2016/08/25

NHỮNG AI LÀ ĐỐI TƯỢNG THUỘC DIỆN KIỂM ĐIỂM TRÁCH NHIỆM VÌ ĐỂ XẢY RA SỰ CỐ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN MIỀN TRUNG?


Đó chắc chắn không phải là câu hỏi mỗi tôi quan tâm mà đó là vấn đề được dư luận đặc biệt chú ý sau khi Chính phủ chính thức công bố nguyên nhân sự cố ô nhiễm môi trường biển tại Miền Trung! 
Toàn cảnh Formosa Hà Tĩnh (Nguồn: Internet). 

Theo thông tin từ Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh trả lời báo chí ngày 21/8: “Hiện tại chỉ mới Sở TNMT tổ chức họp để kiểm điểm. Tuy nhiên chỉ có ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường là nhận hình thức kỷ luật là khiển trách. Còn lại là xin rút kinh nghiệm”. Nghĩa là mọi thứ vẫn chưa có gì là rõ ràng, và việc chỉ dừng lại ở mức độ kiểm điểm rút kinh nghiệm chưa phản ánh được mức độ thiệt hại cũng như những hệ quả khác do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây nên! 

Chính người đứng đầu Chính phủ (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ ra hết sức bức xúc về quá trình kiểm điểm từ cơ sở của cơ quan, ban ngành, cán bộ qua sự cố điển hình Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung. Và thay vì thỏa hiệp với những điều đã xảy ra, ông Phúc đã chỉ rõ các đối tượng (tổ chức, cá nhân) thuộc diện kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với vụ việc. 

Theo đó, sau khi khẳng định: "Vụ Formosa là một điển hình cho thấy nhiều cán bộ quản lý môi trường vô trách nhiệm", chủ thể đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ nhắc đến là (1) Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49). 

Đề cập đến đơn vị chuyên trách phòng chống tội phạm trên lĩnh vực môi trường, người đứng đầu Chính phủ đã cho rằng: "C49 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) của Bộ Công an thời gian qua chưa tập trung cho công việc phòng chống, đấu tranh với các hành vi vi phạm". Pháp lệnh Cảnh sát môi trường được  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua năm 2014, quy định: "Cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường"; và với việc để xảy ra thảm họa ô nhiễm môi trường tại một số tỉnh miền Trung cũng như không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ dẫn tới việc Formosa và các tổ chức, cá nhân liên quan chôn cất trái pháp luật rác thải tại một số địa điểm (như đã được báo chí phản ánh tại Hà Tĩnh) thì đương nhiên, đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an này khó lòng thoát khỏi trách nhiệm liên đới. PC49, Công an tỉnh Hà Tĩnh vì thế cũng thuộc diện xem xét trách nhiệm!

(2). Chủ thể thứ hai được Thủ tướng nói đến là "Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp". Trách nhiệm của hệ thống cơ quan này được Thủ tướng nói đến là "chưa chú trọng thanh tra các vấn đề về môi trường". 

(3). Chủ thể thứ ba được đề cập đến là Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương: "mới chỉ tập trung phát triển kinh tế mà coi thường, bỏ rơi vấn đề môi trường" và "chưa xã hội hóa tốt lĩnh vực xử lý chất thải". Với kết luận điều này thì cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh chắc chắn sẽ thuộc diện xem xét, xử lý trách nhiệm. 

(4). Chủ thể thứ tư là "các cơ quan phát hiện, xử lý vấn đề chậm, chủ yếu trông vào người dân, báo chí". Liên quan chủ thể này Thủ tướng Chính phủ cũng nói thêm: "Vụ Formosa nghiêm trọng vậy mà tất cả đều im lặng đến khi báo chí đăng tải, phản ánh mãi mới biết. Cả hệ thống kiểm soát như vậy ở đâu?”. Suy ra từ điều này thì đương nhiên, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Sở tài nguyên & Môi trường thuộc 4 tỉnh chịu thiệt hại trực tiếp từ sự cố ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh Miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) sẽ chịu trách nhiệm liên đới. Kết quả họp kiểm điểm của Sở TNMT Hà Tĩnh cũng như việc ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường là nhận hình thức kỷ luật là khiển trách vì thế chưa được coi là kết quả cuối cùng sau tất cả những gì đã xảy ra! 

Như vậy, với 04 nội dung được chỉ ra, người đứng đầu Chính phủ gần như đã "quyét" hết các thể nhân liên quan sự cố ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh Miền Trung. Đó không chỉ là những cơ quan trực tiếp được giao trách nhiệm quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực môi trường (Cơ quan quản lý tài nguyên- Môi trường các cấp và C49 - Bộ Công an) mà còn liên quan đến các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra (Thanh tra các cấp) và đặc biệt là cấp ủy chính quyền các địa phương liên quan. Và đó cũng có thể xem là sự lên tiếng chính thức của Chính phủ với câu hỏi: Ai thuộc diện kiểm điểm xem xét, xử lý trách nhiệm vì để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung! Tin chắc rằng, người đứng đầu Chính phủ sẽ không nói ra để cho vui! 

Người viết sẽ quay lại nội dung này khi có thêm diễn biến mới! 

An Chiến

No comments: