2017/03/02

VŨNG ÁNG TIÊU ĐIỀU, ĐÁM PHÁ HOẠI ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC MỤC ĐÍCH?

Con đường phía trước

Mấy ngày vừa qua, nhiều tờ báo đã đăng tải các bài viết, phản ánh về cái chết dần dần của Khu kinh tế Vũng Áng trong thời gian vừa qua, sau sự cố môi trường Formosa. Chỉ trong thời gian ngắn, từ một khu vực sầm uất, Vũng Áng đã trở thành một nơi đìu hiu, vắng lặng đến nỗi khó nhận ra. Do việc dự án Formosa phải tạm dừng, hàng vạn công nhân không có việc làm, cùng với đó, hàng loạt các dịch vụ đi kèm: ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn,… trở nên vắng lặng, làm ăn thua lỗ. Các đoàn khách nước ngoài đã thưa dần, mọi hoạt động trở nên trì trệ.

Nhìn vào Khu kinh tế Vũng Áng hiện nay, chúng ta không thể tưởng tượng được hình ảnh đông đúc, nhộn nhịp vào 1 năm trước ngay tại nơi đây. Với năm vạn công nhân, hàng chục tỉ USD đầu tư, Khu kinh tế Vũng Áng trở thành tấm gương trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là động lực cho sự phát triển kinh tế của Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng. Nếu như trước đây, năm 2010, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh nghèo, thu nhập ngân sách chỉ đạt chưa đầy 2000 tỷ, đến năm 2015, con số này tăng tới 6 lần, đạt 12000 tỷ, đưa Hà Tĩnh vào câu lạc bộ chục ngàn tỷ của cả nước. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 18%, huy động được 300 nghìn tỷ vào vốn đầu tư phát triển. Hà Tĩnh vươn lên trở thành điểm sáng kinh tế của cả nước với động lực là Khu liên hiệp gang thép Formosa, khu lọc hóa dầu, chuỗi cảng biển nước sâu,…

Một năm sau… tất cả đã trở nên khác nhiều. Do tác động của sự cố môi trường biển, tăng trưởng kinh tế của hà Tĩnh giảm mạnh đến 17,5 % so với năm 2015; có tới 11/19 chỉ tiêu kinh tế, xã hội không đạt theo kế hoạch đặt ra. Nhiều chuyên gia đã bắt đầu tưởng tượng về sự “quay đầu” trong phát triển của Hà Tĩnh, đời sống của hàng vạn người dân Hà Tĩnh sẽ càng trở nên khó khăn, khó khăn chồng chất khó khăn. 

Có hậu quả như ngày hôm nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, cần phải khẳng định, là do tác động nghiêm trọng của sự cố môi trường biển mà trực tiếp là Tập đoàn Formosa là nguyên nhân. Chính sự việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, làm suy giảm nghiêm trọng sự phát triển của các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến,…, khiến cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Mặc dù vậy, xuất phát từ những cố gắng, nỗ lực của chính quyền, người dân và sự đền bù của Formosa, vấn đề đang dần được giải quyết, hậu quả của sự cố cơ bản đã được khắc phục.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân làm nghiêm trọng hơn tình hình: đó là do sự kích động, phá hoại của các đối tượng phá hoại. Các đối tượng này thuộc nhiều thành phần khác nhau: từ các đối tượng trong tổ chức phản động lưu vong: Việt tân, hội nhóm trong nước: Trương Minh Tam, Chu Mạnh Sơn; từ các đối tượng trong tôn giáo, dân tộc, đặc biệt là đội ngũ linh mục cực đoan: Nguyễn Thái Hợp, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục… Chính các đối tượng này đã đứng sau kích động người dân gây rối, chống phá chính quyền dưới danh nghĩa khởi kiện Formosa, đòi đền bù thiệt hại. Lợi dụng sự khó khăn của quần chúng nhân dân, đặc biệt là của các giáo dân ở miền Trung, chúng đã tài trợ tiền, thực phẩm để người dân biểu tình gây rối. Đòi bồi thường là một chuyện, ý muốn sâu xa hơn của chúng là muốn hướng tới các mục tiêu khác nhau : bôi nhọ, đả kích chế độ, kích động tâm lý bài Trung Quốc của người dân, ngăn cản hoạt động của Khu kinh tế Vũng Áng, từ đó, làm khó khăn thêm tình hình kinh tế, xã hội của Hà Tĩnh và các tỉnh miền trung, từ đó, càng dễ dàng kích động người dân chống chính quyền.

Do sự tuyên truyền phá hoại, kích động của các đối tượng, đã tạo nên tâm lý e sợ cho khách du lịch và các nhà đầu tư khi đến Hà Tĩnh. Đó là lý giải tại sao, sau khi các cơ quan chức năng đã khẳng định, sự cố môi trường biển miền Trung đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, do những hành vi tụ tập, kích động chống phá gây bất ổn về an ninh trật tự trên địa bàn, đã tạo tâm lý lo ngại từ phía các nhà đầu tư, khiến thu hút đầu tư FDI liên tục giảm. Và hậu quả nhìn thấy rõ, hàng nghìn công nhân thất nghiệp, đời sống người dân đã khó khăn, nay lại càng thêm khó khăn hơn. Những bất ổn về xã hội ngày càng thêm phức tạp, lại tạo thành cơ hội mà các đối tượng lợi dụng để kích động người dân.

Đây có thể là nguyên nhân chính lý giải tại sao các đối tượng phản động lại “nhai đi, nhai lại” về sự cố môi trường biển miền Trung, mặc dù sự cố đã diễn ra gần 1 năm nay. Có thể thấy, sự tiêu điều, vắng lặng của Khu kinh tế Vũng Áng cũng như sự thụt lùi trong phát triển của Hà Tĩnh là một phần mục đích đã đạt được của các đối tượng phản động. Nếu người dân không tỉnh táo và cơ quan chức năng không xử lý mạnh tay, liệu rằng, đó có là thời cơ thuận lợi để các đối tượng thực hiện thành công ý đồ phá hoại của mình không?

No comments: