2016/08/08

CHUYỆN ÔNG LÊ DOÃN HỢP NÓI VỀ BÁO CHÍ

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông Lê Doãn Hợp - Nguồn: Internet. 

Cho rằng ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng & văn hóa Trung ương, hiện chủ tịch Hội Tin học Việt Nam bất nhất trong các phát biểu về báo chí (trước và sau khi đã về hưu). Mới đây nhất, FbkerMo Lang Cho đã viết như sau: 
"Khi còn đương nhiệm, biết rõ sự vô lý trong quản lý báo chí, sao ông không lên tiếng, đặc biệt là góp sức vào sửa đổi, để về hiu rồi mới chém gió như thể vô can! Hay ông biết rằng, chỉ duy trì cách quản lý đó ông mới được cầu cạnh để hưởng lợi, dù người dân sẽ chịu thiệt thòi?
VN có "truyền thống" là các anh già về hiu xong mới phê cái nọ, phán cái kia cứ như không liên quan, trong khi chính các anh cũng phải chịu trách nhiệm trong việc để cho đất nước trì trệ về mọi mặt như hiện nay!". 
Để minh họa cho phát biểu của mình, FBker này đối chiếu phát biểu của ông Hợp khi đang làm Bộ trưởng Bộ thông tin & truyền thông và khi đã mãn nhiệm chức vụ này. Cụ thể: 

- Khi đang đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông, nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ, ông Hợp đã có bài phỏng vấn Việt Weekly và Phố Bolsa TV. Xem Video dưới đây:
- Sau khi đã về hưu, mới đây nhất, phát biểu về nền báo chí Việt Nam đương đại, ông Hợp đã nói như sau: 

"Có nước còn không có Luật Báo chí. Tôi sang Úc, hỏi cơ quan quản lý báo chí của các vị là ai? Họ bảo chúng tôi không có cơ quan quản lý báo chí, dân sẽ là người quản lý. Viết hay viết đúng thì dân tin, dân mua, viết không hay, không đúng thì dân sẽ tẩy chay. Mà dân tẩy chay chắc chắn sẽ bị đào thải.

Về nguyên tắc, đã là báo chí thì phải nói đúng. Anh nói đúng thì sẽ được Nhà nước và người dân chấp nhận, ủng hộ. Còn nói sai thì sẽ bị xử lý nghiêm. Cái đúng có thể khiến ai đó mất lòng nhưng suy cho cùng, cái đúng sẽ có sức thuyết phục cao nhất.

Còn ở Việt Nam, chúng ta đang quản lý báo chí bằng mệnh lệnh hành chính hơi nhiều. Mà đã là mệnh lệnh hành chính thì người quản lý và người tác nghiệp đều khổ. Nếu Luật Báo chí không đầy đủ, luôn phải bù đắp bằng các mệnh lệnh hành chính thì đó là một nền quản lý tình thế, giật cục và làm cho báo chí nhiều lúc khó thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình". 
(Nguồn: Fb Hằng Thanh).

Về chuyện này, blog Việt Nam mới xin được nói đôi lời như sau: Đồng tình với Fbker Mo Lang Cho là hai bài phát biểu đã có sự khác biệt về câu chữ, cách nói và bối cảnh nói. Cương vị của ông trong hai bài phát biểu cũng khác nhau (khi đương nhiệm và khi đã về hưu). Tuy nhiên, nếu đọc kỹ thì đấy chỉ là những sự khác nhau về hình thức và nó không ảnh hưởng tới bản chất cũng như tính thống nhất trong cách nói của cựu Bộ trưởng này. 

Theo đó, nếu như trong cuộc trả lời phóng vấn Việt Weekly và Phố Bolsa TV, khi còn đương nhiệm, trước câu hỏi "bao giờ Việt Nam có báo chí tư nhân", ông Lê Doãn Hợp đã thẳng thắn khẳng định rằng Việt Nam sẽ có báo chí tư nhân. Tuy nhiên, lí giải nguyên nhân "Báo chí tư nhân chưa thể ra đời", ông Hợp đã cho hay: "Báo chí tư nhân để cho ra đời thì Việt Nam phải có một lộ trình và phải giải quyết căn cơ ba vấn đề. Ba vấn đề này giải quyết tốt thì báo chí Việt Nam mới có thể tiến kịp thời đại và thế giới được": "Thứ nhất là luật lệ. Luật lệ Việt Nam nói thật chúng tôi mới vào cuộc mấy chục năm Đổi Mới nên luật lệ phải sửa liên tục và nó không theo kịp cái vận động cuộc sống và hội nhập thế giới. "Cái luật hiện nay còn quá lỏng và các chế tài xử lý không nghiêm...

"Cái thứ hai, mà tôi cho là rất quan trọng, là tính chuyên nghiệp của những người làm báo. Chúng tôi hiện có 17.000 phóng viên nhưng mà tính chuyên nghiệp chưa cao...

"Và cái thứ ba là dân trí. Chúng ta phải nâng dân trí lên để dân có thể coi là lực lượng giám sát báo chí cao nhất, tối thượng nhất". 

Và xin được nói luôn là những điều này không có gì mâu thuẫn với phát biểu mới đây nhất của ông Hợp (khi không còn đương nhiệm, đã nghỉ hưu). Cụ thể, ông Hợp đã chỉ ra cái thực trạng bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi luật Báo chí hiện hành khi "chúng ta đang quản lý báo chí bằng mệnh lệnh hành chính hơi nhiều. Mà đã là mệnh lệnh hành chính thì người quản lý và người tác nghiệp đều khổ" mà chưa thể đạt đến cái phương cách quản lý, giám sát báo chí của một số nước tiên tiến, trong đó có Úc: "Về nguyên tắc, đã là báo chí thì phải nói đúng. Anh nói đúng thì sẽ được Nhà nước và người dân chấp nhận, ủng hộ. Còn nói sai thì sẽ bị xử lý nghiêm. Cái đúng có thể khiến ai đó mất lòng nhưng suy cho cùng, cái đúng sẽ có sức thuyết phục cao nhất".

Dù không nói ra một cách trực diện nhưng không quá khó để thấy rằng, trong cách nói của ông Hợp - cái khó trong việc thực thi báo chí, làm cho Luật báo chí trở nên đi vào cuộc sống một cách tự nguyện thay vì bằng "mệnh lệnh hành chính" chính là trình độ dân trí của người dân trong tiếp nhận và sử dụng thông tin báo chí. Họ chưa thể hoặc chưa có ý thức phản biện, lên án và thậm chí là kiến nghị khi xuất  hiện các thông tin sai sự thật, chưa hợp lý. Hay nói cách khác, đông đảo người dân Việt mơí dừng lại ở mức thụ hưởng thụ động mà chưa thể tương tác lại nó, biến nó trở thành một chuỗi quá trình giúp nhau trở nên hoàn thiện hơn. 

Nghĩa là dù cách nói, cách diễn đạt có khác nhau song khi còn đương nhiệm và khi đã về hưu băn khoăn lớn nhất của ông Lê Doãn Hợp vẫn là câu chuyện dân trí. Và với góc nhìn của ông đó vừa là 1 trong 3 lực cản khiến Việt Nam chưa thể ra đời báo chí tư nhân vừa khiến quá trình thực thi Luật báo chí chưa thể như mong muốn! 

Không biết, đâu là sự thiếu thống nhất trong cách hiểu, nghĩ của Fbker Mo Lang Cho

An Chiến

No comments: