2016/08/28

Văn hóa từ chức sắp trở thành phong trào?!

Chiềng Chạ



Một trong những lí do được nói đến trong giải thích tại sao Việt Nam đã, đang bộc lộ quá nhiều những yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội và việc quy kết, định hình trách nhiệm vẫn chưa có sự rõ ràng theo nhận định của nhiều chuyên gia chính là ở Việt Nam chưa hình thành văn hóa từ chức. Nghĩa là sai thì hoặc là chủ động đứng ra nhận trách nhiệm để sữa chữa hoặc nếu không thể sửa chữa, khắc phục thì xin nghỉ luôn để người khác thực hiện, lên thay (tất nhiên, nếu vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả nặng nề thì vấn đề này không được đặt ra bởi đã có pháp luật điều chỉnh). 

Xét đoán trên nhiều khía cạnh, Mõ công nhận cái nguyên nhân được chỉ ra dù cho không có quá nhiều ví dụ được đưa ra để chứng minh. Vậy nhưng, theo dõi những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây, Mõ nhận thấy thêm rằng, dù chưa nhiều, chưa thể xem là phong trào nhưng văn hóa từ chức đang được hình thành một cách tích cực. Xin được điểm qua đôi ba trường hợp như thế để những ai quan tâm cùng theo dõi. 


1. Trường hợp đầu tiên được nói đến không ai khác là Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Tâm sự mới đây nhất với phóng viên của ANTGCT (An ninh thế giới cuối tuần), ông Nguyễn Sự đã chỉ rất rõ ràng 02 nguyên nhân khiến ông xin nghỉ hưu sớm (dù chưa là tất cả những đây được xem là trường hợp cho văn hóa từ chức tại Việt Nam). Theo đó, nguyên nhân đầu tiên được ông Sự nói đến chính là việc ông tiếp tục ngồi lâu, ngồi cho đến lúc hết tuổi và đến thời điểm nghỉ hưu sẽ làm cản trở sự thích nghi, phát triển và dám nói lên chính kiến của người trẻ; trong khi đó bản thân ông cùng với thời gian làm lãnh đạo quá lâu tại Hội An nên đã khiến cho ông không dám đổi mới, không dám thay đổi dù bản thân ông hiểu rằng, với Hội An nếu cần phát triển thì cần phải có cái áo rộng hơn, phù hợp hơn trong bối cảnh mới. 

Lí do thứ hai dẫn tới hành động ngỡ như khác người của ông Sự chính là bản thân ông muốn giành thời gian để chăm sóc cho gia đình bởi "tôi đã có 40 năm trời để tổ chức quyết định cuộc đời mình. Thời gian còn lại, tôi muốn tự quyết định mọi thứ". 


Dù trong cuộc trò chuyện với ANTGCT, ông Nguyễn Sự không nghiêng hẳn về lí do nào, bởi với ông lí do nào cũng quan trọng, cũng đáng cần nêu ra để suy xét. Vậy nhưng, tôi hiểu rằng, lí do thứ nhất có một sự quan trọng đặc biệt trong quyết định của chính ông, một người rất đỗi nặng tình với mảnh đất Hội An, nơi mà dù không sinh ra ở đấy nhưng từ lâu ông đã xem đó là quê hương thứ hai của mình. Nơi mà ông có thể làm mọi thứ để cái tên Hội An thực sự là điểm đến của du khách thập phương. Lí do thứ hai vì thế chỉ là thứ gia vị, là cái đi kèm trong cái sự trăn trở ấy của ông với chính Hội An!

Cũng xin thông tin thêm, vào  thời điểm ông dứt khoát cởi áo mũ ra về để làm một "thảo dân" ấy không ít người cho rằng ông điên, cái điên của kẻ không ý thức hết được sự quyến rũ cũng như mê hoặc đến vô cùng của quyền lực. Vào thời điểm đó ông cũng không nói nhiều đến lí do ông xin nghỉ trước thời hạn nhưng đến khi ông chính thức nói ra thì mọi người mới hiểu được tấm lòng của chính ông - một người tiên phong thực hiện văn hóa từ chức khi xét thấy khả năng, điều kiện của mình không hơn được thế hệ trẻ! 

2. Trường hợp thứ hai Mõ muốn nói đến không ai khác chính là ông Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Đào Xuân Quý. Ông Quý năm nay 58 tuổi và theo quy định phải đến 2 năm nữa ông này mới đến tuổi nghỉ hưu. 
Ông Đào Xuân Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nguồn: Internet. 

Và đáng nói hơn là, khác với ông Nguyễn Sự, ông Quý mới chỉ đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum từ tháng 04/2015. Nghĩa là sẽ là còn quá sớm để nói chuyện làm quá lâu khiến ông Quý thấy đã đến lúc nghỉ để bàn giao công việc cho người khác (?)

Có một chi tiết Mõ thấy cũng cần được quan tâm chính là tại đợt bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum vừa qua, ông Quý cũng đã xin rút không tham gia ứng cử. Một động thái cho thấy, ít nhất trước khi đi đến quyết định từ nhiệm trước tuổi, ông Quý đã có sự chuẩn bị không chỉ về mặt tâm lý mà còn cả về mặt nhân sự cho tỉnh KonTum. 

Lí do được báo chí phản ánh về lí do ông Quý từ nhiệm được nói đến là: "Nguyên nhân xin nghỉ trước 2 năm được ông Quý cho biết, ông muốn có thời gian thăm lại người thân, bạn bè khi còn khỏe. Ông Quý cũng thẳng thắn chia sẻ, trên cương vị kiêm nhiệm của mình, ông vẫn còn khiếm khuyết, chưa thể giúp Kon Tum tiến nhanh trong việc giảm tỷ lệ người dân đói nghèo". (Theo Dân trí). 


Với hai lí do được chỉ ra, xét về mặt tổng thể không khác là mấy với nguyên Bí thư Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Sự, song nó lại được sắp xếp thứ tự khác. Lí do gia đình được ông Quý đề cập trước thay vì đưa lí do công việc lên trước. Tuy nhiên, suy cho cùng đó chỉ là cách nói của từng người và điểm chung giữa ông Quý, ông Sự được chỉ ra trong lí do từ nhiệm trước thời hạn chính là hai ông ý thức được việc bản thân đã đến lúc nên phải nghỉ để nhường vị trí lãnh đạo đó cho những người trẻ, năng động, dám thay đổi để phát triển!

Có thể, với chỉ 02 trường hợp chúng ta chưa thể nói gì đến triển vọng hay tương lai của văn hóa từ chức bởi quyền lực từ xưa đến nay vẫn là một thứ đủ sức phủ, khỏa lấp khiến cho mọi chế độ đều đi đến diệt vong, bị chế độ tân tiến, tiến bộ hơn phủ nhận. Song, với những gì đang làm, nhất là quyết tâm của Chính phủ trong làm sạch bộ máy công quyền, những điển hình như thế này sẽ được nhân rộng. Đó cũng là lí do cho phép chúng ta nên tin vào những gì đang diễn ra! 

No comments: