2016/08/22

BÁC THÔNG BÁO BẮT CÓC TRẺ EM LẤY NỘI TẠNG


Tướng Hồ Sỹ Tiến bác thông báo 'bắt cóc trẻ em, lấy nội tạng'



Vụ thông báo bắt cóc mổ lấy nội tạng ở Lào Cai tạm không bàn cãi nữa. Mổ lấy tạng không đơn giản và không thể tiến hành ở rừng hoang núi thẳm nào đó giống như nội dung trong tờ thông báo, bất kỳ ai có hiểu biết sơ đẳng về i tế đều hiểu điều này.

Tuy nhiên, nguy cơ bắt cóc trẻ em vẫn là có thật. trên thực tế những đường dây buôn người được triệt phá trong những năm gần đây thì số nạn nhân không nhỏ là trẻ em, bất kể là vì mục đích bán cho các gia đình hiếm muộn hay mổ lấy nội tạng hay huấn luyện thành chiến binh IS, mỗi phụ huynh nên tự biết bảo vệ con cái mình khỏi trở thành nạn nhân, cảnh giác không bao giờ là thừa cả.

Theo thống kê, 75% các vụ bắt cóc trẻ em là do người thân quen tiến hành, và 2/3 số nạn nhân là bé gái. Ở Mỹ cứ 40 giây có một vụ trẻ em mất tích, đa phần là đi lạc và được tìm thấy ngay nhưng số bị bắt cóc cũng không ít. Các bạn cũng nên cân nhắc về việc đưa ảnh, tên tuổi, sở thích, lịch trình học, chơi... của con cái lên facebook vì điều đó sẽ hấp dẫn và trợ giúp bọn bắt cóc, 80% số vụ bắt cóc bởi người lạ diễn ra ngay gần nhà nạn nhân trong bán kính dưới 1/4 dặm (400 mét) và 20% số trường hợp được báo cáo lên Trung tâm Quốc gia về bảo vệ trẻ em mất tích và bị lạm dụng (NCMEC), khi tìm thấy thì nạn nhân đã không còn sống sót.

Việc đề phòng cho con cái khỏi bị bắt cóc rất đơn giản nhưng ranh giới giữa an toàn và nguy hiểm nhiều khi khá mong manh, ví như sân trường được xem là chỗ an toàn nhất nhưng cách ngay đó không xa, một trong những nơi rất nguy hiểm hay bị bắt cóc nhất, lại là cổng trường. Nhiều phụ huynh dạy mật khẩu để trẻ có thể kiểm tra những người đến đón, đây cũng là í tưởng hay. Hãy dành 30 phút, mua 1 gói quà nhỏ rồi cùng trẻ đến làm quen với bác bảo vệ của trường để nếu đến đón muộn, trẻ sẽ có chỗ ngồi đợi an toàn.

Ngoài những biện pháp đề phòng mà ai cũng biết như dạy trẻ không nghe lời hay đi theo người lạ khi bị rủ, phụ huynh nên có đầy đủ thông tin về con của mình bao gồm ảnh chụp rõ nét trong vòng 6 tháng gần đây, sổ y bạ và nha khoa, tất cả đều sẽ giúp ích rất nhiều cho tìm kiếm, điều tra trong trường hợp xấu nhất. Khi trẻ mất tích, hãy báo cảnh sát nhanh nhất có thể, phần đa bọn bắt cóc nếu thủ tiêu nạn nhân thì sẽ tiến hành ngay trong 3h đầu tiên, không nên xem thường.

Một trong những nguyên tắc quan trọng được khuyến khích tập cho trẻ em khi chúng còn nhỏ để tự bảo vệ bản thân, đó là police are friends tức cảnh sát là bạn bè. Khi trẻ bị lạc hoặc gặp rắc rối mà thấy công an, chúng được dạy phải nhờ họ giúp ngay. Rất tiếc trong quá trình nuôi dạy theo tinh thần cực kỳ sai lầm của đa số phụ huynh Việt Nam đặc biệt là khi cho trẻ ăn, luôn mang công an ra doạ kiểu như "ăn đi không công an bắt giờ" và hình thành một nỗi sợ công an rất mơ hồ trong đầu óc trẻ con. Cháu họ tôi từng bị lạc gần nhà ga, nó đi dọc vỉa hè suốt vài cây số xuyên qua 2 cổng của 1 cơ quan công an lớn với các chốt canh gác 24/24 nhưng sợ tới mức không dám ngoái nhìn, rất may là cuối cùng gặp được người quen dẫn về nhà.

Có một số loại còi báo động cho trẻ em, hãy mua và dạy chúng bấm khi gặp nguy hiểm hay bị người lạ tiếp cận, còi sẽ rú lên rất to và không thể bị tắt, không tên bắt cóc nào dám vác hay chở một đứa bé với thiết bị đang kêu to hơn cả còi xe cíu thương tẩu thoát hết. Khi đi tới những chỗ đông đúc như lễ hội hay trung tâm thương mại, hãy sắm theo dây chống lạc (gần giống xích thú cưng) và cài vào quần trẻ để dắt đi. Ở siêu thị thỉnh thoảng vẫn nghe thấy quản lý bắc loa thông báo trẻ lạc nên đừng chủ quan, ai cũng có phút lơ đễnh nhưng không phải ai cũng may mắn tìm lại được con.

Trẻ em đặc biệt là bé gái có trực giác rất tốt, nếu có người lạ bám theo khi đi một mình chúng sẽ dễ dàng nhận ra hơn người lớn. Hãy hướng dẫn chúng trong trường hợp này nên tạt vào một nhà dân bất kỳ, một quán ăn, quán cafe... để nhờ giúp đỡ. Khi đối tượng bám theo sau bằng xe máy, hãy bước vào các địa hình mà xe máy khó hoạt động như thảm cỏ, vỉa hè cao và hẹp, có hàng cây... Đối với ô tô, nếu có cảm giác bị bám theo hãy nhanh chóng đổi hướng đi nhanh theo chiều ngược lại, ô tô mất khá nhiều thời gian để quay đầu và nếu nó quay đầu thật, 99% đó là đối tượng bắt cóc hoặc có í đồ xấu.

Khi trẻ ở nhà một mình, tuyệt đối không trả lời điện thoại hay chuông cửa, cứ vờ như không có ai ở nhà hết. Bọn trộm cắp thường sẽ không bắt cóc trẻ em và ngược lại, các đối tượng bắt cóc trẻ em hiếm khi đột nhập khi cả nhà đi vắng.

Kỹ năng xử lý khi bị bắt cóc ép lên xe hoặc bế đi, đó là quăng sách, bút, tẩy, anything xuống dọc đường thậm chí là nhổ bọt cũng được, i như Mỵ Châu rắc áo lông ngỗng vậy. Chó nghiệp vụ của cảnh sát có khả năng đánh hơi rất tốt, nếu xác định được địa điểm mất tích cùng với mẫu mùi từ quần áo, chăn gối trẻ ở nhà, thì khả năng tìm được sẽ cao hơn rất nhiều.

Kinh nghiệm là vô cùng, nước lên thì cứt đái cũng lên theo, xã hội càng phát triển sẽ càng nảy sinh những vấn đề đau đầu, nếu mỗi phụ huynh đều có í thức bảo vệ con em mình một cách thông minh, khoa học bằng cách trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ, thì xác suất bị bắt cóc còn nhỏ hơn con chim bay trên trời ỉa trúng cốc bia trong quán Hải Xồm có mái che. Và nên nhớ, gần như không thể bắt cóc trẻ em nếu không có sự hợp tác của chính nạn nhân, những người bị bán sang bên kia biên giới khi trở về đều khai rằng bị chính người quen hãm hại nên mới không đề phòng. Hãy chọn mặt gửi vàng, như các cụ đã dạy: "Nhìn mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon".

Chỉ có điều, lòng lợn, thì luôn dễ đoán hơn lòng người.

No comments: