2016/06/24

CỐ NGĂN CẢN PCA RA PHÁN QUYẾT, TRUNG QUỐC CHUỐC KHÓ

Đỗ Thiện


(PL)- Trung Quốc đưa ra nhiều “chiêu bài” phổ biến hòng ngăn cản PCA thực hiện quá trình tố tụng và đưa ra phán quyết nhưng điều đó càng đưa họ vào thế khó.

Tờ Manila Times đưa tin Philippines sẽ biết phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào ngày 7-7 tới đây. Tướng hai sao người Pháp Daniel Schaeffer (chuyên gia nghiên cứu xung đột biển Đông) dự báo phán quyết của PCA sẽ gián tiếp phủ nhận yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc (TQ). Trong khi đó, nhà nghiên cứu Jeremy Lagelee (khoa Luật, ĐH Georgetown (Mỹ)), cho rằng TQ chỉ đang tìm cách phá bỏ quy trình tố tụng đi đến phán quyết của PCA.

Gián tiếp phủ nhận “đường chín đoạn”

. Phóng viên: Cho đến thời điểm này, đa số các dự báo về phán quyết sắp tới của PCA cho rằng TQ sẽ gặp nhiều bất lợi dù rằng PCA sẽ không trực tiếp đề cập đến tính bất hợp pháp của yêu sách “đường chín đoạn”. Quan điểm của hai ông như thế nào?

+ Ông Jeremy Lagelee: Như đã kết luận hồi tháng 9 năm ngoái, PCA tới đây sẽ không phân định chủ quyền của một số thực thể trên biển được Philippines đề xuất, đồng thời cũng không trực tiếp đề cập yêu sách “đường chín đoạn” nhưng PCA sẽ quyết định quy chế vùng biển của những thực thể này. Rất có thể tòa sẽ kết luận tất cả thực thể (mà TQ đang chiếm giữ trái phép, phía Philippines khởi kiện - PV) không đủ điều kiện được hưởng EEZ hay thềm lục địa.

+ Tướng Daniel Schaeffer: Dù không trực tiếp đề cập hay phán quyết về “đường chín đoạn” mà phía TQ tuyên bố nhưng tôi tin rằng phán quyết của PCA (về tính năng các thực thể tranh chấp) sẽ có ý nghĩa gián tiếp phủ nhận yêu sách vô lý này, bởi thực tế nó bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và cả Việt Nam, Indonesia, Malaysia và cả Brunei. Sự tồn tại của “đường chín đoạn” sẽ “đầu độc” sự sống của tất cả quốc gia giáp biển Đông (ngoại trừ TQ), đồng thời đe dọa tự do hàng hải lẫn tự do trên vùng trời.

Chống cũng vô ích

. Một số chuyên gia TQ thay nhau lên tiếng công kích rằng PCA không công bằng và TQ có lý do để bác bỏ phán quyết từ PCA. Họ lý giải Điều 27 và Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không thể được sử dụng như một cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Hiểu và vận dụng UNCLOS như vậy là đúng hay sai, thưa hai vị?

+ Tướng Daniel Schaeffer: Hiểu như vậy là hoàn toàn sai. Ở đây PCA không phán quyết về vấn đề lãnh thổ. Philippines yêu cầu tòa kết luận về bản chất của một số thực thể trên biển (là đá, bãi nửa chìm nửa nổi, hay đảo,... - PV) và tòa đồng ý. Điều này dẫn đến việc xác định quy chế vùng biển mà các thực thể được hưởng chứ không cùng nghĩa với việc khẳng định ai có chủ quyền với các thực thể này (như lập luận của phía TQ nói ở trên). Trường hợp này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của PCA.

+ Ông Jeremy Lagelee: Tôi cũng đồng tình cho rằng lập luận của phía TQ như vậy là sai. Thứ nhất, việc áp dụng UNCLOS nằm trong phạm vi các quy định giải quyết tranh chấp, vì thế quy chế vùng biển của các thực thể ở biển Đông có thể được (PCA) quyết định là hoàn toàn hợp pháp. Thứ hai, phán quyết của tòa về tính thẩm quyền của PCA với vụ kiện đã được cân nhắc rất kỹ. Các trọng tài viên ngay từ đầu đã rất thận trọng khi đưa ra cơ sở pháp lý phân biệt tính độc lập hay khác biệt giữa việc “xác định bản chất” đối với các thực thể ở biển Đông (mà PCA chấp nhận giải quyết - PV) và việc “xác định chủ quyền” của chúng (mà PCA từ chối giải quyết - PV).

Quá trình này PCA được hỗ trợ từ các án lệ của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Hơn nữa tòa đã xử lý từng vấn đề của vụ kiện một cách hoàn toàn độc lập và khách quan, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự cân nhắc mang tính chính trị hay chiến lược nào. Lập luận phía TQ là hoàn toàn vô ích và không gây ảnh hưởng vì tòa đã chuyển sang giai đoạn đưa ra phán quyết.


Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, cải tạo các thực thể chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Ảnh: EPA

Tòa đã cho TQ cơ hội lên tiếng dù vắng mặt

. Quá trình thụ lý vụ kiện và giải quyết vụ kiện diễn ra mà vắng mặt TQ nên phía TQ cho rằng PCA đơn phương thụ lý và giải quyết vụ kiện. PCA đã thể hiện chức trách và nghĩa vụ hợp pháp của mình với các bên liên quan, trong đó có TQ như thế nào?

+ Tướng Daniel Schaeffer: PCA tuân theo một quy trình tố tụng vô cùng nghiêm ngặt; tập trung cao độ vào thẩm quyền của cơ quan này; hoàn toàn dựa vào những quy định của UNCLOS. Ngoài ra, PCA cũng xem xét thận trọng các tài liệu liên quan đến lợi ích của phía TQ, mời TQ tham gia trong suốt quá trình thụ lý vụ án. Mọi thứ đều minh bạch rõ ràng thông qua chín thông cáo báo chí được đăng trên website của PCA.

+ Ông Jeremy Lagelee: Việc chấp thuận thẩm quyền của PCA đã được quy định rõ trong UNCLOS (mà TQ đã phê chuẩn). Thế nên không thể nói PCA tiến hành tố tụng đơn phương. PCA còn cho TQ cơ hội tham gia vào quá trình tố tụng, đó là để TQ (gián tiếp) công bố các quan điểm pháp lý rất dài (về thẩm quyền giải quyết vụ kiện - PV). Tòa không quên giải quyết các lập luận này từ phía TQ. Mặt khác, PCA không hề đồng ý giải quyết tất cả yêu cầu từ phía Philippines (như lập luận của nhiều chuyên gia TQ). Tòa đã không vội vàng đưa ra phán quyết về nội dung vụ kiện mà trước hết xác định thẩm quyền của tòa (dựa trên UNCLOS). Dựa theo đó, tòa chỉ chấp nhận giải quyết bảy trong số 15 yêu cầu từ phía Philippines.

Mở đường cho tuần tra tự do hàng hải

. Dự báo phán quyết của PCA sẽ dẫn đến những tác động nào đến các bên trong bối cảnh hiện tại?

+ Tướng Daniel Schaeffer: Quá trình tiến hành tố tụng và đưa ra phán quyết của PCA là hoàn toàn hợp pháp và đúng với tinh thần UNCLOS 1982. Phán quyết của tòa về quy chế vùng biển của các thực thể trên vùng biển tranh chấp dù không trực tiếp khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” là vô lý nhưng cũng giúp các quốc gia liên quan khu vực biển Đông có thể được xác nhận phạm vi quốc tế về quyền tự do hàng hải của họ (đối với khu vực biển xung quanh các thực thể bị TQ chiếm giữ - PV).

+ Ông Jeremy Lagelee: Phán quyết của tòa sẽ tác động nhiều bên liên quan đến tranh chấp biển Đông. Thứ nhất, TQ rất có thể sẽ không tuân theo bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc bồi lấp và “cải tạo” các thực thể tại biển Đông. Tuy nhiên, những hành động này của TQ sẽ gia tăng sự “trái chiều” đối với luật quốc tế một khi phán quyết của tòa đã có.

Phán quyết dự báo cũng sẽ làm suy yếu trầm trọng các tuyên bố về quy chế vùng biển của Bắc Kinh. Ngoài ra còn tác động đến bên thứ ba, điển hình như việc Nhật Bản đã có tín hiệu cho thấy nước này sẵn sàng đưa TQ ra tòa trọng tài khi cần thiết.

Phán quyết có lợi cho Philippines chắc chắn sẽ là động lực để các bên thứ ba cân nhắc thực hiện các hành động tương tự hoặc chí ít thì họ cũng có lý do để ứng xử quyết đoán hơn trước TQ.

Cuối cùng, “các cuộc tuần tra tự do hàng hải” (FONOPs) của Mỹ tại biển Đông như trước đây lại càng danh chính ngôn thuận. Đây là động lực để Mỹ tăng cường sự hiện diện của mình và hỗ trợ mạnh mẽ cho các đồng minh, các đối tác trong khu vực. Suy cho cùng, TQ sẽ phải mất uy tín đáng kể và buộc đối mặt phán quyết của tòa.

PCA không cấm TQ giải quyết bằng đối thoại

Phía TQ cho rằng việc TQ kêu gọi bãi bỏ sự can thiệp của PCA, thay vào đó giải quyết tranh chấp bằng nguyên tắc tham vấn và hòa giải vốn đã được ASEAN chấp thuận đã không được PCA đồng ý. Tôi khẳng định là PCA không ngăn cản các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp dựa trên các nguyên tắc hòa bình khác.

Tương tự như vậy, bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình nào khác cũng không thể ngăn cản PCA tham gia giải quyết các vụ kiện như vụ Philippines. Lập luận của phía TQ cho rằng Philippines bắt buộc chỉ được theo đuổi các đàm phán song phương (với TQ) cũng đã được PCA xem xét và bác bỏ. Lý do là vì Philippines đã tiến hành đàm phán với tâm thế tích cực đối với TQ trong suốt 20 năm nhưng kết quả đã không thành công (nên mới đề nghị thành lập tòa trọng tài). Đây chính là trường hợp được quy định rất cụ thể trong Phụ lục VII. Nghĩa là sau khi các cuộc đàm phán song phương đều không có kết quả như mong muốn thì bây giờ Philippines hoàn toàn có quyền đưa vụ việc ra tòa trọng tài.

GS-TS JAMES KRASKA, chuyên gia chính sách và luật biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ

No comments: