2017/01/24

GIÚP DÂN SỐNG "TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO"

Với đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở tỉnh Nghệ An, hoạt động hành quân dã ngoại xây dựng nông thôn mới, do Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An tổ chức chính là “cầu nối” để xây dựng tình quân dân cá nước, góp phần thực hiện mục tiêu “nước vinh, đạo sáng”, giúp nhân dân sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Dịp cuối năm 2016, tại huyện Quỳnh Lưu xuất hiện hình ảnh thật đẹp, đó là bà con giáo dân cùng bộ đội, dân quân, tích cực lao động khơi thông dòng kênh Nguyễn Văn Trỗi chạy qua hai xã Quỳnh Thạch và Quỳnh Thanh. Đây là dòng kênh chính cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hai xã. Hình ảnh bộ đội địa phương, dân quân trầm mình trong nước giữa trời giá lạnh giúp dân làm thủy lợi đã lay động rất nhiều trái tim người dân. Nhiều người qua đường đã dừng lại làm cùng bộ đội; nhiều giáo dân tự giác thu xếp công việc gia đình để góp công khơi trong dòng kênh. Ông Hồ Xuân Đệ, là giáo dân ở xóm 9, xã Quỳnh Thanh, đã tự nguyện tham gia làm thủy lợi cùng bộ đội trong nhiều ngày, hồ hởi: “Mấy ngày qua, thấy các chú bộ đội làm việc hết mình vì môi trường xanh-sạch-đẹp, chúng tôi rất khâm phục và thấy mình có trách nhiệm phải tham gia cùng bộ đội”.
Bà con giáo dân phối hợp bộ đội khơi thông kênh Nguyễn Văn Trỗi ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ảnh: HOÀNG VIỆT
Thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, là một trong những phương châm chỉ đạo hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh. Đồng bào thấy được những công trình, phần việc thiết thực; thấy tấm gương lao động hết mình của bộ đội, dân quân chính là “lời” tuyên truyền lay động, hiệu quả nhất.
Tình cảm chân thành, giúp dân thiết thực, là bài học kinh nghiệm mà LLVT tỉnh rút ra qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ duy trì hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Mỗi đơn vị khi hành quân về với đồng bào vùng dân tộc, tôn giáo, đều phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế địa phương; động viên đồng bào có đạo cố gắng vươn lên thoát khỏi đói nghèo và làm giàu chính đáng. Trong năm 2016, bộ đội thường trực và dân quân tự vệ đã tham gia góp hơn 20 nghìn ngày công, hàng trăm lượt phương tiện để tu sửa, làm mới 72 km đường giao thông nông thôn; nạo vét 60 km kênh, mương nội đồng; tham gia vệ sinh môi trường hàng chục ki-lô-mét vuông; giúp bà con thu hoạch và chăm sóc hoa màu, trồng rừng, khai hoang phục hóa; giúp dân khắc phục bão lũ, thiên tai; giúp đỡ các gia đình có công cách mạng và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Nhất là những nơi đồng bào giáo dân sống tập trung đông như ở các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Con Cuông, Hưng Nguyên..., Bộ CHQS tỉnh không chỉ cử đơn vị thường trực hành quân về giúp dân, mà còn chỉ đạo Ban CHQS các huyện, phối hợp các đơn vị chủ lực đứng chân trên địa bàn đẩy mạnh các mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế. “Làm rồi hẵng nói”- đó là kinh nghiệm mà các đơn vị rút ra từ thực tế công tác dân vận.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) Hồ Công Khoán cho biết: "Quỳnh Tam có hai xóm là xóm giáo toàn tòng. Các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn thường xuyên giúp bà con tu sửa đường sá, khơi thông thủy lợi, làm đẹp cảnh quan trường học, chăm sóc đài tưởng niệm liệt sĩ... Hằng năm, vào mùa Giáng sinh hay các ngày lễ quan trọng khác, bà con đều mời bộ đội chung vui...".
“Nói dân hiểu” là một kỹ năng, đồng thời cũng là một kinh nghiệm mà các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An rút ra qua những lần công tác. Với bà con giáo dân, đức tin tôn giáo và lòng yêu nước, trách nhiệm công dân không hề mâu thuẫn. Mỗi người dân đều muốn là một người yêu nước, đồng thời cũng là một tín đồ chân chính. Hiểu được tâm lý ấy, nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động trong mỗi đợt hoạt động dân vận của các đơn vị luôn chú trọng thực chất, phù hợp nhu cầu tinh thần và nhu cầu thông tin của người dân. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ khi làm công tác dân vận phải tự mình nâng cao hiểu biết văn hóa của đồng bào theo đạo. Chỉ có như vậy, việc tuyên truyền, giao lưu văn hóa-văn nghệ mới thật sự có hiệu quả. Năm 2016, các đơn vị LLVT trong tỉnh đã tiến hành gần 100 buổi tuyên truyền, giao lưu văn hóa-văn nghệ trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo với hàng nghìn lượt người tham gia. Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo Ban CHQS các huyện có đồng bào công giáo và các huyện tuyến biên giới khi huấn luyện dân quân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, phổ biến pháp luật, triển khai tổ công tác dân vận... phải biết vận dụng tri thức, lời lẽ trong Kinh Thánh, nhằm động viên người dân tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó chính là noi theo tinh thần cao thượng của Chúa Giê-su; “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là làm trọn tinh thần của Đức Chúa.
Đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An là một cộng đồng đông đảo, với hơn 53 nghìn hộ, khoảng 270 nghìn tín đồ. Trong các thời kỳ cách mạng, bà con giáo dân ở địa phương có truyền thống “kính Chúa, yêu nước”, luôn kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng lợi dụng tôn giáo, đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc điểm và truyền thống đó đòi hỏi hoạt động dân vận của LLVT tỉnh phải thiết thực, với tinh thần “nói ít, làm nhiều”, hay “ngôn hành như nhất”. Bằng những việc làm thầm lặng thông qua mô hình “hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, LLVT tỉnh kiên trì và phấn đấu giữ vững hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong đồng bào công giáo, góp phần xây dựng tình đoàn kết quân dân, xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu đẹp.
Thượng tá THÁI ĐỨC HẠNH Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An/báo Nhân dân điện tử

No comments: