![]() |
Việt Nam luôn đảm bảo quyền tự do báo chí của công dân |
Cứ đến hẹn lại lên, tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RSF) lại đưa ra công bố về cái gọi là “bảng xếp hạng tự do báo chí” toàn cầu. Mới đây, tổ chức này đã đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của tự do truyền thông” và xếp Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia “đàn áp tự do báo chí”.
Vẫn là những luận điệu cũ rích được nhai đi nhai lại về tự do báo chí của tổ chức “Phóng viên không biên giới”. Vẫn là thói chụp mũ, áp đặt một chiều, đưa ra những thông tin thiếu khách quan, thiếu thiện chí về Việt Nam của một tổ chức từ lâu đã bị các cá nhân, tổ chức thù địch với Việt Nam thao túng, chi phối. Họ giải thích rằng, lý do xếp Việt Nam vào top các quốc gia “đàn áp tự do báo chí” là bởi vì các vụ bắt bớ các “nhà báo”, những người hoạt động truyền thông xảy ra liên tiếp ở Việt Nam trong năm qua.
Tổ chức “Phóng viên không biên giới” luôn tự cho mình cái quyền làm quan tòa để đứng ra phán xét về tình hình tự do báo chí của các nước trên thế giới nhưng thực chất họ lại chẳng hiểu gì về tự do báo chí và tình hình hoạt động báo chí ở Việt Nam.
Trước hết, xin nói với tổ chức “Phóng viên không biên giới” rằng, tự do là cái mình muốn mà hợp quy luật. Quyền tự do là quyền con người không bị hạn chế, cấm đoán một cách vô lý. Chính vì vậy, quyền tự do báo chí là quyền hoạt động báo chí mà không bị nhà nước cấm đoán một cách vô lý. Quyền tự do báo chí phụ thuộc vào đặc thù kinh tế xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc vì thế quyền tự do báo chí không thể giống nhau giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia có đặc thù riêng vì thế nó phải phù hợp với các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng ở quốc gia đó. Báo chí không thể sinh ra từ một cơ sở hạ tầng và vượt qua các thành tố khác của kiến trúc thượng tầng. Vì thế tự do báo chí không phải là quyền được nói tất cả mà nó phải phù hợp với các thành tố khác của kiến trúc thượng tầng của quốc gia đó.
Trong xã hội có giai cấp, tồn tại nhiều giai cấp khác nhau, với sự khác biệt về lợi ích thì cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là cuộc đấu tranh phức tạp, quyết liệt và lâu dài. Báo chí là một loại hình hoạt động chính trị xã hội. Khi tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ xã hội, can thiệp vào quá trình vận động của xã hội, báo chí không chỉ liên quan đến các giai cấp trong xã hội mà còn mang tính chất giai cấp. Nó trực tiếp phản ánh quyền lợi và đấu tranh nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của một giai cấp nhất định. Do đó, không thể có tự do báo chí một cách tuyệt đối. Báo chí bao giờ cũng mang tính giai cấp, nó phản ánh và bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp quản lý nó.
Ở Việt Nam, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lí của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí” (trích Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong tình hình mới”).
Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Khoản 1, Điều 4 Luật Báo chí Việt Nam năm 2016 nêu rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.
Điều 10, Luật Báo chí Việt Nam năm 2016 quy định về quyền tự do báo chí của công dân cũng nêu rõ, quyền tự do báo chí của công dân bao gồm: Sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in.
Luật Báo chí cũng quy định: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng.
Không chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật, trên thực tế, quyền tự do báo chí ở Việt Nam cũng đã được Nhà nước Việt Nam đảm bảo thực hiện. Điều đó được thể hiện, theo thống kê, đến hết năm 2015: Về báo chí in, cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí trung ương, 137 tạp chí địa phương), 01 hãng thông tấn quốc gia.
Về báo chí điện tử: cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248.
Về phát thanh, truyền hình: cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình (02 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trước đây thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nay đã chuyển sang trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài địa phương).
Số kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá là 183 kênh, với 106 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá (năm 2015 cấp mới kênh FM cảm xúc và kênh Tiếng Anh 24/7; cấp mới 01 kênh truyền hình quảng bá, kênh Giáo dục - VTV7, cho Đài Truyền hình Việt Nam); 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền.
Về đội ngũ cán bộ, phóng viên và nguồn nhân lực báo chí: Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35.000 người (tăng trên 3.000 người so với năm 2011).
Như vậy, với những gì mà Nhà nước Việt Nam đã thực hiện để đảm bảo quyền tự do báo chí thì không thể nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia “đàn áp tự do báo chí” như những gì tổ chức “Phóng viên biên giới” công bố.
Lại một bản công bố thể hiện sự định kiến, thiếu khách quan và thù địch của tổ chức “Phóng viên biên giới” về tự do báo chí ở Việt Nam.
Việt Nguyễn
No comments:
Post a Comment