2017/01/23

Lời cáo chung cho thông tin xấu từ hải ngoại trên mạng xã hội

Kính Chiếu Yêu



Thông tư 38 quy định về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017.

Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới là việc tổ chức, cá nhân tại nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng, dịch vụ tìm kiếm và các loại hình tương tự khác trên mạng để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng dịch vụ (bao gồm cả tổ chức và cá nhân).

Khi xác định là thông tin xấu, độc Việt Nam có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật.

Đó là một trong những nội dung được quy định trong Thông tư 38 về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vừa được Bộ Thông tin và truyền thông công bố. Văn bản này được xem là cơ sở pháp lý để loại bỏ các nội dung có thông tin xấu độc trên môi trường Internet tại Việt Nam. 

Trên thực tế hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã diễn ra từ rất lâu. Tuy nhiên, lý do thông tư 38 ra đời vào thời điểm này bởi đây là vấn đề phức tạp, khi ban hành phải mang tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và các điều ước Việt Nam đã tuân thủ, đặc biệt đối với lĩnh vực Internet.

Các đối tượng chịu sự điều chỉnh của thông tư 38 gồm các trang web, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng ở nước ngoài cung cấp nội dung vào Việt Nam, có người Việt truy cập, sử dụng dịch vụ; doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ ở trong nước.

Thông tư 38 có hai điểm quy định chế tài xử lý rất kiên quyết: Một là, Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật. 

Hai là, những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.

Cụ thể hơn, đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn từ 1 triệu lượt sử dụng mỗi tháng trở lên hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Thông tin và truyền thông và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc khi có yêu cầu.

Phạm vi điều chỉnh của quy định này bao gồm cả các website, mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube đang có lượng lớn người sử dụng tại Việt Nam. Nếu các đơn vị này chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam thì có đầu mối tư vấn pháp lý.

Quy trình xử lý thông tin xấu dành cho nhà cung cấp chỉ trong vòng 48 giờ. 

Sau khi xác định nội dung thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn, không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập, cơ quan quản lý sẽ gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc phương tiện điện tử tới các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đề nghị xử lý.

Sau khi nhận được đề nghị, trong thời gian 24 giờ tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị. Nếu nhà cung cấp không có phản hồi thì cơ quan quản lý của VN sẽ thông báo lần 2.

Sau 48 giờ, nếu các tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi, cơ quan quản lý sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông.

Căn cứ xác định thông tin xấu độc đã được quy định trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì các hành vi bị cấm cụ thể là: Sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để đưa thông tin có nội dung: 

Chống lại Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

Phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

Tiết lộ bí mật nhà nước, quân sự; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin sai sự thật...

Các chế, các anh hùng bàn phím hải ngoại từ nay chú ý nhé, mạng ảo nhưng không ảo tưởng được đâu.

No comments: