2016/01/22

CỤ RÙA HÀ NỘI

http://trelangblogspotcom.blogspot.com/2016/01/cu-rua-ha-noi.html






Mùng 2 Tết Tân Mão 2011, tôi và cậu em đi săn ảnh Tết, đi qua Hồ Gươm thấy vài người đứng tụ tập nhìn xuống Hồ, biết là Cụ nổi nên chạy lại bấm vài tấm, hôm đó chụp bằng Mamyia7, phim khổ 6x7, trời Hà Nội ngày Tết ban sáng có nắng vàng nhuộm, ấm áp và vắng người.

Từ chỗ tôi đứng chụp Cụ, nếu ngồi xuống với tay một cái là có thể chạm. Cụ rất yếu, bàn chân trước cào cào những chiếc móng to vào bờ kè bê tông như muốn leo lên bờ, thoát ra ngoài.

Sau khi in tráng phim, về phóng to thấy trên cơ thể của Cụ nhiều vết thương, bèn gửi email cho Giáo sư Hà Đình Đức, chuyện với tôi chỉ có thế. Sau đó, Hà Nội làm cả một dự án lớn để đưa Cụ lên bờ chữa chạy vết thương, cải tạo lòng hồ, diệt ốc bươu vàng ... Tôi không bao giờ cho rằng, bức ảnh của tôi có tác động đó, đó là công sức của rất nhiều con người, những ai cần có Cụ. Điều đó là chính đáng.

Hôm nay Cụ đã ra đi vĩnh viễn ... Cho đến giờ này, tức sau vài tiếng người ta phát hiện ra Cụ đã mất, báo chí vẫn bị khống chế đưa tin. Điều này là bình thường, Cụ đặc biệt và thời điểm Cụ mất, rất đặc biệt. Với những chính trị gia và nhà quản lý, đó không phải là Cụ Rùa, đó là thể quy tụ tâm tư hàng triệu người.

Một số người trong chúng ta cố gắng không gọi Cụ là rùa, hay Cụ Rùa, họ cho rằng đó chỉ là một loài vật, có thể là con giải hay con ba ba. Tôi không có bất cứ nhận định nào về sự phán xét của họ vì đó cũng là một dạng quan điểm; với tôi và hàng triệu người, Cụ là một biểu tượng của Hà Nội.

Hà Nội cũng chỉ có một vài biểu tượng ít ỏi, dù là người Việt hay người ngoại quốc khi đi qua Hồ Gươm, vẫn tâm niệm hay được giới thiệu rằng, dưới mặt nước yên ả kia là một biểu tượng sống trăm năm, điều đó luôn đặc biệt, như một Hà Nội sống. Vì vậy, tôi gọi là Cụ.

Hà Nội có nhiều biểu tượng chết, không phải là thực thể sống duy nhất như Cụ, trong tâm tưởng triệu người, Cụ là linh vật của Hà Nội, bằng tuổi tác như một nhân chứng sống chứng kiến biết bao nhiêu số phận con người, bằng liên tưởng sự tích "hoàn kiếm" thời Lê như một bản tuyên ngôn điển tích chống giặc phương Bắc của lịch sử: "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa".

Các nhà khoa học khi phân tích ADN của Cụ đã cho rằng, Cụ sống hơn 100 năm, có lẽ từ thời Pháp đã đô hộ Hà Nội, ngày đó Hồ Gươm là phần còn lại của Sông Hồng, một bên là Kẻ Chợ 36 phố phường, một bên là tàn tích của dinh Chúa Trịnh. Thực dân Pháp chưa từng chiếm đóng nước ta toàn phần, Nhà Nguyễn vẫn còn Kinh đô Huế và Hoàng Sa, Trường Sa ... Hiện trạng như hôm nay có lẽ không phải do người Việt, chắc chắn Cụ biết rõ điều đó, từ xưa cho đến bây giờ ...

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Cụ trở nên linh thiêng hơn khi người ta thống kê được rằng, không phải tất cả nhưng một số lần Cụ nổi, đều ứng với một sự kiện trọng đại nào đó, đại hỷ như Ngày Lễ 1000 Năm Thăng Long hay đại tang như Ngày mất của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ...

Mọi người hiện tại đang bàn tán về ngày Cụ mất, hôm nay, trước thềm Đại Hội một ngày với nhiều đồn đoán. Tôi chỉ là một người dân thường, chẳng biết gì mà nói, vào giờ phút này, tôi chỉ nhớ tới hình ảnh cận mắt trước Cụ chắc chỉ một cái với tay, bàn chân to sẫm vàng như một Vị Hoàng Đế trong chiếc áo long bào, bất lực và yếu ớt cào cào vào mặt gạch đá bê tông, như muốn thoát khỏi hiện thực này ...

Giờ Cụ đã thật sự thoát khỏi thân xác trăm năm. Chắc chắn, Cụ đã siêu thoát, về với Đức Phật!

Na Mô A Di Đà Phật!

No comments: