2016/08/13

THÔNG TIN VỀ VIỆC VIỆT NAM TRIỂN KHAI TÊN LỬA Ở TRƯỜNG SA VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG DÂN




Vừa qua, cái “chuồng vịt” BBC đăng cái gọi là phóng sự đặc biệt của phóng viên Greg Torode dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội, nói với Reuters rằng thông tin tình báo cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây. Không những thế, “Báo Bồn Cầu” này còn trắng trợn nhận xét đó là “một động thái có thể khiến căng thẳng với Bắc Kinh”.

Từ trước đến nay, không ai lạ gì kiểu đưa tin mập mờ, “bảy giả ba thật”, nguồn tin ở tít tận đâu đâu chẳng thấy và hầu như không thể xác minh nhưng lại được che chắn dưới những mỹ từ “nguồn tin riêng”, “nguồn tin tình báo”, “nguồn giấu tên”… của bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây. Không những thế, BBC cũng như bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây lại còn sơn phết cho những thông tin ấy đủ thứ nghe có vẻ quan trọng và nguy hiểm. Nào là “các nhà ngoại giao và quan chức quân đội”, lại còn kéo cả “anh bạn cùng hội cùng thuyền” Reuters vào để tăng thêm độ “mộng năng” của thông tin.

Vậy chúng ta cần phân tích xem những thông tin này tác động thế nào tới dư luận và phán đoán về độ thực hư của nó.

1- Mỹ và phương Tây chớ nên coi người Việt như những “anh Bờm”

Chuyện cổ tích “Thằng Bờm” của Việt Nam đã nói đến một nhân vật là “Bờm”. Anh này cả tin đến nỗi ai cũng tin được. Có lần, bố anh ta cho tiền để đi buôn. Có một bọn bất lương chỉ cho anh ta đàn vịt trời và nói rằng chúng muốn bán nó cho anh ta. Thế là Bờm ta dốc túi mua cả đàn vịt, đợi đến chiều sẽ lùa về nhà. Nào ngờ sẩm tối, lũ vịt trời bay mất. Kết quả là Bờm ta mất hết vốn liếng.

Cái kiểu đưa tin “vịt trời” của BBC và hệ thống truyền thông Mỹ và phương Tây cũng vậy thôi. Tin tức được sơn phết đẹp mắt, dùng những ngôn từ lạ tai hấp dẫn, tẩm mùi thơm nức của những thứ “gia vị” này nọ và được bao gói bằng những “cái hộp” hấp dẫn, dán “nhãn mác” của những “thương hiệu” có uy tín hẳn hoi. Tin tình báo cơ mà ! Đắt giá lắm đấy chứ ! Nó khiến cho người đọc đi từ “tò mò” đến “phát thèm”, đi từ “phát thèm” đến đến “nhai nuốt ngấu nghiến” và đi từ “nhai nuốt ngấu nghiến” đến “niềm tin” rằng những thông tin đó là có thật. Chiêu trò này rất xưa cũ nhưng vẫn “câu” được không ít độc giả.

Cũng như đàn “vịt trời” trong chuyện “Thằng Bờm”. Nếu những thông tin đó sau này được kiểm chứng thì nhà đài BBC (cũng như các nhà đài phương Tây khác) liền loa loa cho cả làng biết là họ đã có những dự báo thiên tài. Nhưng than ôi ! Phần lớn những thông tin trời ơi đất hỡi đó thường không được chứng minh mà đa phần là chẳng có cách gì để chứng minh những thông tin đó. Tin tình báo cơ mà ! Cơ mật lắm ! Chứng minh sao được ? Báo Bồn Cầu cũng chẳng bao giờ cải chính những thông tin kiểu như vậy. Nó sẽ nói: “Tôi dẫn lại từ anh Reuters mà. Các anh tìm đến Reuters mà hỏi. Tôi biết đâu đấy” ! Thế đấy ! Kết quả là “đàn vịt trời” bay mất. Còn những độc giả thiếu kinh nghiệm thì… lãnh đủ.

Bây giờ, cái thông tin kiểu “nói như đúng rồi” của BBC về việc Việt Nam triển khai tên lửa ở Trường Sa để nhằm vào các thực thể địa lý do kiến tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông kia cũng chẳng ai có thể xác minh được. “Binh pháp bất kể yểm trá”. Một vấn đề quân sự quan trọng như vậy mà lại lộ lọt ra ngoài thì chắc chắn sẽ có khối tướng tá quân đội mất chức, rơi sao, thậm chí là ra tòa án quân sự.

Thế là đã rõ. Những độc giả trong diện “thằng Bờm” sẽ đặt dấu hỏi: “Tại sao một hoạt động quân sự quan trọng cơ mật như vậy lại bị lộ lọt ra ngoài ?” Đương niên là điều đó sẽ dẫn đến sự nghi ngờ trong nội bộ: “Ai đã tiết lộ thông tin đó ?” Tác dụng cổ vũ cho ai, ủng hộ ai, gây niềm “tự hào vui sướng” cho ai chưa biết, nhưng điều chắc chắn là sẽ xuất hiện nghi ngờ trong nội bộ. Và việc điều tra, xác minh có thể sẽ được tiến hành. Kết quả cuối cùng thì cũng sẽ vẫn là “đàn vịt trời” bay mất.

Vì vậy, những ông chủ của BBC và bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây đừng bao giờ nghĩ rằng độc giả Việt Nam, ít nhất là phần lớn độc giả Việt Nam là những “anh Bờm”. Lý do đơn giản là tổ tiên, cha ông người Việt đã để lại cho họ câu chuyện cổ tích truyền thế về sự dại dột, cả tin của “thằng Bờm”. Điều đó chứng tỏ người Việt đã rút ra được kinh nghiệm sống của mình từ rất xa xưa về việc chớ có cả tin người khác. Còn trong Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ, người Việt đã được giáo dục một điều đơn giản: “Không nghe đài địch”. Về điều này, cả bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây cùng những kẻ chống cộng người Việt lưu vong thường loa lên rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí, không có tự do ngôn luận. Nhưng xin lỗi nhé, từ kinh nghiệm lịch sử của mình, người Việt Nam đơn giản là không tin bố con thằng nào, cũng chẳng phải theo đuôi bố con thằng nào hết.

2- Chính phủ và Quân đội Nhân dân Việt Nam không hoài hơi đi giải thích về “đàn vịt trời”.

Cứ theo như anh “Báo Bồn Cầu” dẫn thì anh ta hãnh diện nói rằng “Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thông tin này là “không chính xác”, mà không giải thích gì thêm” thì ta có thể thấy rõ mức độ lèo lái thông tin của BBC đến đâu. Người ta đã bảo rằng “thông tin không chính xác” nghĩa là người ta đã phủ nhận. Thế nhưng “Báo Bồn Cầu” lại nèo thêm một mệnh đề là “mà không giải thích gì thêm”. Cái mệnh đề thêm vào này sẽ hướng lái độc giả tớ chỗ nghi ngờ rằng: chắc có vấn đề gì đây cần che giấu nên người ta đã không giải thích. Một điều hiển nhiên là thông tin đã không chính xác thì giải thích cái nỗi gì ? Thế nhưng cái mệnh đề thêm vào ấy đã khiến không ít người tiếp nhận một điều xác thực là: Ừ thì “thông tin đó không chính xác” nhưng “không biết có đúng vậy không” vì người ta không giải thích.

Thật tinh vi và xảo quyệt !

Không biết Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có thực sự trả lời trực tiếp cho Reuters hay không nhưng nếu việc này là có thật thì bộ máy truyền thông phương Tây lại đã ăn một “cái tát trời giáng” từ một vị tướng Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao và tình báo. Câu trả lời của ông (giả sử nó tồn tại) là một mũi tên bắn trúng tới ba cái đích.

Trước hết, ông cũng khẳng định rằng không có chuyện Việt Nam triển khai tên lửa ở Trường Sa như báo chí phương Tây (có thể cả Trung Quốc nữa) đã nêu. Thứ hai, ông còn nói thêm rằng “Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi.” Câu nói này (nếu có) nhằm vào cả Trung Quốc và Mỹ bởi cả hai nước này đều lớn tiếng yêu cầu Việt Nam rút các tên lửa ra khỏi các đảo ở Trường Sa. Thứ ba, ông muốn nói với các hãng thông tấn phương Tây rằng, nếu các ngài không có thông tin xác thực thì đừng đưa ra những lời đồn đoán có thể gây rắc rối thêm tình hình.

3- Việt Nam có cần triển khai tên lửa ở các đảo tại Trường Sa ?

Để tấn công một hòn đảo thì đường bộ chắc chắn bị loại trừ. Chỉ còn đường biển và đường không. Trong đó, tấn công đường không chủ yếu là dùng hỏa lực mạnh chế áp, tiêu diệt sinh lực đối phương, tạo điều kiện cho hải quân đánh bộ tấn công chiếm đảo bằng các chiến thuật đổ bộ. Các loại vũ khí trên tàu nổi như tên lửa hải đối hải, hải đối đất, pháo hạng nặng… cũng có nhiệm vụ phát huy hỏa lực của mình vào các mục tiêu của đối phương trên đảo. Nếu mũi tấn công đường không không hoàn thành nhiệm vụ, việc chiếm đảo sẽ được quyết định bằng các trận đánh đẫm máu, dai dẳng giữa quân đổ bộ và quân đồn trú.

Tuy nhiên, trong điều kiện các bên giao chiến đều có đủ các vũ khí, khí tài tác chiến trên không, trên biển, dưới lòng biển thì việc tấn công và đánh chiếm một hòn đảo không còn là việc giản đơn nữa. Tác chiến không – biển – đảo sẽ là cuộc tác chiến tổng hợp mà bên tấn công nếu muốn giành thắng lợi phải có binh lực áp đảo ít nhất gấp 5 đến 7 lần binh lực của bên phòng thủ chứ không chỉ gấp 3 lần như trên đất liền. Lợi thế của bên phòng thủ là có các cấu trúc phòng thủ kiên cố và hệ thống hỏa lực được chuẩn bị trước, có các tàu nổi, tàu ngầm và máy bay chiến đấu yểm hộ. Trong đó, hỏa lực trên đảo đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho hỏa lực trên tàu nổi và trên không. Vì vậy, phòng thủ đảo là việc phòng thủ đường không và đường biển. Và cái mà bên phòng thủ cần là hệ thống vũ khí đối không và hên thống vũ khí đối hải chứ không phải hệ thống vũ khí đối đất. Thế những BBC lại bình luận rằng các tên lửa EXTRA mà họ cho rằng Việt Nam đã triển khai trên 5 đảo có tầm bắn khoảng 150 km có thể vươn đến các thực thể địa lý mà Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam như Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Gạc Ma, Đá Hughes… 

Tướng Nguyễn Chí Vịnh không cần nói thì cả thế giới cũng đều biết rằng Việt Nam vừa mua hệ thống tên lửa phòng không SPIDER của Israel. Sở dĩ như vậy vì hợp đồng mua bán vũ khí này được công khai theo luật của Nhà nước Israel. Người ta chỉ không công bố tính năng chi tiết của vũ khí và giá cả. Tuy nhiên, vì SPIDER là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung của Israel nên BBC phải đưa ra một điều cũ chứ không mới: hệ thống EXTRA. Thực chất thì hệ thống EXTRA đã được đưa vào biên chế của Hải quân Nhân dân Việt Nam từ lâu. Người ta có thể thấy nó trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày Hải quân Nhân dân Việt Nam tại Cam Ranh ngày 7-5-2015. Đây là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được điều khiển bằng vệ tinh, được phóng từ các bệ phóng cố định hoặc cơ động. Nó nhỏ, nhẹ, có thể lắp đặt trên các xe tải kiểu Kraz hoặc Ural mà Việt Nam sẵn có.

Với những tính năng được biết đến như vậy, các tên lửa EXTRA có thể được bổ sung cho cấu trúc phòng thủ đảo của Việt Nam nhưng mục tiêu của chúng không phải là các cấu trúc hạ tầng mà Trung Quốc đã xây cất trái phép trên các các bãi đá nếu trên. Hãy thử tưởng tượng xem 150 kg thuốc nổ có thể làm gì với các cấu trúc bê tông cốt thép đó, bao gồm cả đường băng sân bay, các hầm ngầm bê tông kiên cố ? Vậy thì các tên lửa EXTRA nếu được triển khai cũng chỉ nhằm mục đích phòng thủ chống tàu nổi chứ không phải nhằm mục đích tấn công. Việc BBC cho rằng mục tiêu tấn công của các tên lửa Việt Nam (trong trường hợp nó được triển khai)  là nhằm vào các thực thể địa lý ở Trường Sa mà Trung Quốc đang chiến đóng bất hợp pháp của Việt Nam là một thông tin có tính khiêu khích với ý đồ đẩy Việt Nam và Trung Quốc đối đầu với nhau trên Biển Đông. Phát biểu của ông Carl Thayer, một chuyên gia về quân sự Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, rằng: “Việc Hà Nội triển khai giàn phóng tên lửa cho thấy tính nghiêm trọng về mức độ quyết tâm của Việt Nam muốn răn đe quân sự với Trung Quốc ở mức nhiều nhất có thể” càng cho thấy rõ ý đồ đó.

Việt Nam luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của mình trên các vùng biển và hải đảo ở Biển Đông nhưng luôn kiềm chế, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không nổ súng trước bởi không hề mong muốn một cuộc xung đột nổ ra. Thật vô lý đến nực cười khi cho rằng “Việt Nam muốn răn đe quân sự với Trung Quốc” dù ở bất kỳ mức độ nào đi nữa.

4- Thấy gì đằng sau việc BBC và các hãng truyền thông phương Tây tung ra thông tin về việc Việt Nam triển khai tên lửa ở các đảo do Việt Nam đang thực thi chủ quyền.

Trước hết là Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bỏ lỡ dịp này và tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Sa và các vùng nước lân cận. Trung Quốc kiên quyết phản đối quốc gia chiếm đóng phi pháp một phần Nam Sa của Trung Quốc, và lại tiến hành xây dựng và điều động quân sự phi pháp ở các đảo và đá ngầm bị chiếm đóng phi pháp tại Nam Sa”. Nếu thay từ “Trung Quốc” bằng từ “Việt Nam” và từ “Nam Sa” bằng cụm từ “Hoàng Sa và Trường Sa” thì ta có thể có được một lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Trung Quốc xây dựng trái phép, bố trí trái phép, điều động quân sự trái phép trên các thực thế địa lý mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Điều này không có gì lạ bởi đôi bên đã có không dưới hàng trăm lần đưa ra những tuyên bố kiểu này.

Tiếp theo, đối với phản ứng của Mỹ thì rõ ràng Reuters và BBC đã đưa tin thiếu trung thực. Cụ thể là họ đã cắt xén đi một nửa tuyên bố của một quan chức Bộ Ngoại giao (một lần nữa, lại không biết là ai đã tuyên bố). Bài báo viết: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tuyên bố có chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa tránh có hành động gây căng thẳng, thực hiện các bước thiết thực để xây dựng lòng tin, tăng cường những nỗ lực để tìm các giải pháp ngoại giao và hòa bình cho tranh chấp”. Trong khi đó, từ một nguồn tin khác, người ta được biết rằng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Elizabeth Trudeau đã tuyên bố tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, 10-8-2016 rằng” “Chúng tôi nhận được báo cáo về chủ đề này. Việt Nam đã triển khai các hệ thống tên lửa tầm ngắn trên một số tiền đồn của họ ở quần đảo Trường Sa.” Bà này còn trắng trợn đòi Việt Nam rút các tên lửa khỏi Trường Sa để tránh leo thang căng thẳng. Và câu trả lời của tướng Nguyễn Chí Vịnh là: “Chúng tôi có quyền lợi hợp pháp để phòng thủ và di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ đâu trong phạm vi chủ quyền, lãnh thổ của mình.”.

Trong các phản ứng vè vấn đề này, chỉ có người Nga đưa ra câu trả lời khách quan nhất, bởi như chính quyền Nga đã tuyên bố: Nga không có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông và Nga không chấp nhận việc một quốc gia ngoài khu vực nhúng tay can thiệp vào những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Giáo sư người Nga Dmitry Mosyakov đã có bình luận đăng trên trang Sputnik. Trong đó, ông viết: “Lịch sử mấy thập kỷ gần đây là câu chuyện về cái cách mà Trung Quốc đã dần dần chiếm đóng quần đảo Trường Sa như thế nào. Trong đó, rõ rệt nhất là trận hải chiến năm 1988, khi  người Trung Quốc đánh chìm ba tàu của Việt Nam. Và nếu bây giờ Trung Quốc bố trí căn cứ của mình trên các hòn đảo, chuẩn bị  để sử dụng vào mục đích quân sự, thì chuyện đương nhiên là Việt Nam phải có các biện pháp đáp trả  với mục đích đảm bảo quyền của nước mình với những hòn đảo. Chính Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa án La Haye, thay vì đàm phán lại bắt đầu quân sự hóa những hòn đảo, và như vậy không thể không tạo phản ứng đáp lại”.

5- Nhà nước Việt Nam có cần thông tin đến các công dân của mình về hoạt động bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông nói chung, với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng không ?

Đương nhiên là rất cần thiết ! Từ nhiều năm nay, Nhà nước Việt Nam đã cung cấp đến công chúng rất nhiều thông tin về các hoạt động bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông nói chung, với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng. Đây là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những thông tin được cung cấp phải là những thông tin chính xác và nằm trong phạm vi được phép công bố vì lợi ích quốc phòng và an ninh.

Thế nhưng một số tờ báo trong nước cũng như các trang tin của người Việt ở hải ngoại cố tình lờ đi những lợi ích về quốc phòng và an ninh của Tổ Quốc Việt Nam để đòi hỏi Đảng và Nhà nước Việt Nam phải mình bạch hóa tất cả các thông tin về vấn đề này, bao gồm cả các vấn đề về triển khai binh lực, vũ khí, phương tiện phòng thủ. Bậy bạ hơn, các trang tin phản động của một số thế lực trong và ngoài nước còn láo xược đặt vấn đề: Ngân sách quốc phòng được tiêu pha như thế nào ?

Những đòi hỏi kể trên trên thực sự không chỉ là thiếu hiểu biết, là vô nghĩa lý, là vô trách nhiệm mà còn là một hành vi “nối giáo cho giặc”, dù vô tình hay cố ý. Xung quanh việc có hay không có vụ triển khai tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa, cũng đã có không ít các trang tin, báo đặt vấn đề kiểu như vậy. Họ tưởng rằng làm như thế là có trách nhiệm, là dân chủ, là công khai minh bạch nhưng trên thực tế, họ đang “nối giáo cho giặc”, đang reo rắc hoài nghi trong nhân dân Việt Nam và dư luận về quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông nói chung, với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang Việt Nam.

Bảo vệ Tổ Quốc là trách nhiệm của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang và của toàn dân. Tuy nhiên, ở mỗi cương vị, mỗi tổ chức, mỗi công dân với vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ khác nhau thì hành động cũng không giống nhau cho dù mục tiêu là chung. Việc quân sự cơ mất không phải trò đùa để ai ai cũng có thể bàn ra tán vào. Bí mật quân sự không phải chuyện chơi để ai ai cũng có thể mang danh công dân ra để đòi hỏi kiểu “tôi muốn biết”. Những bí mật đó cần phải giữ cho chặt, cho kín trước hết là vì sự tồn vong của dân tộc, vì số phận của cả hơn 90 triệu người Việt Nam trên dải đất hình chữ S này chứ không phải chuyện thường ngày mà được đăng lên báo chí.

Vì thế, cá nhân ai đó, một nhóm người nào đó không được phép nhân danh Nhân dân để đòi hỏi Quân đội, Công an, Nhà nước phải công bố cái này, phải công bố cái kia theo yêu sách của riêng mình. Nếu không phải là xuất phát từ động cơ tò mò, hay để xoa dịu sự lo lắng thì chỉ có thể là đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, là tiếp tay cho các thế lực ngoại bang gây tổn hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã không ít lần giải thích, cung cấp thông tin cho toàn dân được biết về các biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự, tóm lại là các hoạt động bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông nói chung, với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng. Còn cung cấp đến đâu, cung cấp thông tin nào phải phụ thuộc vào lợi ích của việc cung cấp thông tin đó. Nếu ai đó còn cố tình xuyên tạc, bịa đặt, reo rắc nghi ngờ thì sau khi đã nhiều lần khuyên bảo mà vẫn tái phạm, những biện pháp xử lý bằng pháp luật sẽ được thực hiện. Và khi đó, những ai đã mắc sai phạm đừng nên oán thán và kêu la rằng đất nước này không dân chủ, không minh bạch, không tự do, không nhân quyền. Nên nhớ rằng nhân quyền không thể cao hơn chủ quyền dân tộc. Tự do không thể cao hơn pháp luật. Dân chủ không thể cao hơn sự ổn định xã hội. Và mọi sự minh bạch đều không thể cao hơn lợi ích quốc gia. Đó là những giới hạn mà mọi công dân lương thiện, có trách nhiệm ở bất kỳ một quốc gia nào đều phải nhận thức được và tuân thủ.

No comments: