2017/03/27

VỀ CÁI GỌI LÀ “HẠN CHẾ” NHẠC VÀNG VÀ “CÁCH MẠNG VĂN HÓA”

Minh Trị

Giữa tháng 3 vừa qua, khi Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong dư luận có một số luồng ý kiến trái chiều. Các ca khúc bị tạm dừng phổ biến dù đã được cấp phép trước đó bao gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” của Lê Dinh - Minh Kỳ, “Rừng xưa” và “Chuyện buồn ngày xuân” của Lam Phương, “Đừng gọi anh bằng chú” của Diên An, “Con đường xưa em đi” của Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.

Trong những luồng ý kiến đó, đáng chú ý là phản ứng quyết liệt của những thành phần “dân chủ” còn tôn sùng “cờ vàng”, chúng cho rằng “chính quyền đang tăng cường kiểm duyệt cấm đoán các tác phẩm thuộc chế độ cũ”, “dù có cấm cũng không ngăn được xu thế nở rộ của dòng nhạc bolero, không ngăn được sự lan truyền của nó trong các tầng lớp nhân dân”, thậm chí chúng quy chụp “phải chăng đây là sự mở đầu của cuộc cách mạng văn hóa mới” (!).

Trước hết, cần khẳng định rằng 5 tác phẩm nêu trên bị tạm dừng lưu hành không phải vì vấn đề tư tưởng, chính trị gì hết. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, trước năm 2013, các bài hát sáng tác trước năm 1975 do Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố và Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. Sau khi có Nghị định số 79 năm 2012 của Chính phủ, việc này được giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép trên toàn quốc. Ngày 16/12/2016 vừa qua, Sở VH-TT Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn số 7274 đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn xem lại nội dung một số bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến. Trước tình hình trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thành lập Hội đồng nghệ thuật thẩm định và nhận thấy 5 bài hát được cấp phép trước đây vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Cụ thể, các bài “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi” đã bị thay đổi lời so với bản gốc. Còn bài “Đừng gọi anh bằng chú” đã bị sai tên tác giả.

Như vậy, về thực chất, các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật không hề cấm đoán, mà trái lại còn chủ động bảo vệ tác phẩm nghệ thuật thông qua việc giữ tính nguyên gốc về ca từ cũng như quyền tác giả trong quá trình phổ biến 5 ca khúc này. Sở dĩ như vậy vì nếu tiếp tục lưu hành việc sai lời, sai tác giả... sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tác giả mà còn nhiều quyền liên quan khác. Ca từ không thống nhất, nhiều dị bản và không rõ tác giả là ai, có thu âm, phổ biến, giới thiệu quảng bá cho khán thính giả cũng thiệt thòi cho “đứa con tinh thần” của những người nhạc sĩ.

Không chỉ vậy, có lẽ cần định nghĩa cho đúng giữa “nhạc bolero” và “nhạc vàng”, đừng để thành phần “dân chủ” tuyên truyền rằng tất cả các ca khúc trước năm 1975 đều “chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình, đôi lứa”. Bolero là tên gọi chung cho dòng nhạc trữ tình được giới yêu nhạc thế giới thống nhất gọi, đương nhiên nó không chỉ có nhạc miền Nam trước năm 1975. Bên cạnh đó, không thiếu những ca khúc “nhạc vàng” khơi dậy sự hận thù dân tộc, chống Cộng cực đoan của đội “cờ vàng”.

“Nhạc vàng” về giai điệu, ca từ không thể nói là không hay, thu hút một bộ phận khán thính giả, bao gồm cả giới trẻ. Nhưng nếu nói sự nở rộ của các ca khúc, băng đĩa nhạc, chương trình truyền hình thực tế... về nhạc vàng gần đây là trào lưu thì hơi quá. Hoặc có thể nói đó chỉ là ... trào lưu nhất thời giống như những ca khúc dân gian đương đại nở rộ 5-7 năm trước. Còn nếu nói nền âm nhạc hiện đại Việt Nam “tệ hại” là nguyên nhân khiến người dân, bao gồm cả một bộ phận giới trẻ quay lại với bolero thì lại quá sai, bởi đôi khi dân Việt có cái tâm lý “cả thèm chóng chán” khi các dòng Kpop, nhạc Âu - Mỹ hay nhạc trẻ đang bão hòa.

Những năm gần đây, các ca sĩ chuyên hát “nhạc vàng” ở hải ngoại, bao gồm cả một số người hoạt động trong các trung tâm Thúy Nga, Asia nổi tiếng chống Cộng về nước, giới “dân chủ” lại được dịp tâng bốc rằng do “nhạc vàng” lên ngôi nên số này có cơ hội trở về. Xin thưa, những kẻ từng chống Cộng cực đoan được phép về nước trước hết là thể hiện chính sách đại đoàn kết, khoan hồng độ lượng của chính quyền Việt Nam. Tiếp theo nữa, nếu như đầu những năm 2000, những thành phần như Bằng Kiều, Thu Phương tìm cách chuồn sang Mỹ hy vọng kiếm nhiều USD và cuộc sống giàu sang, thì giờ đến cả Chế Linh, Khánh Ly cũng về nước, trước hết cũng vì mưu sinh mà thôi. Giờ bên xứ Mẽo, thế hệ người Việt thứ nhất, thứ hai đã già, còn thế hệ thứ ba sinh ra trên đất Mỹ, tiếp thu văn hóa Mỹ, tiếng Việt chỉ bập bẹ, giờ hát “nhạc vàng” bên đó ai nghe?

Có thể thấy, các thành phần “dân chủ” đang cay cú vì quyết định liên quan đến “nhạc vàng”. Chúng nên nhớ rằng, thực chất trong thời chiến, các bài hát ca từ không nói thẳng đến mục tiêu chính trị nhưng hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích tuyên truyền chính trị. Ở miền Bắc, những ca khúc trữ tình như “Quê hương anh bộ đội”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” có nói gì tới lý tưởng Cộng sản đâu, nhưng hoàn toàn có thể sử dụng vào việc ca ngợi hoặc thể hiện khát vọng thống nhất. Vì vậy, đừng bao biện rằng “nhạc vàng” chỉ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, đôi lứa, những bài như “Xuân này con không về” không chỉ làm suy nhụt tinh thần của binh sỹ bên “quân lực Việt Nam cộng hòa” mà còn được “Bộ dân vận chiêu hồi” phát vè vè từ trên trực thăng xuống các chiến khu “Việt Cộng” để phục vụ âm mưu tác động tư tưởng, tâm lý xa nhà, xa quê của bộ đội, đặc biệt là số từ miền Bắc vào. Chuyện đó diễn ra thường xuyên ở cái thời mà “số trực thăng không lực Việt Nam cộng hòa nhiều đến mức đủ xét giấy từng người nông dân trên đồng ruộng miền Nam”.

Từ đó, những kẻ tuyên truyền cho rằng “nhạc vàng” là nhân văn, nghệ thuật, còn “nhạc đỏ” là “kích động chiến tranh, hận thù” nên ngậm miệng. Về vấn đề này, tác giả cũng đã có một bài viết trong tiengnoicuadan.org với tựa đề “Tản mạn về sự nhân văn của nhạc vàng” mà độc giả có thể xem lại tại đây: www.tiengnoicuadan.org/2015/10/tan-man-ve-su-nhan-van-cua-nhac-vang.html?m=1 Nên nhớ một điều, trong cuộc chiến tranh, một bên có chính nghĩa, lại được động viên bằng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” với một bên là phi nghĩa, tay sai, với ca từ ủy mị “Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa” thì thua là đúng rồi, còn kêu ca gì nữa?

“Quân lực Việt Nam cộng hòa” và chế độ Sài Gòn xem nhẹ tuyên truyền chính trị cho binh lính, nhưng lại kích động hận thù dân tộc, hận thù Cộng sản bằng những ca từ khát máu trong không ít bài hát như “Thề không phản bội quê hương”, “Trên đầu súng”, “Thiên thần mũ đỏ”, “Bình Long quê hương tôi”, “Giặc từ miền Bắc vô đây”, “Một ngày 54 - 75”... Trong một chính quyền quân phiệt nơi Trung tướng lục quân làm Tổng thống, Thiếu tướng Không quân làm Phó Tổng thống, lập ra hẳn một Tổng cục chiến tranh chính trị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân lực với sự giúp sức của hệ thống đài phát thanh, bộ máy tuyên truyền của Mỹ để “chọi” nhau với Cộng sản về tuyên truyền mà còn thua, thì còn kêu ca gì nữa?

Nói chung là, những quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật trong sự việc vừa qua về 5 bài hát vừa hợp pháp, lại hợp tình, hợp lý. Những thành phần “dân chủ” không nên vì cay cú, vì nuối tiếc mấy bài ca “bại trận” mà tuyên truyền xàm ngôn, nâng bi thái quá cho dòng nhạc đó. Cũng đừng quy chụp cho là “cách mạng văn hóa” mới hay “Nhân văn - giai phẩm” thời hiện đại, bởi đơn giản đây chỉ là vấn đề tác quyền mà thôi. 

No comments: