2016/08/07

XUA TÀU CÁ VÀO VÙNG TRANH CHẤP: MỘT KIỂU CHIẾN TRANH "NHÂN DÂN TRÊN BIỂN" CỦA TRUNG QUỐC

Khoai@


Lần đầu tiên, một đội tàu đông đảo với 230 tàu cá của Trung Quốc ngang nhiên, ồ ạt tiến vào vùng biển tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Sensaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Dưới con mắt nhiều người, đây là một kiểu "chiến tranh nhân dân trên biển" của Trung Quốc.

Tờ Japan Times thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 6/8/16 loan tin rằng 230 tàu cá Trung Quốc với sự hộ tống của sáu tàu tuần duyên được trang bị vũ khí đã tiến vào vùng biển Sensaku.

Ông Kenji Kanasugi, Cục trưởng Cục Hải dương và châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nói: "Đây là hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được".

Sự việc buộc Tokyo phải triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. 

Trước đó, hôm 5/8/16, tám tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc chớp nhoáng tiến vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã nói với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua rằng các tàu tuần duyên Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Nhật Bản và hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Leo thang thêm một bước, Bắc Kinh tiếp tục huy động 230 tàu cá ồ ạt tiến vào vùng tranh chấp này.

Một số chuyên gia cho rằng, đây là một động thái khiêu khích của Trung Quốc, và cũng nhằm thể hiện sức mạnh răn đe với các nước láng giềng, sau khi tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines. 

Được biết, hành động xua cùng lúc nhiều tàu cá ồ ạt xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải nước khác không phải bây giờ mới diễn ra. Trước đó Trung Quốc cũng có động thái tương tự khi đưa hàng ngàn tàu cá ồ ạt kéo xuống biển Đông, vào vùng lãnh hải của Việt Nam. 

Đây cũng được coi là một kiểu "chiến tranh nhân dân" - một khái niệm vốn chỉ quen dùng cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc - mà một số quan chức phái diều hâu Trung Quốc vẫn ngông nghênh tuyên bố. Ngoài ý nghĩa khiêu khích, động thái này cũng được coi như một chiêu thăm dò phản ứng của các nước, đồng thời cũng là dịp thử nghiệm, "tập dượt" cho một hình thức chiến tranh xâm lược mới của Trung Quốc thời Tập Cận Bình.

No comments: