2017/01/19

Thấy gì qua nội dung sẽ thảo luận ở Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới

Mõ Làng



Vào dịp đầu năm 2017, sáng 13 tháng 1 tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 15 sẽ tiến hành vào tháng 10 năm 2018 đã được công bố trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh. Công Nghị Giám Mục thế giới lần này có chủ đề "Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi".

Thượng Hội Đồng Giám Mục là thể chế định kỳ được Đức Gíáo Hoàng Phaolô VI thiết lập vào tháng 9-1965 nhằm đáp ứng nguyện vọng của các nghị phụ tham dự Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) là một hội nghị các Giám mục được tuyển chọn từ nhiều nước trên thế giới để cổ vũ sự liên kết chặt chẽ giữa Giáo hoàng và các giám mục nhằm góp sức giúp Đức Giáo Hoàng trong việc điều hành Giáo Hội, bảo toàn và phát triển Đức tin, cũng như duy trì và củng cố kỷ luật trong Giáo Hội.

Thượng Hội Đồng Giám Mục có thể họp thành Hội nghị chung thường lệ hay ngoại lệ, hoặc Hội nghị chung đặc biệt liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, hoặc liên quan đến một hay nhiều miền nhất định trên thế giới. Cho đến nay, đã có 14 khóa họp thông thường, hai Khóa ngoại thường và sáu Khóa đặc biệt.

Trong mỗi khóa họp, thông thường Thượng Hội Ðồng Giám Mục bàn thảo về một chủ đề nào đó nổi lên trong đời sống tín ngưỡng. Chẳng hạn như: Khóa họp về vấn đề rao giảng Tin Mừng trên thế giới năm 1974; Khóa họp năm 1977 về việc giảng dạy giáo lý trong thời đại chúng ta; Khóa về gia đình được bàn thảo năm 1980; Khóa năm 1987 về ơn gọi và sứ mệnh của ngưới giáo dân trong Giáo hội và trên thế giới; Khóa tám năm 1990 và Khóa chín năm 1994 về Ðời sống tận hiến và sứ mệnh của đời sống này trong Giáo hội và trên thế giới.... Kỳ Thượng Hội đồng Giám mục khóa 14 diễn ra từ ngày 4 tháng 10 đến 25 tháng 10 năm 2015 mang chủ đề "ơn gọi và sứ mệnh của các gia đình trong Giáo hội và trong thế giới đương đại".

Tài liệu chuẩn bị cho kỳ Thượng hội đồng lần này dài 26 trang, sau phần nhập đề là 3 chương lần lượt bàn tới:

- Chương 1: Tình trạng giới trẻ trên thế giới ngày nay, một thế giới đang thay đổi mau lẹ. Văn kiện nói về những thế hệ trẻ: họ thuộc về các nhóm nào, những điểm tham chiếu về nhân sự và tổ chức, và người ta đang tiến tới một thế hệ gắn liền với các kỹ thuật truyền thông tân tiến (iperconnessa). Sau cùng Tài liệu nói đề những người trẻ và những chọn lựa.

- Chương 2: Đức tin, sự phân định và ơn gọi. Ơn phân định giúp nhận diện, giải thích và chọn lựa. Tiếp đến là những con đường ơn gọi và sứ mạng, sau cùng là sự đồng hành người trẻ.

- Chương 3: Hoạt động mục vụ đồng hành với người trẻ theo 3 hành động: đi ra ngoài, nhìn xem, kêu gọi; Đối tượng nhắm tới: tức là tất cả mọi người trẻ, không trừ một ai, rồi cộng đoàn trách nhiệm, và những nhân vật người trẻ tham chiếu; Những môi trường người trẻ: đời sống thường nhật, các lãnh vực chuyên biệt mục vụ, thế giới kỹ thuật số. 

Văn kiện này được gửi tới các Hội Ðồng Giám Mục, các Thượng Hội đồng của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số cơ quan khác như Hiệp hội các Bề trên Tổng Quyền dòng nam, để tham khảo ý kiến, dựa theo bản câu hỏi đính kèm. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng được hỏi ý kiến qua một mạng Internet về những mong đợi và cuộc sống của họ.

Trong cuộc họp báo, Ðức Hồng Y Baldisseri giải thích rằng danh từ "giới trẻ" hay "người trẻ" trong văn kiện này được hiểu là những người từ 16 đến 29 tuổi. Ngoài ra từ "ơn gọi" trong văn kiện chuẩn bị, không phải chỉ nói về ơn gọi linh mục hoặc đời sống thánh hiến, nhưng nói về ơn gọi nói chung của người trẻ, ơn gọi yêu thương.

Tài liệu chuẩn bị này không phải là một văn kiện giáo huấn, mà chỉ là những dữ kiện gợi ý suy tư, để thu thập ý kiến của các thành phần dân Chúa. Vì vậy nó còn có những câu hỏi dành cho tất cả mọi người, kể cả những người không thuộc Kitô giáo, hoặc không tín ngưỡng. Mục đích là để thu thập ý kiến rộng rãi.

Như vậy, đức tin và thực hành tín ngưỡng của giới trẻ tín đồ Thiên Chúa đang là vấn đề thách thức của giáo hội trong thời đại ngày nay. Thời đại phát triển của khoa học kĩ thuật, hội nhập quốc tế, không gian kĩ thuật số và xu thế ý thức về bản thân không lệ thuộc vào đức tin. Trong lúc đó, giáo lý thì cũ kỹ, thánh lễ thì nhàm chán.

Trong một báo cáo mới đây, tiến sĩ Mark Gray, một chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng về Tông đồ (CARA) tại đại học Georgetown cho biết, lý do các người trẻ rời bỏ đức tin ở độ tuổi còn trẻ, có khi trước 10 tuổi, bên cạnh lý do Thánh lễ nhàm chán, còn có những lý do sâu xa hơn. Ông nhận định là: chọn lựa của họ có liên quan đến khoa học và họ cần 1 chứng cứ, một bằng chứng cho niềm tin Công giáo. Ông kết luận: “Đó là một cuộc khủng hoảng đức tin. Trong toàn bộ ý niệm của đức tin, đây là một thế hệ đang chiến đấu với đức tin trong những cách mà chúng ta không gặp trong những thế hệ trước đây”.

Cái mà "chúng ta không gặp trước đây" là gì vậy?

Đấy là giới trẻ thấy đức tin không tương thích với những gì họ học ở nhà trường. Trong cuộc chiến nhận thức giữa Giáo hội Công giáo và khoa học, Giáo hội đang thua. Khi mà khoa học ngày càng giải đáp một cách tường minh hơn những hiện tượng tự nhiên mà kinh thánh thì lại rất mơ hồ. Những thông tin khoa học không còn đóng khung trong những thư viện huyền bí nữa mà nó đã đến với giới trẻ qua chiếc iphone cầm tay.

Lý do rời bỏ đức tin được đưa ra nhiều nhất ở giới trẻ là họ không tin vào Thiên Chúa hay tôn giáo nữa vì Thiên Chúa không đưa ra được bằng chứng về những gì họ đang học về tôn giáo và về Thiên Chúa. Khoa học phát triển làm cho con người trở nên thực dụng hơn, và họ cũng đòi những gì họ tin phải sờ được, thấy được, kiểm chứng được.

Tại các xứ đạo, giới trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng. Họ đi vì bổn phận gượng ép vì mình là một tín đồ. Họ đến nhà thờ là do cha mẹ thúc giục hoặc vì tâm lý sợ mắc tội, chứ không vì niềm tin và lòng mến. 

Họ có mặt ở nhà thờ nhưng không hề ý thức mình đang có mặt ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc mà không chú ý lắng nghe rao giảng. Ngồi trong nhà thờ nhưng tâm trí họ lại nghĩ đến những việc bên ngoài. Thậm chí, một số khác thì đi lễ như là cái cớ để gặp gỡ bạn gái, thân mật quá trớn nơi công cộng, đùa giỡn, chuyện trò, chơi game trên điện thoại di động… chẳng quan tâm Thánh lễ đang đến đâu và chủ tế đang làm gì.

Giờ đây với giới trẻ, đời sống vật chất là trên hết, có tiền là có tất cả, ước mong giàu có, hưởng thụ làm họ chểnh mảng, bỏ bê việc chăm lo đời sống thiêng liêng, là bổn phận rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh Kitô hữu. Suốt ngày ở trong nhà thờ, Chúa nhật sấp ngửa đến xưng tụng làm họ bỏ lỡ những cơ hội làm ăn đôi khi là cơ hội đổi đời khiến họ không mặn mà với thánh lễ.

Trước đây, “Gia đình là Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo”. Thế nhưng ngày nay ảnh hưởng của cha mẹ với con cái không còn là tiên quyết, nhiều gia đình trẻ ngày nay, việc cha mẹ dạy dỗ con cái sống đức tin là điều hiếm có. Ngay cả việc đọc kinh sáng tối cũng chẳng mấy ai giữ. Việc giáo dục đức tin cho con cái phó mặc cho nhà thờ, giáo xứ.

Có thể nói, lối sống của thời toàn cầu hóa là lối sống mở. Quan niệm về luân lý cũng biến đổi nhiều so với sự đổi thay của môi trường sống là nơi diễn ra những khác biệt về kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa giới tính,v.v. tạo nên những thách đố khác nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin của giới trẻ tín đồ. 

Xu hướng bỏ đạo, nhạt đạo khởi nguồn từ châu Âu già cỗi và là trào lưu rời xa đức tin của giới trẻ trong bối cảnh khoa học phát triển và cơn lốc kinh tế thị trường là một sự thật không thể bác bỏ và không thể cản ngăn bằng giáo lý. Đấy là thách thức của kỳ Thượng hội đồng lần này.

No comments: