2017/02/05

Điều gì khiến Donal Trump cự tuyệt công dân 7 quốc gia Trung Đông, Bắc Phi

Mõ Làng


7 nước nằm trong lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump đều nằm trong khu vực Trung Đông, châu Phi và trải qua chiến tranh, bất ổn về mặt chính trị, xã hội trong nhiều năm.


Ngày 28/1, Tổng thống Trump ký sắc lệnh yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đồng thời cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm: Syria, Iraq, Iran, Libya, Sudan, Yemen và Somalia. Ông cho hay động thái mới này sẽ bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố, tuy nhiên sắc lệnh vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Mỹ và các nước trên thế giới bởi không thể đánh đồng những người đến từ các quốc gia bất ổn và nghèo đói với khủng bố. 

Syria: Đất nước có dân số 22,8 triệu, GDP bình quân 2.065.00 USD (trước chiến tranh), hứng chịu nhiều đau khổ nhất thế giới trong suốt 6 năm của cuộc nội chiến, bắt đầu từ năm 2011. Trong khoảng thời gian đó, hơn 400.000 người đã thiệt mạng. Sau khi nhóm quân nổi loại chống chính phủ bị đàn áp, IS lợi dụng tình hình nhằm chiếm nhiều khu vực. Liên quân quốc tế do Mỹ và Nga đứng đầu nhiều lần tổ chức tấn công tổ chức này, tuy nhiên do sự khác biệt về quan điểm và cách tiếp cận của hai bên, mọi việc vẫn chưa có nhiều tiến triển. Hàng chục nghìn người Syria phải tị nạn sang châu Âu và Mỹ do chiến tranh. Họ liều lĩnh vượt biển và dùng mọi cách để rời xa quê hương đầy bom đạn. Năm 2016, cựu Tổng thống Obama cam kết Mỹ sẽ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria và chỉ mất 8 tháng để đạt được con số này.

Iran: Đất nước Hồi giáo này có 77,45 triệu dân, GDP bình quân 4.763.00 USD đang trải qua nhiều khó khăn về kinh tế và chính trị từ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm qua do chương trình hạt nhân. Dù những lệnh trừng phạt đã phần nào được gỡ bỏ và quan hệ Mỹ - Iran được cải thiện, việc Quốc hội Mỹ quyết định kéo dài trừng phạt với Tehran thêm 10 năm nữa gặp phải phản ứng dữ dội. Mới đây, Tổng thống Iran tiết lộ có thể cấm công dân Mỹ nhập cảnh nhằm trả đũa ông Trump.

Libya: Khoảng 6 năm trước, Libya là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ với khoảng 6,2 triệu dân, GDP bình quân 11.964.00 USD. Chính quyền của nhà lãnh đạo Gadhafi cai quản đất nước trong 40 năm trước khi bị lật đổ vào năm 2011. Kể từ đó, Libya chưa có chính phủ ổn định nào, điều này khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tìm cách chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ của đất nước. Dù Mỹ đã can thiệp và kiểm soát tình hình, tại nhiều thành phố, bạo lực và bất ổn vẫn tiếp tục diễn ra. Một trong những lý do cho điều đó là sự tranh giành quyền kiểm soát đất nước giữa các nhóm lợi ích nhằm chiếm nguồn dầu mỏ.

Iraq: Đất nước có 33,42 triệu dân, GDP bình quân 6.862.00 USD (trước chiến tranh). Sau cuộc chiến tranh vào năm 2003 và cái chết của Saddam Hussein, Iraq chìm trong bất ổn. Lĩnh Mỹ rút khỏi nước này kể từ năm 2011 và quay trở lại sau đó do tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng và sự bất lực của chính phủ đối với IS. Hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải di cư do IS chiếm đóng các thành phố. Gần đây, với sự trợ giúp của Mỹ, Iraq đã chiếm lại thành phố Mosul từ tay IS nhưng vẫn còn khoảng 1 triệu người tại đây không được trợ giúp nhân đạo. Bên cạnh đó, hàng nghìn binh sĩ Iraq thiệt mạng mỗi năm do bị tấn công từ các nhóm cực đoan.

Sudan: Đất nước châu Phi, trước khi chia làm 2 quốc gia có dân số 34,2 triệu, GDP bình quân 2.400 USD, trải qua những năm bất ổn do những nhóm nổi loạn chống chính phủ vào năm 2003, kéo dài tới bây giờ. Vào năm 2008, Liên Hợp Quốc ước tính 300.000 người thiệt mạng do cuộc chiến đẫm máu nồi da xáo thịt. Dù Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã bị buộc tội chống lại loài người vào năm 2010, bạo lực vẫn không ngừng gia tăng. Nam Sudan tách ra khỏi Sudan vào năm 2011 và hai nước luôn trong tình trạng căng thẳng, khoảng 100.000 người từ Nam Sudan tìm cách vượt biên giới qua Sudan nhằm tìm kiếm an toàn.

Yemen: Dân số 25,4 triệu người, GDP bình quân 2.521 USD (trước chiến tranh). Cuộc nội chiến ở Yemen diễn ra hai năm trước và thường được gọi là "cuộc chiến bị lãng quên" khi cả thế giới hướng sự chú ý vào Syria. Nội chiến bắt đầu khi nhóm người Shia ở phía Bắc đứng lên chống lại chính phủ thân Mỹ và chiếm thủ đô Sanaa. Hỗn loạn chính trị do nội chiến tạo ra những khoảng trống quyền lực, khiến IS có cơ hội chiếm đóng hàng loạt vùng đất và hàng triệu người bị ảnh hưởng. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 1,5 triệu trẻ em Yemen trải qua tình trạng suy dinh dưỡng trong những năm vừa qua và hàng chục nghìn người phải di cư do chiến tranh và không có đủ thức ăn, nước uống. 

Somalia: Dân số 10,8 triệu người, GDP bình quân 600 USD. Trước đây Somalia đẹp và yên bình, được ví như là Thụy Sỹ của châu Phi. Bây giờ lại là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Sau khi trải qua nội chiến chống nhà độc tài Siad Barre vào năm 1991, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của Somalia thiệt hại nặng nề. Chính phủ mới được thành lập vào năm 2012 và gặp phải phản ứng gay gắt từ các nhóm cực đoan. Nhiều vụ tấn công bạo lực, tình dục nổ ra và các cáo buộc đều hướng tới chính phủ. Somalia trải qua cuộc khủng hoảng chính trị trong nhiều năm qua với một nền kinh tế kiệt quệ. GDP đầu người của quốc gia này nay chỉ còn 450 USD, với khoảng 52% người dân thuộc diện nghèo đói.

Điểm chung ở các quốc gia này là chiến tranh, nội chiến có nguyên nhân từ sắc tộc, tôn giáo. Đất nước bị tàn phá, nghèo đói, chết chóc đe dọa người dân. Dòng người tị nạn ồ ạt và không dứt. Đặc biệt, những quốc gia này đã và đang là vùng đất mà IS nhắm tới để hình thành quốc gia Hồi giáo.

No comments: