giáo ở các cấp độ khác nhau, các ấn phẩm tôn giáo, nhất là kinh sách được xuất bản theo yêu cầu của các tôn giáo.
Các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của người dân được Nhà nước đảm bảo thực hiện. Không có sự phân biệt, đối xử giữa các tôn giáo, cũng như giữa những người theo hay không theo tôn giáo.
Ấy vậy nhưng, USCIRF và một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam chỉ biết lợi dụng những kẻ mang danh, đội lốt nhà tu hành, người hoạt động tôn giáo để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật bị bắt giữ, xử lý để vu cáo rằng, Việt Nam đàn áp tôn giáo. Họ dường như chẳng quan tâm gì đến tình hình tôn giáo, hoạt động, sinh hoạt tôn giáo thực tế ở Việt Nam diễn ra như thế nào.
Xin nói với USCIRF rằng, cái gọi là tự do tôn giáo một cách tuyệt đối như họ vẫn thường suy nghĩ chẳng bao giờ có trên thế giới này. Bởi vậy, đừng có sử dụng cái chiêu trò “tự do tôn giáo”, kiến nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo để lừa bịp dư luận. Cái trò này đã cũ quá rồi.
Nam Phong
No comments:
Post a Comment