2016/08/31

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG: ĐỪNG BẮN QUÁ KHỨ ĐỂ PHÁ TƯƠNG LAI


Cứ vào dịp đất nước ta kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 thì đối tượng cơ hội chính trị, các nhà dân chủ lại đem vấn đề trên ra để bàn thảo. Đây là luận điệu đã cũ mèm của một số người vốn có hiềm khích với cách mạng và đang ra sức chống lại những chủ trương, chính sách của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là “xã hội dân chủ”. Điển hình trong số này là ông Nguyễn Đình Cống - vốn là một chuyên gia về bê tông cốt thép.       
Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Nguyễn Đình Cống và Phạm Minh Hoàng trong một lần hẹn hò để chống phá đất nước
  Đọc bài viết của ông Cống mọi người đều dễ dàng nhận ra rằng, những “luận cứ” mà ông đưa vào bài viết chẳng qua là sự nhặt nhạnh theo kiểu “thầy bói xem voi” mà không xuất phát từ bất kỳ công trình nghiên cứu nghiêm túc nào. Chắc rằng bản thân ông Cống cũng chưa bỏ công sức ra để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cho đến đầu đến đũa. Vì vậy, những điều ông viết ra (về lĩnh vực lịch sử) đều thiếu tính chặt chẽ, lô-gích, khoa học, mơ hồ khác hẳn lúc ông bàn về bê tông cốt thép trong lĩnh vực xây dựng. Ông Cống viết rằng "... cuộc Cách mạng Tháng Tám thực chất là cướp chính phủ của ông Trần Trọng Kim..." và "việc giành chính quyền khá dễ dàng vì không phải đánh Pháp, đuổi Nhật gì cả, Việt Minh lợi dụng khoảng trống quyền lực để nắm lấy chính quyền…” "Hai mươi triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy” cũng chỉ là điều tưởng tượng…” là cách viết của người duy ý chí và chủ quan, là cách phổ biến về lịch sử theo kiểu tù mù để lòe bịp người đọc, đặc biệt là những lớp trẻ ngày nay khi mà chỉ biết lịch sử qua những tài liệu, câu chuyện về lịch sử…
          Xin thưa rằng: Những quan điểm lệch lạc mà ông cũng như một số đối tượng cơ hội chính trị đưa ra đã bị giới nghiên cứu sử học và báo chí, dư luận trong và ngoài nước phản bác nhiều năm nay. Và đây, có lẽ ông nên tham khảo những công trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ, khách quan của các nhà khoa học lịch sử ở những nước bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh với Việt Nam mà với họ sự thừa nhận những thất bại lịch sử đó của họ như sát muối vào tim mình về sự hãnh diện của những kẻ từng là cường quốc, đế quốc hùng mạnh nhất bấy giờ.
          Nhà sử học Pháp là Alain Ruscio, người đã có hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam sau hơn 30 năm nghiên cứu cũng từng khẳng định: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lô-gích trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình”.
          Giáo sư William J.Duiker, nhà sử học nổi tiếng của Mỹ, viết: “Cần phải nhớ rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đạt được thành tựu vĩ đại như vậy và thắng lợi của những người Cộng sản là có sự đóng góp ở mức độ không nhỏ của những hoàn cảnh ngẫu nhiên”; “chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người Cộng sản. Họ đã có thể chớp lấy thời cơ được mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh. Ở các xứ thuộc địa khác, khoảng trống có thể được lấp đầy bởi lực lượng dân tộc chủ nghĩa không Cộng sản. Nhưng ở Việt Nam, các phần tử dân tộc chủ nghĩa đã không thể đứng lên chấp nhận thách thức. Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc. Điểm cuối cùng này mới là quan trọng”… Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều người trong về ngoài nước có những công trình nghiên cứu công phu về lịch sử đương đại của Việt Nam một cách khoa học, khách quan, tỉ mỉ.
          Bất cứ đối với người Việt Nam nào, dù được sinh ra trước hay sau cách mạng thì đều biết: Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân tất yếu nhất đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Dù cuộc cách mạng đã lùi xa hơn 70 năm nhưng những người Việt Nam chân chính – thế hệ con, cháu sau này luôn trân trọng thành quả cách mạng vĩ đại của cha anh và từ đó rút ra những bài học bổ ích trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, đồng thời luôn cảnh giác với những mưu đồ nhìn lịch sử qua “kính đen” để xuyên tạc, bóp méo như ông Nguyễn Đình Cống và các đối tượng cơ hội chính trị.
          Lời cuối cùng muốn nói với ông Nguyễn Đình Cống: ông là một nhà nghiên cứu khoa học, cho nên dù có nghiên cứu, tiếp cận về bất cứ lĩnh vực nào thì ông nên có cái nhìn công tâm, khách quan và nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học như những gì ông đã đóng góp về bê tong cốt thép, trong lĩnh vực xây dựng. Đừng bắn súng vào lịch sử của nước nhà để phá hoại tương lai của đất nước, của đồng bào, của dân tộc mình.
                                                                                                        Lê Minh

No comments: