2016/01/07

Chung Nguyên


Mới đây, đoàn thanh tra của Chính phủ vừa tiến hành tranh tra Công ty xổ số Tiền Giang và phát hiện một số sai sót nghiệp vụ về nhân sự, quỹ và nhà ở.

Sai phạm của công ty xổ số thì rõ ràng rồi, nhưng thật lạ, hầu như không một ai thắc mắc vào cái sai trong việc thực thi chính sách Nhà nước của công ty.

Cả xã hội như dồn công lực xoáy vào mức lương 730 triệu đồng cho một năm của vị lãnh đạo. Từ anh xe ôm, chị bán trà đá cho đến các trí thức tên tuổi khi hay tin đều nhất loạt lắc đầu nguầy nguậy như Vương thái y khi ngồi khám lâm sàng cho Ôn Uyển.

Lương ông lãnh đạo có vẻ hơi cao quá, mặc dù năm rồi ông đã tạo ra lợi nhuận khiêm tốn cho công ty chỉ có gần 500 tỉ đồng thôi.

Nếu lương lãnh đạo công ty được hưởng tính theo phần trăm lợi nhuận, thì chỉ cần ở mức 1%, vị chủ tịch kiêm giám đốc kia cũng xứng đáng nhận gần 5 tỉ.

Để dễ hình dung hơn, tiền hoa hồng cho bộ phận bán hàng của các công ty bảo hiểm dao động từ 38-47% doanh số tháng (chưa kể lương cứng).

Nhiều bài báo dẫn ra hình ảnh của những người nghèo bán vé số để ám chỉ sự bất công trong nội bộ công ty xổ số, đây rõ ràng là một hình thức kích động, dẫn bóng tư duy không mấy đàng hoàng.

Trong một nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang vận động thế giới công nhận, chỉ cần chủ lao động không vi phạm luật lao động, thì chẳng có lý do gì để bất kỳ ai nhân danh bất kỳ điều gì đòi hỏi thứ công lý không tồn tại là cào bằng mức sống.

Đó là tội ác chống lại sự tiến hóa, phát triển khách quan của nhân loại.

Dưới con mắt của nhiều người thì xổ số là hình thức bán giấy lộn giá cao, nhàn nhã và siêu lợi nhuận.

Nên hiển nhiên, người lãnh đạo công ty xổ số nên hưởng mức lương tương đương đội quân bách nghệ chợ Cầu Bươu, tức khoảng 150 nghìn đồng cho mỗi ngày ngồi nhiệm sở.

Người phương Tây thì không nghĩ vậy, những vị trí lãnh đạo luôn được hưởng một mức lương rất khủng, vì dù rằng lương có cao đến đâu, chắc chắn cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong lợi nhuận người lãnh đạo tạo ra cho công ty.

Một mức lương hấp dẫn không chỉ đảm bảo đời sống, mà còn khiến người nhận lương chịu áp lực phải làm việc nghiêm túc, gắn bó, có trách nhiệm hơn vì chiếc ghế của họ luôn được nhòm ngó bởi hàng chục, hàng trăm cấp dưới đầy năng lực và tham vọng.

Một sai sót nhỏ thôi thì họ sẽ rơi từ trên trời xuống vực, vì động lực của phát triển và sáng tạo chính là sự cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh mang tính sinh tồn.

Những công việc gắn với trọng trách lớn lao, một mức lương cao sẽ đảm bảo việc khắc phục hậu quả nếu điều hành có sai sót.

Một giám đốc quản lý trong tay quỹ tiền trăm tỉ với mức lương vài triệu đồng, thì khi xảy ra thất thoát họ sẽ phải làm gì để đền? Bán nhà, bán con hay bán thận?

Trong những ngành nghề mà bí mật thông tin liên quan đến sự tồn vong của tổ chức, như xổ số, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ…, mức lương cao cho những vị trí then chốt sẽ là tấm khiên bảo vệ tốt nhất cho an toàn thông tin.

Trả mức lương xứng đáng cho người có tài là chính sách được cha ông ta áp dụng từ ngàn xưa chứ không hề mới.

Thời phong kiến, tuy lương quan chức không cao, nhưng họ đều được cấp thêm một khoản tiền lớn gọi là tiền dưỡng liêm đủ để sống cả đời no ấm.

Vì thật khó mà tin được một lãnh đạo thu nhập thấp lương không đủ ăn tiêu, từ gà gáy sáng đến lúc trăng treo ngọn sào vẫn nghe vợ thì thào thóc cao gạo kém, lại có thể hết mình chuyên tâm công việc.

Liệu một người có đủ sắt đá ngoảnh mặt làm ngơ khi con thơ xòe tay xin tiền học phí?

Tấm áo mới, miếng bánh ngon cho con cái là những nhu cầu chính đáng.

Nếu thu nhập từ lương không thể đáp ứng điều này, họ sẽ phải tìm cách xoay sở kiếm thêm bằng cách sử dụng quyền hạn của mình để khai thác kẽ hở của luật pháp, chính sách và góp phần tạo ra tiêu cực xã hội.

"Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", câu răn từ thủa xưa nhưng chưa bao giờ là cũ.

Hãy trả mức lương xứng đáng nếu thực sự muốn có người lãnh đạo xứng tầm.

Nếu có ai đó giơ tay lên và nói rằng: ”Hãy cho tôi làm lãnh đạo, tôi chỉ cần mức lương thấp thôi”, thì hoặc đó là một người vô dụng ăn không ngồi rồi có cũng như không, hoặc là một kẻ gian hùng định chui sâu luồn cao mưu cầu vơ vét sao cho đầy túi.

Thứ định giá sức lao động trí óc phải là thị trường, chứ không phải trái tim, nhà báo hay dư luận mạng.

*Bài viết thể hiện nhận định và quan điểm cá nhân của người viết

Theo Trí Thức Trẻ

No comments: