2017/03/10

Điều luật nhân quyền Magnitsky vi phạm nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết

Hoa Kỳ là nước thường hay áp đặt luật pháp của mình đối với các quốc gia có chủ quyền khác. Trong thời đại ngày nay, việc làm này không những đã trở nên lỗi thời, mà còn vi phạm nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết của các quốc gia. Điều luật Magnitsky mới đây là một ví dụ.

Theo nhiều hãng thông tấn nước ngoài, ngày 23-12-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký đạo luật cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình - Luật S. 2943, tức “Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017 (NDAA 2017)”. Trong Luật này có Điều luật về nhân quyền - Điều luật “Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (gọi tắt là Magnitsky Act)”. Khác với các chế tài trước đây, thường tập trung lên án, hạn chế các quan hệ chính trị, kinh tế, nhất là về tài trợ kinh tế với các chính phủ, chế tài Điều luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky hướng vào cá nhân. Chẳng hạn, dựa trên “Phúc trình tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo thường niên”, Chính phủ Hoa Kỳ kiến nghị với Quốc hội và Tổng thống đưa những quốc gia vi phạm nghiêm trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo vào danh sách “Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (Countries of Particular Concern - CPC)”. Những quốc gia bị đưa vào danh sách CPC thì Hoa Kỳ lên tiếng phản đối, lên án và hạn chế các quan hệ chính trị, kinh tế với những quốc gia đó, v.v. Còn chế tài của Điều luật nhân quyền Magnitsky hướng vào cá nhân, các công chức được xem là vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở các quốc gia.
Ảnh minh họa

Chế tài Điều luật nhân quyền toàn cầu này gồm hai nội dung: (1). Không cấp phép (VISA) cho những cá nhân, kể cả công chức thực hiện công vụ nhập cảnh Hoa Kỳ. Nếu muốn được miễn trừ lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự miễn trừ đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. (2). Đóng băng tài sản (dưới mọi hình thức) của những người vi phạm nhân quyền, tham nhũng. Theo Điều luật này, “Tổng thống có thể áp dụng chế tài,... đối với bất kỳ cá nhân nào dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy”,… như: người đó phải “chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác về quyền con người,… ở bất kỳ quốc gia nào”. Hiệu lực của Điều luật này là 6 năm (kể từ ngày ký).
Ngay sau khi Điều luật “nhân quyền toàn cầu Magnitsky” được thông qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối. Ở trong nước, một số cá nhân và tổ chức “xã hội dân sự” mạng thì hoan hỷ. Thậm chí, có kẻ còn gợi ý cho phần tử xấu có thể sử dụng những thông tin sai sự thật từ các tổ chức tôn giáo, “xã hội dân sự” (mạng) và người dân bị chính quyền đàn áp,… chuyển cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu” như những chứng cứ để áp dụng chế tài nói trên.
Vậy, Điều luật “nhân quyền toàn cầu Magnitsky” bắt nguồn từ đâu? Nó có phù hợp với các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế ngày nay không? Và đối với Việt Nam, Điều luật này liệu có khả thi, có đóng góp gì cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay không?
“Điều luật Magnitsky” bắt nguồn từ một sự kiện ở nước Nga. Vào năm 2008 - 2009, ông Magnitsky đã bị chính quyền Nga bắt, bỏ tù, vì đã vi phạm pháp luật, khiến ông bị chết trong tù. Sự kiện này được những người cực hữu Hoa Kỳ và những người đố kỵ với chính quyền Nga cho rằng, ông Magnitsky đã bị chính quyền Nga vi phạm nhân quyền.
Chuyện là, ngày 24-11-2008, Sergei Magnitsky, một luật sư ở Mát-xcơ-va bị cơ quan thuế của Bộ Nội vụ Nga bắt giữ, dựa trên những bằng chứng vi phạm pháp luật. Sau đó, ông Magnitsky bị truy tố về tội trốn thuế và được đưa ra xét xử trong một phiên tòa hình sự. Ngày 16-11-2009, ông Magnitsky chết trong một trại giam ở Mát-xcơ-va, sau gần một năm bị giam giữ.
Để trừng phạt chính quyền Nga, trong vụ ông Sergei Magnitsky bị bắt và chết trong nhà tù, Thượng viện Hoa Kỳ đã chuẩn y một đề nghị áp dụng chế tài với các cá nhân, quan chức Nga được cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Magnitsky. Dựa trên chế tài đối với quan chức Nga nói trên, một số Nghị sỹ Hoa Kỳ, dưới sức ép của nhiều cử tri, đã thúc ép Tổng thống Barack Obama ký, thông qua Điều luật này trong “Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017”. Tuy nhiên, đối tượng của chế tài đã được mở rộng, không chỉ đối với những quan chức Nga liên quan đến cái chết của ông Sergei Magnitsky, mà được áp dụng cho tất cả những cá nhân, quan chức ở các quốc gia khác. Bởi vậy, Điều luật này còn được Hoa Kỳ gọi là “Luật nhân quyền toàn cầu”.
Có thể nói, bản thân Điều luật Magnitsky đã là một sai lầm của Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ cho phép mình đánh giá một sự kiện pháp luật ở nước ngoài (ở Nga hay bất cứ một quốc gia nào đó) trong những trường hợp cụ thể đều không bảo đảm tính khoa học, khách quan. Việc ông Magnitsky bị bắt, đưa ra xét xử tại một phiên tòa công khai, theo luật pháp của nước Nga là hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của một quốc gia theo Hiến chương Liên hợp quốc. Chế tài đối với những quan chức Nga - những người thực thi công vụ, theo pháp luật quốc gia là không công bằng; hơn nữa, là vi phạm quyền con người của những người thực thi công vụ ở đó. Đơn giản vì họ chỉ là người thực thi nghĩa vụ của mình.
Điều luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky không phù hợp với các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế. Thật vậy. Điều 1, Khoản 2, Hiến chương Liên hợp quốc ghi: Tổ chức Liên hợp quốc ra đời nhằm “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc…”. Với Điều luật nói trên, Hoa Kỳ tự áp đặt quan điểm pháp lý, pháp luật của mình lên các quốc gia khác là không thể chấp nhận được. Như vậy, Điều luật nhân quyền Magnitsky đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm nguyên tắc các quốc gia đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau được ghi trong văn kiện này.
Đối với Luật quốc tế về quyền con người, Điều luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky đã vi phạm nhiều công ước. Đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966. Điều 1, Công ước nói trên quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa,… Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các lãnh thổ ủy trị và các lãnh thổ quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”1. Như vậy, Điều luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky đã vi phạm nguyên tắc “các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình”, bao gồm: quyết định chế độ chính trị (Xã hội chủ nghĩa, Tư bản chủ nghĩa, Tôn giáo hay Vương quyền,… chế độ chính trị theo tư tưởng đa nguyên hay nhất nguyên), hoặc quyết định thể chế quốc gia (tam quyền phân lập, hay phân công phối hợp,…) trong đó, bao gồm cả hệ thống pháp luật của mình. Thực tế cho thấy, đến nay, có quốc gia đang áp dụng hình phạt bằng roi đối với người phạm pháp2 hoặc bằng “thiến hóa học”3 đối với tội phạm hiếp dâm trẻ em, v.v.
Tất nhiên, tác giả bài viết này không có lời bình luận về hệ thống pháp luật của các quốc gia khác, đơn giản vì đó là công việc của cơ quan lập pháp - cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia quyết định. Thiết nghĩ, các quốc gia này, không phải không biết thế nào là quyền con người. Nhưng với thời gian, những quy định này có thể thay đổi. Điều đó thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia.
Ngay sau khi Điều luật này được công bố, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng phản đối. Bà Maria Zakharova nói: “Quyết định ký Đạo Luật Magnitsky Chính quyền Washington đã phá hoại mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và toàn thế giới. “Đạo luật Magnitsky mà Tổng thống Barack Obama ký không những chỉ chống lại Nga, mà còn chống lại toàn thế giới”. Bà Maria Zakharova cũng lưu ý rằng: “Sử dụng nhân quyền là duyên cớ gây áp lực đối với các chính phủ không được lòng dân, là truyền thống lâu dài trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Washington”.
Đối với Việt Nam, Điều luật này không có đóng góp gì cho sự phát triển của Việt Nam và cho quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay và không khả thi. Lịch sử thế giới, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX cho thấy, trong khi người dân ở các quốc gia thuộc châu Âu và Hoa Kỳ đã được hưởng những mức độ khác nhau các quyền công dân và quyền con người sau các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, thì ở Việt Nam, nhân dân ta vẫn phải sống dưới chế độ thực dân - phong kiến, bị áp bức, bóc lột tàn bạo. Ở nước ta, dưới cái gọi là truyền bá văn minh, “bảo vệ thế giới tự do”, thực dân, đế quốc đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài nhiều thập kỷ, song không thấy bất cứ một quốc gia phát triển nào “chia sẻ giá trị dân chủ, nhân quyền” với nhân dân Việt Nam!
Quyền con người của nhân dân ta chỉ có được từ khi cuộc Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo giành được thắng lợi. Quyền con người ở nước ta chỉ ra đời từ khi đất nước được độc lập, chủ quyền quốc gia được bảo vệ. Lần đầu tiên, các quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta được quy định trong Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trải qua trên 7 thập kỷ, trong những thời kỳ lịch sử đặc biệt, nhất là thời kỳ phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, việc bảo đảm quyền con người còn bị hạn chế; song, khi nước nhà được thống nhất, các quyền con người, quyền công dân của nhân dân ta đã được mở rộng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay.
Hiến pháp năm 2013 đánh dấu một bước tiến đặc biệt về mặt pháp lý về quyền con người của xã hội và Nhà nước ta. Trong bản Hiến pháp này, Chương II - “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” đã quy định đầy đủ các quyền con người, đồng thời tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người. Những năm qua, Quốc hội ta đã xây dựng nhiều luật mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật cũ theo tinh thần thật sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Chiến lược cải cách hành chính cũng tuân thủ nguyên tắc nhân quyền - tạo điều kiện tối đa để người dân có thể hưởng thụ, sử dụng các quyền của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp mới được sửa đổi, bổ sung có những quy định mới theo nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, đồng thời bảo đảm nguyên tắc “quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm” theo quy định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013.
Hiện nay, Quốc hội đang xem xét đề xuất nhiều luật về quyền con người do các cơ quan chức năng đề xuất, trong đó có Luật về Hội, Luật Biểu tình, v.v. Vấn đề chỉ còn là thời gian và nguồn lực.
Có thể nói, sau chiến tranh lạnh, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có sự thay đổi quan trọng. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ bình thường, tháng 7 - 1995 đến nay, Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở thành đối tác bình đẳng của nhau. Sự kiện Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7 - 2013) ở vào một thời điểm quan trọng đối với cả hai nước, đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ, bền vững giữa hai quốc gia. Việc hai nguyên thủ của Việt Nam và Hoa Kỳ ký Tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện là một cột mốc đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Tiếp đó, những cuộc thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 7-2015; Cuộc thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, tháng 5-2016 dựa trên sự tin cậy về chính trị và tầm nhìn mới đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày nay dựa trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích và sự bình đẳng giữa hai quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ,... hai bên cùng có lợi.
Có thể nói, trong những năm qua cũng như hiện nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã và đang phát triển tốt đẹp. Việc Hoa Kỳ ra Điều luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky là đi ngược lại với các nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia nói chung, quan hệ đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, nên không cho phép bất cứ ai, chính phủ nào có quyền áp đặt cơ chế pháp lý của họ lên công dân của mình (nếu không có sự thỏa thuận của Nhà nước Việt Nam). Bởi vậy, Điều luật Magnitsky là bất khả thi đối với Việt Nam.
BẮC HÀ (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
____________
1 - Thư viện pháp luật - Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.
2 - ​Cây roi mây giữ nghiêm luật ở Singapore ,11-3-2015, 10:08 GMT+7 - Tuổi trẻ online.
3 - Indonexia đang áp dụng hình phạt “thiến hóa học” với tội phạm hiếp dâm trẻ em, Family.vn - 29-5-2016, 14:00:00

No comments: