2016/08/05

Câu nói hay của Thủ tướng

Mõ Làng



Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đề cập việc “truy tới cùng, làm tới cùng”. Bởi theo Thủ tướng, lâu nay “ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Ngay ngày hôm nay phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu”

"Bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng ai cả" đấy là căn bệnh kinh niên của triệu chứng trách nhiệm tập thể, của triệu chứng sợ trách nhiệm, triệu chứng thành tích, triệu chứng lợi ích nhóm và đặc biệt là triệu chứng người bắn bị "liệt cò" do tay trót nhúng chàm.

Kỷ luật hành chính lâu nay cực kỳ lõng lẻo, không thể kể xiết những vụ việc sai phạm, vi phạm luật công chức nhưng cuối cùng vẫn là đơn thuốc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, hoàn thành nhiệm vụ. Sợi dây kinh nghiệm cứ dài mãi, dài mãi không dứt.

Thực trạng căn bệnh trên bảo dưới không nghe hoặc tìm cách bưng bít, đối phó trong bộ máy hành chính vẫn chưa có thuốc đặc trị. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói một câu để đời "từ khi làm Thủ tướng chưa kỷ luật một ai". Còn nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì "kỷ luật hết lấy ai mà làm việc"! Đủ thấy để "bắn có địa chỉ" khó biết nhường nào.

Lần này, để bắn trúng đích, tân Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác của Thủ tướng để theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói rằng, việc thành lập tổ công tác này sẽ giúp tránh việc "bắn chim trên trời", tức là giao nhiệm vụ không có người kiểm soát, không có người đôn đốc.

Điều này cũng gián tiếp nói lên rằng, bộ máy hiện nay chưa đáng tin cậy, mặc dù nó mới được kiện toàn qua kỳ đại hội Đảng, bầu cử các cấp vừa qua. Đảng có Ủy ban Kiểm tra, Chính phủ có Thanh tra chính phủ và hệ thống chuyên trách tổ chức cán bộ nhưng vẫn không đủ độ tin cậy.

Quyết tâm của Thủ tướng là một điểm sáng đáng ghi nhận và tin tưởng song giải pháp "tổ công tác" chỉ có tác dụng tức thời với những việc cụ thể và khi những việc cụ thể nhiều lên thì không thể theo đuổi được.

Trong điều hành hoạt động của bộ máy hành chính có một biện pháp hết sức căn cơ nhưng nhiều năm qua đang mất hiệu lực, đấy là truy đến cùng chế độ trách nhiệm. Hệ thống tổ chức nhà nước được xây dựng theo tầng bậc, rất chặt chẽ từ trung ương đến địa phương cấp xã, phường. Ở các cơ quan bộ nghành thì từ tư lệnh ngành đến tổ, đội công tác. Ở mỗi tầng bậc tổ chức ấy đều có một cấp trưởng và nhiều cấp phó.

Nếu chế độ trách nhiệm của từng cấp được thực thi một cách nghiêm túc và khi xảy ra sai sót bị quy trách nhiệm một cách kiên quyết, triệt để thì mới giải quyết được một cách căn cơ căn bệnh nhờn thuốc hiện nay.

Một chủ tịch xã, phường, trưởng phòng không thể nói "bất ngờ" khi mà trên địa bàn của mình tồn tại những cơ sở sản xuất, phục vụ vi phạm các quy định của luật pháp, tội phạm lộng hành mà trả lời là không biết, bất ngờ. Cả trong trường hợp là không biết, bất ngờ thật thì cán bộ đó thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực chuyên môn. 

Trong các chức danh lãnh đạo thì cấp trưởng là cấp là vị trí quyết định thành bại, vì vậy chọn lựa cấp trưởng có trách nhiệm, công tâm là quan trọng bậc nhất trong công tác cán bộ. trước mắt có thể sử dụng "tổ công tác" như một phương thuốc cấp cứu. Về lâu dài thì quy chế độ trách nhiệm là cách tốt nhất, căn cơ nhất để điều hành bộ máy hành chính hiệu quả. 

Quyết tâm xây dựng "Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp". Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, không để gây mất niềm tin trong nhân dân là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, để quyết tâm đó không dừng lại ở khẩu hiệu thì phải thực hành chế độ trách nhiệm một cách nghiêm túc.

No comments: