Mõ Làng
Năm con gà đang đến, ai cũng háo hức đón Tết.
Ngày đầu năm là một ngày lễ đã được ăn mừng từ lâu năm, lần đầu tiên hình như đã hơn bốn ngàn năm tại Babylone (hiện thuộc nước Iraq).
Thuở nguyên thuỷ, lúc kinh-tế dựa trên canh nông, người ta thường đánh dấu năm mới vào đầu mùa xuân, lúc vạn-vật bắt đầu sống lại và người nông dân bắt đầu gieo hạt đầu mùa. Dần dần, năm mới được "đồng hoá" vào ngày 1 tháng 1 đầu năm trong tất cả các loại lịch (âm-lịch hay dương-lịch).
1. Âm lịch - Dương lịch
Ngày Tết của người Tây phương được tính theo dương lịch (do Giáo-Hoàng Gregorio XIII lập nên). Ngày, tháng, năm được tính theo vị tri của quả đất chuyển động chung quanh mặt trời (do đó gọi là dương lịch): 365,5 ngày một năm (365 ngày hoặc 366 ngày những năm nhuận, mỗi 4 năm).
Ngày Tết ta thì được tính theo âm lịch, nghĩa là tháng được tính theo chu kỳ vận-hành của mặt trăng chung quanh quả đất: ngày đầu tháng là tháng mới (new moon / nouvelle lune) và ngày thứ 15 là trăng tròn (full moon / pleine lune) và 1 năm chỉ có 354 (29,5 x 12) ngày.
Trên thực tế, các loại lịch này phải được gọi là âm-dương lịch vì tháng được tính theo mặt trăng nhưng năm thì lại tính theo mặt trời để trùng khớp với mùa màng, cho nên cứ 2 (hoặc 3) năm phải thêm vào 1 tháng để 1 năm có đủ 365,5 ngày.
Ngày nay, dương lịch đã trở thành lịch quốc-tế, âm-dương lịch chỉ còn dùng cho những ngày lễ cổ-truyền hay tôn giáo (ngày Tết, Trung Thu, lễ Vu Lan...) hay trong thiên văn, tử vi.
2. Tết Tây
Hết năm cũ, sang năm mới là một cơ-hội để ăn mừng trên toàn thế-giới và ngày mồng 1 tháng giêng dương-lịch đã trở thành ngày lễ mừng năm mới trên (gần như) toàn cầu.
Nếu Giáng Sinh được xem như một ngày lễ trong gia-đình và ở nhà thì người ta thường ăn mừng năm mới với bạn bè ở ngoài (tiệm ăn, vũ trường, ...).
Và đã gọi là sang năm mới thì năm cũ phải kết-thúc, cho nên thời-điểm quan-trọng phải là lúc chuyển-tiếp, nghĩa là ngày 31 tháng 12 (dương-lịch), và đặc biệt là lúc 12 giờ khuya, trước khi bước qua năm sau.
Giao thừa bên Pháp gọi là "Réveillon de la Saint Sylvestre". Người Pháp thường đón giao-thừa bằng một bữa ăn thịnh soạn với gan ngỗng (foie gras) và champagne, rồi nhảy đầm; đến 12 giờ đêm thì hôn má và chúc mừng năm mới nhau dưới một cành tầm gửi (gui). Ở Paris, thì mọi người hay tụ tập nơi tháp Eiffel hay trên đại-lộ Champs Elysées.
Mừng năm mới thường chấm dứt vào ngày lễ Hiển Linh (Épiphanie) ngày 6 tháng 1 và hôm đó mọi người chia nhau ăn "bánh vua" (galette des rois).
Bên Mỹ, đặc biệt là ngày New Year's Eve (giao thừa), ở Nữu Ước (New York City), mọi người tụ tập ở 1, Time Square để xem quả cầu pha-lê (to 2 thước đường kính, nặng 500 ký) được từ từ hạ xuống, một phút trước 12 giờ đêm.
Một tục-lệ khác là gửi nhau thiệp chúc mừng năm mới, nhưng thời buổi Internet, thiệp giấy dần dần bị thay thế bằng thiệp điện-tử (email, text messages, ...).
Đầu năm, người Tây-phương còn có một tục-lệ có ý nghĩa là "ý định cương quyết" (tôi thật không biết phải dịch chữ "resolutions / résolutions" như thế nào?) : "Năm nay, tôi cương quyết sẽ... bỏ hút thuốc, xuống 10 ký-lô, đi học đàn/nhảy/nấu bếp..., bớt làm việc và dành nhiều giờ với gia-đình hơn, ...''
Tinh thần của những "nghị quyết" này là mượn dịp năm mới để sống lại (rebirth / renaissance), để làm lại từ đầu (starting fresh / repartir du bon pied), là không phó mặc cho số phận mà nhất quyết làm chủ đời mình. Làm được hay không lại là chuyện khác...
3. Tết Ta (Nguyên Đán)
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt-Nam.
Hai chữ "Nguyên đán" (元旦) có gốc chữ Hán: "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" có nghĩa là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán". Tết Nguyên đán có xuất xứ từ Trung Quốc, ảnh hưởng vào nước ta qua 2000 năm Bắc thuộc.
Phong-tục, tập quán của người Á-Đông chung quanh ngày Tết thì thật phức-tạp, có thể nói là "rườm rà" nên, nhất là thời buổi này, ít có gia-đình nào, trong hay ngoài nước, áp dụng hoàn toàn được. Chúng ta cũng nên duyệt sơ qua, gọi là ôn lại chút ít truyền-thống văn-hoá của dân-tộc mình
Sự khác biệt giữa âm lịch và âm-dương lịch
Tết ta muộn hơn Tết tây và thường rơi vào giữa ngày 21 tháng 1 (dương lịch) và ngày 19 tháng 2 (dương lịch). Nói đúng hơn nữa, không khí Tết đã bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo Quân). Ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà gia chủ đã làm trong năm cũ và báo cáo về Ngọc Hoàng.
Ngày Tất niên (trước Tết) có thể là ngày 30 tháng chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Buổi tối ngày này, gia đình sum họp lại với nhau để ăn cỗ cúng Giao thừa, là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng giêng (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), giờ Tý là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và được gọi là Giao thừa.
Đốt pháo thường hay có trong dịp cúng tất niên hay thời khắc giao thừa ngày Tết cổ truyền để xua ma, trừ quỷ. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Qua ngày mồng 1, chúng ta bước vào Tân niên (năm mới, sau Tết) và ăn Tết 7 ngày.
Ngày mồng Một tháng Giêng (còn gọi là ngày Chính đán) là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình.
Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.
Cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên.
Ngược lại, người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu, vì ma sẽ sợ giấy màu đỏ. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng".
Ngày mồng Hai là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, nguời ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục "Đi sêu".
Ngày mồng Ba là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy, đúng theo truyền-thống "Mùng Một tết cha, Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy".
Ngày mồng 4 tiễn tổ tiên về cõi âm
Người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, mà phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia. Ngoài ra, còn có những tục lệ khác như:
- Xuất hành: lần đi ra khỏi nhà ngày đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình, có người đi du xuân luôn;
- Khai xuân tuỳ theo nghề nghiệp: khai trương, khai thương mở hàng, khai ấn (nếu là người có chức tước), khai bút (học trò, sĩ phu), khai canh (nhà nông) hay... khai pháo;
- Hái cành lộc: ở các nơi đền, chùa miền Bắc ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật;
- Khai hạ: hạ cây nêu ngày mồng 7 Tết, chấm dứt Tết nguyên đán để sau đó bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới
-Lễ hội, tuỳ theo bản sắc văn hóa của mình, mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết với những phần "lễ" và phần "hội" chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất phong phú.
Các lễ hội truyền-thống thường có thi đấu cờ người, đua thuyền, đấu vật, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu..Trò chơi dân gian: bịt mắt bắt dê, múa võ, hát bội, hát cải lương, hát chèo, đánh đu, chọi gà và nhiều trò dân gian cổ truyền khác.
Với người Việt, Tết vẫn còn rất thiêng liêng.
No comments:
Post a Comment