2017/03/19

Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn kỳ thị, định kiến về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Bản “Phúc trình thường niên về thực thi nhân quyền các nước (năm 2016)” của Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố, tiếp tục có những nhận xét sai lệch về tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam. Họ vẫn giữ cách nhìn kỳ thị, định kiến đối với việc bảo đảm dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Điều đó không lạ, song thật đáng tiếc!

Ngày 06-3-2017, trên nhiều phương tiện thông tin nước ngoài và trên website Đại sứ quán Hoa Kỳ (ở Việt Nam) đã đăng tải “Phúc trình thường niên về thực thi nhân quyền các nước (năm 2016)” của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngay sau đó, nhiều hãng thông tấn, báo chí vốn kỳ thị với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam tiếp tục phát tán trên mạng. 

Cũng như những năm trước, các quốc gia đã phản đối Phúc trình thường niên với mức độ khác nhau. Có quốc gia phản đối gay gắt bằng tuyên bố đáp trả của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đồng thời đưa ra nhiều chứng cứ về tình trạng vi phạm nhân quyền có tính hệ thống của Hoa Kỳ…; có quốc gia thì đáp trả bằng kiểu “phớt Ăng Lê! (British)”, nghĩa là bằng thái độ “vô cảm”, không có bất cứ phản ứng nào với Phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó cũng là một cách thể hiện thái độ phủ nhận Phúc trình thường niên này.
Không phủ nhận rằng, có vụ việc mà Phúc trình thường niên năm nay đưa ra là có thật. Nhưng đó chỉ là việc nhỏ, là cái vỏ chứ không phải là cái phổ biến, càng không phải là bản chất của vấn đề nhân quyền Việt Nam. Nhiều nội dung của Phúc trình thường niên do cách nhìn kỳ thị, định kiến đối với Việt Nam nên bị sai lệch. Ngày 13-3-2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã trả lời giới báo chí về Phúc trình này rằng: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt. Đến nay, Việt Nam - Mỹ đã có 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người. Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”. Chúng ta thấy rõ điều đó trên một số nội dung sau:
Trước hết, Phúc trình phê phán Quốc hội Việt Nam trì hoãn thông qua một số luật, nhưng thực tế cho thấy, đó là sự trì hoãn cần thiết. Việc Quốc hội Việt Nam hoãn thông qua Bộ luật Hình sự, Luật về Hội,... vì  những dự luật này còn nhiều sai sót cả về kỹ thuật và về nội dung. Điều đó thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam và các đại biểu. Nếu chỉ vì “chiều lòng” cơ quan soạn thảo của Chính phủ thì các đại biểu đã thông qua cho xong chuyện.
Về Dự án Luật về Hội, nhiều đại biểu và một số báo chí đã chỉ ra những sai sót. Có đại biểu cho rằng: không vì một số nhỏ tổ chức hội có hoạt động xấu mà hạn chế quyền của người dân. Chẳng hạn Dự thảo luật về Hội quy định - không cho các hội nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài…và nhiều quy định khác, còn có ý kiến khác nhau, nên cần bàn thảo kỹ thêm trước khi thông qua. Về việc Quốc hội chưa thông qua Bộ luật Hình sự cũng có nguyên nhân tương tự. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật khẳng định: “Bộ luật Hình sự năm 2015 chủ yếu mắc sai sót về kỹ thuật. Nếu đem ra áp dụng có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm”.
Phúc trình thường niên năm 2016 cho thấy, Hoa Kỳ đã cố tình “quên” Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm bảo đảm quyền của người dân, trong đó đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) với nhiều nội dung mới. Luật này đã mở rộng đối tượng hưởng thụ quyền (bao gồm mọi người chứ không chỉ là công dân Việt Nam). Luật còn quy định hạn chế những thủ tục phiền hà khi các tổ chức tôn giáo thực hành nghi lễ. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) đã dành một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó quy định: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo Hiến pháp, pháp luật; các nguyên tắc cơ bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền, nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức tôn giáo; tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Liên quan đến những quy định pháp lý (dưới luật), tại kỳ họp vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện Hạt nhân Ninh Thuận (cho dù đây là một vấn đề đối ngoại khá nhạy cảm).
Thứ hai, Phúc trình cho rằng, “Việt Nam kiểm soát và kiểm duyệt gắt gao báo chí, giới hạn tự do in-tơ-nét,...”. Nhận xét này không có gì mới, vẫn lặp lại định kiến cũ. Trên thực tế, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, các quy định pháp luật nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, in-tơ-nét nói riêng đều có hai yêu cầu: (1) Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí của người dân và (2) Phòng ngừa, ngăn chặn những hoạt động lợi dụng quyền này để xâm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội - tất nhiên cũng là quyền của nhiều người. Điều đó phù hợp việc hạn chế quyền được quy định trong nhiều công ước về nhân quyền của Liên hợp quốc. Điều 19, “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966” quy định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ. 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.
Theo thống kê chưa đầy đủ cho đến nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền hình. Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Hiện ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài “online”, trong đó có các kênh nổi tiếng, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg,..., có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua in-tơ-nét, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times, v.v.
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển in-tơ-nét hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Theo cơ quan thống kê của mạng Facebook, hiện tại Việt Nam có 35 triệu người bằng 1/3 dân số (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook. Trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng in-tơ-nét lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á.
Vậy đánh giá “Việt Nam kiểm soát và kiểm duyệt gắt gao báo chí, giới hạn tự do in-tơ-nét” mà Phúc trình đã nêu liệu có đúng và khách quan không?
Thứ ba, về đánh giá của Bản phúc trình cho rằng, “người dân không có quyền thay đổi chính phủ qua quá trình bầu cử tự do” cũng là không đúng. Thực tế cho thấy, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã bảo đảm đầy đủ các quyền chính trị, dân sự của người dân. Tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%. Về cơ cấu đại biểu, có 86 người là dân tộc thiểu số, phụ nữ là 133 người, người ngoài Đảng là 21 người, v.v. Trình độ văn hóa của đại biểu Quốc hội khóa XIV cao nhất so với các khóa trước. Số đại biểu có trình độ trên đại học là 310 người (chiếm 62,50%), đại học là 180 người (36,30%), dưới đại học chỉ có 6 người. Tỷ lệ nữ và dân tộc thiểu số của Quốc hội Việt Nam so với nhiều quốc gia ở khu vực thuộc vào loại cao. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ.
Thứ tư, về tình trạng “tham nhũng tràn lan”, là một đánh giá có cơ sở. Nhưng đó cũng là đánh giá của Đảng và Nhà nước Việt Nam. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”1. Nhiều vụ việc tham nhũng, lợi ích nhóm do chính giới báo chí phát hiện và Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu điều tra, xử lý.
Vụ Trịnh Xuân Thanh mở đầu từ những thông tin của một bài báo với tiêu đề “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó Chủ tịch Hậu Giang” (trên Báo Thanh niên); tiếp đó Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu cấp ủy và cơ quan chức năng của Nhà nước vào cuộc với phương châm: “không có vùng cấm trong chống tham nhũng”. Mới đây, báo chí cũng nêu vấn đề tài sản “khủng” của bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, dẫn đến các cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh. Đó là những ví dụ cụ thể về quyền tự do báo chí ngôn luận, đồng thời thể hiện rõ thái độ, quyết tâm chính trị về chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Thiết nghĩ, những người soạn thảo Phúc trình thường niên (năm 2016) cần thay đổi cách nhìn nhận khái niệm nhân quyền; cần loại bỏ cách xem xét vấn đề nhân quyền qua và từ một số cá nhân, hoặc nhóm xã hội (rất hạn hẹp) nào đó chẳng hạn như những người bị bắt do đưa thông tin thất thiệt trên mạng nhằm vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, v.v. Đáng tiếc, những người soạn thảo báo cáo này không quan tâm đến nhân quyền của 92 triệu người Việt Nam đang được hưởng thụ từ các chính sách, pháp luật. Đây mới là nhân quyền rộng lớn của một xã hội - quyền của cả cộng đồng, nhất là trên lĩnh vực an sinh xã hội.
Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một ví dụ. Chương trình 135 giai đoạn ba đã làm thay đổi diện mạo 2.331 xã, 3.059 thôn, ở 415 xã biên giới và 190 xã ở Tuyên Quang (ATK) với gần 20 nghìn công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn). Đó còn là chính sách cho người nghèo, sinh viên nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, v.v. Chẳng lẽ, đó không phải là nhân quyền? Hay chỉ những người vi phạm pháp luật mới có quyền và cần bảo vệ?
Thiết tưởng, quốc gia nào cũng có những vấn đề nhạy cảm về nhân quyền của mình, thậm chí nằm ngay trong tư duy chính trị và pháp lý của nhà nước. Ngày 08-3 vừa qua, trong bài phát biểu thường niên tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein đã chỉ trích Sắc lệnh di trú mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi đầu tuần. Ông cho rằng, Đạo Luật này vi phạm quyền con người bằng quy định pháp lý - “kỳ thị, phân biệt đối với nhiều nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc tại nước này”. Đạo Luật này là “Sự xúc phạm các nhóm thiểu số như người Mê-xi-cô hay người Hồi giáo, cùng những nhận định sai lệch rằng, người nhập cư phạm tội nhiều hơn công dân Mỹ, là rất tai hại và đào sâu thêm tư tưởng bài xích người nước ngoài”.
Vì vậy, tác giả bài viết này nhắn nhủ với những ai soạn thảo Phúc trình thường niên năm 2016 rằng, các vị hãy từ bỏ tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh, không nên bám giữ cách nhìn nhận kỳ thị, định kiến với chế độ xã hội và Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền. Hơn nữa, Việt Nam - Hoa Kỳ là đối tác toàn diện, quan hệ hai Nhà nước đang phát triển tích cực, vì thế cũng không nên có việc làm tổn hại đến lợi ích của hai quốc gia, dân tộc.
TS. CAO ĐỨC THÁI, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền
con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
__________________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr. 22.

No comments: