2015/12/13

Vì sao Trung Quốc im thin thít trước I

Mõ Làng
Hãng tin CNBC của Mỹ hôm 9/12 đưa tin, IS đang mở rộng tầm với ra khắp toàn cầu để tuyển chiến binh khủng bố và giờ đây chúng bắt đầu vươn cánh tay sang Trung Quốc.
Công cụ tuyên truyền của nhóm khủng bố IS – Trung tâm Truyền thông al-Hayat Media Center gần đây đã cho công bố một “nasheed” – một bài hát bằng tiếng Quan thoại để thu hút các chiến binh tiềm năng từ Trung Quốc đến gia nhập vào tổ chức của chúng.
Tiếng Hoa phổ thông hay tiếng Quan thoại chuẩn, tiếng Trung Quốc hiện đại tiêu chuẩn là một dạng tiếng Hoa được chuẩn hóa và được chấp nhận là ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc và Đài Loan.
Bài hát có nội dung kêu gọi “những người anh em Hồi giáo” hãy thức tỉnh và vùng dậy. Trong đoạn băng được công bố, người ta có thể thấy hình ảnh một người đàn ông đang lặp đi lặp lại điệp khúc “chiến đấu cho đến chết trên chiến trường là giấc mơ của tôi” và “không ai có thể ngăn bước tiến của chúng tôi”.
Người theo đạo Hồi là một nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, chiếm khoảng 1-2% dân số (khoảng 21 triệu người). Theo đạo Hồi chủ yếu ở hai dân tộc Hui và Duy Ngô Nhĩ. Người Hui không quan tâm đến chính trị, trái ngược hoàn toàn so với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đa phần người Duy Ngô Nhĩ tin rằng họ có gốc gác, lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ riêng biệt. Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tha hương còn có mặt tại một số quốc gia như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức…
Tại Tân Cương, chính phủ Trung Quốc phải tăng cường kiểm soát các bài giảng tại các nhà thờ Hồi giáo để tránh truyền bá hệ tư tưởng li khai, chống phá. Chính sách này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Năm 2015, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia thành viên bày tỏ quan ngại và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ.
Điều lạ là, từ khi IS nổi lên thành một thế lực khủng bố, mở rộng lãnh thổ ra khắp Trung Đông, Bắc Phi, tiến hành hàng loạt vụ giết người man rợ, trong đó có cả hành quyết một con tin Trung Quốc hôm 19/11, ba cán bộ cấp cao của Trung Quốc tại một khách sạn ở thủ đô Mali hôm 20/11, Trung Quốc vẫn thờ ơ đứng ngoài cho dù các nước trên thế giới đã hình thành liên minh chống IS.
Chỉ có lần này, khi một bài hát bằng tiếng Quan thoại để thu hút các chiến binh tiềm năng từ Trung Quốc đến gia nhập vào tổ chức IS được phát đi, Trung Quốc mới lên tiếng kêu gọi sự hợp tác của toàn cầu trong việc chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới hiện nay. "Đối mặt với chủ nghĩa khủng bố, không có nước nào có thể đứng vững một mình và cộng đồng quốc tế nên sát cánh cùng nhau và hợp tác để chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố”, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao của Trung Quốc Hua Chunying đã nói như vậy tại một cuộc họp báo hôm 8/12.
People Daily hồi tháng 11 đưa tin, có khoảng 300 công dân Trung Quốc đang tham chiến cùng IS ở Iraq và Syria. Còn không rõ có bao nhiêu thành viên của IS đang có mặt ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều vụ tấn công đẫm máu của người Duy Ngô Nhĩ vào bộ máy chính quyền và người Hoa diễn ra trong năm qua đã khiến họ tin rằng tổ chức khủng bố IS đã hiện diện trong khu vực cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Lẽ ra, một nước lớn, với bối cảnh ấy Trung Quốc phải hăng hái tham gia chống IS mới phải đạo nhưng vì sao chính quyền Trung Quốc gần như im thin thít trước IS? Đóng góp vào liên minh quân sự quốc tế chống IS của Trung Quốc chỉ là “chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện nhân sự”, theo thông báo của Ngoại trưởng Vương Nghị.
Phân tích nhận định việc các nhà cầm quyền Trung Quốc chần chừ tham gia vào chiến dịch chống IS vì nhiều lý do.

Thứ nhất, Trung Quốc hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ tại Iraq. Nền kinh tế của cường quốc châu Á này lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông. Trung Quốc hiện đang nhập khẩu dầu từ khu vực này nhiều hơn cả Mỹ. Không loại trừ những dòng dầu giá rẻ từ Trung Đông có cả nguồn cung từ IS. Các nhà buôn người Hoa rất giỏi về ngón này. Há miệng mắc quai, hoặc là ngậm miệng ăn tiền cũng vậy.
Thứ hai, từ trong nội bộ, chính quyền Trung Quốc đang tăng cường chiến dịch triệt tiêu các phần tử Hồi giáo ly khai tại Khu tự trị Tân Cương. Hơn 300 người đã chết trong các cuộc bạo loạn tại Tân Cương trong vòng 18 tháng qua và những phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ đã giết 31 người trong một vụ tấn công đẫm máu bằng dao tại nhà ga Côn Minh hồi tháng 3.

Bắc Kinh cho rằng chính Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, một nhóm người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong đứng sau tình trạng bạo động tại Tân Cương. Các quan chức Trung Quốc cũng giận dữ vì chính phủ các nước phương Tây đã từ chối chia sẻ thông tin về các nhóm nói trên. Còn Bộ Ngoại giao Mỹ đã loại ETIM khỏi danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu của nước này. Bên ngoài Trung Quốc, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới được xem như một nhóm hoạt động nhân quyền ôn hòa.
Thứ ba, Bắc Kinh cũng đang ngày càng ngờ vực về ý định của Mỹ rằng, Washington cùng các đồng minh đang tìm cách kiềm hãm Trung Quốc bằng chính sách thúc đẩy ly khai, gây rối nội bộ thông qua Hồi giáo ở Tân cương và Phật giáo ở Tây Tạng. Việc Trung Quốc ít bàn đến khả năng gia nhập liên minh chống IS do Mỹ chỉ huy “là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy Trung Quốc nghi ngờ mục đích của Mỹ”, ông Zhao một nhà nghiên cứ của Trung Quốc đã bình luận như vậy.

Thứ tư, khả năng quân sự vươn xa của Trung Quốc có hạn. Cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran Hua Liming và các quan chức Trung Quốc cũng cho biết, Trung Quốc khó có thể giúp gì nhiều trong cuộc chiến chống IS vì “khả năng quốc tế của chúng tôi có hạn”. Trung Quốc không thể tham gia chiến dịch ném bom vì nước này không có căn cứ không quân gần Iraq và Syria, cũng như không có tàu sân bay đang trong tình trạng có thể điều động được ngay. Còn ý tưởng gửi quân đến hỗ trợ quân đội Iraq, Syria là điều không tưởng vì Trung Quốc chưa từng gửi quân đến Trung Đông trước đây và vì ngay cả Mỹ cũng không gửi quân đến Iraq hay Syria.

Hôm 25.9, Trung Quốc chỉ hành động có tính biểu trưng, cùng với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã bỏ phiếu thông qua cho nghị quyết yêu cầu chính phủ các nước “trấn áp việc tuyển mộ, tổ chức, vận chuyển, trang bị và tài trợ cho các chiến binh khủng bố nước ngoài”.

Có nhiều lý do để tin những điều nói trên là đúng. Song, trong sâu xa chính quyền Trung Quốc lo sợ khi chọc vào tổ kiến Hồi giáo. Tân Cương đang như vạc dầu sôi, chính sách trấn áp tỏ ra không hiệu lực, nếu xuất hiện thêm lực lượng IS ở Tân Cương thì khác gì thùng thuốc súng ở trong nhà.

No comments: