Bản đồ chỉ số dân chủ năm 2016 do EIU thực hiện |
Ngày 2/3/2017, EIU (Economist Intelligence Unit), một tổ chức của Anh đã công bố cái gọi là “Bảng xếp hạng mức độ dân chủ” của 167 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bảng xếp hạng mức độ dân chủ trên toàn cầu ở các quốc gia của EIU năm nay được chia thành bốn loại, gồm:
Thực sự dân chủ: 19 nước; dân chủ chưa hoàn hảo: 57 nước; dân chủ lai tạp (đang chuyển đổi): 40 nước và chế độ chuyên chế, độc tài: 51 nước. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 131/167 (tức là loại loại 4: chế độ chuyên chế, độc tài). Ngoài ra, một số nước cũng nằm trong top này là Trung Quốc (136/167), Lào (151/167) và Bắc Hàn - Triều Tiên (167 - cuối bảng).
EIU cho biết, tiêu chí mà họ đưa ra để đánh giá, xếp hạng mức độ dân chủ là căn cứ vào: I. quy trình bầu cử và đa nguyên; II. các quyền tự do của công dân; III. hoạt động của nhà nước; IV. sự tham gia chính trị; V. văn hóa chính trị. Chỉ số dân chủ của mỗi quốc gia sẽ được tính trung bình từ 5 yếu tố này.
Theo đó, so với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24/28 nước được xếp hạng, và Việt Nam và một trong ba nước duy nhất trong số này (cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn) có yếu tố Quy trình bầu cử và đa nguyên đạt 0 điểm. EIU cũng nói rằng, Việt Nam là một trong số 5 nước (cùng với Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn và Afghanistan) có chế độ chuyên chế độc tài tại vùng Châu Á - Úc, vùng bị đánh giá là trì trệ, không có chút thay đổi nào về dân chủ so với năm 2015.
Như vậy, nhìn vào bảng xếp hạng này có thể dễ dàng thấy một điều rằng, các nước nằm trong nhóm “chế độ chuyên chế, độc tài” bao gồm hầu hết các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa là Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Triều Tiên (trừ Cuba - có lẽ là không được khảo sát). Các quốc gia này theo chế độ xã hội chủ nghĩa đương nhiên Đảng Cộng sản giữa vai trò lãnh đạo và có lẽ chính vì vậy mà họ xếp các nước này vào nhóm chuyên chế, độc tài. Đây rõ ràng là những đánh giá, xếp loại thiếu khách quan, phiến diện và mang tính định kiến.
Nói đến đây, tôi chợt nhớ lại việc ông Nguyễn Phú Trọng (khi đó còn là Chủ tịch Quốc hội) có trả lời câu hỏi của một nhà báo báo Express, Ấn Độ trong chuyến thăm nước này về việc tại sao Việt Nam không chấp nhận chế độ đa đảng. Khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã trả lời rằng:
“Tôi không phản đối và cũng không định kiến với các nước có chế độ đa đảng. Nhưng không phải nhiều đảng là dân chủ hơn, ít đảng là ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Thực tiễn các bạn thấy đất nước chúng tôi là chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ trên thực tế, quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện, giám sát xã hội. Việt Nam đang phát triển, đang đi lên, từ thực tế hoàn cảnh cụ thể của đất nước, chúng tôi thấy thực hiện một Đảng vẫn là có hiệu quả nhất, ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ."
Điều đó có nghĩa là không thể đồng nghĩa giữa đa nguyên, đa đảng với vấn đề dân chủ, không thể thấy vấn đề đa nguyên để đánh giá mức độ dân chủ mà phải căn cứ vào thực tiễn đất nước Việt Nam.
Còn về quyền tự do công dân, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã có một chương quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của công dân. Các quyền này hiện nay đang từng bước được luật hóa và được đảm bảo trên thực tế. Về sự tham gia chính trị thì có lẽ chẳng phải bàn. Tỉ lệ cán bộ là nữ giới, người dân tộc thiểu số, người ngoài đảng đang ngày càng được tăng lên. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào chính trị. Đặc biệt, Việt Nam không có nạn phân biệt đối xử, phân biệt tôn giáo, sắc tộc như một số quốc gia. Vậy, thử hỏi EIU, cơ sở nào để họ đánh giá Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức độ dân chủ thấp, chuyên chế, độc tài nếu không nói đó là định kiến, thù địch?
Việt Nguyễn
No comments:
Post a Comment