Minh Trị
Tết Nhất không có pháo hoa (dù năm nay ở vài tỉnh xác pháo ... tép lại có dấu hiệu đỏ đường), dân mình coi các chương trình Tết trên TV là niềm vui. Trong đó, VTV là đài truyền hình quốc gia, cơ cấu tổ chức ngang một Bộ, tiền rót vào khá là khủng - đa số vẫn là tiền ngân sách, từ đồng thuế mồ hôi nước mắt của dân nuôi nhà đài. Ấy thế mà chương trình Tết Đinh Dậu phục vụ bà con của đài quốc gia đã nhạt lại còn nhiều “sạn”!
Táo quân đêm Giao thừa sau hơn chục năm thực hiện, giờ đã nhạt lắm rồi. Năm nay ngoài vài ba câu nói xoáy và nhắc tới được một số vấn đề nóng hổi năm 2016, còn lại thì ... nhạt như nước ốc. Nhìn chung là năm nào mà cứ “câu giờ” với mấy câu hài nhảm nhí, chọc ghẹo cá nhân vớ vẩn là năm đó nội dung rỗng tuếch. Và đặc biệt, năm nào mà tự dưng thấy “các Táo” và “Nam Tào, Bắc Đẩu” selfie nhiệt tình để quảng cáo Oppo, rồi cả zalo, năm nay thêm món Jetstar Pacific nữa, thì xem Táo chắc thay vì cười khán giả sẽ ... ngủ được một giấc!
Đó dù sao vẫn là chương trình lên sóng vào khung giờ năm cũ. Ráng chờ đến tối mùng 1 Tết để xem có gì khởi sắc. Thấy liveshow “Giai điệu tự hào” Tết, thử xem sao vì chương trình này qua hơn 1 năm thấy nhiều ý kiến trái chiều lắm dù đầu tư công phu. Về cơ bản, chất lượng nghệ thuật thì cũng được, bài ca xuân phối khí cũng hay, dàn dựng hoành tráng. Nhưng nếu nói thẳng vào hạn chế, thì phải nói là dưới góc độ văn học - nghệ thuật, góc nhìn của những người viết kịch bản khiến chương trình bị “hòa tan” và “mất chất”. Tại sao vậy?
“Chuyến khởi hành từ ga Hải Phòng mở ra hành trình tình bạn Văn Cao - Phạm Duy và cũng là khởi đầu hành trình âm nhạc của Giai điệu tự hào mùa thứ ba”. Sau đó các khách mời nói về hai nhạc sĩ này, đặc biệt là nhà báo Đức Hoàng có đưa ra một đĩa hát ra đời cách đây hàng chục năm, một mặt là nhạc sĩ Văn Cao với bài “Không quân Việt Nam”, mặt kia lại là nhạc sĩ Phạm Duy cùng “Đường về quê” (sáng tác khi Phạm Duy còn ở chiến khu).
Tại sao lại so sánh, đánh đồng được như vậy? Hai nhạc sĩ có thể đều rất tài năng, là bạn thân thiết với nhau khi thời trai trẻ. Nhưng sau đó, mỗi người có một hướng đi riêng. Văn Cao là tác giả của nhiều nhạc phẩm bất hủ, đỉnh cao của âm nhạc cách mạng Việt Nam như “Trường ca sông Lô”, “Tiến về Hà Nội” và đặc biệt là bản “Tiến quân ca” - quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Cuộc đời Văn Cao lắm vinh quang nhưng cũng nhiều bất hạnh, tuy nhiên, ông không bao giờ quay lại phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân. Dù có giai đoạn bị hiểu lầm, chịu những quy kết nhất định, ông vẫn âm thầm làm việc, cống hiến, cho ra đời nhiều tác phẩm ca ngợi đồng bào và chiến sĩ anh hùng. Dù những sáng tác của ông ở giai đoạn trước cách mạng như “Bến xuân”, “Suối Mơ” mang âm hưởng lãng mạn từng bị hạn chế lưu hành, ông vẫn kiên trì lao động nghệ thuật, để khi đất nước thống nhất cho ra đời tác phẩm bất hủ “Mùa xuân đầu tiên”. Đặc biệt, nhiều sáng tác của ông như một lời “tiên tri”: Bài “Tiến về Hà Nội” với những câu hát “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về...Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” được sáng tác năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc, khi cuộc kháng chiến mới ở giai đoạn “cầm cự” chứ chưa thể “phản công”, mặt trận Biên giới cũng còn chưa giải quyết, Thủ đô còn sâu trong vùng tạm chiếm. Vậy mà tác giả đã có thể kỳ vọng về ngày những người lính bộ đội Cụ Hồ về giải phóng Thủ đô, hoàn thành trọn vẹn lời thề “Sống chết với Thủ đô” trong 60 ngày đêm quyết tử cuối 1946 đầu 1947. Ngay cái bài hát mà chương trình nhắc tới ở cái “đĩa hát cổ” kia, Văn Cao viết khi Việt Nam hoàn toàn chưa có không quân (trước tới gần 20 năm). Và về sau, mấy anh “cờ vàng” lại “tranh thủ” lấy luôn làm bài hát của ... “không quân Việt Nam cộng hòa” (kể ra cũng hài hước! “quốc ca Việt Nam cộng hòa” thì do nhạc sĩ cộng sản Lưu Hữu Phước viết, bài của không quân thì do nhạc sĩ viết quốc ca của cộng sản viết!!!).
Như vậy, dù phải chịu nhiều nỗi khổ, hiểu lầm (nhất là giai đoạn những năm 50), dù những người thuộc phía bên kia dùng bài hát của mình làm ca khúc đại diện cho họ, Văn Cao cũng không quay đầu phản bội. Còn Phạm Duy? Có thể nhiều người chung nhận định Phạm Duy là một trong những “cây đại thụ” của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam với khối lượng tác phẩm lớn, nhiều ca khúc để đời như “Tôi yêu tiếng nước tôi”, “Xuất quân”. Trong đó, bài “Xuất quân” cũng cùng số phận với bài “Không quân Việt Nam” của Văn Cao: Sáng tác cho quân đội cách mạng nhưng lại được mấy anh “quân lực Việt Nam cộng hòa” đi “mượn tạm” làm “hành khúc” của mình!
Tuy nhiên, có một điều không thể chối cãi, Phạm Duy đã phản bội lại kháng chiến, phản bội lại nhân dân. Sau vài năm tham gia cách mạng, sáng tác được một số tác phẩm ca ngợi nhân dân, người lính Cụ Hồ, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hoặc có tác dụng địch vận (như: “Xuất quân”, “Mùa đông chiến sĩ”, “Nhớ người thương binh”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Bao giờ anh lấy được đồn Tây”, “Đường ra biên ải”, “Tiếng hát sông Lô”, “Bên ni bên tê”, “Ngọn trào quay súng”, “Bên ni bên tê”...) thì năm 1951, ông đã “dinh tê” về vùng địch tạm chiếm rồi vào Sài Gòn, đi Pháp, sáng tác và có nhiều phát biểu phản bội cách mạng và nhân dân, chống Cộng rất cực đoan. Thậm chí, sau năm 1975, ông tiếp tục tuyên truyền, cổ súy cho những âm mưu, hoạt động chống Việt Nam, chống lại tổ chức mà thời trai trẻ ông đã cống hiến, phụng sự. Từ năm 2005 trở về nước đến khi mất, các ca từ, phát ngôn chống đối của ông mới chấm dứt. Như vậy, từ một người ca ngợi cách mạng “bên ni là phía tự do, đã nhờ Cha Già mà toàn dân ấm no” tới “Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi, hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ. Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ! Sài Gòn đã chết rồi...”. Đó là cả một hành trình lật ngược hoàn toàn về quan điểm, tư tưởng, cảm hứng sáng tác, từ đi theo cách mạng sang chống đối cách mạng cực đoan, quyết liệt - dù Phạm Duy chưa hề chịu nhiều thiệt thòi qua nhiều chục năm như người bạn của mình. So sánh Phạm Duy với Văn Cao liệu có xứng đáng?
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một nhạc sĩ khác cũng mang họ Phạm, đó là Phạm Tuyên - “nhà chép sử cho âm nhạc” mà trong blog “Tiếng nói của dân” chúng ta đã có một bài viết về đêm nhạc “Phạm Tuyên - Nhớ và quên” (14/1/2017). Cũng giống như Văn Cao, nhạc sĩ Phạm Tuyên phải chịu nhiều thiệt thòi, mà thiệt thòi ấy không hề đến từ quan điểm hay sáng tác của ông mà chỉ vì nguồn gốc gia đình (hiện nay, có nhiều ý kiến cần minh oan cho nhân vật này). Vậy mà, suốt hàng chục năm, vượt lên những khó khăn, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn một lòng một dạ cống hiến cho cách mạng, cho ra đời hàng trăm tác phẩm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cách mạng, nhân dân anh hùng. Đến tuổi gần 90, ông cũng đã có giải thưởng Hồ Chí Minh của mình, có đêm nhạc của mình, và điều quan trọng hơn, ông sẽ được nhân dân mãi mãi kính trọng, ngưỡng mộ như nhạc sĩ của nhân dân, đặc biệt là nhạc sĩ của các em thiếu niên nhi đồng.
Như vậy đấy, nhìn dưới góc độ tầm vóc sáng tác, không ai phủ nhận tài năng cố nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng trong một chương trình như “Giai điệu tự hào”, nên chăng cần có lập trường rõ ràng, tránh để bị lệch chuẩn. Cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng nói: “Chúng tôi là những nhạc sĩ cách mạng và không bao giờ đi so sánh mình với lũ phản bội”.
No comments:
Post a Comment