Từ FB Hoàng Trường Giang
Mình vừa từ Gia Lai trở về. Nghe câu chuyện cậu bé ở Ia Der, Ia Grai tự tử do chính những người Gia Lai vừa ở đó nói, có những điều không như báo chí viết. Những ngày qua đọc tin trên báo, trên FB, mình thấy rờn rợn trước tâm lý chửi bới hội đồng của một bộ phận công chúng. Xã Ia Der cũng là nơi mình đã xuống đề nghị giúp đỡ sửa sang trạm xá cách đây mấy tháng…
Đọc báo, thấy phóng viên tả chuyện cậu bé tự tử như một “show truyền hình trực tiếp” với hình ảnh và những diễn biến nội tâm đầy uẩn ức. Cứ như phóng viên chứng kiến toàn bộ sự việc. Bộ quần áo bao nhiêu tiền, vì sao chưa mua, cậu bé tủi hờn thế nào? Phóng viên miêu tả chân thực, chi tiết lắm. Thực tế thì sao? Chẳng ai chứng kiến chuyện đó cả, những kết luận của phóng viên chủ yếu là do nghe người này người kia kể lại. Vậy mà cứ như một bộ phim tài liệu sống động.
Rồi phóng viên mở màn cho cuộc lên đồng tập thể của dư luận khi quy chụp trách nhiệm để cậu bé nghèo tự tử cho ông Giời ? Mình không hiểu ông Giời mà báo chí nhắc đến là Jesu, Thích Ca, A La, Mohamed, Bà La Môn… hay một bậc thượng đế, thành thần nào? Nhưng nếu có các vị ấy thật thì sao vẫn còn hàng tỷ người đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, chết chóc trên khắp thế giới ?
Còn nếu ông Giời của phóng viên muốn ám chỉ là chính quyền, là chế độ thì mình thấy dường như đang có sự bẻ lái “hơi quá”. Phóng viên lôi ra các vụ tham nhũng nghìn tỷ, thất thoát trăm tỷ, tiệc tùng xa hoa lãng phí của quan chức để đổ lỗi cho bộ máy chính quyền… là nguyên nhân khiến cậu bé tự tử?
Phải thừa nhận, tệ nạn tham ô, tham nhũng, xa hoa lãng phí đã, đang làm tiêu tốn một nguồn lực đáng kể quốc gia, cũng tước đi cơ hội tiếp cận các dịch vụ công của rất nhiều người. Nhưng quy chụp, đổ lỗi bất cứ việc gì cũng do hệ thống thì có chủ quan, có duy ý chí không? Nếu đổ lỗi như vậy, nhà báo có lỗi không? tất cả những người khác trong xã hội vô can chứ ?
Có quốc gia nào trên thế giới này không có phân chia giàu nghèo? Mỹ số 1 thế giới có không ? Zimbabwe chót bảng toàn cầu có không? Có chế độ nào không có tích cực, tiêu cực? Có dân tộc nào, tôn giáo nào không có người tự tử ? Một đứa trẻ con nhà giàu, được cha mẹ hết mực quan tâm, chăm sóc nhưng có khi chỉ vì bị điểm 9 hoặc một cảm xúc giận hờn vu vơ cũng có thể tự tử? Một chính khách, một ca sĩ, diễn viên, một doanh nhân, một giáo sư hay một học trò… khi gặp những chuyện u buồn, bế tắc, thất tình… đều có thể tự tử?
Ngay tại Việt Nam, cũng có hàng triệu người với mức sống trung bình, dưới trung bình. Vậy họ có tự tử không? Người nghèo người khổ ở đâu chẳng có? Mình sinh ra, lớn lên ở vùng cao và đi nhiều nơi sâu xa, biên giới hải đảo, gặp gỡ, chứng kiến không ít số phận, gia đình, hay có khi cả cộng đồng có cuộc sống nhọc nhằn, chầy chật. Mình đã gặp những đứa trẻ khó khăn hơn cậu bé kia nhiều, quần áo còn không có mà mặc, đến trường chỉ là trong giấc mơ, thế nhưng chúng có tự tử không? Tồn tại là bản năng mạnh mẽ nhất của bất cứ loài sinh vật nào. Nếu cứ đổ cho nghèo là do Nhà nước, tự tử vì thiếu quần áo mới thì chắc trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chết vãn cả rồi.
Đúng. Cậu bé tự tử có hoàn cảnh đáng thương. Hành động của cậu ấy có phần do tự ti, tủi hờn vì gia cảnh khó khăn nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn việc chọn cái chết vì đói rách được. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Hành động đó theo mình nghĩ phần nhiều do tâm lý nông nổi, dễ bức xúc, thiếu bình tĩnh của trẻ con đang lớn chứ không phải tất cả vì một bộ quần áo. Mình cũng đã trải qua tuổi thơ, cũng không dưới đôi ba lần bị bố mẹ mắng mà uất ức và nghĩ đến việc tự tử cho… bõ tức. Nhưng rồi mọi việc qua đi, chúng ta đều lớn lên và nhận thức được những suy nghĩ đó. Hẳn ai trong đời chẳng có.
Quan điểm cá nhân mình không ủng hộ việc phóng viên báo chí cổ vũ cho các cuộc “thi viết tâm thư” của học sinh thi trượt đại học hoặc “đánh đồng”, quy chụp mọi nghèo đói, cực khổ của người dân là do chính quyền. Việc báo chí và dư luận FB đẩy câu chuyện cậu bé nghèo tự tử lên mâu thuẫn đỉnh điểm bằng cách đổ lỗi cho “quan chức” thì có ích gì ? Có giúp những gia đình nghèo biết hăng say sản xuất, quan tâm chăm lo con cái mình hơn? Có giúp những đứa trẻ nghèo biết nỗ lực học hành, vượt qua những mặc cảm tự ti về bộ quần áo mới, chiếc cặp sách hay đôi dép đến trường bằng bạn bằng bè ? Hay những nhận định, phán xét chủ quan đó chỉ góp phần đẩy sự chia rẽ trong xã hội lên tột cùng. Đồng thời với việc đổ lỗi hết cho quan chức, người giàu có thì cũng khiến cho người nghèo càng trở nên chìm lún dưới hố sâu hơn nữa ?
Mình thích triết lý của nhà Phật, đừng tự cường điệu những sai lầm, đừng dung dưỡng những tiêu cực nội tâm để chúng trở thành con quái vật tàn phá mỗi người. Công chúng, dư luận thì khó bàn nhưng người làm nghề viết, ngoài trái tim nóng, cái đầu lạnh, ngòi bút sạch thì càng cần có một trái tim nhân ái !
No comments:
Post a Comment