Logo của Bộ Ngoại giao Mỹ |
Ngày 6/3/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Bản phúc trình nhân quyền năm 2016”. Điều đáng nói, với những nội dung được đề cập trong bản phúc trình này về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng thực tế thực thi quyền con người ở Việt Nam khi tiếp tục cho rằng, Việt Nam là một nhà nước “độc tài cai trị bởi một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam” và “tiếp tục đàn áp nhân quyền” dưới nhiều hình thức.
Trong phần viết tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bản phúc trình năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ (dài 33 trang), vẫn tiếp tục sử dụng những từ ngữ, lời lẽ thiếu khách quan, mang nặng tính định kiến và quy kết. Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn nêu: “Chính quyền giới hạn nghiêm trọng quyền tự do chính trị của người dân, đặc biệt quyền thay đổi chính quyền bằng các cuộc bầu cử tự do và công bằng.”
Một điều hết sức nực cười nữa đó là, bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một lý do để khẳng định rằng, tình hình nhân quyền ở Việt Nam không đảm bảo, Việt Nam tiếp tục đàn áp nhân quyền là vì “Trong số 19 thành viên của Bộ Chính trị hiện tại có 4 thành viên đang hoặc từng làm việc ở Bộ Công an, so với con số 3 trong số 16 thành viên Bộ Chính trị là quan chức công an trong nhiệm kỳ trước”. Đúng là nực cười, nói như vậy có nghĩa là công an không được tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo, không được vào Bộ Chính trị?
Ngoài ra, một nội dung nữa thuộc loại “xưa rất là xưa” nữa đó là, bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, an ninh Việt Nam vẫn có những hành động ngăn cản những người ủng hộ nhân quyền (như ông Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang, Trần Hoàng Phúc…) và bắt giữ một số người hoạt động nhân quyền. Thực tế thì những người này đều lợi dụng các quyền tự do dân chủ để tiến hành các hoạt động chống phá Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đây rõ ràng là một bản phúc trình sai sự thật, không chính xác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đi ngược lại với tuyên bố chung giữa hai nước, cũng như quan hệ, lợi ích giữa hai quốc gia. Có thể thấy, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua đã từng bước được phát triển, hai bên đã ký nhiều văn bản, tuyên bố chung. Lãnh đạo cấp cao của hai nước đã thường xuyên duy trì các cuộc thăm gặp, tiếp xúc… Thế nhưng, nhìn những gì được nêu trong bản phúc trình nhân quyền 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể thấy một điều rằng, dường như Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn không ít định kiến với Việt Nam, nhất là trong vấn đề thực hiện quyền con người.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong đảm bảo quyền con người. Hiến pháp 2013 ra đời, trong đó có một chương quy định về quyền và nghĩa vụ công dân. Sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua, nhiều đạo luật quy định trực tiếp về các quyền con người đã được thông qua hoặc đang được xây dựng, như Luật Báo chí, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật về Hội, Luật Biểu tình, Luật Tiếp cận thông tin… Trên thực tế, các quyền công dân như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, lập hội… đều được đảm bảo.
Vậy nhưng, dường như Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn không đề cập gì tới điều đó. Họ vẫn những giọng điệu, lối viết cũ, vẫn lặp đi lặp lại cái luận điệu cho rằng Việt Nam đàn áp nhân quyền. Xem ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố tình đi ngược lại với tuyên bố chung của hai nước.
Việt Nguyễn
No comments:
Post a Comment