2016/06/06

Huyền thoại quyền anh Muhammad Ali và sự nghiệp "đấu tranh giai cấp"

Chiềng Chạ
Chân dung Muhammad Ali (Nguồn: Internet). 
Ngày 4 tháng 6 2016 vừa qua, công chúng yêu mến môn quyền anh đã chứng kiến sự ra đi của huyền thoại Muhammad Ali ở tuổi 74 do căn bệnh hô hấp và chứng Parkinson. Trong sự nghiệp thể thao đỉnh cao của mình, Muhammad Ali đã thi đấu 61 trận trong 21 năm thi đấu chuyên nghiệp; trong đó với 56 trận thắng (có 37 trận đánh đối thủ đo ván), 3 lần đoạt chức Vô địch Quyền Anh hạng nặng, 1 Đoạt Huy chương vàng Thế vận hội và 31 trận thắng liên tiếp. 
Sự ra đi của Muhammad Ali đã khiến không ít người cảm thấy đường đột và hụt hẫng; và do với những tình cảm đặc biệt với huyền thoại quyền anh mới quá cố này nên dù rất bận bịu hai ứng cử viên trong cuộc đua vào vị trí Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump vẫn không quên dành những lời ngợi khen tới Muhammad Ali. Bà Hillary Clinton nói rằng: "Muhammad Ali là người quả cảm trong trường đấu, nguồn cảm hứng cho giới trẻ, đầy tình thương với những người cần giúp đỡ và mạnh mẽ, hài nước trước những thách thức về sức khỏe của chính mình". Còn Donald Trump thì cho đó là "nhà vô địch thực sự vĩ đại và một con người tuyệt vời. Tất cả mọi người sẽ thương nhớ ông!". 
Tuy nhiên, có một số điều về người đàn ông quá cố này mà chưa hẳn tất cả chúng ta đều biết. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, mặc dù thành công trong việc bảo vệ danh hiệu trong cuộc đấu với một vận động viên quyền anh tên tuổi khác là Zora Folley nhưng với lí do từ chối gia nhập quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, Muhammad Ali đã bị tước danh hiệu của mình. 
Và ngờ rằng, sự can thiệp của giới chức tại Mỹ có thể khuất phục và buộc Muhammad Ali im lặng nếu không muốn chấm dứt sự nghiệp đang lên thì để đáp trả lại quyết định có phần hi hữu và phi thể thao này, Muhammad Ali quyết định dừng thi đấu đỉnh cao đến 03 năm thay vì tiếp tục theo đuổi sự nghiệp. Đây có thể xem là hành động có tính tẩy chay của ông với cách đối xử thiếu tinh thần thể thao của giới chức Mỹ. Chưa hết, thay vì im lặng để nhàn thân và tránh việc bị giới chức trong nước làm khó, tiếp đó, Muhammad Ali còn khiến không ít người phải bất ngờ khi công khai phỉ báng cuộc chiến của quân đội Mỹ với những câu nói nổi tiếng: "Tôi không cãi nhau với Cộng Sản ... không Cộng Sản nào gọi tôi là "mọi đen" cả" hay "Tại sao tôi phải đi 10 nghìn dặm để thả bom lên đầu những người Việt Nam vô tội trong khi ở Mỹ còn nhiều người da đen bị đối xử tệ bạc...". 
Có thể với nhiều người Mỹ hôm nay, họ sẽ không quá lạ lẫm trước những phát ngôn như thế bởi người Mỹ hôm nay đã hiểu hơn, hiểu đúng về những gì họ đã gây ra trong quá khứ, trong đó có với Việt Nam. Song, chúng ta đừng quên rằng, ở thời điểm đó không có quá nhiều người Mỹ như Muhammad Ali dám đưa ra những câu phát biểu kiểu thế. 
Cái lí và cũng là cứu cánh để Muhammad Ali dám nói bởi ông suy ra từ việc nước Mỹ luôn tự cho rằng mình là nơi khởi phát các giá trị có tính quốc tế, phổ cập (dân chủ, nhân quyền) thì cái trách nhiệm lớn nhất của một người công dân là trung thành với Tổ quốc tất nhiên sẽ không được coi trọng hàng đầu. 
Ngoài ra, mặc dù là một người nổi tiếng, được nhân loại biết tới song cũng giống như những người da đen khác sinh sống trên đất Mỹ, Muhammad Ali đã từng bị kỳ thị, bị xem là "mọi đen" từ những người da trắng. Và không hiểu có phải xuất phát từ điều này không nhưng cùng với việc tiếp tục ghi dấu những trận thắng vang dội trước những đối thủ nặng ký trong bộ môn quyền anh, không biết từ bao giờ Muhammad Ali tự xác lập cho mình cái sứ mệnh đấu tranh giành lại quyền sống, quyền được tôn trọng của người da đen trong mối tương quan với những người Mỹ còn lại. Ông sẽ không chọn nghĩa vụ "trung thành với Tổ quốc" khi chừng nào "ở Mỹ còn nhiều người da đen bị đối xử tệ bạc...". Câu phát biểu của ông vì thế đã vượt qua khỏi những mâu thuẫn giữa cá nhân mình với giới chức tại Mỹ xung quanh câu chuyện từ chối gia nhập quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam để tiến tới một vấn đề mà chúng ta vẫn hay gọi là đấu tranh giai cấp. 
***
Với sự nổi tiếng của bản thân, sau khi giải nghệ thi đấu thể thao đỉnh cao, Muhammad Ali đã thường xuyên công du nhiều quốc gia trên thế giới với vai trò là đại sứ thiện chí hòa bình hoặc đại diện cho một tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực từ thiện, nhân đạo. Điều đáng nói là một số tổ chức này thực chất là các cơ quan tình báo, tâm lý chiến mà một số quốc gia, trong đó có Mỹ thiết lập nên để nhắm vào những mục tiêu họ muốn phá hoại; việc sử dụng một huyền thoại thể thao có tiếng tăm cũng chính là cách mà các tổ chức này đánh lạc hướng sự kiểm soát cũng như thái độ cảnh giác của giới chức các nước họ tới. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều duy nhất họ có thể thực hiện với hình ảnh và uy tín của ông. 
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối sau sự ra đi của Muhammad Ali vì thế không chỉ bởi ông là một huyền thoại quyền anh mà tin chắc rằng còn rất lâu nữa mới xuất hiện người vượt qua ông. Nhưng quan trọng hơn hết thảy, đó là sự ra đi của một tư tưởng lớn, một tư tưởng vượt thời đại (đấu tranh cho quyền sống của người da đen) và một thái độ không chịu khuất phục trước cường quyền! 

No comments: