Trả lời cảnh báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam về hiện tượng quảng cáo của các tập đoàn lớn xuất hiện trong nhiều video (vi-đê-ô) chứa nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam đã đăng tải trên Youtube thời gian qua, đại diện mạng xã hội này cho biết trang web của họ có chính sách chung cho tất cả video, nếu cảm thấy không phù hợp, người dùng có thể thông báo gỡ bỏ. Đây phải chăng là một tuyên bố rũ bỏ trách nhiệm?
|
Tháng 10-2006, tập đoàn Google (hay Alphabet) chính thức mua lại mạng xã hội điện tử có chức năng đăng tải, chia sẻ video Youtube. Hợp đồng mua bán diễn ra trong bối cảnh Youtube đang đứng trước nguy cơ bị nhiều cá nhân, tập đoàn lớn kiện tụng vì những video, hình ảnh vi phạm bản quyền, mang nội dung khiêu dâm, bạo lực, chứa mã độc... Google được cho là “cứu tinh” của Youtube, vì với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và đội ngũ quản trị mạng trình độ cao, Google đủ khả năng biến website này thành một kênh video lành mạnh và thân thiện với người dùng internet (in-tơ-nét). Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của cộng đồng mạng. Sự hỗ trợ của những công cụ tìm kiếm, thuật toán tự động giữa Google với Youtube không khác nào giúp “hổ mọc thêm cánh”, và trang web này tiếp tục trở thành một mạng chia sẻ video tai tiếng với vô số rắc rối, kiện tụng xuất phát từ các chính sách điều hành của mình.
Tại Việt Nam, bất chấp Nghị định 72 về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1-9-2013, Youtube liên tục dính vào các sự kiện liên quan luật pháp. Đầu năm 2014, Youtube trở thành chủ đề nóng tại các mặt báo khi trang web không kiểm soát được tình trạng phát tán các video clip không bản quyền về chương trình Gặp nhau cuối năm (thường gọi là Táo quân) thuộc sở hữu Công ty Đầu tư và Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Ngày 29-2-2016, Youtube tự động khóa toàn bộ nội dung của kênh VTVgo trong khi tranh luận pháp lý về hình ảnh giữa VTV và người khiếu nại chưa ngã ngũ. Thực tế thì việc xử lý của Youtube chỉ mang tính cơ học. Trong khi kênh Youtube chính thức của VTV bị buộc ngừng hoạt động thì tới hiện tại, một số kênh “nhái” với logo của Đài Truyền hình Việt Nam, có chứa video ăn cắp vẫn tiếp tục tồn tại. Tháng 1-2017, Youtube lại được nhắc đến vì chậm xử lý hoạt động của một kênh video gắn nhãn hiệu chương trình thiếu nhi nhưng mang nội dung bạo lực, khiêu dâm, xuyên tạc, dù phát ngôn của đại diện Google cho biết họ đã nhận thấy hiện tượng vi phạm của một số kênh tại Việt Nam. Gần đây nhất, Youtube và đối tác kinh doanh của họ tại Việt Nam tiếp tục bị Bộ TTTT cảnh báo vì 17 video chứa nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam có kèm thông tin quảng cáo của một số nhãn hàng, tập đoàn lớn. Không chỉ thuật toán của Youtube thường xuyên gợi ý người sử dụng nhấn vào video chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm, vi phạm bản quyền,... mà quản trị mạng (Webmaster) của Youtube dường như cũng thường làm ngơ trước kiến nghị của người dùng khi họ phản hồi về video chứa nội dung xấu bằng hệ thống trả lời tự động. Và các vụ việc từ trước đến nay cho thấy, Youtube chỉ vào cuộc khi mọi sự trở nên nghiêm trọng, thu hút mối quan tâm của báo chí và có sự can thiệp từ các cơ quan pháp luật.
Trên thế giới, chính sách quản lý thiếu trách nhiệm của Youtube đã nhiều lần bị các tờ báo uy tín và thành viên mạng xã hội này lên án, chỉ trích. Ngày 12-1-2017, tờ (Độc lập) Independent của Anh đưa tin một cô bé ở Georgia (Giooc-gia - Mỹ) đã tự tử trong một video live stream (phát trực tiếp). Đoạn video thương tâm có độ dài 42 phút nhanh chóng được đưa lên Youtube và Facebook, chỉ được gỡ bỏ sau khi đã thu hút hàng chục nghìn lượt người xem và cảnh sát địa phương không thể ngăn được hàng triệu lượt xem đoạn phim này trên thế giới. Và vấn đề cần quan tâm là bất chấp nỗ lực của cảnh sát và gia đình nạn nhân, Youtube và Facebook chỉ xóa bỏ video sau khi tờ Independent liên hệ với họ. Mới đây, ngày 13-2-2017, nhiều tờ báo trên thế giới đưa tin Youtube Red (kênh Youtube trả phí của Google), hãng Walt Disney (Oăn Đi-dờ-ni) đã hủy hợp đồng, hạn chế từ khóa tìm kiếm, cắt giảm quảng cáo với PewDiePie (Piu-đai-pai - biệt danh của F.A. Ulf Kjellberg (F.A Un-kêi-bếc), người Thụy Điển - sau các phát ngôn, hình ảnh có nội dung phân biệt chủng tộc, ủng hộ phát-xít, xuyên tạc Kinh thánh. Kênh Youtube của Un-kêi-bếc là một trong những kênh phát triển nhanh nhất Youtube, tính đến ngày 31-1-2017 đã có 52.838.238 người đăng ký. Hành động này nhận được sự ủng hộ của phần đông cộng đồng mạng khi họ đã quá mệt mỏi với những video nhảm nhí, phản cảm của PewDiePie. Thậm chí, có người còn mong PewDiePie sẽ xóa kênh video chính thức như lời hứa của anh ta vào cuối năm 2016 khi đạt cột mốc 50 triệu người theo dõi. Song đó chỉ là một cách thức Youtube đưa ra để xoa dịu dư luận, khéo léo đưa PewDiePie khỏi tai tiếng. Bởi trên thực tế, trước khi “giọt nước làm tràn ly”, PewDiePie đã đăng chín video khác liên quan chủ đề Đức quốc xã, phân biệt chủng tộc nhưng không hề bị Youtube “thổi còi”. Nhiều nhà bình luận cho rằng, động thái muộn màng của Youtube chỉ được thực hiện sau khi đại diện mạng xã hội này không thể trả lời được chất vấn của tờ The Wall Street Jounal (Tạp chí Phố Wall). Vậy còn PewDiePie? Như mọi thường lệ, anh ta vẫn tiếp tục đăng tải các video lố lăng, than thở rằng nhiều tờ báo cố tình nghiêm trọng hóa “trò đùa” của mình. Với nguồn thu từ các video khoảng 12 triệu USD trong năm 2015, có lẽ mọi vi phạm của PewDiePie chỉ thật sự dừng lại khi Youtube “cấm cửa vĩnh viễn” anh ta mà thôi, nhưng Youtube đã không làm điều đó.
Thực tế cho thấy, sự quản lý lỏng lẻo của Youtube nói riêng và các trang chia sẻ, mạng xã hội khác - mà điển hình là Facebook xuất phát từ nguồn lợi nhuận khổng lồ họ nhận được, dù đó có thể là hành vi phi pháp. Tháng 7-2016, gia đình của năm người Mỹ thiệt mạng tại Bờ Tây Jerusalem (Giê-ru-xa-lem) sau vụ tiến công của Hamas (Ha-mát) đã đưa yêu cầu Facebook bồi thường một tỷ USD vì mạng xã hội này tạo điều kiện cho những kẻ khát máu tuyển lực lượng, chia sẻ thông tin khủng bố. Đáp lại đơn khiếu kiện, Facebook lập luận rằng, họ chỉ là một trang trung gian, có những tiêu chuẩn cộng đồng, người dùng có quyền khiếu nại hành vi bị cho là nghiêm trọng. Trong khi đó, một thành viên của Hamas còn chế giễu luật sư và gia đình các nạn nhân khi tuyên bố “việc kiện Facebook cho thấy chính sách của Mỹ đang chống lại sự tự do của ngôn luận và báo chí”. Một điều đáng buồn khác là trong khi hàng triệu video, hình ảnh xấu vẫn lan truyền trên Facebook, hệ thống kiểm duyệt của mạng xã hội này còn khiến dư luận công phẫn hơn vì xóa nhầm cả thông tin “sạch”. Tháng 9-2016, Thủ tướng Na Uy E. Solberg (E.Sôn-bếc) đã khiếu nại Facebook sau khi mạng xã hội này xóa bức ảnh Em bé Napal nổi tiếng trên trang cá nhân của bà. Ngày 5-1-2017, CNN đưa tin Facebook xóa bỏ hình ảnh bức tượng thần Neptune (Nép-tuyn) tại thành phố Bologna (Bô-lô-na - I-ta-li-a) từ thế kỷ 17 khi cho rằng đây là nội dung khiêu dâm!
Thực tế, Youtube hay Facebook hoàn toàn có thể chặn đứng nguồn thông tin sai lạc, nội dung bạo lực, khiêu dâm trên mạng xã hội của họ bằng các điều chỉnh thuật toán, tăng cường bộ lọc ngôn ngữ và hình ảnh. Nhưng xem ra, họ lại không muốn thực hiện điều đó. Trong bài Facebook sẽ không chặn bỏ các thông tin sai lạc vì họ không việc gì phải làm thế trên tờ The Guardian (Người bảo vệ) ngày 15-11-2016, giáo sư C.Shirky (C.Sớt-ki) bình luận rằng: “chẳng bao giờ có chuyện Facebook chặn những dòng chia sẻ của người dùng. Nó đi ngược với ý tưởng cốt lõi của mạng xã hội này (…) Nhiều người thích buôn chuyện giả dối mà họ tin tưởng đang diễn ra trên thế giới. Công việc kinh doanh của Facebook chỉ là chia sẻ các thông tin mà những người ấy quan tâm”. Thay vì hướng tới một không gian “ảo” nhưng an toàn và lành mạnh, những năm qua, các trang mạng xã hội sẵn sàng chi hàng tỷ USD vì mục đích thu hút lượng người truy cập để thu lợi nhuận. Qua các thương vụ của Google, có thể thấy một kết quả đáng ngạc nhiên: trong giai đoạn 2001-2017, tập đoàn này chỉ mua bảy công ty an ninh mạng trên tổng số hàng trăm thương vụ đình đám; Facebook cũng chỉ mua lại hai công ty trong số 61 công ty kinh doanh liên quan đến vấn đề an ninh, bảo mật. Với đầu tư nghèo nàn cho an ninh mạng cùng chính sách quản lý lỏng lẻo như vậy, bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể trở thành “con mồi ngon” của tin tặc, của những kẻ dựng chuyện, nạn ăn cắp bản quyền, xâm hại hình ảnh cá nhân... Cũng do chính sách kinh doanh như vậy, nhiều người sử dụng trên thế giới đã và đang từ bỏ Youtube, Facebook để chuyển sang các mạng xã hội khác đáng tin cậy hơn. Trong khi đó, Youtube cũng đã vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các mạng xã hội khi chức năng chia sẻ, đăng tải và trực tuyến video không còn là “sân chơi độc quyền” của trang web này. Vì thế sự độc tôn của Facebook và Youtube khó có thể duy trì trong những năm tới như nhận định chung của nhiều chuyên gia về mạng xã hội.
Kể từ khi Thông tư 38 của Bộ TTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có hiệu lực từ ngày 15-2-2017, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã có lịch làm việc với nhiều nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Youtube, Google, các dịch vụ mạng xã hội khác để có biện pháp phát triển không gian mạng lành mạnh, bảo vệ người sử dụng. Điều này cho thấy tinh thần hợp tác cùng phát triển của Việt Nam với các tập đoàn đại chúng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm Youtube, Google cần xem lại chính sách, phương pháp làm việc của họ nếu không muốn bị người dùng tẩy chay, cũng như phải đối diện biện pháp xử lý nghiêm khắc từ cơ quan chức năng.
|
HẢI BẰNG (báo Nhân dân điện tử) |
2017/03/01
Vì sự lành mạnh của không gian mạng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment