Minh Trị
Người Việt Nam khi khai bút đầu xuân là phải viết những gì tốt đẹp, may mắn, thậm chí chọn thời gian, chọn chủ đề, bút, mực cẩn thận rồi viết. Giờ thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, nếu không chuẩn bị cầu kỳ như cũ thì cũng phải post những thứ đẹp đẽ, may mắn đầu năm. Đằng này, mới đầu xuân Đinh Dậu, một nhà thơ có kiến thức sâu và lượng tác phẩm lớn, “xuất khẩu thành thơ” như Thái Bá Tân lại “sáng tác” những bài thơ (5 chữ) trên mạng xã hội có nội dung không tốt, xuyên tạc lịch sử, thể hiện rõ sự vô ơn và vô học. Nhà văn Nam Cao từng nói: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Và cái sự cẩu thả đến đê tiện đó thể hiện rõ nhất qua bài thơ của Thái Bá Tân về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Về lý lịch của nhà thơ này, Thái Bá Tân vốn sinh ra ở đất Nghệ An - quê hương hiếu học và giàu truyền thống cách mạng, cũng được coi là miền quê sản sinh ra nhiều vĩ nhân, nhà thơ lớn, trong đó nổi bật nhất là Hồ Chủ tịch. Trong bước đường sự nghiệp, ông ta từng được Đảng, Nhà nước ưu tiên cử đi học tại Đại học ngoại ngữ Mátxcơva (1967 - 1974). Sau khi về nước, ông ta lại được bố trí làm phiên dịch tiếng Anh và Nga ở Bộ Thủy sản. Từ đó, Thái Bá Tân đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau như dạy tiếng Anh và văn học Anh tại Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội (1975 - 1978), biên tập sách tại nhà xuất bản Lao Động, Hội Nhà văn. Sức viết của ông khá đáng nể với việc cho xuất bản khoảng 70 đầu sách, gồm thơ dịch, truyện ngắn và thơ sáng tác.
Có nền tảng tốt, được chế độ hậu đãi như vậy, lại có quá trình phấn đấu nhất định, ấy vậy mà gần đây, hình ảnh nhà thơ - nhà giáo Thái Bá Tân bị chính ông ta làm cho hoen ố. Bởi “chơi facebook” càng nhiều, ông lại càng có những phát ngôn ngông cuồng, thậm chí dùng tài văn chương để làm ra những bài thơ 5 chữ “chửi” kiếm tiền, từ lịch sử tới các sự kiện chính trị - xã hội (như vụ việc cá chết 4 tỉnh miền Trung). Đầu năm Dương lịch, ông ta “khai face” bằng một bài thơ xuyên tạc tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho rằng Mỹ không xâm lược mà chỉ giúp “đồng minh” miền Nam, miền Bắc mới là người chủ động, tính chất chiến tranh sai lệch do “Cộng sản tuyên truyền”. Tiếp đến, đầu năm Âm lịch, ông ta lại thốt ra những lời vô ơn, vô học trong bài “Những con số biết nói” về Tết Mậu Thân:
Thông tin trong bài thơ hoàn toàn sai lệch, dựa trên những số liệu ngụy tạo của phía địch, khi cho rằng: Qua đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng cách mạng hy sinh tới trên 45.000 người, còn quân ngụy mất 384 và Mỹ là hơn 170 người (ông ta còn chú thích rằng như vậy tổng số lính Mỹ - ngụy chết chỉ bằng 1% lính ta). Rồi ông ta đặt ra những câu hỏi về ai phải chịu trách nhiệm, sao “mạng người rẻ thế” và đòi rút ra bài học(?!).
Xin thưa, chính ông nên rút ra những bài học cho bản thân mình thì đúng hơn: Trước hết về số liệu, không thể có chuyện trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân Mỹ - ngụy chỉ mất có hơn 500 người. Chính phía Mỹ đưa ra các số liệu như sau: Chỉ qua đợt 1 của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (30/1 - 25/2/1968), quân Mỹ mất 4.124 người, 19.295 bị thương, 604 mất tích, quân lực Việt Nam cộng hòa mất 4.954 người, 15.917 bị thương, 926 mất tích. Còn tính chung trong cả năm Mậu Thân (cả 3 đợt tiến công của Quân Giải phóng), số bị chết của lính Mỹ lên tới 16.511 người, lính Việt Nam cộng hòa là 28.800 người, như vậy tổng cộng là trên 45.000 - trùng khớp với chính con số mà Thái Bá Tân cho rằng là thiệt hại của phía cách mạng (ở đây còn chưa tính tới hơn 2.000 lính các nước thân Mỹ như Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, New Zealand chết). Xin nhắc lại, đây là số liệu do phía người Mỹ đưa ra do chính Đại tướng Westmoreland xác nhận, chứ không phải ước lượng của Quân Giải phóng. Và con số của Mỹ thì nhà thơ biết rồi đấy, hoàn toàn có khả năng họ nói giảm, nói tránh để không bị phản ứng mạnh trong nước - khi mà phong trào “phản chiến” đang lên rất cao.
Khi ông dám nói đến cái câu “mạng người rẻ thế” nghĩa là sự vô ơn và vô học của ông đã tới cực điểm. Sự hy sinh nào cũng quý giá, cũng để lại những nỗi đau, chiến tranh khó lòng tránh khỏi thiệt hại, thương đau. Nếu như đúng là trong 3 đợt của chiến dịch Mậu Thân, ta mất hơn 45.000 người, thì là một người được sống trong hòa bình, được ra nước ngoài học rồi ngồi bàn giấy mà lao động trí óc dù nhiều bạn bè cùng trang lứa sẵn sàng vào Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, thì ông phải biết quý giá sự hy sinh cao cả của họ chứ. Đằng này...
Trước hết, xét về tính chất của cuộc chiến, như chính ông đã nhận thức sai lạc cho rằng không phải Mỹ xâm lược Việt Nam, thì liệu ông có trả lời được câu hỏi rằng thế lực nào đã hỗ trợ thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, đã phá hoại Hiệp định Geneve, làm chia cắt lâu dài đất nước, ngăn chặn hiệp thương tổng tuyển cử, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự nhằm ngăn chặn “làn sóng Cộng sản” - phục vụ mưu đồ của họ? Suốt hơn 14 năm (1954 - 1968), sử dụng 3 chiến lược chiến tranh xâm lược, họ không khuất phục được nhân dân Việt Nam, nên trong thời điểm ta mở Tổng công kích, Tổng khời nghĩa 1968, trên chiến trường Việt Nam Mỹ có tới hơn 500.000 quân và hơn 70.000 lính các nước chư hầu. Vậy không phải xâm lược thì là cái gì đây?
Tiếp theo, xét về bối cảnh mở cuộc Tổng tiến công, rõ ràng, ý đồ của ta là tạo ra bước ngoặt quyết định, buộc Mỹ phải rút quân khỏi chiến trường Việt Nam, phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam; nếu thời cơ tới thì giải phóng quy mô lớn đất đai cả nông thôn và thành thị, kết thúc chiến tranh. Có thể mục tiêu sau thì không đạt được do địch còn mạnh, địa hình tác chiến không có lợi cho ta, nhưng mục tiêu trước, rõ ràng ta đã đạt được. Từ năm 1965, Mỹ đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam và liều lĩnh mở 2 cuộc phản công mùa khô (1965 - 1966 và 1966 - 1967) nhằm tiêu diệt đầu não cách mạng đồng thời với việc mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Vậy không có sự hy sinh ở một trận như Mậu Thân, đế quốc Mỹ liệu có chấp nhận xuống thang chiến tranh, đàm phán hòa bình và rút quân, để có ngày vui 27/1/1973 và 30/4/1975 hay không? Khi đó, chiến tranh còn kéo dài bao lâu, chiến sĩ và đồng bào ta còn phải hy sinh đến mức độ nào, nỗi đau chia cắt bao giờ mới kết thúc được?
Không chỉ vậy, xét về chiến lược quân sự, đánh thẳng vào các đô thị, sào huyệt của chính quyền Mỹ - ngụy là một nước cờ rất táo bạo, khiến cho kẻ địch không ngờ tới. Lịch sử quân đội ta đã từng có chiến công oai hùng kìm chân giặc Pháp ở các đô thị để lực lượng ta rút về chiến khu, chuẩn bị kháng chiến lâu dài (cuối 1946, đầu 1947). Lần này, thay vì phòng thủ căn cứ, vùng rừng núi, nông thôn, ta lại đánh thẳng vào đầu não địch, chiếm cả Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất. Ta làm cho chúng tê liệt sự điều hành, chỉ huy cuộc chiến trong một thời gian, chút nữa thôi là bắt sống được những tên đầu sỏ. Những trung tâm, sào huyệt đối phương được bố phòng cẩn mật như pháo đài, đã bị “Việt Cộng” xâm nhập, đánh chiếm. Đồng bào ta khắp nơi vùng lên, giành quyền làm chủ. Thử hỏi, không có sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ giải phóng, liệu có được điều đó hay không?
Xét về thời điểm tiến hành cuộc Tổng tiến công, rõ ràng ta đã lựa chọn lúc địch lơ là phòng bị nhất để tạo yếu tố bất ngờ. Khí thế của cuộc Tổng tiến công vào những ngày Tết Nguyên đán được ví như cuộc tấn công ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược Tết Kỷ Dậu (1789), nếu như Thái Bá Tân có nói rằng số lượng thiệt hại của ta là lớn, thì sự hy sinh đó lại càng có ý nghĩa lớn lao hơn khi nó diễn ra đúng dịp Tết cổ truyền. Hàng trăm ngàn chiến sĩ Quân giải phóng và đồng bào ta đã hy sinh một mùa xuân để hy vọng những mùa xuân sau thực sự độc lập, thống nhất, sạch bóng quân xâm lược. Vì thế, khi ông ta nhắc lại lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Đêm ấy, từ rừng núi,
Hơn hai nghìn chàng trai
Xuống đồng bằng chiến đấu,
Và sau một đêm dài
Từ hai nghìn người ấy
Sống sót ba mươi người”.
thì sự hy sinh của những chiến sĩ Giải phóng, như trung đoàn mà Chế Lan Viên nhắc tới ấy, không bi thương, bi lụy, mà thật bi tráng, bi hùng.
Xét về ảnh hưởng chính trị - ngoại giao, sự hy sinh của cuộc hàng chục ngàn chiến sĩ, đồng bào ta làm nên thắng lợi Tết Mậu Thân và cả năm 1968 đã đánh dấu đế quốc Mỹ hoàn toàn thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, phải cam kết đàm phán hòa bình, ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc, xuống thang chiến tranh, rút quân về nước. Dư luận quốc tế, bao gồm cả nhân dân tiến bộ Mỹ nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược, Tổng thống Mỹ Johnson chỉ 2 tháng sau khi Tổng tiến công Mậu Thân khởi sự, đã tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 (một phần vì quá mệt mỏi với sự sa lầy ở chiến trường Việt Nam). Tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến (thể hiện qua cả những hành vi man rợ của kẻ thù, như việc thiếu tướng cảnh sát ngụy Nguyễn Ngọc Loan bắn chết tại chỗ một người chưa rõ danh tính trước ống kính máy quay) tạo lợi thế cho ta khi đàm phán ở Paris. Mặt trận đoàn kết quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược phát triển mạnh mẽ, các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam càng dấy lên mạnh mẽ khắp 5 châu, ở ngay nước Mỹ. Có được điều đó không phải nhờ sự hy sinh của biết bao chiến sĩ ta thì còn vì cái gì?
Tóm lại, là một trí thức được chế độ hậu đãi, được an lành ở hậu phương lớn khi mà bạn bè đồng trang lứa chiến đấu vì độc lập, thống nhất đất nước, thì cần phải lấy đó mà biết ơn, mà trân trọng sự hy sinh gian khổ của họ. Chứ đừng dựa trên những số liệu sai lệch và suy nghĩ, lập luận thiển cận mà hạ thấp, khinh rẻ ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tri thức tốt, xin đừng tự biến mình thành kẻ vô ơn bạc nghĩa, vô học!
No comments:
Post a Comment