2017/03/17

'Nên cấm phổ biến những ca khúc viết về lính Cộng hòa'

"Nên cấm việc phổ biến những ca khúc viết về lính Cộng hòa, tôi thấy nhiều ca khúc rất có vấn đề về tư tưởng" - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu gay gắt.

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ra quyết định tạm dừng lưu hành một số tác phẩm được sáng tác trước năm 1975. Nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu đã có những chia sẻ với PV VTC Newsxung quanh vấn đề này.

Nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu.


- Thưa ông Nguyễn Lưu, quan điểm của ông thế nào về việc mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc gồm: "Cánh thiệp đầu xuân" (Lê Dinh - Minh Kỳ), "Rừng xưa" (Lam Phương), "Chuyện buồn ngày xuân" (Lam Phương), "Đừng gọi anh bằng chú" (Diên An) và "Con đường xưa em đi" (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương)?
Trước tiên, việc cho phép hay tạm dừng lưu hành các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả các bài hát là việc làm bình thường và thường xuyên của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới, kể cả nơi tự do như Mỹ.
Tôi khẳng định, không chế độ nào trên thế giới này có thể cào bằng tất cả, từ nơi được coi là tự do nhất, họ cũng tỉnh táo trong việc cho lưu hành các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật để phục vụ cho cộng đồng của họ.
 
Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu
Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước.
Riêng đối với 5 ca khúc trên, tôi thấy có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng. "Con đường xưa anh đi" là con đường nào?
Khi chúng ta ca ngợi những bước chân người lính, đó phải là những bước chân của người đi bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, chứ không phải của những người dại dột đi theo kẻ thù, chống lại quyền lợi của dân tộc.
Chúng ta không căm thù, không khinh ghét những bước chân ấy, nhưng tốt nhất, chúng ta nên khép lại, coi đó là nỗi đau của lịch sử. Đây là lúc chúng ta nên nắm tay nhau, cùng nhau đi con đường mới, xây dựng đất nước chứ không phải là tìm lại "những bước chân xưa".
Dựa trên những phân tích trên, tôi cho rằng, quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên của Cục Nghệ thuật biểu diễn là có cơ sở.
Hai ca khúc được sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Lam Phương vừa bị Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm dừng lưu hành.

- Dù Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975, nhưng hiện nay có rất nhiều những bài hát viết về người lính Cộng hòa, về chế độ cũ được phát hành rộng rãi, thậm chí, xuất hiện trong cả các chương trình của VTV. Ông nghĩ sao về điều này?
Theo tôi, chúng ta không nên cho phát hành những tác phẩm làm phương hại hay khiến cho đối tượng sử dụng có những ý nghĩ khác, bất lợi cho công cuộc xây dựng chính đất nước hiện nay.
Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng.
Nếu suy nghĩ một cách hời hợt, chúng ta cho rằng, việc phát hành tràn lan những ca khúc đó là chuyện bình thường, nhưng sẽ rất đau lòng nếu như chúng ta thấy, ngay trong một nhà, đứa con nghêu ngao hát ca khúc ca ngợi chính những con người ngày xưa đã từng chĩa súng vào đầu cha mẹ chúng. Lớp thanh niên ngày nay không thể ca ngợi bước chân của những người chống lại cha ông họ, chống lại những con người đã đổ xương máu để xây dựng xã hội ngày hôm nay.
Tôi vừa có cuộc nói chuyện với một nghệ sĩ rất nổi tiếng người miền Nam, ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm nên dừng phổ biến những bài hát miêu tả tâm trạng, hành vi của những người lính đi ngược lại quyền lợi của dân tộc.
- Có rất nhiều tác giả trước năm 1975 có tư tưởng đi ngược lại với con đường mà đất nước đang đi. Theo ông, các cơ quan quản lý nên có cách ứng xử thế nào đối với những tác phẩm của họ?
Chúng ta không kỳ thị tác phẩm, tác giả, nhưng cuộc chiến tranh năm xưa đã đi qua, chúng ta khép lại quá khứ nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ quên tất cả. Và những tác giả nào đã từng ít nhiều đứng về phe đối lập với quyền lợi của cộng đồng thì cần phải thận trọng khi sử dụng các tác phẩm của họ.
Người Việt Nam ta vẫn có câu "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", nhưng trong thời buổi hiện nay, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải tỉnh táo và cảnh giác để xây dựng một nền nghệ thuật tốt đẹp, không phương hại tới quyền lợi của dân tộc.
- Ông nhận xét thế nào về cách quản lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn đối với những ca khúc được sáng tác trước năm 1975?
Tôi nghĩ các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật cần có chiến lược rõ ràng và bao quát hơn, chứ việc thỉnh thoảng ra quyết định tạm dừng lưu hành một vài bài hát chỉ mang tính chất "bắt cóc bỏ đĩa", chưa giải quyết được triệt để vấn đề.
Những cơ quan này cần có một bộ phận tư vấn giỏi về chuyên môn, vững vàng về quan điểm để xác định một cách có hệ thống những tác phẩm nào nên dùng, những tác phẩm nào tạm thời giữ lại, chưa nên phổ biến trong giai đoạn hiện nay. 
Việc giữ lại một vài tác phẩm, không đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị của chúng hay tác giả mà đơn giản chỉ là chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). 
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết lý do tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên là do có lời không đúng với bản gốc và có những tác phẩm không đúng tác giả. 
Trên truyền thông, trả lời câu hỏi về nội dung, tư tưởng của các ca khúc trên có gì vướng mắc hay không, ông Nguyễn Thu Đông, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa (Cục Nghệ thuật biểu diễn), băn khoăn: “Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào đây?” (Bài Con đường xưa em đi).
Thu Giang (Báo VTC.VN)

No comments: