2017/03/19

Những kẻ “sáng tạo” lịch sử

Minh Trị

    Những gì xảy ra trong quá khứ, của mỗi cá thể hay một cộng đồng người, một tập thể hay cả quốc gia, cả nhân loại - được gọi là “lịch sử”. Lịch sử luôn là điều không thể quay trở lại được; tuy vậy, khi nhìn vào lịch sử, người ta có thể đánh giá về những gì đã qua, để từ cái nhìn đó soi chiếu vào những vấn đề của hiện tại và hướng tới tương lai. Chính vì ý nghĩa “ôn cố nhi tri tân” đó mà khi có cái nhìn về mỗi sự kiện, con người trong lịch sử, phải dựa trên những dữ liệu trung thực, chính xác và cái nhìn khách quan, khoa học.

    Tiếc rằng, trong thời gian gần đây, xuất phát từ những âm mưu chính trị đen tối của hiện tại, có những kẻ đã “sáng tạo”, hay nói đúng hơn là xuyên tạc, dựng đứng lên các sự kiện lịch sử, bôi nhọ nhiều nhân vật, bêu xấu nhiều tình tiết, nguyên nhân dẫn tới các sự kiện lớn.

    Thời gian vừa qua, khi một số thành viên trong giới trí thức đòi xét lại một số vấn đề như: Công - tội của nhà Nguyễn, hay cuộc đời và sự nghiệp của nữ anh hùng Đất Đỏ, chị Võ Thị Sáu, trên các diễn đàn, blog, đã có rất nhiều bài viết lên án, vạch trần những luận điệu sai trái, thủ đoạn xấu xa đó. Một triều đại phong kiến hình thành nên từ việc lật đổ thành quả của khởi nghĩa Tây Sơn và triều đại Quang Trung tiến bộ, Bắc thần phục Mãn Thanh, Nam rước Pháp vào xâm lược, trong thì bóc lột, đàn áp nhân dân, ngoài thì thua dần, nhượng đất dần đến chịu sự đô hộ của thực dân Pháp... thì được “đánh giá lại công - tội” nhằm vớt vát “công lao” khai phá Nam Bộ, thống nhất đất nước (!). Còn người nữ anh hùng được nhân dân vùng Đất Đỏ và đặc biệt là Côn Đảo ca ngợi vì lòng yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm và cả tinh thần lạc quan cách mạng ngay trong lao tù, trước họng súng giặc thì bị họ vu vạ về cả hành động, phẩm chất và đặc điểm tính cách (?!).

    Những âm mưu xuyên tạc lịch sử đó không ngoài ý đồ bôi nhọ hình tượng những anh hùng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, đặc biệt là những người đảng viên Cộng sản; lật lại lịch sử, làm mờ đi tội lỗi làm mất nước của nhà Nguyễn (và kèm theo đó là những phần tử tay sai trong thế kỷ XX bám gót hết Pháp, Nhật lại Mỹ vốn là “hậu duệ” hoặc có liên hệ với triều đình Huế).

    Tuy nhiên, những học giả thiếu thiện ý, những phần tử xấu khó lòng đạt được ý đồ tuyên truyền lật lại lịch sử, phá hoại tư tưởng đối với nhân dân trong nước. Mới đây nhất, họ lại tuyên truyền thêm về một nhân vật và sự kiện trong thời kỳ lịch sử cận đại của nước ta, đó là vua Duy Tân (vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn), trong đó xuyên tạc về cái chết của cựu hoàng vào cuối năm 1945. Những luận điệu đó nhanh chóng bị những người có hiểu biết phản bác, vạch trần, quần chúng nhân dân lên án quyết liệt.


    Về thân thế của vua Duy Tân: Tên thật của ông là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh năm 1900, vốn là con trai út của vua Thành Thái. Vua cha chống Pháp không thành, bị Pháp quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Khi Thành Thái bị Pháp phế truất năm 1907, toàn quyền Pháp Lévecque dựng Vĩnh San lên ngôi khi còn nhỏ tuổi để dễ bề khống chế. Tuy nhiên, không ai ngờ vua Duy Tân là người có tinh thần dân tộc, không cam chịu làm “bù nhìn” cho thực dân Pháp, đến năm 1916 đã liên hệ với tổ chức Việt Nam Quang phục hội của cụ Phan Bội Châu mưu tính khởi nghĩa. Kế hoạch bị lộ, ông bị thực dân Pháp bắt, không chịu khuất phục và chúng đày ông ra đảo Reunion cùng vua cha. Sau nhiều năm học tập, tham gia nhiều hoạt động ở Pháp, bao gồm cả việc gia nhập quân đội “nước Pháp tự do” của tướng De Gaulle, hàm Thiếu tá, ông đã dự định trở về nước sau 1945.

    Cần nhận thức rõ rằng, sau Chiến tranh Thế giới thứ II, trong âm mưu trở lại các thuộc địa, thực dân Pháp muốn sử dụng vua Duy Tân như một “con bài chính trị” nhằm khôi phục chế độ phong kiến lệ thuộc vào Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của dân Đông Dương. Bởi lẽ Duy Tân vốn được dân chúng nhìn nhận như một vị vua trẻ yêu nước, dũng cảm, sáng giá hơn nhiều ông vua hưởng thụ, tiệc tùng như Bảo Đại. Đưa được ông về nước dựng lại ngôi vua, Pháp dễ đối phó với các đảng phái dân tộc, dân chủ, đặc biệt là Mặt trận Việt Minh và từ 2/9/1945 là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. De Gaulle cho rằng: “Tôi sẽ tiếp Cựu hoàng (Vĩnh San) và sẽ cùng ông xét xem chúng tôi sẽ làm được những gì? Đó là một nhân vật đầy cương nghị. Mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời, hình ảnh của ông không hề phai mờ trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam”. và “Bảo Đại đã thoái vị và bị phê bình nghiêm khắc. Nhưng lần này, người được chú ý chính là nhân vật tiền nhiệm, Duy Tân. Bị lưu đày năm lên 16 tuổi, ông đã đầu quân vào Không lực Pháp và tham gia các cuộc chiến đấu ở Pháp và Đức. Ông đã trình bày chính kiến với Chính phủ Pháp và với một trung úy của Quân đoàn I sắp qua Đông Dương là ông Bousquet, cựu chánh văn phòng của Tổng trưởng Abel Bonnard”. Chính vị cựu hoàng cũng tâm sự với những người bạn rằng: “Như vậy là xong rồi, quyết định rồi! Chính phủ Pháp sẽ đặt tôi lại trên ngôi Hoàng đế Việt Nam. Tướng De Gaulle sẽ theo tôi trở về bên đó (Việt Nam) vào những ngày đầu tháng 3 (1946). Từ nay tới đó, người ta sẽ chuẩn bị dư luận của Pháp cũng như quốc tế và Đông Dương. Vả lại, cũng còn cần phải dự thảo các bổn thoả ước giữa hai chính phủ nữa. Người Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Dương. Họ có thể chấp nhận cho ta thành một quốc gia tự trị trong Liên hiệp Pháp”.

    Tuy nhiên, khi dự định đó chưa trở thành hiện thực, vua Duy Tân đã mất do một vụ tai nạn máy bay ở Cộng hòa Trung Phi. Cụ thể, ngày 24/12/1945, Duy Tân lấy phi cơ Lockheed C-60 của Pháp cất cánh từ Bourget, Paris để trở về Réunion thăm gia đình trước khi thi hành sứ mạng mới. Lúc 13 giờ 50, phi cơ rời Fort Lami để bay đến Bangui, trạm kế tiếp. Ngày 26/12/1945, khoảng 18 giờ 30, máy bay rớt gần làng Bassako, thuộc phân khu M'Baiki, Cộng hoà Trung Phi. Tất cả phi hành đoàn đều thiệt mạng, gồm có một thiếu tá hoa tiêu, hai trung úy phụ tá, hai quân nhân trong đó có cựu hoàng Duy Tân và bốn thường dân.

    Theo nhiều người đây có thể là một vụ mưu sát. Đặt trong bối cảnh lịch sử và những tuyên bố mà tôi dẫn lại ở đoạn trên, nhiều kẻ ác mồm cho rằng ắt hẳn do Cộng sản Việt Nam tiến hành, vì động cơ chính trị (không muốn vua Duy Tân về nước và lên ngôi, lập chính quyền thân Pháp và chấp nhận chế độ tự trị). Đơm đặt, dựng chuyện vốn là thói quen của họ với mỗi sự kiện lịch sử liên quan đến cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm, địa điểm và hình thức vụ tai nạn (hay mưu sát?) đó đã ngay lập tức đập tan những luận điệu của họ:

    Thứ nhất, những âm mưu của Chính phủ Pháp và các phe nhóm phong kiến cũ của nhà Nguyễn chắc chắn mới hình thành một cách rõ nét từ khi Chiến tranh thế giới thứ II chính thức kết thúc (8/1945), các ý đồ đó vốn được trao đổi khá kín đáo, tế nhị. Liệu những người Cộng sản có biết được, rồi kịp lập âm mưu, rồi làm cái việc ... “ám sát” vào 12/1945 hay không? Ông Duy Tân là một ông vua có tiếng là yêu nước, đã rời Tổ quốc ra đi gần 30 năm, tung tích của ông không dễ dàng nắm được. Vào thời điểm đó, ông còn đi từ Pháp ra Ấn Độ Dương thăm gia đình, quá cảnh sân bay nọ sân bay kia, không cố định thời gian; liệu những người Cộng sản trong nước có dò ra nổi không?

    Thứ hai, ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời. Trong những ngày cách mạng non trẻ đó, Chính phủ còn phải lo đối phó với biết bao mối đe dọa: Từ giặc đói, giặc dốt tới giặc ngoại xâm. Nạn đói do phát xít Nhật gây ra khiến 2 triệu đồng bào ta chết đói còn để lại hậu quả nặng nề, tiếp đó lại là lũ lụt, ngân khố Nhà nước gần như không có gì. “Tuần lễ Vàng” huy động được trong dân cũng chẳng thấm vào đâu so với những yêu cầu kinh tế, chính trị, đối ngoại đang đặt ra. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến thời điểm 12/1945 chưa được quốc gia nào công nhận, đặt quan hệ ngoại giao, Liên Xô cũng còn chưa hiểu được đúng ta và chưa có giúp đỡ; đến tháng sau (6/1/1946) mới có thể bầu cử Quốc hội. Vệ quốc Đoàn (tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam) khi đó được trang bị rất thô sơ, ngoài ít vũ khí lấy được của Nhật, Pháp, còn lại chỉ là gươm, mã tấu, thậm chí ... gậy tầm vông! Vậy thử hỏi, lấy tiền đâu, vũ khí đâu, cơ sở nước ngoài đâu ra mà tiếp cận một chiếc máy bay ở trời Phi xa xôi để làm rơi nó đây?!

    Thứ ba, trong bối cảnh nước Pháp còn rối ren sau giải phóng Paris khỏi phát xít Đức, chính phủ Pháp 1 năm thay cả chục lần, không chỉ là đảng nọ đảng kia mà còn các phe phái trong đảng mâu thuẫn nhau, lật đổ nhau để nắm quyền. Chính sách đối ngoại của mỗi chính phủ lại thay đổi xoành xoạch. Đến cả chính phủ của đảng xã hội Pháp (thủ tướng Leon Blum) vốn có cảm tình với Cụ Hồ mà còn nhiều thành phần tiếc rẻ “miếng bánh béo bở” Đông Dương đòi tái xâm lược. Nếu vậy việc tướng De Gaulle muốn dùng vua Duy Tân làm “con bài chính trị” để trở lại Đông Dương theo ý của phe nhóm ông ta, nhưng phe nhóm khác không đồng tình, muốn dùng “con bài” khác như Bảo Đại, như những kẻ tay sai đang trong nước, từ đó sát hại vua Duy Tân, thì có cơ sở hơn nhiều chứ? Thực tế, tướng De Gaulle sau 1945 đã không thể lập tức nắm quyền, mà bị đưa sang bên lề chính trường, đến 1958 mới được bầu làm Tổng thống nền “cộng hòa thứ năm”.

    Thứ tư, muốn đặt ảnh hưởng ở Đông Dương không chỉ có thực dân Pháp mà còn nhiều nước đế quốc, thực dân khác. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, quân Anh vào giải giáp quân đội Nhật và thực dân Pháp chỉ núp bóng quay lại xâm lược từ 9/1945. Vậy tại sao không đặt nghi vấn những thế lực đế quốc đang dòm ngó Đông Dương muốn loại bỏ con bài của Pháp, mà lại cứ phải đổ cho những người Cộng sản?

    Thứ năm, bản thân chính quyền cách mạng sau ngày thành lập có chính sách đại đoàn kết, khoan dung độ lượng với những người từng cộng tác trong chính quyền cũ. Vua Bảo Đại được mời ra làm cố vấn tối cao, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Phó Chủ tịch Nước, cụ Nguyễn Văn Tố làm Chủ tịch Quốc hội. Bản thân Đảng Cộng sản Đông Dương mới hơn 1 tháng trước thời điểm vua Duy Tân mất (11/11/1945) tuyên bố tự giải tán và hoạt động dưới tên gọi “Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Những người Cộng sản trong Mặt trận Việt Minh chủ trương liên hiệp rộng rãi với nhân sĩ, trí thức, cho phép cả Việt quốc, Việt cách tham gia Quốc hội khóa I để đại đoàn kết kháng chiến kiến quốc. Khoan hồng, độ lượng, nhân nhượng, đoàn kết như vậy, đâu có chuyện ích kỷ làm hại một ông vua từng có tiếng là yêu nước?

    Thứ sáu, thời hiện đại với trình độ khoa học - công nghệ cao mà tai nạn giao thông nói chung, tai nạn hàng không nói riêng còn xảy ra không ít, có những vụ như MH370 còn mãi chưa tìm ra nguyên nhân. Vậy thì với thời điểm 1945, máy bay còn là phương tiện khá mới, nếu đây chỉ là sự cố kỹ thuật thông thường thì cũng hoàn toàn có thể. Tại sao cứ phải nghĩ đến “thuyết âm mưu” cho nặng đầu?

    Vua Duy Tân có thể sau nhiều năm sống nơi đất khách quê người, tham gia cả quân đội Pháp, sẽ có những chuyển biến nhất định về tư tưởng, con đường cứu nước. Nhưng sâu thẳm trong lòng, ông vẫn là người yêu nước, ông tâm sự: “Riêng về phần tôi, lòng yêu quê hương Việt Nam không cho phép tôi để ngỏ cửa cho một cuộc tranh chấp nội bộ nào. Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân Việt Nam ý thức được rằng họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thức đẩy họ dựng lên một nước Việt Nam xứng đáng là quốc gia. Tôi tưởng rằng tôi sẽ làm tròn bổn phận của một công dân Việt Nam khi nào mà tôi làm cho những người nông dân Lạng Sơn, Huế, Cà Mau ý thức được tình huynh đệ của họ. Nghĩa hợp quần ấy được thực hiện dưới bất cứ chế độ nào... điều quan trọng là phải cứu dân tộc Việt Nam khỏi cái họa phân chia”. Như thế đó! Thay vì nghĩ ra những “thuyết âm mưu” đen tối và “sáng tạo” lịch sử, hãy nên cứ trân trọng vua Duy Tân như một người con yêu nước - bởi ông đã sống trong lòng người dân Việt Nam như thế suốt hơn một thế kỷ qua.

No comments: