Về “tâm thư” của một sinh viên Nhật gửi thế hệ trẻ Việt Nam không phải là mới, với tiêu đề “Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan”, tôi không phủ nhận một số ý kiến, song quy kết nó thành người Việt Nam nói chung là hoàn toàn lệch lạc. Vậy nên, tôi xin phản biện đôi điều sau:
Đầu tiên, xin khẳng định rằng, thế hệ trẻ Việt Nam luôn hào hứng với “ly cà phê ngon”, song cũng vui vẻ với “ly cà phê đắng”, luôn nỗ lực không ngừng cho những hoạt động vì ngày mai tươi sáng hơn. Thực trạng“Cơn ngủ gục – ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một” là có, song nó chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay. Bài viết nghiêng về “tự hào” đất nước Nhật Bản và đưa ra những so sánh rất khập khiễng giữa Nhật Bản với Việt Nam và góc nhìn theo lối “vơ đũa cả nắm”, phán xét khi nói về VN. Bởi, ở bất cứ một quốc gia nào, kể cả các quốc gia rất phát triển như Mĩ, Nga hay Nhật Bản…thì mọi vấn đề luôn tồn tại 02 mặt, góc này có những con người này, góc kia có những con người khác…, chứ không chỉ ở Việt Nam.
Du học sinh Nhật tại VN này chỉ có “hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam”. Thời gian như vậy có thể là dài đối với một số người nhưng lại quá ngắn đối với những người gắn bó lâu dài. Vậy, thử hỏi rằng, liệu với thời gian 4 năm sinh sống tại VN, bạn du học sinh Nhật đã trải nghiệm được những gì trên mảnh đất cong cong hình chữ S này?
1. Bạn du học sinh Nhật viết:“Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc… Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời…Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai”… Dĩ nhiên, ai ai cũng đều tự hào về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn mình sinh ra. Không ai có quyền chọn bố mẹ, quê hương để sinh ra. Bởi thế, việc du học sinh Nhật này tự hào về nước Nhật – nơi bạn sinh ra là điều không có gì đáng bàn. Song, bạn tự hào về một nước Nhật “được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai” và nhắc tới thảm họa động đất sóng thần xỷ ra, “giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra”…
Có lẽ, đối với Việt Nam, thảm họa sóng thần chưa từng xảy ra, nhưng những hậu họa do thiên nhiên gây ra như bão, lũ lụt hay hạn hán hàng năm cũng phải chịu thử thách rất nhiều. Bạn du học sinh Nhật tại VN tự hào người Nhật chỉ chưa đầy 01 năm sau đã đứng dậy sau cơn thảm họa sóng thần thì người Việt Nam cũng đầy tự hào là một đất nước với 1000 năm Bắc thuộc, bị các nước phương Bắc xâm lược liên miên, rồi cuộc kháng chiến trường kỳ chống TD Pháp và Đế quốc Mĩ…nhưng vẫn kiên cường đấu tranh, giành độc lập, tự do dân tộc mà không hề bị đồng hóa.
Chưa nói đến, thảm họa sóng thần tại Nhật Bản xảy ra năm 2011, khi đất nước Nhật Bản đã là một cường quốc có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, được đồng minh Mĩ giúp đỡ về các mặt. Còn ở Việt Nam, sau chiến tranh, bị nước Mĩ và đồng minh cấm vận, kinh tế kiệt quệ, những hậu quả nặng nề do chiến tranh tàn phá…thì thời gian khắc phục sẽ lâu hơn.
2. Bạn du học sinh Nhật nói rằng, “Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?”
Xin thưa rằng, các “nhà máy” mà bạn đang nói đến ở đây, trong số đó có bao nhiêu “nhà máy” đến từ đất nước Nhật
Bản của bạn, bạn biết không? Liệu tất thảy các “nhà máy” ấy đều là của Việt Nam? Các doanh nghiệp nước ngoài đến VN mở thị trường nhưng không tôn trọng luật pháp, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân, vì lợi ích mà họ bỏ qua mọi thứ khiến người dân VN “ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác”.
Không phủ nhận tình trạng bị ung thư ở VN đang ngày càng tăng cao, song, con số này ở Nhật Bản cũng không thấp hơn là bao bởi ảnh hưởng của các nhà máy điện hạt nhân không an toàn tới sức khỏe người dân nơi đây. Đất nước nào cũng có một thời kỳ quá độ đi liền với những mặt hạn chế, cần thời gian để khắc phục nó. Cũng như nước bạn hiện tại đang phải đối mặt với vấn đề đáng lo ngại, đó là dân số ngày càng già cỗi.
3. Bạn chỉ ra việc người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học người Việt không biết tự hào về người Việt…và quy kết rằng, “thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày”.
Bạn nói những điều trên một cách đầy quy kết, không hề có số liệu, sự kiện cụ thể. Đúng, người Việt không biết xếp hàng, không biết tự hào về người Việt… Nhưng, đó chỉ là một bộ phận và bạn đang dùng số liệu của thiểu số để áp đặt cho đa số. Một đất nước với gần 90 triệu dân, liệu trong 4 năm bạn ở VN, bạn chứng kiến được bao % người Việt không xếp hàng, không biết tự hào về người Việt? Hay chăng, bạn chỉ gặp gỡ, chứng kiến và phỏng vấn một vài người và quy kết đó là con số chung?
Rồi bạn nói “người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị…”. Vâng, xin thưa rằng, Thủ Đô là nơi bà con tứ xứ lên thành phố lập nghiệp, mưu sinh. Là những chú xe ôm hay những người phụ nữ ở các tỉnh lẻ lên Thủ Đô với gánh trên vai không chỉ đơn thuần là hàng rong vài ba mớ rau, vài thứ lặt vặt mà còn gánh trên mình cuộc sống mưu sinh vất vả với những miệng chờ cơm, chờ tiền ăn học của những đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn… Họ xuất phát từ những người nông dân lam lũ, vất vả, quen với con trâu, con bò, họ sống chân chất, hiền lành sau những lũy tre làng. Họ đến với thành phố mưu sinh với những bỡ ngỡ, xô bồ. Họ bực tức, họ chửi đổng khi có chuyện không công bằng hay trái với lợi ích mà họ phải chịu. Vậy mà bạn quy kết một số bộ phận như vậy thành người Việt nói chung?
Truyền thống tốt đẹp của người dân VN như “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”…, người dân luôn chia sẻ ngọt bùi với nhau… 4000 năm văn hiến của Việt Nam là vậy, bạn chỉ nhìn một vài hành xử không đúng quy chuẩn mà vội vàng quy kết đó chỉ là “một chương trong sách lịch sử”, thì liệu có khách quan?
4. Bạn du học sinh Nhật viết: “Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi? Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình”. Đến đây, thực sự tôi không còn muốn phản biện quan điểm của bạn nữa vì những dòng này bạn viết quá lệch lạc, phiến diện, một chiều. Bởi, chỉ trong vòng 4 năm bạn ở VN mà bạn nhìn “thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình” thì … tôi dám đồ rằng, 4 năm du học sinh tại VN, bạn là người không năng nổ, hòa nhập, không am hiểu với môi trường sống nơi đây. Bạn như những “anh hùng bàn phím” khác, ngồi phòng lạnh và chém gió những vấn đề thời sự!
5. Cuối cùng, ở đất nước nào cũng đang tồn tại những mặt trái, kể cả đất nước Nhật Bản của bạn. Không phủ nhận ở VN đang tồn tại những mặt tiêu cực, song, bạn đang nhìn nhận vấn đề không qua lăng kính đa chiều, khách quan mà rất chủ quan, phiến diện, đầy tính quy kết. Nói như ngôn ngữ của cộng đồng mạng thì bạn đang làm “thánh” phán, khi tự cho mình đứng trên người khác và phán xét vấn đề.
Bạn biết chê bai, song bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân mình, rằng đã góp sức gì cho đất nước Việt Nam trong 4 năm du học và đã làm được gì cho quê hương của bạn?
Nguồn: Nguyễn Lan Chi
No comments:
Post a Comment