Trong mọi thời kỳ “tự do báo chí” luôn là vấn đề thu hút được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận. Ở nước ta, trong những năm qua, vấn đề “tự do báo chí” và “báo chí tư nhân” cũng luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận. Đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, quan điểm nói về tự do báo chí ở Việt Nam và nên hay không nên chấp nhận báo chí tư nhân ở Việt Nam.
Gần đây, có một số quan điểm cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải chấp nhận báo chí tư nhân, cho phép báo chí tư nhân hoạt động và ở Việt Nam chỉ có tự do báo chí khi cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Đặc biệt, trong những ngày qua, trên mạng Internet xuất hiện bài viết “Muốn chống suy thoái, đảng phải tự do báo chí và có cơ chế kiểm soát quyền lực” của ông Nguyễn Đăng Quang. Trong bài viết này, ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định, chỉ có tự do báo chí khi cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Ông Nguyễn Đăng Quang viết: “Nói “tự do báo chí” mà không cho phép báo chí tư nhân hoạt động thì không thể nói là có “tự do báo chí” được!”.
Vậy, tự do báo chí có đồng nghĩa với báo chí tư nhân? Tự do báo chí là phải cho phép báo chí tư nhân hoạt động?
Chúng ta biết rằng, báo chí có hai chức năng chính là thông tin và tuyên truyền. Với chức năng thông tin, đòi hỏi nguồn tin phải chính xác, chịu trách nhiệm và tiếp nhận rộng rãi trên toàn xã hội, là nơi tập hợp các ý kiến nguyện vọng của nhân dân để nhà nước nắm bắt được mà có chính sách hợp lòng dân. Với chức năng tuyên truyền, báo chí định hướng cho dư luận biết được đâu là lựa chọn đúng đắn giữa muôn vàn ý kiến quan điểm trái chiều trong xã hội.
Nói một cách ngắn gọn, báo chí một mặt tiếp nhận rộng rãi tất cả các ý kiến phản ánh quan điểm, nguyện vọng cá nhân trong toàn xã hội để thực hiện chức năng thông tin qua lại giữa nhân dân và nhà nước, giữa nhân dân với nhau. Mặt khác, báo chí lại phải nhận xét đánh giá chuẩn xác các quan điểm nguyện vọng đó, lập luận thuyết phục để đưa ra một định hướng tiến bộ cho toàn xã hội, tức là báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho toàn xã hội đi theo một hướng tích cực nhất định. Điều này đòi hỏi nhà báo phải là những người có tư cách đạo đức chuẩn mực, có kiến thức sâu rộng, nghiệp vụ lí luận vững vàng. Chính vì vậy, phải có cơ quan báo chí chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc gia, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước mới đáp ứng được yêu cầu và sự đòi hỏi của xã hội.
Báo chí tư nhân dù có vai trò trong việc tự do nêu quan điểm cá nhân, nhưng do không phải là chuyên ngành định hướng xã hội được kiểm soát chặt chẽ nên báo chí tư nhân không thể tránh được sự phản ánh quan điểm lệch lạc sai trái, lại gây ảnh hưởng đến dư luận khiến cho dư luận không biết đâu là con đường đúng đắn để đi theo. Điều này, dễ dẫn tới việc báo chí tư nhân gây hoang mang, nhầm lẫn, ảo tưởng trong dư luận xã hội, mà điều này tất yếu dẫn đến sự rối loạn, chệch hướng trong tư tưởng của xã hội.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những mục tiêu phấn đấu cơ bản của con người nhằm giành cho mình quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng của con người một cách công khai thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Điều 10 Luật Báo chí Việt Nam năm 2016 về Quyền tự do báo chí của công dân đã quy định, quyền tự do báo chí của công dân ở Việt Nam bao gồm: Sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in.
Như vậy, có thể thấy, quan điểm cho rằng phải có báo chí tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, thì như vậy là có sự nhầm lẫn ở đây. Đó là, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải đồng nghĩa với quyền tự do xuất bản báo chí, mà cần được hiểu đó là tự do viết báo. Công dân vẫn luôn có quyền tự do viết báo, phản ánh quan điểm, ý kiến của mình lên truyền thông.
Tuy nhiên, việc viết báo, phản ánh quan điểm, ý kiến phải có vai trò định hướng tư tưởng trong dư luận, đảm bảo đầy đủ các yếu tố chuẩn mực về đạo đức, kiến thức, khách quan, chân thực… Không thể nó tự do báo chí là có quyền đưa tất cả những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin phản ánh không đúng sự thật lên báo chí.
Bởi, trong bất kỳ xã hội nào thì tự do báo chí chỉ mang tính tương đối, bởi tự do báo chí phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, bị pháp luật điều hành, quản lý và phù hợp điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền báo chí tự do, trong đó nhà báo được tự do hành nghề, tự do cống hiến sức sáng tạo của mình để phục vụ công chúng theo đúng lương tâm và trách nhiệm của người làm báo chân chính vì mục đích cao cả của đất nước, của dân tộc. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tùy tiện, muốn viết gì, viết như thế nào thì viết.
Xuất phát từ những lý do đó cho thấy, tự do hoàn toàn không đồng nghĩa với báo chí tư nhân, không phải cho phép báo chí tư nhân hoạt động mới là có tự do báo chí.
Việt Nguyễn
No comments:
Post a Comment