2017/01/07

“TRƯƠNG VĨNH KÝ, NỖI OAN THẾ KỶ” - MỤC ĐÍCH HƯỚNG ĐẾN KHÔNG PHẢI LÀ HÒA HỢP DÂN TỘC

Học giả Trương Vĩnh Ký (Nguồn: Internet). 

Khi nói về cuốn sách: “TRƯƠNG VĨNH KÝ, NỖI OAN THẾ KỶ” (có thông tin là cuốn sách này đã bị cấm ra mắt tại Đường sách Sài Gòn), học giả Nguyễn Đình Đầu đã tự sự như sau: “Trong tất cả giai đoạn thăng trầm lịch sử của Việt Nam, có những người khen Trương Vĩnh Ký, có người chê Trương Vĩnh Ký nhưng đều không dựa vào tài liệu chính thức. Vì thế tôi thấy muốn hoà hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, thì tôi nghĩ đối với nhân vật lịch sử đặc biệt như Trương Vĩnh Ký, thì nên làm một hồ sơ về Trương Vĩnh Ký.”

Nghĩa là mục đích chính, cơ bản của học giả Nguyễn Đình Đầu khi làm một hồ sơ về Trương Vĩnh Ký là để "hoà hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc". 

Viết về công trình khoa học của học giả Nguyễn Đình Đầu, GS Sử học Phan Huy Lê cũng đã viết như sau: “Tôi coi đây là một công trình tổng hợp có giá trị về Trương Vĩnh Ký, cung cấp một hệ thống tư liệu khá đầy đủ và khách quan với nhiều góc nhìn khác nhau, cho tất cả các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực muốn nghiên cứu sâu về nhà bác học Trương Vĩnh Ký.”

GS Lê viết tiếp: “Trong lịch sử Việt Nam, việc bình luận, đánh giá không ít nhân vật lịch sử thường bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử như vậy. Nhưng xu hướng chung vẫn là sự thắng thế của kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan và thái độ công minh trước lịch sử. Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối.”

Việc Nhà nước lấy tên ông đặt tên cho một con đường lớn tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh và một ngôi trường mang tên ông tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre (quê hương ông) có thể minh chứng cho việc những nghi kỵ mà người đời dành cho ông trong suốt những năm ông làm việc dưới trướng của thực dân Pháp đã được giải tỏa, bác bỏ như GS Phan Huy Lê nói đến. Cái còn lại ở ông là những danh hiệu gắn với những công trình, sản phẩm do ông tạo ra như một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu củaViệt Nam, "ông tổ nghề báo Việt Nam" bởi ông chính là người sáng lập, là Tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên: Gia Định báo

Đó có thể xem là một cái kết dù muộn nhưng còn hơn không và nó cũng cho thấy một thứ quy luật: Lịch sử luôn có những khúc quanh nhưng sự thật luôn thắng thế và hiện diện. 

Trên cương vị là người góp phần lấy lại thanh danh cho học giả Trương Vĩnh Ký thông qua công trình hồ sơ được thực hiện hơn 50, học giả Nguyễn Đình Đầu xứng đáng được vinh danh. Công trình này trên thực tế đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu trong mấy tháng qua. Đó là một sự ghi nhận thành quả đối với học giả Nguyễn Đình Đầu. 

Và có lẽ mọi sự sẽ không nên và không cần bàn đến nữa nếu như trong thời gian lưu chiểu, Cục xuất bản đã phát hiện tên sách “TRƯƠNG VĨNH KÝ, NỖI OAN THẾ KỶ” không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại bởi ai cũng biết, nỗi oan của Trương Vĩnh Ký đã được giải. 

Mặt khác, như đã nói lên ở ban đầu, quan điểm của học giả Nguyễn Đình Đầu là thông qua công trình hồ sơ về Trương Vĩnh Ký để "hoà hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc', hòa hợp giữa những người đã từng bài xích, lên án Trương Vĩnh Ký và những người đã từng ủng hộ, đấu tranh, giải oan cho ông ta, do vậy việc tiếp tục giữ tên sách (“TRƯƠNG VĨNH KÝ, NỖI OAN THẾ KỶ”) dù không sai nhưng nó sẽ không đảm bảo mục đích ra sách với tư cách là một công cụ văn hóa. Thậm chí, nó sẽ vô tình khoét sâu những mâu thuẫn đã được đình hình trước đó. 

Với những lí do đã được chỉ ra, Cục xuất bản đã đề nghị học giả Nguyễn Đình Đầu đổi tên sách về với tên ban đầu là Hồ sơ Trương Vĩnh Ký. Nhưng học giả này đã khước từ. Xác nhận sau đây của GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Trí thức được dẫn lời từ Rfa cho thấy điều này: "Khi được hỏi về khả năng những ấn bản đang được phát hành mấy tháng qua có bị thu hồi hết và buộc phải sửa chữa nội dung gốc theo yêu cầu của Cục Xuất Bản hay không, Giáo sư Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức cho biết:

“Theo tôi được biết thì tác giả, cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng ý sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Cụ là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cẩn trọng và có bản lĩnh. Xung quanh câu chuyện đánh giá một cách khoa học, khách quan về cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký vấn còn có ý kiến khác nhau. Thậm chí, mặc dầu nhà nước đã chính thức thừa nhận công lao của Trương Vĩnh Ký bằng việc lấy tên của ông đặt cho các đường phố và trừơng học, mà vẫn có người chửi bới ông ấy như là một " học giả Việt gian" cơ mà. Vì vậy tiếp tục trao đổi, tranh luận công khai những quan điểm của tác giả cuốn sách là cần thiết. Và giá cứ để cuộc giới thiệu sách diễn ra như đã định và tiếp tục phát hành bình thường thì có hay hơn chăng?”

Cho nên, thật dễ hiểu khi hiểu tại sao dù đã được chấp thuận xuất bản, cho lưu chiểu nhưng công trình hơn 50 năm của học giả Nguyễn Đình Đầu bị hủy bỏ buổi ra mắt. 

Công trình sẽ được ra mắt trở lại nếu như học giả Nguyễn Đình Đầu tiếp thu và thực hiện ý kiến của Cục Xuất bản. 

An Chiến

No comments: