Phát
biểu thảo luận tại Đại hội Đảng sáng nay, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang
Vinh, ủy viên TƯ khóa 11, nói: Việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi
mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
mở đầu tham luận bằng những con số được coi là hiện thân sống động cho
thành quả không thể phủ nhận của 30 năm Đổi mới: Từ 1986 đến nay, thu
nhập bình quân đầu người tăng 4 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 95% xuống
còn dưới 5%. Nhưng thực tế, hiện nay VN vẫn là một nước nghèo.
So
sánh là khập khiễng nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nếu không
bằng lòng thỏa mãn thì nhìn vào tương quan nước bên cạnh có cùng điều
kiện thấy VN đang đứng trước yêu cầu đổi mới cấp bách hơn bao giờ hết.
Đầu
thế kỷ 19, vào năm 1820, VN đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về
dân số cũng như quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar gộp
lại, gấp hơn 1,5 Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ
mức trung bình của thế giới.
Hiện
nay, theo số liệu 2014, thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ
bằng 1/5 mức trung bình của thế giới, nghĩa là 2052 USD/gần 12 nghìn USD
bình quân thế giới, chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân của Thái Lan.
Trong khi cùng thời gian Đổi mới của VN, Hàn Quốc đã từ nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia có kinh tế phát triển.
Cơ hội vàng dân số sắp hết
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý VN đang trong cơ hội ngắn ngủi còn lại của dân số vàng và theo tính toán đến năm 2020 là hết, dù cơ quan chức năng tính thêm thêm 5 năm là 2025.
Bên
cạnh đó, động lực từ công cuộc đổi mới trước đây mang lại đang dần ít
phát huy tác dụng. Dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao
động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi
thế.
Trong
khi, VN đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, chúng
ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó nâng cao năng
lực cạnh tranh của nền kinh tế là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
“Vì
ba lý do nêu trên, VN phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả
hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì
trệ kéo dài rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông nói.
'Hầu như chưa làm'
Bộ
trưởng Bùi Quang Vĩnh nhớ tại hội trường diễn ra Đại hội 12 cách đây 5
năm, Đại hội 11 thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội
2011-2020.
Trong
đó, tại trang 99 nêu rõ, phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi
mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ đổi mới kinh tế theo lộ trình thích
hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng
XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp
quyền XHCN, mở rộng dân chủ trong Đảng và xã hội....
“Thực
tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế và đạt một
số kết quả nhất định. Nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm.
Chính vì vậy, công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại
hiệu quả như mong muốn”, ông nói.
Ông
cho rằng, 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc
đổi mới, đó là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền
kinh tế thị trường, làm thay đổi căn bản cuộc sống của người dân và đưa
đất nước phát triển
Tuy
vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng,
Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay
đổi.
“Một
hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước
đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh nay không còn phù hợp nền
kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát
triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.
Bộ
trưởng cho rằng, Đảng là người lãnh đạo cao nhất đất nước, cần chủ động
nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, thực hiện nghiêm chỉnh những nghị
quyết mà Đại hội toàn quốc quyết định, kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ
chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà
nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn.
“Đây
là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo.
Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm
gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước, dân
tộc”, ông nói.
3 trụ cột quan trọng
Về
đổi mới thể chế kinh tế, Bộ trưởng nhấn mạnh 3 trụ cột: Thịnh vượng
kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường, thực hiện công bằng và hội
nhập xã hội, hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người, nâng cao năng lực
và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Cụ
thể, ông cho rằng, VN phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục
trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7%.
Có nghĩa là tương đương mức tăng trưởng GDP hàng năm 8%.
Để
đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15 nghìn đến 18
nghìn USD. Để đạt mục tiêu này, con đường duy nhất là tăng năng suất.
Phải
tập trung cao độ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước,
mà chủ yếu chính là doanh nghiệp tư nhân, cả chất lượng và số lượng, coi
sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe nền kinh tế.
Trước
mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh, hiệu quả cho các doanh
nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện củng cố nền tảng của kinh tế
thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, và xác định các chính
sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiết kiệm vốn, đất đai, tài
nguyên, thông tin.
Ông
chỉ ra, năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém trong phát
triển khu vực tư nhân do Nhà nước thiếu hiệu quả, do điều kiện lịch sử
VN, những thiết chế công bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún, thiếu sự
giám sát của người dân.
Ngoài
ra, khuôn khổ pháp lý của VN đã tạo không gian nhất định cho công dân
tham gia vào quá trình quản trị Nhà nước. Nhà nước của dân, do dân, vì
dân, dân biết dân làm dân bàn dân làm kiểm tra là những điều khẳng định
rõ trong Hiến pháp nhưng thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách này với
thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị Nhà nước.
Quy trình bầu cử, cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa thực sự bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân...
Nguồn: VietNamnet
No comments:
Post a Comment